Tại sao các công tử nhà giàu Trung Quốc lại chi hàng nghìn đô để mua... đồ chơi?
Don Tang, một thanh niên 32 tuổi đang cư trú ở Thượng Hải, yêu quý những món đồ chơi của mình đến mức trưng bày chúng ở khắp nhà và văn phòng làm việc mà anh ta đang điều hành.
Tang tiết lộ rằng anh ta có rất nhiều đồ chơi (khoảng 100) và con số này đang tăng lên mọi lúc. Mỗi tháng anh dành 2.000 nhân dân tệ (280 đô la Mỹ) để mua các loại đồ chơi theo những xu hướng hot nhất, các phiên bản mới nhất hoặc mặt hàng dạng phiên bản giới hạn (limited edition) - từ các cửa hàng, shop trực tuyến hoặc tại các hội nghị đồ chơi ở Trung Quốc (China Toy Expo).
Nhưng đồ chơi không hề liên quan gì đến công việc của Tang - một CEO của công ty chuyên về sở hữu trí tuệ. Sưu tầm chúng đơn giản chỉ là một sở thích cá nhân của chàng trai 32 tuổi.
''Viên ngọc quý'' của bộ sưu tập là mô hình nhân vật hành động KAWS trị giá 6.000 nhân dân tệ được mua tại Tokyo, Nhật Bản.
Mỗi ngày đi làm về và ngắm nhìn bộ sưu tập đồ chơi của mình khiến tôi cảm thấy thư giãn hơn.
Có thể một số người cảm thấy bỏ một số tiền lớn như vậy chỉ để mua đồ chơi là không hợp lý nhưng thành thực mà nói nó thực sự gây nghiện và đây cũng là một cách để nâng cao tài năng thiết kế và tài nghệ thủ công của những người sản xuất món đồ chơi đó.
Cho dù là SpongeBob SquarePants, Hello Kitty hay Sesame Street thì mỗi món đều mang một bản sắc riêng biệt, đáng yêu và thể hiện một cá tính riêng.
Khi nhìn lại những đồ chơi mà bạn đã thu thập vào những thời điểm khác nhau, bạn sẽ nhận ra gu thẩm mỹ và sở thích của mình đã thay đổi như thế nào theo thời gian.
Tang cho hay sẽ anh không bao giờ bán bộ sưu tập quý giá của mình.
Ngạc nhiên thay, câu chuyện của CEO 32 tuổi không phải là trường hợp duy nhất. Doanh số bán đồ chơi và trò chơi ở Trung Quốc - nơi sản xuất 80% đồ chơi trên thế giới - từ 135 tỷ nhân dân tệ năm 2013 đã tăng vọt lên tới 324 tỷ nhân dân tệ năm 2018, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor. Sự phát triển doanh số một cách thần kì này cho thấy hàng nghìn người cùng chung sở thích với Tang đang sinh sống trên đất nước Trung Quốc.
Mighty Jaxx, một công ty theo phong cách urban culture (văn hóa đô thị hiện đại) có trụ sở tại Singapore chuyên thiết kế và sản xuất đồ sưu tầm và các sản phẩm mang phong cách sống là một trong số nhiều công ty được hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt này.
Jackson Aw, CEO 30 tuổi của công ty cho biết các khách hàng Trung Quốc chiếm 25% doanh thu dự kiến là 10 triệu đô la Singapore (7,21 triệu đô la Mỹ) đến năm 2019 - và tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 40% trong vài năm tới.
Bản thân là một nhà sưu tập đồ chơi chuyên nghiệp, Aw lần đầu tiên nghĩ ra ý tưởng biến sở thích của mình thành công việc hái ra tiền vào năm 2012. Anh mạo hiểm đến Thâm Quyến, Trung Quốc trong một tháng, gõ cửa các nhà máy chỉ để nhìn thoáng qua những quy trình sản xuất đồ chơi. Quy mô khổng lồ của nó đã khiến Aw bị sốc văn hóa.
Tôi đã nghĩ rằng chỉ có một cỗ máy ''phun'' ra các bộ phận và chỉ cần lắp ráp chúng với nhau. Nhưng có hàng trăm người in, vẽ tay, lắp ráp và sử dụng các kỹ năng khác nhau chỉ để sản xuất một món đồ chơi.
Chuyến đi này là sự khám phá và học hỏi vĩ đại nhất của chàng trai người Singapore. Sau đó anh đã thành lập công ty Mighty Jaxx từ phòng ngủ của mình với số vốn khởi nghiệp 20.000 đô la Singapore được vay từ ngân hàng thông qua cha mẹ.
Hiện nay, công ty của Aw đã hợp tác với các thương hiệu lớn như Warner Brothers, DC Comics, Cartoon Network, MTV và New Balance, vận chuyển hàng triệu sản phẩm cho các nhà sưu tập ở hơn 50 quốc gia. Công ty được biết đến nhiều với các nhân vật XXRAY hợp tác với nghệ sĩ Jason Freeny cùng các nhân vật trong Justice League như Batman, Superman và Wonder Woman.
Nhưng thị trường Trung Quốc không phải là nơi dễ thâm nhập vào. Aw đã gặp khó khăn trong việc làm quen với các chuẩn mực văn hóa và làm quen với các mô hình kinh doanh xa lạ. Tuy nhiên, cảm nhận được tiềm năng của Trung Quốc, Mighty Jaxx đã bắt tay vào việc hợp tác sáng tạo trên diện rộng để điều chỉnh các dịch vụ của mình cho thị trường Trung Quốc - từ việc tạo ra đồ chơi theo chủ đề âm dương, thần tiên và thần Hambuddha.
Công ty còn hợp tác với nghệ sĩ Trung Quốc Chen Wei (Cacooca) để phát triển bộ sưu tập Panda Ink mô tả một con gấu trúc với các hoạt động hàng ngày của nó.
Công ty cũng đã bắt tay với các nghệ sĩ tên tuổi như nhóm nhảy Kinjaz ở Los Angeles và ABS, một nhóm vẽ graffiti hàng đầu ở Quận Nghệ thuật 798 của Bắc Kinh. Sắp tới Mighty Jaxx sẽ có bộ sưu tập hợp tác với với ca sĩ Đài Loan Show Luo.
Khách hàng chính của họ là những người đàn ông có độ tuổi từ 20 đến 40 ở Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc Quảng Châu. Aw nói rằng những nhà sưu tập này rất chịu chi, có khả năng mua những món đồ giá từ 10 đến 2.000 đô la Mỹ. Đối với những khách hàng này, tiền không phải là vấn đề. Họ chỉ muốn mua chúng và thể hiện cá tính của mình thông qua đồ chơi.
Aw cho biết công ty đang có kế hoạch mở rộng từ mô hình kinh doanh hiện tại dựa trên việc bán trực tiếp cho các nhà sưu tập, đến các kênh phân phối thương mại điện tử như Taobao và Tmall vào cuối năm 2019.
Cuối cùng, anh hy vọng sẽ thành lập cửa hàng bán lẻ đầu tiên của hãng tại Thượng Hải, vì anh tin rằng tương lai nằm ở trải nghiệm thực tế của khách hàng.
Trung Quốc đã mở cửa thị trường rất rộng thời gian gần đây và chúng tôi hy vọng và hào hứng về những thành tựu mà chúng tôi có thể đạt được ở thị trường này.
- 0
- 0Bình luận