logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

\'Rồng\' là gì và vì sao chúng lại hiện hữu trong đa số nền văn hóa? (Phần 1)

Bạn đã nhìn thấy loài rồng ngoài đời bao giờ chưa?

Chắc hẳn là chưa rồi, nhưng ai trong số chúng ta cũng biết được hình dạng của chúng. Ta được nghe kể về loài quái thú này từ vô vàn những câu chuyện thần bí và oai hùng, đến nỗi chúng tưởng chừng như là có thật.

Từ thuở xa xưa, trước khi kỹ thuật CGI trong những bộ phim Hollywood biến rồng thành hiện thân của cái ác (như trong Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn) hay người bạn đồng hành đáng tin cậy (Bí Kíp Luyện Rồng), truyền thuyết về loài rồng được truyền miệng, và đôi khi là khắc họa trong sách hay tranh vẽ.

bi kip luyen rong

Rồng thời hiện đại có thể là hiện thân của cái ác, nhưng đôi khi cũng là người bạn đồng hành đáng tin cậy của con người.

Và điều này làm dấy lên một câu hỏi mà các nhà thần thoại học luôn tìm cách trả lời: Trong vô vàn những ngôn ngữ và nền văn hóa mà tổ tiên loài người đã gầy dựng - thậm chí chưa kể đến vô vàn địa hình địa lý mà họ sinh sống - truyền thuyết về loài rồng vẫn luôn được tạo dựng và lưu truyền.

Dường như trong những tháng ngày phiêu bạt của nhân loại, luôn có loài bò sát khổng lồ thầm lặng lượn theo sau, và cũng như loài người, chúng từng bước chuyển mình và thích nghi với những môi trường mới.

Xứ sở của loài Rồng

Nói đến rồng thì phải kể đến Trung Hoa, một nền văn hóa lâu đời với truyền thống thờ rồng hơn 5.000 năm.

rong thuong hai

Rồng Trung Hoa ngậm châu tại Thượng Hải. (nguồn: Jacques Savoye/Pixabay)

Hình ảnh rồng trong văn hóa Trung Hoa là biểu tượng của quyền lực Thiên hoàng và sự thịnh vượng. Trong truyền thuyết Trung Hoa, loài rồng thường không có cánh nhưng vẫn có thể bay, và ngự tại những vùng biển hồ xa xôi. Rồng mang mưa đến những cánh đồng, giúp cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Trong những năm Can Chi, năm chi Thìn (năm con Rồng) được cho là may mắn và mang lại thịnh vượng nhất.

Rồng ngày nay vẫn là một biểu tượng không thể thiếu tại Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong những lễ hội năm mới, trang trí trên tàu thuyền, công trình xây dựng, và xuất hiện tại nhiều nơi khác.

Từ Trung Quốc, hình ảnh loài rồng dần lan tỏa đến những quốc gia châu Á khác, đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản và Việt Nam. Tuy sự lan truyền của rồng Trung Hoa khá dễ giải thích về mặt lịch sử - cũng giống như Hán tự và Phật giáo, rồng có xuất xứ từ những vùng khác thì sao?

Ngoài rồng của thời Trung Cổ tại châu Âu, nhiều loại quái thú có hình dạng giống rồng cũng xuất hiện trong truyện dân gian vùng đồng cỏ Bắc Mỹ. Văn minh Maya và Aztecs xưa cũng từng thờ vị thần Quetzalcoatl, mang hình dạng một con rắn khổng lồ có cánh.

quetzalcoatl 768x709

Vị thần Quetzalcoatl của vùng Trung Mỹ. Theo một số điển tích, vị thần này có hình dạng một loài bò sát nhìn giống rồng. (nguồn: Wikimedia Commons)

Ấn Độ và những quốc gia Đông Nam Á lân cận cũng có truyền thống thờ rồng từ lâu đời. Hình ảnh rồng cũng xuất hiện trên lá cờ của Bhutan - một quốc gia nhỏ tại vùng Himalaya. Nếu mở rộng định nghĩa "rồng" một chút thì ta cũng có thể bắt gặp chúng trong truyện kể của tộc người Inuit (còn gọi là Ekismo) ở vùng Canada cận Bắc Cực.

Làm thế nào mà tổ tiên của ta, từ khắp nơi trên thế giới, cùng nảy sinh ra ý tưởng này?

Nguồn gốc thực sự của Rồng?

Những câu chuyện về chiến đấu với quái thú của văn minh Mesopotamia là một trong những văn bản lâu đời nhất kể về loài rồng.

Theo phiên bản Babylon, một vị thần mang hình dạng như rắn tên Tiamat bỗng xuất hiện từ đại dương, đe dọa sẽ hủy diệt mọi sự sống và đưa vạn vật về thuở ban xơ. Vị thần Marduk anh dũng đã đứng lên đánh bại Tiamat và cứu lấy thế giới.

tiamat the babylonian sea dragon 768x567

Thần rồng biển Tiamat đã có mặt hai thiên niên kỷ TCN từ nền văn minh cổ Babylon. (nguồn: Wikimedia Commons)

Cũng như bao truyền thuyết Lưỡng Hà khác, cuộc chiến này cũng để lại hư âm trong Kinh Thánh. Phải kể đến những ghi chép trong Sách Thánh Vịnh Sách Job, trong đó Thần của Israel đã đánh bại Leviathan - loài thủy quái với hình dạng như một sự kết hợp giữa cá voi và rắn.

