Nhân Trung Thu tản mạn về Mặt Trăng và \'Thái Âm Tinh Quân\' - Nữ thần mặt trăng trong Đạo Giáo
Từ xưa, Mặt Trăng và Mặt Trời luôn mê hoặc con người, nhất là các nhà thiên văn học cổ đại, họ luôn tò mò tìm hiểu, mong muốn khám phá được tận cùng bí ẩn của các thiên thể lộng lẫy và kỳ bí này.
Tôn sùng và biết ơn những lợi ích mà Mặt Trăng mang lại
Đối với các nước phương Đông vốn tồn tại nền văn minh lúa nước lâu đời như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì việc quan sát tìm hiểu Mặt Trăng, Mặt Trời và cách vận hành của chúng càng trở nên quan trọng.
Mặt Trời chiếu rọi ánh sáng, giúp cây cỏ hoa màu quang hợp, đơm hoa kết trái, Mặt Trăng thì tác động đến mực nước biển, chi phối triều cường, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm thủy lợi, gieo trồng và gặt hái hoa màu.
Đối với phụ nữ, Mặt Trăng lại càng ý nghĩa hơn, từ xưa người phương Đông đã nhận ra sự đồng nhất giữa chu kỳ trăng với hiện tượng sinh lý của của cơ thể người nữ, từ đó thiết lập các khái niệm về chu kỳ kinh nguyệt.
Trừ Nhật Bản vốn theo chế độ mẫu hệ, nên đảo ngược lại thần Mặt Trời là nữ (Amaterasu), thần Mặt Trăng là nam (Tsukuyomi) thì không lạ gì khi văn hóa phương Đông luôn tôn sùng, xem Mặt Trăng như một nữ thần phù hộ cho nữ giới, là một linh thể "chí âm chí nhu" mang tính chất lạnh lẽo mà dịu dàng như người phụ nữ.
Lại nói đến ngày Trung Thu, vào ngày này, Mặt Trăng tròn nhất, to nhất và sáng nhất dưới ánh mắt của cư dân các nước phương Đông (đặc biệt là ở đồng bằng Sông Hồng Việt Nam và đồng bằng Nam Trung Hoa).
Ngày xưa không có đèn điện, mà đèn dầu thì lại rất leo lét trước ánh trăng đêm rằm sáng tỏ. Thế nên, người xưa xem như đây là một dịp đặc biệt nhất trong năm để tổ chức lễ hội và các hoạt động ý nghĩa khác nhằm ăn mừng được mùa, dần hình thành nên nét văn hóa không thể xóa nhòa suốt hàng nghìn năm qua.
Không ai rõ ngày Trung Thu đầu tiên xuất hiện vào khi nào, ở Việt Nam những hoa văn về hoạt động ngắm trăng đã được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ thuộc thời đại nhà nước Văn Lang vào năm 2500 năm trước Công Nguyên, tính đến nay đã hơn 4000 năm rồi.
Hiện tại chỉ còn lưu truyền một số câu chuyện nổi tiếng nhất có liên quan đến Trung Thu như sự tích Hậu Nghệ - Hằng Nga của Trung Quốc, hoặc Chú Cuội - Chị Hằng của Việt Nam...
Ngày Trung Thu tuy bao gồm nhiều hoạt động trong đó, con cái hiếu kính cha mẹ, người lớn tặng quà cho trẻ em để chúng rước đèn vui chơi, phụ nữ trong nhà trổ tài nấu ăn hoặc làm bánh Trung Thu...thì mục đích chính của ngày này vẫn là "thưởng Trăng", một hoạt động có ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng với nữ thần Mặt Trăng và cầu chúc cho tương lai tốt đẹp. Ví dụ người xưa có câu:
Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
Hoặc:
Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.
Đây là những kinh nghiệm đúc kết từ ngàn xưa của người Việt, nếu ngày 14 âm lịch trăng sáng tỏ thì năm đó trúng mùa tơ tằm, không biết vì lý do gì mà mặt trăng có sự tác động rất mạnh tới quá trình tằm ăn dâu, khiến chúng ăn nhiều hơn, cho nhiều tơ hơn.
Còn khi đúng ngày rằm mà trăng sáng đục (liên quan đến độ ẩm cao trong không khí dẫn đến tán sắc ánh sáng của trăng) thì mùa lúa chiêm sẽ trĩu hạt. Nói chung, chính vì sự vận động của Mặt Trăng liên quan mật thiết đến lợi ích của người dân, sự phồn vinh của dân tộc nên Trăng mới được tôn xưng là nữ thần.
Lưu ý, Âm Lịch (cũng chính là bộ lịch dùng để trồng lúa nước) vốn được dựa trên chu kỳ Mặt Trăng, chính là sản phẩm của nền văn minh Bách Việt - tổ tiên của người Việt Nam ta, không nên cho rằng đây là sản phẩm của Trung Quốc, bởi vì tổ tiên của người Trung Quốc - tức người Hoa Hạ biết trồng lúa sau người Bách Việt rất lâu. (Chi tiết đọc thêm trong bài Bỏ Tết cổ truyền vì Việt Nam đã nghỉ quá nhiều? Hãy thử so sánh với các nước khác xem sao!)
