Các từ vựng độc đáo chỉ dành riêng cho hội mê sách
Bắt đầu với những từ đầu tiên có nguồn gốc từ Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX, tiếp nối bằng những sáng tạo của các nhà thơ, học giả cũng như người yêu sách hiện đại (cộng thêm một vài đóng góp từ các người dùng trang từ điển Urban Dictionary), các thuật ngữ trong danh sách này được đảm bảo sẽ nâng cấp ngân hàng ngôn ngữ của các tín đồ hội mê sách.
Dưới đây là 30 từ mà chắc hẳn mọi con mọt sách đều sẽ muốn tích hợp vào vốn từ vựng hàng ngày của mình - hoặc ít nhất là áp dụng vào một vài cuộc trò chuyện tại các câu lạc bộ sách hàng tuần.
1. Abibliophobia
Nếu bạn đang đọc đi đọc lại những cuốn sách mà bạn đã "xử" xong, rất có thể bạn đang mắc phải hội chứng "abibliophobia" - hội chứng sợ hãi việc không còn gì để đọc.
2. Angsticipation
Được sử dụng lần đầu vào năm 2014, "angsticipation" là từ dùng để chỉ cảm giác của bạn khi vừa hoàn tất quyển sách mới nhất trong một loạt truyện với kết thúc vô cùng đột ngột, mà cuốn sách tiếp theo thì vẫn chưa biết khi nào mới xuất bản.
3. Ballycumber
"Ballycumber" là danh từ chỉ một phần sáu số sách đã đọc đang nằm trên giường của bạn. Tác giả Douglas Adams là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ thú vị này trong tác phẩm The Meaning of Liff (1983).
4. Bibliobibuli
"Bibliobibuli" có nghĩa là những người đọc quá nhiều. Nhà văn trào phúng H. L. Mencken là người tạo ra thuật ngữ này vào năm 1957 bằng cách pha trộn 2 từ latin của "sách" và "uống".
Ông đã viết: "Có một số người đọc quá nhiều: bibliobibuli. Tôi biết vài người luôn say sưa với các quyển sách, giống như mấy người say rượu whiskey hay các con chiên ngoan đạo."
5. Biblioklept
Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1881 bởi tác giả Andrew Lang trong tác phẩm The Library, "biblioklept" là danh từ dành riêng để chỉ những kẻ trộm sách.
Nói một cách gần gũi, "biblioklept" chính là một số người mà bạn cho mượn sách nhưng không bao giờ nhớ trả lại cho bạn.
6. Bibliophagist
Một từ khác cũng được tạo ra bởi nhà văn Andrew Lang vào năm 1881 là "bibliophagist". Nó có nghĩa là những người yêu thích việc đọc sách, hoặc hiểu theo một nghĩa gần gũi hơn, là những đứa hay ngấu nghiến sách.
7. Bibliosmia
"Bibliosmia" được hiểu là hành động ngửi sách, đặc biệt là những cuốn sách cũ. Tác giả Oliver Tearle sử dụng động từ này lần đầu tiên vào năm 2014 trong một bài báo cho trang HuffPost.
8. Bibliotaph
Nếu bạn đã chán ngấy việc mấy cuốn sách cứ bị mất hay bị mượn hoài không trả, hãy thử trở thành một "bibliotaph" - người tích trữ hoặc giấu sách của họ.
9. Bibliothetic
"Bibliothetic" là tính từ chỉ sự sắp xếp sách theo một thứ tự nhất định (màu sắc, thứ tự bảng chữ cái, thể loại,...). Thuật ngữ này bắt nguồn từ một từ gốc Hy Lạp có nghĩa là "sắp đặt" hay "sắp xếp".
10. Bookarazzi
"Bookarazzi" là các con nghiện sách có thêm sở thích chụp ảnh những tác phẩm mình đã đọc và đăng chúng lên mạng. Từ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2013 bởi người dùng readingthelines của trang từ điển Urban Dictionary.
11. Book-bosomed
Bạn có phải là một người luôn mang theo sách bên mình trong mọi hoàn cảnh? Nếu có, thì "book-bosomed" là tính từ dành cho bạn đó.
Tiểu thuyết gia, nhà thơ người Scotland Walter Scott là người sử dụng tính từ này lần đầu tiên vào năm 1908 trong tác phẩm The Lay of the Last Minstrel.
12. Bookklempt
Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014, "bookklempt" là tính từ để chỉ trạng thái cảm xúc sau khi đã đọc xong một loạt truyện mà bạn vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để bắt đầu một loạt truyện khác.
13. Cinereader
"Cinereader" là những người đọc sách không phải dựa trên sở thích hay óc tò mò. Thay vào đó, thói quen đọc sách của họ phụ thuộc vào lịch chiếu phim ở thời điểm hiện tại. Họ sẽ không bao giờ xem một bộ phim cho đến khi giải quyết hết cuốn sách là nguyên tác của bộ phim đó.
