Thanh gươm lưỡi ngược của Rurouni Kenshin đã xuất hiện ngoài đời thật
Sakabato là một thanh kiếm Nhật đặc biệt khi phần lưỡi bén lại được chế tác trên sống kiếm thuộc sở hữu của Himura Kenshin, kiếm sĩ lấy hiệu là "Hitokiri Battōsai" trong manga và anime nổi tiếng Rurouni Kenshin.
Biệt danh này có hàm ý rằng anh đã luyện được tuyệt kỹ Battōjutsu ("kỹ thuật bạt đao", thời nay được là môn học có tên Iaido - Cư Hợp Đạo) giúp người dùng rút kiếm ra với tốc độ nhanh như chớp.
Những nghệ nhân chuyên rèn kiếm ở làng nghề truyền thống Meijimura (tức Minh Trị Thôn, được thành lập từ năm 1868) thuộc địa phận Inuyama, tỉnh Aichi, Nhật Bản đã nỗ lực để hiện thực hóa thanh gươm thần bí này.
Thanh gươm mà các bạn thấy trong ảnh hoàn toàn được rèn bằng phương pháp thủ công truyền thống, kỹ thuật này là bí truyền, kế thừa rất hạn chế trong một gia tộc hoặc thông qua quan hệ sư phụ - đồ đệ, không bao giờ để lộ ra cho người ngoài.
Thanh Sakabato được rèn bởi thợ rèn, nghệ nhân Kanekuni Ogawa của làng nghề Meijimura, không chỉ thanh gươm là một bảo vật vô giá mà chính bản thân Ogawa được chính phủ Nhật xem là di "sản văn hóa sống" của nước Nhật, vì những người thợ rèn siêu việt như ông đang dần mất đi trong thời buổi hiện đại.
Kanekuni Ogawa rèn Sakabato tại thành phố Seki, địa danh nổi tiếng sản xuất ra dao và kiếm tốt nhất Nhật Bản.
Để có thể rèn được Sakabato là một nhiệm vụ không hề đơn giản, vì chưa hề có hình mẫu 3D nào hay bản vẽ kỹ thuật nào về thanh gươm này từng tồn tại. Trong manga hay anime, hình ảnh chỉ mang tính tương đối, tượng trưng.
Thợ rèn Ogawa đã phải tự mày mò nghiên cứu, vì lưỡi bén Sakabato nằm ở phần sống kiếm nên quy trình chế tác và mài giũa cũng trái ngược và khó khăn hơn rất nhiều so với khi rèn một thanh gươm thông thường.
Không đơn thuần là cần sự sáng tạo, muốn rèn được Sakabato, người thợ rèn cũng cần phải có kinh nghiệm trong kĩ thuật rèn kiếm chuyên biệt Kitaeru (một truyền thống lâu đời được người Nhật coi trọng và bảo tồn, vì thanh kiếm không phải chỉ là một món khí giới mà còn tượng trưng cho tinh thần cao thượng của võ sĩ đạo) vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong quá trình rèn, phôi thép sẽ hỏng và trở thành đống sắt vụn.
Sau khi rèn xong, khâu khó khăn nhất chính là mài kiếm và đánh bóng, thực hiện thao tác này với Sakabato rất không thuận tay vì lưỡi kiếm ở phía đối nghịch. Mặc dù vậy, để có được độ bén và độ bóng như trong hình, Owaga phải mài và đánh bóng bề mặt qua 13 giai đoạn, dùng 13 loại đá mài khác nhau và 13 động tác khác nhau và mất trung bình khoảng 120 giờ công lao động.
Những hoa văn uốn lượn trên bề mặt lưỡi kiếm gọi là hamon, chính là thứ độc nhất của mỗi thanh kiếm được chế tác thủ công. Mỗi thanh kiếm sẽ có hoa văn khác nhau, không thanh nào giống thanh nào, tương tự như mỗi người sẽ có vân tay khác nhau. Chính vì vậy mà người Nhật cho rằng thanh gươm được rèn thủ công cũng mang tinh thần và linh hồn của riêng nó, là một tạo vật độc nhất vô nhị.
Sakabato không có cán kiếm, nghệ nhân Ogawa đã cố ý chỉ làm lưỡi kiếm, để trống phần cán để khắc những câu thơ của nhân vật thợ rèn Arai Shakku - người đã rèn nên Sakabato trong truyện Rurouni Kenshin.
Có một điều thú vị là nghệ nhân Kanekuni Ogawa chưa từng xem qua truyện Rurouni Kenshin, ông làm điều này chỉ vì niềm đam mê và sự hứng thú. Thanh gươm Sakabato trong đời thực này cũng không phải để bán, nó sẽ mãi là một vật vô giá chỉ phục vụ cho mục đích trưng bày.
Hiện tại, Sakabato đang được đặt trong lồng kính ở triển lãm Rurouni Kenshin thuộc khu phức hợp dịch vụ du lịch thuộc làng nghề Meijimura ở Aichi, Nhật Bản. Thanh gươm sẽ được trưng bày đến hết 15 tháng 12 năm 2019.
- 0
- 0Bình luận