Căn bệnh bí ẩn đeo bám gia tộc Samsung: \'Không khí trong nhà luôn phải tinh khiết như đang ở Hawaii\'
Gia tộc giàu có nhất Hàn Quốc
Gia tộc Samsung hay còn gọi là gia tộc nhà họ Lee, nơi tụ họp những nhân vật có khả năng xoay vần kinh tế và đôi khi cả chính trị Hàn Quốc. Theo một thống kê vào năm 2018 của Forbes, có tới 7 người thuộc gia tộc này lọt top 50 tỷ phú giàu nhất xứ Kim chi.
Được thành lập năm 1938 bởi Lee Byung Chul, Samsung nhanh chóng vươn lên thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh nhất lúc bấy giờ. Từ chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán đến kỹ thuật điện tử... đều có sự góp mặt của thương hiệu "ba ngôi sao".
Trước khi qua đời, Lee Byung Chul trao quyền quản lí tập đoàn Samsung cho Lee Kun Hee - con trai thứ 3 của mình. Những người con khác của ông chia nhau điều hành doanh nghiệp độc lập về lĩnh vực như văn hóa đại chúng (CJ Entertainment), bán lẻ (Shinsegae), xây dựng (Hansol).
Đến nay, thế hệ thứ 3 của gia tộc này vẫn tiếp tục phát triển đế chế kinh doanh của gia đình. Lee Kun Hee vẫn là người giàu có nhất Đại Hàn Dân Quốc với khối tài sản 16,9 tỉ USD.
Chẳng quá lời khi người đời nói rằng con cháu nhà Samsung đều "ngậm thìa kim cương" từ thuở lọt lòng, sau này không giám đốc điều hành thì cũng trở chủ tịch tập đoàn. Thương trường Hàn Quốc rộng như thế, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn gặp người nhà họ Lee.
Bị đeo bám bởi một căn bệnh hiếm
Có tiền có quyền, dường như người nhà họ Lee chẳng hề sợ hãi bất kì điều gì trên đời, ngoại trừ căn bệnh mang tên Charcot-Marie-Tooth (bệnh teo cơ Mác).
Tờ JoongAng Daily từng tiết lộ, Lee Kun Hee mắc phải chứng bệnh này đã lâu và hiện vẫn đang vật lộn để tìm cách khắc chế nó. Tuy nhiên so với cháu trai mình là Lee Jay Hyun thì tình trạng của ông vẫn khá khẩm hơn rất nhiều.
Lee Jay Hyun là chủ tịch của CJ Group, đồng thời là con trai cả Lee Maeng Hee. Năm 2013, ông bị điều tra vì tội tham ô và trốn thuế. Đây cũng lúc truyền thông đưa tin Lee Jay Hyun đang phải vật lộn với bệnh suy thận và một căn bệnh hiếm gặp khác tên Charcot-Marie-Tooth.
Lee Jay Hyun thường xuất hiện tại các phiên điều tra với vẻ ngoài tiều tụy. Ông ta ngồi xe lăn, tay chân co quắp vì biến chứng của bệnh teo cơ Mác. Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, nhờ cái cớ điều trị bệnh nguy hiểm đến tính mạng mà Lee Jay Hyun năm lần bảy lượt trì hoãn việc thụ án tù.
"Bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) là tên gọi một nhóm các bệnh lý rối loạn thần kinh ngoại biên do di truyền. Do các dây thần kinh ngoại biên điều khiển trực tiếp tứ chi nên rối loạn thần kinh ngoại biên sẽ khiến cơ ở chân, bàn tay, bàn chân suy yếu hoặc mất cảm giác.
CMT là bệnh di truyền nhưng thường không xuất hiện triệu chứng ngay mà thường phần lớn bộc phát ở độ tuổi từ 10 đến 20. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh không phát sinh cho đến khi 60 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân CMT nam cao gấp 3 lần bệnh nhân CMT nữ.
Nguyên nhân gây ra bệnh teo cơ Mác là do các gen quy định cấu tạo và chức năng dây thần kinh ngoại biên bị đột biến. Kết quả làm tay chân bị yếu đi hoặc không thể hoạt động.
Bên cạnh đó, vì phản hồi từ các bộ phận cơ thể cũng không đến được trung khu thần kinh nên người bệnh thường bị tê cứng và không có cảm giác đau hoặc nóng lạnh."
Một nhân viên lâu năm ở Samsung cho biết gia tộc này có một nỗi ám ảnh đối với căn bệnh di truyền giữa các thành viên nam trong gia đình.
Nói thế không phải là phụ nữ nhà họ Lee sẽ thoát khỏi căn bệnh này. Lee Boo Jin - con gái thứ của Lee Kun Hee tiết lộ bà cũng phải đương đầu với các triệu chứng từ teo cơ Mác suốt những năm tháng thanh xuân.
Bởi vì teo cơ Mác không thể chữa khỏi hoàn toàn, gia tộc Samsung đành chấp nhận "sống chung với lũ". Trong trường hợp này, quả nhiên có tiền cũng không thể mua được sức khỏe.
Nỗ lực trị bệnh theo phong cách tài phiệt
Sự sống của con người bắt nguồn từ hô hấp, chính vì thế nhà họ Lee thường trang bị những chiếc máy lọc không khí hiện đại bậc nhất. Mục đích chính là để làm sạch môi trường sống: "Lúc nào cũng phải đảm bảo không khí có độ tinh khiết như đang hít thở ở Hawaii".
Không mua được sức khỏe nhưng tiền có thể mua được khoa học công nghệ và đó là nỗ lực mà gia tộc Samsung đang hướng tới nhằm thoát khỏi căn bệnh di truyền. Gia tộc này có nguyên đội ngũ nhà khoa học và bác sĩ nghiên cứu riêng căn bệnh của gia đình mình.
Năm 1997, bộ phim viễn tưởng Gattaca đã đề cập đến thế giới tương lai, nơi con người chế tạo được các công cụ loại bỏ bất kỳ rối loạn di truyền nào do đột biến gen. Hơn 20 năm sau, các nhà khoa học đã tiến gần hơn đến ý tưởng ấy nhờ công nghệ chỉnh sửa bộ gen có tên CRISPR.
Việc phát triển hệ thống CRISPR có thể khắc phục những căn bệnh ác tính như teo cơ Mác, ung thư, bệnh máu khó đông và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Các công ty tài phiệt, đặc biệt là Samsung dường như không ngại ném tiền vào các dự án phát triển công cụ chỉnh sửa gen.
Năm 2017, trung tâm y tế Samsung - một mạng lưới bệnh viện thuộc sở hữu của tập đoàn này đã ký kết với công ty ToolGen để cùng phát triển một công cụ chỉnh sửa gen cho bệnh teo cơ Mác.
Bệnh viện Samsung cũng rất nhiệt tình "thu thập" các bệnh nhân mắc teo cơ Mác. Nếu một người bị bệnh này mà tham gia điều trị ở cơ sở y tế do Samsung quản lí thì sẽ được hỗ trợ một số loại chi phí.
- 0
- 0Bình luận