Điều thú vị là các "cinereader" hiếm khi nào tới rạp chiếu bóng và có hẳn một danh sách cần đọc dài dằng dặc bao gồm những cuốn sách đã chuyển thể thành phim.
14. Dampstain
"Dampstain" là danh từ dành riêng cho những vết ố trên sách do tiếp xúc với nước.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ quyển sách What Bookdealers Really Mean: A Dictionary của hai tác giả Tom Congalton và Dan Gregory.
15. Déjà-lu
Déjà-lu là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Pháp và có họ hàng thân thiết với déjà-vu. Đó là cảm giác khó chịu khi mà bạn nghĩ rằng mình đã đọc qua những gì mà bạn đang đọc.
16. Elucubration
"Elucubration" dùng để chỉ việc học hoặc đọc dưới ánh nến. Từ này còn có nghĩa là sử dụng ánh sáng nhân tạo để đọc vào ban đêm. Nếu bạn là một người như vậy, thì Shakespeare còn có một tên gọi khác dành cho bạn - người phí phạm ánh nến.
17. Epeolatry
Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1860 bởi tác giả Oliver Wendell Holmes Senior trong tác phẩm The Professor at the Breakfast Table, "epeolatry" có nghĩa là người tôn sùng từ ngữ.
18. Helluo liborum
"Helluo liborum" là một thuật ngữ Latin để chỉ những con mọt sách chân chính. Theo nghĩa đen, cụm từ này có nghĩa là "người háu ăn sách".
19. Lectory
Có nguồn gốc từ tận thế kỷ XIV, "lectory" nghĩa là nơi để đọc. Đó là nơi mà bạn được một mình để tận hưởng những cuốn sách trong yên tĩnh và thanh bình.
20. Librocubicultarist
"Librocubicultarist" là từ dùng để chỉ các thành phần luôn đọc sách trên giường. Từ này được sử dụng lần đầu tiên trong một bản thông báo của Hiệp hôi Nha khoa Chicago vào năm 1984.
21. Logophile
Bạn có phải là một người yêu thích từ ngữ không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn chính là một "logophile" đấy.
22. Nooked
"Nooked" là động từ dùng để chỉ sự thay đổi trong suy nghĩ của bạn về hội ưa chuộng sách điện tử. Thay vì nghĩ rằng họ là hậu duệ của bọn ác quỷ chuyên đốt sách, bạn dần nhận ra rằng nhóm người này cũng khá dễ thương và có một cách cảm thụ văn chương hoàn toàn chính đáng.
23. Omnilegent
"Omnilegent" là tính từ dùng cho những người đã đọc hết tất cả mọi thứ, hay chính là các quý ngài và quý cô "biết tuốt".
Từ này được dùng vào khoảng thời gian 1845 – 1933 bởi nhà văn, sử gia văn chương, học giả kiêm nhà phê bình George Edward Bateman Saintsbury.
Có nguồn gốc từ tiếng Latin, "omnilegent" cũng có nghĩa là có thể đọc ngấu nghiến tất cả mọi thứ.
24. Readgret
"Readgret" dùng để chỉ cảm giác giận giữ hay buồn bực khi trì hoãn việc đọc một cuốn sách mà lẽ ra bạn phải đọc nó từ lâu.
25. Reading copy
"Reading copy" là một quyển sách vẫn có đầy đủ nội dung nhưng đã bị hư hỏng khá nặng và thường dùng cho mục đích đọc hơn là sưu tầm.
"Reading copy" bắt nguồn từ tác phẩm What Bookdealers Really Mean: A Dictionary của Tom Congalton và Dan Gregory.
26. Scrollmate
Được sử dụng bởi Anwesha Maiti trên trang Storypick.com vào năm 2015, "scrollmate" chỉ những tác giả mà người đọc vô cùng đồng cảm với họ.
27. Shelfrighteous
"Shelfrighteous" chính là cảm giác ngưỡng mộ dành cho kệ sách của một ai đó. Từ này được tìm thấy vào năm 2015 trên trang Storypick.com.
28. Smellbound
"Smellbound" liên quan đến một thuật ngữ khác đã đề cập phía trên là "bibliosmia". Nó có nghĩa là bị quyến rũ bởi mùi hương của sách.
29. Stall-learning
"Stall-literature" (Tạm dịch: văn học "chợ") là từ mà Thomas Carlyle’s dùng để chỉ các tác phẩm văn học chất lượng thấp trên những kệ bán sách ở chợ vào thế kỷ XIX.
Tương tự như vậy, nhà thơ Anh quốc Richard Leigh đã sáng tạo ra cụm từ "stall-learning" (hay còn gọi là "index-learning") để chỉ kiến thức giả tạo của những người chỉ đọc sách theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".
30. Tsundoku
Có nguồn gốc từ Nhật Bản (thời kỳ Minh Trị), "tsundoku" là từ dùng để chỉ hành động mua sách nhưng không đọc mà để thành chồng ở nhà.
- 0
- 0Bình luận