Lịch sử thú vị của Đế quốc Ba Tư, xứ sở Nghìn Lẻ Một Đêm huyền bí
Người sáng lập nên Đế quốc Ba Tư là hoàng đế Cyrus Đại đế, vào năm 550 TCN.
Vị vua tài ba, lỗi lạc đã đặt nền móng xây dựng nên vương quốc vùng Trung Đông danh tiếng với những chiến tích và thành tựu vẻ vang. Dưới đây là những sự thật về Ba Tư, một trong những đế chế hưng thịnh nhất trong lịch sử nhân loại.
Người sáng lập nên đế chế
Trên cao nguyên Iran, có nhiều bộ lạc cư trú và sống theo kiểu du mục; thiên tài quân sự kiệt xuất là hoàng đế Cyrus Đại đế đã thống nhất các bộ tộc và tập hợp lực lượng quân đội để mở rộng lãnh thổ.
Sau khi đánh chiếm Đế quốc Tân Babylon, ông xưng danh “Vua của các vị vua” và thành lập nên Đế quốc Ba Tư đầu tiên, còn được gọi là Đế chế nhà Achaemenes vào năm 550 TCN.
Sự giao thoa của nhiều nền văn hóa
Cyrus Đại đế là một vị vua nổi tiếng với các cuộc chinh chiến thắng lợi và chính sách cai trị khoan dung. Dưới sự trị vì của ông, người Ba Tư được sống tự do theo văn hóa của từng bộ tộc. Điều này tạo nên một xứ Ba Tư đa dạng, phong phú về văn hóa tín ngưỡng với nhiều bản sắc dân tộc khác nhau.
Hiến chương về nhân quyền đầu tiên của thế giới
Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder) được cho là hiến chương đầu tiên về nhân quyền trên thế giới, nó được viết bằng ngôn ngữ Akkad và được vua Cyrus Đại đế ban hành vào năm 539 TCN.
Nội dung của trụ Cyrus là: Hoàng đế luôn tôn trọng các vị Thần trong tín ngưỡng của Babylon, giải phóng người dân ngoại lai khỏi ách nô lệ, bình đẳng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa giữa các chủng tộc… Luật pháp trị vì muôn dân thể hiện tinh thần dân chủ nên Cyrus Đại Đế được coi là một vị vua nhân quyền, được nhân dân quý mến, kính trọng.
Tôn giáo độc thần
Mặc dù tôn giáo Ba Tư đa dạng và người dân được theo các đạo khác nhau nhưng chủ yếu họ tôn sùng một đạo giáo chung là Hỏa giáo hay Bái hỏa giáo (Zoroastrianism).
Hỏa giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN, là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại. Hỏa giáo bao gồm lòng tin của con người vào đấng cứu thế sẽ cứu giúp nhân loại, thiên đường và địa ngục, tự do ý chí của loài người. Vào năm 651 với cuộc chinh phạt của người Hồi giáo vào Ba Tư khiến Hỏa giáo suy yếu dần và các tín đồ phải di tản sang các vùng đất khác.
Ba Tư chiếm khoảng gần một nửa dân số thế giới thời ấy
Đến năm 480 TCN, dân số Ba Tư là khoảng hơn 50 triệu người, chiếm 44% so với 112,4 triệu người trên thế giới vào thời điểm đó.
Đế quốc Ba Tư sử dụng lượng dân số”khủng” của quốc gia để mở rộng phạm vi lãnh thổ với các cuộc chinh phạt ở Trung Á, Địa Trung Hải, Bắc Phi và một số vùng lãnh thổ châu Âu. Cho đến ngày nay, Ba Tư vẫn từng là một đế chế có dân số đông nhất trong lịch sử loài người.
Bộ máy quan liêu giúp vua cai trị đất nước
Ba Tư vốn hùng mạnh và rộng lớn nên chính quyền của đế quốc đã thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương đến địa phương. Vua sẽ là người đứng đầu, cai trị toàn bộ đế chế với các tỉnh khác nhau.
