14 sự thật về \'chụp ảnh tự sướng\': Tư thế selfie tiết lộ tính cách, có cả những thành phố cuồng selfie
1. Tư thế selfie tiết lộ tính cách
Tư thế selfie yêu thích tiết lộ nhiều điều về tính cách của bạn. Ví dụ, người cẩn thận và kín đáo có xu hướng không để lộ địa điểm chụp hình, người nào nhìn thẳng vào camera và chụp ảnh trông lạc quan, vui vẻ là người dễ đồng ý, còn người hay tạo dáng “chu mỏ vịt” thường là người có cảm xúc thất thường.
2. Nghiện chụp ảnh bản thân cũng rất nguy hiểm
Những người nghiện chụp và đăng ảnh selfie dễ mắc chứng trầm cảm, mặc cảm ngoại hình, rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng trầm trọng đến các hoạt động thường nhật. Nhà tâm lý học người Anh David Veal thậm chí còn nhận xét nghiện tự sướng cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần với tỷ lệ tự tử rất cao. Nếu bạn thấy mình nghiện chụp ảnh đến mức không thể kiểm soát nổi, có lẽ bạn đang cần sự giúp đỡ rồi đấy.
3. Selfie ra đời từ thế kỷ 16
Nhắc đến selfie, chắc hẳn bạn chỉ nghĩ đến smartphone của thế kỷ 21. Thực tế là selfie có lịch sử lâu đời hơn thế. Bức tự sướng đầu tiên là tranh Self-portrait in a Convex Mirror vẽ bằng sơn dầu trên gỗ vào năm 1524, do chàng họa sĩ 21 tuổi Parmigianino tự vẽ bản thân mình. Ngay đến Parmigianino cũng không ngờ mình dẫn đầu một trào lưu bùng nổ trước 500 năm.
4. Tự chụp bản thân không hề dễ
Bức ảnh tự chụp đầu tiên thuộc về Robert Cornelius được thực hiện vào năm 1839 và nó không hề dễ như việc chúng ta giơ iPhone lên rồi nhấn nút. Để có bức ảnh chụp bản thân mình, Robert Cornelius phải thực hiện nhiều công đoạn như chuẩn bị giá treo máy ảnh, chuẩn bị ống kính, nhanh chóng chạy vào chỗ ngồi và chờ 15 phút để phơi sáng, v.v…
5. Những thành phố cuồng selfie
Mặc dù selfie là hiện tượng toàn cầu, một số thành phố vẫn có số lượng người selfie đông đảo hơn những nơi khác. Theo kết quả điều tra của tạp chí Time với hơn 400.000 tấm ảnh gắn hashtag #selfie, thành phố Makati của Philippines được mệnh danh là “Thủ đô Selfie của Thế giới”. Tiếp theo đó là Manhattan và Miami của nước Mỹ.
6. Không phải cứ ở Trái Đất thì mình mới selfie
Ngay đến các nhà du hành vũ trụ của NASA cũng không hề bỏ lỡ cơ hội selfie khi có cơ hội bay vào vũ trụ. Điển hình là phi hành gia Buzz Aldrin trong chuyến thám hiểm mặt trăng trên con tàu Gemini 12 năm 1966.
7. Nữ giới selfie nhiều hơn nam giới
Ở Bangkok, tỷ lệ phụ nữ tự sướng chiếm 55,2%. Ở New York, con số này là 66,1%. Còn ở Moscow, tỷ lệ áp đảo với 82%. Tuy tỷ lệ ở mỗi thành phố khác nhau nhưng nó vẫn đi đến kết luận: Phụ nữ selfie nhiều hơn cánh mày râu.
8. Xuất bản sách tự sướng
Nếu bạn là một nhà văn và đang bí ý tưởng để viết tiếp cuốn sách của mình, có lẽ bạn nên học hỏi Kim Kardashian xem sao. Tháng 5/2005, Kim Kardashian xuất bản cuốn sách mang tên Selfish dài 448 trang với nội dung là tất cả bức ảnh tự sướng yêu thích của cô nàng. Nghe kỳ quặc đúng không? Thế nhưng Selfish lại trở thành cuốn sách bán chạy của New York Times đó.
9. Càng trẻ càng thích chụp ảnh sống ảo
Không còn nghi ngờ gì khi selfie gắn liền với thế hệ millennial. Độ tuổi trung bình của dân selfie là 23,6 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình này có thể giảm rất nhiều do lứa tuổi trước 13 sử dụng mạng xã hội và selfie sống ảo càng ngày càng nhiều.
10. “Virus” hashtag selfie
Theo Instagram, bức ảnh đầu tiên gắn hashtag #selfie thuộc về Jennifer Lee, đăng vào ngày 16/1/2011. Kể từ đó đến nay, đã có hơn 227 triệu bức ảnh sử dụng hashtag này và con số vẫn không ngừng tăng lên theo từng phút.
11. Selfie được chọn là từ của năm 2013
Luôn có những bất đồng hoặc tranh luận xoay quanh chủ đề từ của năm. Riêng năm 2013, khi “selfie” được Từ điển tiếng Anh Oxford chọn là từ của năm, hầu như ai cũng nhất trí. Với mức độ sử dụng tăng 17.000% chỉ trong năm 2013, liệu có ai lại phản đối đây không phải từ của năm cơ chứ?
12. Không phải selfie lúc nào cũng được chào đón
Công viên Disneyland ở Paris, Hồng Kông và Mỹ nghiêm cấm sử dụng gậy selfie. Cố Cung ở Bắc Kinh và Nhà nguyện Sistina ở Italy cũng có quy định tương tự. Thậm chí một số liên hoan âm nhạc như Lollapalooza ở Chicago hay Coachella ở California cũng kêu gọi mọi người dừng selfie.
13. Sống ảo hay sống thật?
Mục đích của tự chụp ảnh chân dung là phản ánh con người chân thực của bạn trong những khoảnh khắc quý giá. Đáng tiếc là những bức ảnh selfie tràn lan trên mạng sống ảo nhiều hơn sống thật. Theo một cuộc khảo sát, 68% dân selfie đều chỉnh ảnh trước khi chia sẻ lên mạng. Xem ra để có một tấm ảnh sống ảo câu like cũng là một dạng áp lực lớn.
14. Ảnh tự sướng không chiếm đa số
Mặc dù mỗi lần lướt mạng là bạn lại thấy những bức chụp tự sướng, thế nhưng chúng không ngập tràn như bạn tưởng. Thực tế, chỉ có 4% là ảnh thực sự selfie và 96% còn lại là ảnh chụp ghi lại khoảnh khắc, ảnh đồ ăn, thú cưng, giày dép, bạn bè, gia đình... Xem ra đây cũng là một tin vui nho nhỏ trong thời đại cuồng smartphone và nghiện selfie đấy chứ?!
- 0
- 0Bình luận