logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Tâm tư chuyện đèo Mã Pí Lèng: Đây là danh lam thắng cảnh quốc gia chứ không phải địa điểm du lịch

Toàn cảnh khách sạn Panorama trên đèo Mã Pí Lèng.

Công trình phục vụ du lịch của bà Vũ Thị Ánh tọa lạc trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) khiến cộng đồng phẫn nộ trong những ngày qua, được biết tòa nhà này còn có tên gọi là Mã Pí Lèng Panorama Hotel. Được biết công trình này đã vi phạm Luật Di Sản khi phá hủy cảnh quan của đèo Mã Pí Lèng.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định lỗi vi phạm, đề xuất ra phương án xử lý dỡ bỏ thì bà Vũ Thị Ánh đã dọa nếu công trình bị đập thì bà “chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế” để mà tự tận. Đứng trước lời tuyên bố của bà Ánh, lại có 2 luồng ý kiến trái ngược, một cho rằng nên dỡ bỏ Panorama Hotel, một cho rằng nên giữ lại để phục vụ du lịch và tránh tổn thương đến người chủ sở hữu.

Admin hội nhiếp ảnh Canon Việt Nam mở lời kêu gọi trả lại cảnh quan tự nhiên cho Mã Pí Lèng thì bị thành viên phản đối, quy trách nhiệm nếu bà chủ tự sát.

Có thể thấy, hầu hết ý kiến ủng hộ giữ lại khách sạn Mã Pí Lèng Panorama đều chỉ dựa trên cảm tính cá nhân chứ không qua lăng kính pháp luật. Quan trọng nhất, nhiều bạn trẻ không phân biệt được rằng đèo Mã Pí Lèng vốn là một di sản văn hóa, là danh lam thắng cảnh. Điều này không đồng nghĩa với việc đèo Mã Pí Lèng có thể được sử dụng để phục vụ du lịch!

Đèo Mã Pí Lèng là danh lam thắng cảnh

Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ra quyết định xếp hạng khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm:

1- Đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.

2- Khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.

3- Hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Theo đó, đèo Mã Pí Lèng đã được bảo vệ theo Luật Di Sản của Việt Nam số: 28/2001/QH10 do Quốc Hội Việt Nam Ban Hành. Theo Luật Di Sản, trong bộ luật này có 2 lần từ khóa "du lịch" được nhắc đến trong Chương II - QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI DI SẢN VĂN HOÁ tại Điều 15 và Điều 16 như sau:

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá.

Tuy nhiên, Điều 15 và Điều 16 chỉ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sở hữu và quản lý trực tiếp di sản văn hóa. Trong trường hợp này, bà Vũ Thị Ánh hoàn toàn không có tư cách pháp nhân "sở hữu và quản lý trực tiếp" di sản văn hóa, nên việc bà xây khách sạn để kiếm tiền từ khách đến ngắm cảnh đèo là sai phạm.

Hơn nữa, việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá cũng không được vi phạm quy định bảo vệ, giữ gìn di sản văn hoá (ở đây cụ thể là cảnh quan thiên nhiên của đèo Mã Pí Lèng).

Không phải khu du lịch, điểm du lịch

Luận điểm "giữ lại khách sạn Panorama" để phục vu du lịch là vô lý, bởi vì đèo Mã Pí Lèng không phải là khu du lịch, điểm du lịch. Theo Luật Du Lịch của Việt Nam, số: 09/2017/QH14 được Quốc Hội ban hành. Khu du lịch và điểm du lịch có khái niệm như sau:

1- Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.

2- Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.

Điều kiện để trở thành khu du lịch, điểm du lịch là phải có Đơn đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, trong khi đó Mã Pí Lèng chưa hề được đầu tư để đáp ứng điều kiện này.