Những phiên bản khác về cuộc chiến với Tiamat xuất hiện nhiều trong truyện kể vùng Địa Trung Hải và châu Âu. Rồng (hoặc quái thú dạng rồng) và một vị cứu tinh anh dũng là bộ đôi không thể thiếu trong những giai thoại về rồng ở phương Tây. Đa phần thì rồng chỉ xuất hiện để làm kẻ thù của một anh hùng nào đó.

Thần thoại Hy Lạp cũng kể về nhiều cuộc chiến với loài rồng. Zeus đã khẳng định mình là vị thần tối cao sau khi đánh bại được Typhon - một quái thú với tứ chi được tạo nên bởi rắn. Giai thoại về Typhon của Hy Lạp lấy cảm hứng từ một câu truyện bắt nguồn từ những nền văn minh lân cận, trong đó có văn minh Hittite.

zeus typhon staatliche antikensammlungen 596

Zeus phóng tia sét đánh bại quái vật Typhon, thường được khắc họa dưới dạng người có cánh và chân làm từ rắn. (nguồn: Wikimedia Commons)

Từ drakōn trong tiếng Hy Lạp là nguồn gốc của từ dragon trong tiếng Anh. Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ này trong tiếng Hy Lạp không mang nghĩa "rồng" mà thực chất dùng để chỉ một con rắn to, nên cách dịch này không hoàn toàn chính xác.

Từ drakōn xuất phát từ một động từ mang nghĩa "canh gác", và ta có thể thấy sự liên quan của ai nghĩa này trong sử thi Hy Lạp về chàng Jason và Bộ lông cừu vàng.

Bộ lông quý báu này được canh gác bởi một con rồng không bao giờ ngủ xứ Colchis. Nàng Medea, tri kỷ của Jason và rất thông thạo dược học dân gian, đã giúp chàng đánh thuốc mê con rồng và lấy được bộ lông quý. Những câu chuyện thần thoại Hy Lạp này chứa đựng nhiều mô-típ phổ biến về rồng trong lịch sử cũng như thời hiện đại - và trong câu chuyện của Jason, mô-típ ấy chính là tính tham châu báu.

Hoàn thiện hình ảnh Rồng hiện đại

Từ những câu chuyện thời Mesopotamia và Hy Lạp, chỉ một bước nữa thôi là ta sẽ có một câu chuyện kiểu mẫu về rồng phương Tây thời Trung Cổ: huyền thoại về Thánh George.

Trong phiên bản cổ điển nhất của câu chuyện, một con rồng có thể phun độc tố đang chiếm giữ thành phố Libyan tại Silene. Con rồng bắt người dân phải cúng lễ vật, từ động vật đến con người, và cuối cùng buộc phải hiến tế công chúa của vùng.

st george slaying the dragon 768x756

Bức họa được thực hiện vào thế kỷ 13, khắc họa hình ảnh Thánh George giết con rồng xứ Silene. (nguồn: Wikimedia Commons)

Thánh George trên lưng ngựa lưu lạc đến vùng này, và khi nghe lời khẩn cầu của người dân, Thánh đồng ý giết rồng với điều kiện rằng tất cả mọi người phải cải đạo theo Ki-tô Giáo. Hai bên làm đúng theo thỏa thuận này, và rồi trở thành khuôn mẫu cho vô vàn những bức họa Trung Cổ về cuộc chiến với loài rồng.

Có vẻ như câu chuyện này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Vào thời cổ đại trước Ki-tô Giáo, người dân vùng Balkan thường thờ phụng một kỹ sĩ trên lưng ngựa. Kỵ sĩ này thường được phác họa đang đâm lao vào một con thú, hoặc đang đứng cạnh một thân cây có rắn cuộn quanh.

Đến thời Ki-tô Giáo, hình ảnh kỵ sĩ đã bị thay thế bởi những vị thánh chiến cũng trên lưng ngựa, nhưng điểm khác biệt là họ đang giết một con rắn. Điều này cũng thể hiện sự thay đổi trong thái độ của cộng đồng đối với loài rắn. Rắn giờ đây không còn được gắn liền với sự sống và hồi sinh như trước mà, theo Kinh Tân Ước, trở thành hiện thân của cái ác.

flag of bhutan

Rồng cũng xuất hiện trên lá cờ Bhutan - một quốc gia tại vùng Himalaya. (nguồn: Pixabay)

Kỳ lạ thay, qua biết bao thế kỷ, tên tuổi Thánh George không hề được gắn liền với câu chuyện về rồng nào cả. Thánh được sinh ra tại Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào thế kỷ thứ ba CN. Theo truyền thuyết, Thánh từng là một người lính, không chấp nhận việc thờ phụng ngoại giáo và được cho là đã đốt một điện thờ La Mã.

Đến khoảng sau năm 1000, Thánh George trở thành nhân vật chính trong một câu chuyện từ vùng Georgia. Cũng giống với Anh Quốc, vùng này xem Người như một vị thánh bảo hộ.

Những chiến binh thập tự đã mang truyền thuyết Thánh George từ phía Đông Địa Trung Hải đến châu Âu, và từ đây câu chuyện về Thánh đã trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến thời Trung Cổ.

Cùng với câu chuyện con rồng Typhon, bộ biểu tượng sau: một nàng công chúa bị bắt giữ, một con rồng lửa, một kỵ sĩ, một cuộc chiến, và một phần thưởng hậu hĩnh, đã tạo nên một câu chuyện cổ điển tại phương Tây lưu dấu ấn cho đến thời hiện đại.

(còn nữa)

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)