Toàn bộ câu chuyện trong \'Joker\' phải chăng chỉ là ảo giác của nhân vật Arthur Fleck?
Bài viết này có tiết lộ nội dung trong phim.
Tên hề điên loạn trong Joker có thể là một trong những phiên bản gây loạn trí người xem nhiều nhất của nhân vật phản diện kinh điển. Arthur Fleck do Joaquin Phoenix thủ vai phải vật lộn với xã hội lẫn sức khỏe tinh thần của chính mình trong khi lan tỏa sự phẫn nộ với những người xung quanh.
Tuy nhiên, những ảo giác quá mạnh mẽ của Arthur khiến người xem tự hỏi: "Liệu bao nhiêu phần trong Joker là thật, hay tất cả chỉ diễn ra trong tâm trí của tên hề điên loạn?"
1. Chuyện tình với Sophie
Khía cạnh tích cực duy nhất trong cuộc sống của Arthur (ít nhất trong một thời gian) là mối quan hệ của anh với Sophie (Zazie Beetz). Cô hàng xóm cùng Arthur dạo quanh các con phố của Gotham, cười đùa và ủng hộ nhân vật chính khi mọi thứ trở nên khó khăn. Có thể thấy, Arthur đã thoải mái hơn khi ở bên cạnh cô nàng.
Điều đó càng làm cho hắn ta (và cả người xem) cảm thấy tàn khốc hơn bao giờ hết khi nhận ra sự thật rằng tất cả những hạnh phúc đó không hề tồn tại. Sau khi biết được thân thế thật sự và giết mẹ của mình, Arthur tìm đến căn hộ của Sophie nhưng bà mẹ đơn thân tỏ ra sợ hãi và cầu xin hắn ta rời đi vì cô hầu như không quen biết người đàn ông đang lẻn vào nhà mình.
Từ đây, Arthur dần nhận ra Sophie chưa bao giờ thật sự ở bên mình và tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi. Khoảnh khắc ấy dường như phá hủy hắn ra. Arthur trở về phòng và để mặc cho những thế lực đen tối định hình Joker bên trong mình lấn át hoàn toàn.
2. Tất cả chỉ diễn ra trong ý nghĩ
Có một vài vấn đề khác làm những ảo tưởng của Arthur trở nên phức tạp hơn. Hắn ta dành phần lớn thời gian của bộ phim cố gắng điều chỉnh lại suy nghĩ của mình sau khi chương trình điều trị miễn phí của nhà nước bị cắt giảm. Điều đó có thể giải thích phần nào cơn giận dữ ngày càng gia tăng của hắn.
Tuy nhiên, ngay trước cả khi dừng điều trị, Arthur vẫn vẽ ra viễn cảnh mình nổi tiếng, đặc biệt là khi hắn ta xuất hiện trong chương trình của Murray Franklin (Robert De Niro). Sự khác biệt ở đây là dường như Arthur đã nhận thức được đó chỉ là tưởng tượng của chính mình. Trong câu chuyện của Sophie, hắn ta chỉ bàng hoàng khám phá ra sự thật khi nhận thấy sự kinh hãi và bối rối của người hàng xóm trong đời thực.
Với những ảo tưởng diễn ra ngày càng rõ rệt, câu hỏi thực sự được đặt ra là: "Có bao nhiêu hành động tiếp theo của Arthur là thật?" Các sự kiện trong Joker nhanh chóng leo thang từ bất ổn dân sự đến bạo lực hoàn toàn. Người biểu tình hóa trang thành Joker và tập trung tại những nơi tụ tập của giới nhà giàu. Các chú hề xuất hiện ngày càng nhiều và lấp đầy cả đường phố.
Mặc dù những phản ứng của người dân Gotham cho thấy Arthur đã thật sự giết chết ba người tại trạm tàu điện ngầm, sự đồng cảm của họ có thể chỉ là viễn cảnh trong đầu hắn ta mà thôi.
3. Đời là thế!
Cùng với tiến triển của bộ phim, việc xác định tính thực tế của những sự kiện này trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi chúng ngày càng kỳ quặc hơn. Hành động của Arthur dẫn đến tình trạng hỗn loạn bủa vây Gotham. Dường như mọi người đã lấy cảm hứng từ chúng để thực hiện những điều khủng khiếp.
Arthur có thể lén lút xuyên qua một cuộc biểu tình rầm rộ với sự hiện diện rộng rãi của cảnh sát và lực lượng an ninh tại một nhà hát để có cơ hội nói chuyện với Thomas Wayne (Brett Cullen). Khi Murray Franklin nói về trạng thái tâm thần của Arthur trên truyền hình, hắn ta dường như thừa nhận nó đã điều khiển và làm lệch lạc các quan điểm của hắn ngay trước khi giết chết người dẫn chương trình.
Sự hỗn loạn theo sau cái chết của nhân vật Murray Franklin diễn ra một cách mơ hồ hơn bao giờ hết. Arthur chứng kiến các cuộc bạo loạn ngập tràn thành phố Gotham khi đang trên xe vận chuyển của cảnh sát. Bạo lực bùng nổ dữ dội đến mức các sĩ quan cảnh sát không hề nhận ra một chiếc xe cứu thương đang tiến thẳng về phía họ.
Điều tiếp theo xảy ra là một đám đông hóa trang thành hề đang kéo Arthur đang bị thương lên từ đống đổ nát. Nhân vật chính của bộ phim trong trạng thái bất tỉnh được nâng lên và đặt trên xe cảnh sát với sự tôn kính như thể hắn ta là một biểu tượng tôn giáo. Khi Arthur tỉnh dậy, có cả một đám đông đeo mặt nạ hề cổ vũ cho hắn ta và những hành động tàn bạo hắn đã thực hiện. Đó là ước mơ lớn nhất của Arthur: Cả thế giới phải chú ý và yêu mến con người thật của hắn.
Phân đoạn này là một khoảnh khắc siêu thực nhưng đáng sợ khi các mâu thuẫn, xung đột tồi tệ nhất của Gotham được phơi bày. Nhưng liệu đây có phải chỉ là tưởng tưởng của một người đàn ông đang có vấn đề về tâm lý về cách mà thế giới sẽ phản ứng với hành động của anh ta?
Mọi thứ quá bất ngờ và gây sốc đến mức có thể chúng chưa bao giờ xảy ra. Arthur sống sót mà hầu như không có thương tích gì nghiêm trọng và được người hâm mộ vây quanh Điều này dường như quá tốt đẹp để trở thành sự thật với hắn ta. Liệu sự ủng hộ hết mình này có phải chỉ diễn ra trong ý nghĩ của Arthur, giống như câu chuyện của Sophie trước đó?
Ở phân cảnh cuối cùng tại nhà giam Arkham, Arthur đang nói với nhân viên xã hội về một trò đùa mà bà sẽ không "hiểu". Bao nhiêu phần của bộ phim chỉ là những trò đùa trong đầu Arthur? Có phải toàn bộ tác phẩm là cái nhìn cận cảnh bên trong suy nghĩ của một người đang mắc bệnh tâm thần và nhận thức của anh ta về thế giới xung quanh? Trong trường hợp đó, có lẽ bức chân dung mà bộ phim vẽ nên về nhân vật Arthur Fleck đáng thương vốn đã bị chính những định kiến của Arthur về bản thân và thế giới vặn vẹo.
- 0
- 0Bình luận