Mỗi tỉnh sẽ được cai trị bởi một vị quan thống lĩnh gọi là Satrap, họ hoạt động dưới quyền nhà vua và được trao quyền tự trị nhất định. Hệ thống chính quyền này do vua Darius (550-486 TCN) thiết lập để đảm bảo rằng một số khu vực sẽ không phát triển quá mạnh, đứng lên lật đổ hoàng đế.
Khu vườn thiên đường
Trong triều đại Achaemenes người Ba Tư đã đưa ý tưởng về thiên đường trên trần gian khi xây dựng các khu vườn xinh đẹp khắp nơi trên đế quốc. Họ gọi những khu vườn đó là vườn thiên đường (Paradise Gardens).
Các khu vườn thường chú trọng xây dựng đài phun nước vào ao hồ. Vì theo Hỏa giáo, nước chiếm một vị trí rất quan trọng trong nghệ thuật. Người Ba Tư thường tăng thẩm mỹ của vườn theo phong cách bố trí, một khu vườn đẹp thường có các con kênh giao nhau với hồ nước ở giữa, hai bên lối đi là những hành lang trồng hoa và cây xanh. Con người và động thực vật sẽ sống, trú ẩn trong khu vực để tránh nắng và thoát khỏi khí hậu khắc nghiệt ở vùng Trung Đông.
Màu tím được ưa chuộng nhất
Với người Ba Tư màu tím được cho là tượng trưng cho sự vương giả, quý tộc. Thuốc nhuộm tím được chiết xuất từ ốc biển dưới đại dương, có số liệu thống kê chỉ rằng phải bắt 8.000 con ốc mới thu được 1 cân thuốc nhuộm. Vì vậy, thuốc nhuộm tím được cho là hàng xa xỉ phẩm, có giá đắt đỏ.
Các loại trang phục màu tím có giá trị cao và chỉ phổ biến trong các gia đình hoàng gia, giàu có. Đồ vật có màu tím được xem là báu vật và được giữ gìn cẩn thận, tránh bị phai màu.
Đội quân bất tử
Trong quân đội cổ đại của Ba Tư có một lực lượng binh sĩ tinh nhuệ, được trang bị vũ khí và có sức chiến đấu kiên cường, mạnh mẽ. Họ được gọi là Amrtaka (những kẻ bất tử), những chiến binh xuất sắc nhất sẽ tham gia vào đội quân nòng cốt Astibara có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua.
Những binh lính ngã xuống trong đội quân bất tử sẽ được thay thế ngay bằng người mới để duy trì đủ lực lượng chiến đấu cho các cuộc chiến của đế chế Ba Tư.
Tủ lạnh đầu tiên trên thế giới
Người Ba Tư đã phát minh ra một loại hình công nghệ cổ đại kỳ lạ vào năm 400 TCN, đó là Yakhchal, một hầm băng lưu giữ thức ăn được lâu hơn trong mùa hè và giúp người dân có nước uống mát lạnh giữa sa mạc.
Băng sẽ được đưa đến vào mùa đông và lưu giữ trong hầm đến hết mùa hè. Yakhchal có cấu trúc hình nón tạo từ bùn và gạch, có chiều cao khoảng 18 mét, mái được xây theo kiểu hình vòm, bên dưới mái là hầm ngầm sâu xuống mặt đất để lưu trữ thực phẩm và nước đóng băng.
Chiến tranh với Hy Lạp cổ đại
Trong triều đại của mình vị vua Darius luôn khao khát chinh phục đế chế Hy Lạp. Năm 490 TCN ông đã đem binh xâm chiếm Hy Lạp và đành chịu thất bại trong trận chiến nổi tiếng Marathon.
Vào năm 480 TCN, nối tiếp vua cha, người con trai Hoàng đế Xerxes I đã cố gắng hoàn thành sự nghiệp chinh phục Hy Lạp khi dẫn binh đối đầu với đội quân Sparta dũng mãnh. Ba Tư đã giành chiến thắng trong Trận chiến Thermopylae nhưng gần một tháng sau đành rời Hy Lạp khi thua cuộc trong Trận Salamis.
