22% người trẻ thuộc thế hệ Millennials cho biết họ không hề có bạn
Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, là những người sinh ra từ năm 1980 đến 1998. Vào năm nay, các thành viên của thế hệ này đã từ 23 đến 38 tuổi. Đây là khoảng thời gian họ bắt đầu khởi nghiệp cũng như xây dựng gia đình. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, đa số những người trẻ này đều thiếu đi một yếu tố vô cùng quan trọng: sự đồng hành.
Một khảo sát gần đây từ tổ chức khảo sát và nghiên cứu thị trường YouGov chỉ ra rằng có đến 30% các thành viên của thế hệ Millennials cảm thấy cô đơn. Đây là thế hệ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tất các đối tượng được khảo sát.
Hơn nữa, 22% thành viên thuộc thế hệ Y trong cuộc khảo sát cho biết họ không hề có bạn bè, 27% không có bạn thân, 30% không có bạn thân nhất và 25% không hề có người quen. (Người quen ở đây được hiểu theo nghĩa là người bạn có gặp gỡ vài lần)
Trong khi đó, chỉ có 16% các thành viên thuộc thế hệ X (Những người được sinh ra từ giữa đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1980) và 9% các thành viên sinh vào thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh - Baby boomer (1946-1964) chia sẻ rằng họ không hề có bạn.
Cuộc thăm dò được thực hiện trên 1.254 người từ 18 tuổi trở lên và không bao gồm các đối tượng thuộc thế hệ Z (Những người có mức độ cô đơn còn cao hơn cả thế hệ Y trong các cuộc khảo sát khác) cũng như những người lớn tuổi hơn các đối tượng vừa nêu phía trên.
Có một điều đáng lưu ý là sự cô đơn có xu hướng tăng lên rõ rệt sau 75 tuổi. Sự cô lập xã hội ở người cao tuổi vẫn là một trong những vấn đề nghiệm trọng và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi thế hệ "baby boomer" già đi. Vì vậy, suy cho cùng, có thể thế hệ Millennials không phải là những người cô đơn nhất.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn vô cũng bất ngờ. Tại sao có đến hơn 1/5 số lượng người trẻ trong độ tuổi từ 20 - 30 lại cảm thấy thiếu thốn tình bạn đến vậy?!
Nếu thế hệ này thực sự cảm thấy cô đơn nhiều hơn các thế hệ khác, thì điều đó dẫn đến một số mối quan ngại đáng báo động. Nghiên cứu cho thấy sự cô đơn có xu hướng gia tăng khi chúng ta già đi. Vậy điều gì sẽ xảy ra với thế hệ Millennials, những người đã và đang cảm thấy cô đơn ở mức độ cao, khi họ già đi?
Điều đó cũng dẫn đến câu hỏi là liệu rằng tất cả những người cảm thấy cô đơn (bao gồm cả thế hệ Milennials) có thấy bị cô lập hơn khi dành nhiều thời gian trên internet hay không? (Dù có nhiều bằng chứng cho thấy internet có thể giúp những người cô đơn và cảm thấy bị cô lập kết nối với người khác.)
Trong khi nghiên cứu trên cho thấy có thể điều gì đó đặc biệt đang xảy ra với thế hệ Y, thì mặt khác, có lẽ cô đơn chỉ là một hiện tượng đến rồi đi trong cuộc đời mỗi con người. Một nghiên cứu tổng hợp năm vào năm 1990 trên 25.000 người cho thấy con người cảm thấy cô đơn nhất vào những năm tháng tuổi trẻ. Cảm giác này giảm xuống khi họ bước vào tuổi trung niên và tăng lên không đáng kể khi tuổi già ập đến.
Vì vậy, điều này có thể chỉ là một chu kỳ và không có gì mới lạ. Nhiều người trưởng thành ở độ tuổi 30 cảm thấy việc xây dựng các mối quan hệ bạn bè mới ngày càng trở nên khó hơn khi họ dần già đi. Bạn bè chuyển đi nơi khác, còn họ bị ràng buộc bởi gia đình và công việc. Các kế hoạch tái liên lạc thì liên tục bị hoãn lại do vòng xoáy công việc.
Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu người Đức đã chỉ ra rằng trong 16.000 người mà họ đã nghiên cứu, các đối tượng cảm thấy cô đơn tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 30, 50 và 80.
Nhà tâm lý học Maike Luhmann tại đại học Ruhr-Universität Bochum cho biết: "Chúng tôi không rõ lý do cụ thể. Hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung vào đối tượng người lớn tuổi. Vì mức độ cô đơn trong độ tuổi này rất cao.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã bỏ qua sự thật rằng người ta có thể cảm thấy cô đơn vào mọi lúc. Và điều này vô cùng quan trọng, vì sự cô đơn rất có hại cho sức khỏe."
Cô đơn làm gia tăng khả năng cao huyết áp cũng như nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một nghiên cứu tổng hợp vào năm 2015 từ 70 nghiên cứu nhỏ cho thấy những người cảm thấy cô đơn có khả năng tử vong cao hơn 26% so với người bình thường. (Con số này với các trường hợp bị trầm cảm và lo lắng là 21%) Có nhiều bằng chứng cho thấy sự cô đơn triền miên có thể dẫn đến bốc hỏa, một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim và ung thư.
Ở một mức độ nào đó, con người vẫn cần cảm thấy áp lực và cô đơn để nhắc nhở chúng ta về tính thiết yếu của sự kết nối với người khác. Bên cạnh đó, sự cô đơn không đồng nghĩa với việc có ít bạn. Đó là sự ngộ nhận có thể ảnh hưởng xấu đến chúng ta. Mỗi người đều có thể tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc cùng những mối quan hệ lành mạnh mà không cần quá nhiều người thân thiết.
Miễn chúng ta vẫn có thể làm những gì chúng ta nên làm là kết nối với ai đó, thì sự cô đơn vẫn là một điều tốt. Nó chỉ ảnh hưởng xấu khi chúng ta chịu đựng xuyên suốt trong một khoảng thời gian dài. Đó là lúc mà sức khỏe của bạn chịu ảnh hưởng. Khi bạn trong trạng thái cô đơn càng lâu, việc kết nối với người khác càng trở nên khó khăn hơn. - Cô Luhmann cho biết thêm.
- 0
- 0Bình luận