Nữ thần Mặt Trăng phương Đông là ai?
Trong văn hóa Việt Nam, nữ thần Mặt Trăng chính là Chị Hằng, tương đồng với Hằng Nga (hay Thường Nga) của Trung Quốc. Chị Hằng thường được trẻ em Việt Nam nhắc đến như một người bạn của Chú Cuội, dựa theo cổ tích Cây đa và Chú Cuội rất nổi tiếng, gắn liền với Tết trung thu, vì vậy hình tượng Chị Hằng và Chú Cuội đa phần được trẻ em Việt Nam yêu mến.
Với Đạo Giáo Trung Quốc, thì Hằng Nga chính là Thái Âm Tinh Quân được xếp vào trong Cửu Diệu Tinh Quân, vốn là một khái niệm thần học/thiên văn học được kế thừa từ Phật Giáo Ấn Độ, lý giải sự tồn tại của 9 thiên thể trong hệ Mặt Trời bao gồm:
Thái Dương tinh quân: vị thần trông coi Mặt Trời
Thái Âm tinh quân: vị thần trông coi Mặt Trăng
Thái Bạch tinh quân: vị thần trông coi Sao Kim, cũng là Thái Bạch Kim tinh
Mộc Đức tinh quân: vị thần trông coi Sao Mộc
Thủy Đức tinh quân: vị thần trông coi Sao Thủy
Hỏa Đức tinh quân: vị thần trông coi Sao Hỏa
Thổ Đức tinh quân: vị thần trông coi Sao Thổ
La Hầu tinh quân: vị thần trông coi thực tinh La Hầu
Kế Đô tinh quân: vị thần trông coi thực tinh Kế Đô
Xin nói thêm, khái niệm về Tử Vi "nam La Hầu, nữ Kế Đô" vốn cũng nằm trong tổ hợp các hệ thống lý thuyết của Cửu Diệu Tinh Quân. Chi tiết tham khảo bài: Cúng sao giải hạn: Rốt cuộc 'nam La Hầu, nữ Kế Đô' thực hư ra sao, có cần phải lo sợ hay không? trên Lost Bird.
Thái Âm Tinh Quân, hay Hằng Nga, có tên đầy đủ là Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân, ở trong Cung Quảng Hàn trên Mặt Trăng. Thái Âm Tinh Quân làm bạn với một con thỏ (tức Ngọc Thố), con thỏ này không chỉ làm "pet" của Hằng Nga mà còn ngày đêm cầm chày giã thảo dược trong một cái cối để luyện ra linh đan trường sinh bất tử cho các vị tiên dùng.
Đồng thời, trên Mặt Trăng còn có người tiều phu Ngô Cương, luôn chặt một cây quế khổng lồ. Lúc trước Ngô Cương vì ham muốn tìm được liều thuốc trường sinh nên chọc giận thần tiên trên trời, họ bắt anh ta phải suốt đời chặt cây, giúp Ngọc Thố luyện linh đan. Thế nên anh ta phải mãi mãi ở trên cung trăng chẳng thể đi đâu được nữa. Ngô Cương cũng chính là hình tượng tương đồng với Chú Cuội của Việt Nam ta.
Thực ra, những hình ảnh của bề mặt Mặt Trăng khiến người xưa tưởng tượng ra nó có hình con thỏ cầm chày giã cối, ví dụ như sau:
Về sự tích Hằng Nga lên cung trăng, thì có câu chuyện Hằng Nga Bôn Nguyệt được viết trong sách Hoài Nam Tử, Trung Quốc. Câu chuyện kể rằng, xưa kia, Hằng Nga và chồng của mình là Hậu Nghệ đều là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Một ngày nọ, 10 đứa con của Ngọc Hoàng biến thành 10 con quạ vàng (Kim Ô) cũng là 10 mặt trời, khiến thế gian khô cằn, thiêu rụi các sinh linh.
Hậu Nghệ với tài bắn cung của mình đã bắn hạ 9 mặt trời, chỉ để lại 1. Lúc này, Ngọc Hoàng đau buồn vì mất con liền đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới làm người phàm. Đau khổ vì mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ lặn lội đi tìm những phương thuốc trường sinh, một ngày nọ anh ta gặp Tây Vương Mẫu, được bà ban cho viên linh đan, dạy rằng Hậu Nghệ và Hằng Nga mỗi người uống nửa viên sẽ trở lại thành thần tiên.
Hậu Nghệ mang linh đan về cất trong hộp, dặn không ai được xem bên trong, thế nhưng Hằng Nga vì hiếu kỳ đã mở ra và uống viên thuốc. Vì dược lực quá mạnh, khiến Hằng Nga lập tức bay lên không trung tới tận cung Quảng Hàn, bỏ Hậu Nghệ lại trần gian.
Trong Tử Vi Đẩu Số, Thái Âm cũng là một sao chiếu mệnh rất có lợi (thuộc hành Thủy), trong đa số trường hợp đều tốt cho cả nam và nữ, đặc biệt là vào tháng 9, chỉ kỵ tháng 10.
- 0
- 0Bình luận