Giữ lại Panorama Hotel là giữ mầm tai họa

Y kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn (tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc đại học Washington, thạc sĩ đại học California) như sau:

Mã Pí Lèng là một di sản thiên nhiên thì không nên xây công trình nào hết, không thể giữ lại bất cứ công trình nào lồi lên mặt đất, và nếu có công trình thì chỉ là công trình mây tre lá chứ không phải công trình bê tông.

Đồng ý với quan điểm này, KTS Nguyễn Hạnh Nguyên (Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) cũng cho rằng nên đập bỏ hoàn toàn khách sạn Panorama để tránh vi phạm luật di sản, tạo thành tiền lệ xấu.

Theo ý kiến chuyên gia, chỉ nên có một sân ngắm cảnh (như hình trên) để người tham quan thắng cảnh có thể đứng ngắm và chụp hình, điều này không phá hoại cảnh quan, cũng không vi phạm luật pháp hiện hành của Việt Nam.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nói thêm:

Đứng trên góc độ bảo tồn di sản thì một điểm ngắm cảnh chỉ nên là một sân ngắm cảnh và các công trình khác phải ngầm xuống. Đây là một điểm di sản thiên nhiên chứ không phải một điểm du lịch. Nếu đây là một điểm du lịch giống như điểm nhìn xuống thung lũng Đà Lạt thì có thể xây một công trình du lịch ở đây.

Chính xác hơn mà nói, ý kiến của các chuyên gia lẫn cơ sở pháp lý đều xác định rằng đèo Mã Pí Lèng là một danh lam thắng cảnh dùng để "ngắm", không phải là một địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, vui chơi ăn uống. Nếu giữ lại công trình này, chính là tạo điều kiện để nhiều công trình khác mọc lên ở các danh lam thắng cảnh, hậu quả sẽ rất khó lường.

Thu hút "du lịch thiếu quy hoạch" ở Mã Pí Lèng là lợi bất cập hại

Mặc dù đèo Mã Pí Lèng có quang cảnh là nguyên liệu phù hợp để phát triển du lịch để cải thiện kinh tế cho địa phương nghèo như Mèo Vạc, tuy nhiên nhà nước vẫn chưa có kế hoạch phát triển du lịch ở đây cũng là có nguyên nhân sâu xa.

Đá rơi tại đèo Mã Pí Lèng vô cùng nguy hiểm cho du khách.

Thứ nhất, Mã Pí Lèng là nơi địa hình hiểm trở, xác suất xảy ra tai nạn cao không thể đoán trước. Cách đây không lâu, vào ngày 31 tháng 5, tại đèo Mã Pí Lèng, cụ thể là khu vực giáp ranh giữa xã Pải Lủng và xã Pả Vi (thuộc huyện Mèo Vạc) đã xảy ra vụ sạt lở đá làm 2 người bị thương (ảnh trên).

Thứ hai, nếu dung túng cho những công trình như Panorama Hotel, chắc chắn sẽ thu hút dòng người đổ về Mã Pí Lèng một cách không kiểm soát, tự phát, có thể dẫn đến hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, thậm chí để lại những hình ảnh vô văn hóa chướng tai gai mắt, đi ngược lại thuần phong mỹ tục như một vài ví dụ dưới đây:

Đoàn phượt thủ chặn đường đèo Mã Pí Lèng, nhảy múa vô cùng phản cảm.
4 người đàn ông khỏa thân ở Mã Pí Lèng Panorama. Một trong số đó được cộng đồng xác định là chủ kênh YouTube Hiếu Orion - một nhân vật khá nổi tiếng với những phát ngôn về chính trị xã hội.

Như vậy, mặc dù những rắc rối xung quanh đèo Mã Pí Lèng chỉ mới bắt đầu nhưng chúng ta đã có thể thấy được nhiều hệ quả nghiêm trọng trong việc phát triển du lịch thiếu quy hoạch dài hạn, thiếu ý kiến của chuyên gia. Hy vọng sắp tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền Hà Giang sẽ sớm có biện pháp xử lý ổn thỏa.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)