Sự suy tàn của Đế quốc Achaemenes
Sau khi vua Xerxes I thất bại trong công cuộc chinh phạt Hy Lạp, Đế quốc Achaemenes rơi vào thời kỳ hỗn loạn và dần suy tàn. Thất bại chiến tranh khiến ngân khố quốc gia bị cạn kiệt, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than vì phải chịu sưu cao thuế nặng.
Năm 330 TCN, Alexander Đại đế từ Macedonia đã thành công đánh chiếm đượccác kinh đô của Ba Tư. Kể từ đó, Đế quốc Achaemenes hùng mạnh đã sụp đổ rồi bị thay thế bằng một vương triều khác.
Kênh đào Suez
Kênh đào Suez (Ai Cập) là nơi một giao thông giữa các quốc gia. Kênh chạy theo hướng Bắc-Nam đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nối Địa Trung Hải với Vịnh Suez và một nhánh của Biển Đỏ.
Ngay từ khi xây dựng, kênh đào Suez không đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Ai Cập nên nó dần bị lãng quên. Theo ghi chép của các nhà sử gia Hy Lạp, vào năm 600 TCN, vua Necho II đã tu sửa lại nó. Tuy nhiên con kênh thực sự được hoàn thiện bởi người Ba Tư khi vua Darius I đã ra lệnh xây dựng, mở rộng kênh để phục vụ di chuyển tàu chiến khi đánh chiếm Ai Cập.
Hệ thống thuế
Vua Cyrus Đại đế (601 - 530 TCN) đã thiết lập nên hệ thống đánh thuế đầu tiên để duy trì hoạt động của bộ máy cai trị Đế chế Ba Tư. Người dân có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ để thể hiện sự tôn trọng, đức tin của họ vào hoàng đế.
Từ đó, nhà vua sẽ sử dụng sưu thuế thu được để xây dựng các công trình công cộng, đường xá phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của muôn dân. Đánh thuế là một hình thức lạ vào thời điểm đó và chính sách này được thực hiện rất hiệu quả, giúp Cyrus Đại đế cai trị đất nước
Khai thác sức mạnh của gió
Cối xay gió đầu tiên được người Ba Tư tạo nên vào thế kỷ 5 SCN. Những cối xay gió được làm từ 6 đến 12 cánh quạt hình chữ nhật được phủ bằng thảm dệt từ sậy hay vải.
Chúng hoạt động từ sự di chuyển của các cánh quạt theo chiều gió để xay xát mía, lúa mạnh và thực phẩm.
Con trai chỉ được mẹ chăm sóc đến 5 tuổi
Văn hóa Ba Tư cổ đại có các tập tục rất nghiêm ngặt, đặc biệt là giới quý tộc. Theo các nhà sử học, những cậu bé tầng lớp quý tộc chỉ được mẹ nuôi dưỡng đến khi đủ 5 tuổi sau đó sẽ trao lại cho cha chúng dạy dỗ.
Nam giới được học các kỹ năng thiết yếu như: cưỡi ngựa, bắn cung, cách chiến đấu, đọc và viết. Các chàng trai ở độ tuổi 20 – 24 tuổi sẽ gia nhập quân đội và được nghỉ hưu cho đến khi 50 tuổi.
Trung tâm kiến thức vĩ đại nhất thế giới
Năm 271, người Ba Tư đã thành lập nên học viện Gundishapur, đây là một trung tâm kiến thức, y khoa quan trọng, điển hình về mô hình giáo dục bậc cao ở khu vực Trung Đông trong thế kỷ thứ 6 và 7.
Học viện này đạt những thành tựu huy hoàng vào thời nhà Sassanid và được ghi nhận là nơi tạo nên hệ thống bệnh viện đầu tiên trong lịch sử.
- 0
- 0Bình luận