Điều gì sẽ xảy ra khi loài ong bị tuyệt chủng?
Thụ phấn là quá trình côn trùng chuyển những hạt phấn đến noãn, giúp cây trồng đơm hoa kết trái. Nếu tất cả loài ong bị tuyệt chủng, cân bằng sinh thái trên Trái Đất sẽ sụp đổ và ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn thực phẩm của thế giới.
Trong vùng lãnh thổ châu Âu tồn tại hơn 800 loài ong hoang dã, và bảy trong số đó đã bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào dạng cực kỳ nguy cấp. Ngoài ra, 46 loài khác thuộc dạng nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp, và 101 loài sắp bị đe dọa. Mất đi những loài ong đang bị đe dọa này cũng đồng nghĩa với sự diệt vong của vô số thực vật, trong số đó có những cây lương thực vô cùng quan trọng đối với nhân loại.
Không chỉ là ong, những loài côn trùng khác hỗ trợ thụ phấn cũng đang gặp nguy cơ diệt vong. Ong mật chỉ giúp thụ phấn khoảng 1/3 cây lương thực và một phần nhỏ những cây dại, còn lại là nhờ những loài khác như bướm, ong nghệ, và ruồi.
Một nghiên cứu gần đây cho biết có thể đến 40% loài côn trùng trên thế giới đang bị suy giảm. Côn trùng đang phải đối mặt với tốc độ diệt vong nhanh gấp 8 lần so với động vật có xuơng sống. Tại Đức, các nhà khoa học thống kê rằng đã mất đi 75% tổng số côn trùng tại những vùng được bảo tồn.
Những khuynh hướng này đưa các nhà nghiên cứu đến kết luận rằng khoảng 1/3 tổng số loài côn trùng - gần 2 triệu loài - trên thế giới đang bị đe dọa. Mỗi năm con số ấy lại tăng thêm đến hơn 100.000 loài. Tuy vậy, dữ liệu về những loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng vẫn còn hạn chế, chỉ có khoảng 8.000 tài liệu đã qua đánh giá của IUCN.
Hãy cùng Lost Bird điểm lại một số nguyên nhân được các nhà khoa học cho là dẫn đến sự giảm sút về loài và số lượng côn trùng trên thế giới.
Loài xâm lấn
Những loài săn mồi xâm lấn, ký sinh trùng và vi sinh vật gây bệnh dịch (thường được gọi là mầm bệnh) được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của những tổ ong mật trên thế giới.
Gần đây, sự xâm lấn của loài ong bắp cày châu Á khắp châu Âu là một mối nguy lớn đang được quan tâm. Món khoái khẩu của loài này là ong mật, và chỉ một con ong bắp cày thôi cũng đủ tiêu diệt cả một tổ ong mật.
Hơn nữa, cũng có bằng chứng khoa học cho thấy nhiều loài ong hoang dã tại Bắc Mỹ đang suy giảm dần do nhiễm nấm và vi khuẩn.
Trước đây thì loài ong cùng chung sống với những mầm bệnh này, nhưng giờ chúng đang chết dần vì bệnh dịch. Đây có thể là do hệ miễn dịch của chúng bị suy yếu khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Thuốc trừ sâu
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là do thuốc trừ sâu, là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây nên sự giảm sút của loài thụ phấn. Có ba loại thuốc hóa học thường được sử dụng trong nông nghệp: thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt nấm, và thuốc diệt cỏ.
Nhiều chất hóa học trong thuốc diệt côn trùng sẽ giết các loài thụ phấn, nhưng thực chất đây không phải là mối đe dọa lớn nhất. Thuốc diệt cỏ được sử dụng thường xuyên hơn gấp 5 lần thuốc diệt côn trùng, và chúng sẽ tiêu diệt cả những cây dại là nơi trú ẩn của loài ong.
Những mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường được khuyến khích trồng hoa dại bên bờ ruộng, nhằm tạo nơi trú ẩn và nguồn thức ăn cho những loài thụ phấn. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ vẫn có thể bị gió thổi đến những dải hoa dại này.
Các nghiên cứu cho rằng glyphosate (loại thuốc diệt cỏ thông dụng nhất) có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong dạ dày loài ong, từ đó gây hại đến sức khỏe của chúng.
Vì vậy những loại thuốc trừ sâu nói chung nên được hạn chế sử dụng để tránh tiêu diệt loài ong và những côn trùng có lợi khác.
Biến đổi khí hậu
Vài loài ong hoang dã chỉ có thể sống sót trong một khoảng nhiệt độ vô cùng hạn chế. Khi môi trường sống của chúng ấm dần lên thì những nơi chúng có thể sinh sống ngày càng bị thu hẹp lại. Một ví dụ là một số loài phải di dời đến những vùng cao mát mẻ để thoát cảnh diệt vong.
Hủy diệt hệ sinh thái
Việc khai phá đất để phục vụ cho nông nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và thụ phấn. Trồng trọt chăn nuôi phá hủy không gian mà loài ong trú ngụ, làm mất đi nguồn thức ăn của ong cũng như ảnh hưởng đến nhiều loài động vật khác như chim, động vật có vú, và lưỡng cư.
Khi các loài côn trùng dần đi đến diệt vong, một số còn lại đang làm việc thay thế chúng, vì vậy cây cối vẫn còn được thụ phấn trong tương lai gần. Những loài "không chuyên" thụ phấn như ong nghệ buff-tailed, ong mật châu Âu và ruồi đen - có thể sống trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau - sẽ đảm nhiệm việc thụ phấn để tạo nguồn lương thực cho chúng ta, trong khi những "chuyên gia" thụ phấn quý hiếm hơn thì đang dần suy giảm.
Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra và những hệ sinh thái phức tạp dần bị chi phối bởi một số loài "không chuyên", toàn bộ hệ thống sẽ rất dễ bị mất cân bằng. Côn trùng là nền tảng của vô vàn chuỗi thức ăn rối rắm, và sự giảm sút của chúng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho các loài có xương sống cũng như sự cân bằng sinh thái.
- 0
- 0Bình luận