Tìm hiểu về Rối loạn lo âu xã hội: \'Căn bệnh thời đại\' đã \'giết\' Sulli và nhiều ngôi sao khác
Sự quan tâm dành cho sức khỏe tâm thần ngày càng tăng lên kéo theo đó là những người nổi tiếng cũng mở lòng hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Nhờ đó, cộng đồng người hâm mộ mới giật mình nhận ra: Dù là người nổi tiếng, tiền bạc bạt ngàn, họ cũng không mua được áp giáp sắc cho cảm xúc của mình. Sức chịu đựng của họ ở thời điểm nào đó cũng mỏng manh như người bình thường mà mũi dùi dư luận phải chịu lại sắc nhọn gấp trăm lần.
Trong đó rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder, SAD) là hội chứng đa phần người nổi tiếng mắc phải. Điều đó nghe lạ lùng quá phải không vì họ vốn phải là những người hướng ngoại, quen với việc xuất hiện nơi đông người và xử lý những tình huống xã hội đa dạng khác. Thế nhưng đó là những công việc góp phần tăng khả năng mắc rối loạn lo âu của họ trong thời gian lao động.
Theo viện NICE (National Institute of Health and Care Excellence), người bị rối oạn lo âu xã hội có biểu hiện sợ hãi quá mức trước những tình huống xã hội thông thường, khiến họ đổ mồ hôi, đỏ mặt, buồn nôn... Họ sợ rơi vào những tình huống dễ bị bẽ mặt hoặc chỉ trích, từ đó né tránh những hoạt động như nói trước đám đông, làm việc mà có người quan sát, thậm chí nghe điện thoại, hẹn hò cũng rất khó khăn.
Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu xã hội
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn lo âu xã hội (hay bệnh sợ xã hội, ám ảnh xã hội). Đầu tiên là do di truyền, cha mẹ mắc chứng sợ xã hội thì người con cũng có khả năng phát triển bệnh này, một phần là do chứng bệnh ảnh hưởng tới cách nuôi dạy con cái của họ. Cha mẹ rối loạn lo âu có xu hướng thu mình, bảo vệ con quá mức và hay chỉ trích chúng, từ đó dẫn đến trải nghiệm với ba mẹ không tốt, con trẻ phát triển chứng rối loạn lo âu. Gia đình không hòa thuận cũng là nguyên nhân.
Nguyên nhân tiếp theo và có lẽ phần nhiều người bệnh gặp phải là trải nghiệm xã hội không tốt: bị bắt nạt từ nhỏ, bị lạm dụng tình dục, trải nghiệm tiêu cực như nói trước đám đông, bị lăng mạ... Những người có tính cách nhạy cảm, hay xấu hổ cũng dễ bị tác động bởi những trải nghiệm xấu và dễ mắc rối loạn nhất. Đồng thời thường xuyên nghe những cảnh báo, chuyện kể về xã hội nguy hiểm, rủi ro cũng gây bệnh.
Văn hóa cũng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng. Văn hóa liên quan tới cách nuôi dạy và từ đó liên đới đến yếu tố gia đình đã nêu ở đầu. Trẻ em Mỹ dễ mắc rối loạn lo âu hơn nếu cha mẹ nuôi dạy chúng để ý tới cái nhìn của người khác và hòa nhập (phải làm cho bạn bè ngưỡng mộ, nổi tiếng, ít nhất không được dị hợm và nằm trong nhóm "thất bại), họ dùng cách chỉ trích và khiến con cái xấu hổ như một hình thức kỷ luật.
Đồng thời môi trường học tập Mỹ không đánh giá cao sự nhút nhát và những nhân vật đó thường không có tiếng nói trong tập thể, có khi bị bắt nạt. Điều này ngược lại hoàn toàn ở những quốc gia châu Á như Trung Quốc, trong đó đứa trẻ ngoan ngoãn, nghiêm túc nhất thường được chỉ định làm lãnh đạo, tập thể cũng không gay gắt nếu bạn là người nhút nhát, nội tâm.
Nếu bạn là nữ, khả năng mắc rối loạn lo âu xã hội cũng cao gấp 2 lần nam giới.
Hậu quả
Rối loạn lo âu xã hội có thể dẫn đến trầm cảm cũng nhiều rối loạn tâm thần khác rất phức tạp. Sự rối rắm của tinh thần không ổn định khiến nhiều người đi đến quyết định cực đoan gây hại cho chính họ, như là tự sát. Năm 2016, dữ liệu toàn cầu của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 793.000 vụ tự tử trên toàn thế giới và con số này tiếp tục tăng.
Những người tự sát vì căn bệnh tâm lý là hồi chuông cảnh báo xã hội quan tâm hơn tới sức khỏe tâm thần bên cạnh sức khỏe vật lý. Trong đó, sự ra đi của những người nổi tiếng nhờ truyền thông mà đánh động được số đông quần chúng.
Chester Bennington là ví dụ trong những năm gần đây, năm 2017. Đối với người hâm mộ, cái chết của anh vừa bất ngờ vừa như đã được cảnh báo trước bởi Chester có một thời niên thiếu không may mắn, bị lạm dụng và nghiện ngập. Sự nghiệp đang ở đỉnh cao, vẫn sáng tạo liên tục thì Chester đột ngột treo cổ.
Chưa kể trước đó trong đoạn video cuối cùng anh vẫn vui vẻ chơi với con, nụ cười không bao giờ tắt. Thế mới thấy trầm cảm không hẳn có bộ mặt u sầu. Trước đó không lâu bạn thân anh là Chris Cornell cũng tự sát vì trầm cảm, điều đó phần nào ảnh hưởng tới anh. Bây giờ người hâm mộ nghe lại những bản nhạc cũ, nhận ra bao tâm tình phiền não hóa ra anh gửi trong lời hát hết rồi.
Đến năm 2018 thì Avicii, DJ người Thụy Điển cũng tự sát khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Cái chết của anh khiến người hâm mộ bàng hoàng, nhưng nếu xem trong phim tài liệu "True Stories" sẽ thấy anh từng có chia sẻ về chứng rối loạn lo âu và căng thẳng của mình: "Nó sẽ giết tôi". Không thoải mái khi xuất hiện trước đông người, nhưng họ vẫn phải biểu diễn, sáng tác, vô tình nghe và đọc vài bình luận có lẽ là thách thức không nhỏ cho tinh thần của họ.
Và mới đây thôi ngày 14/9/2019, cộng đồng fan K-pop rúng động khi công chúa SM, nữ thần của lòng người hâm mộ treo cổ tự sát tại nhà riêng khi chỉ mới 25 tuổi. Được biết nữ idol tham gia giới giải trí từ nhỏ, cô chia sẻ bị mắc rối loạn lo âu và rối loạn hoảng sợ (panic disorder) từ bé rồi.
Theo thời gian, Sulli vướng nhiều lùm xùm hẹn hò và hình ảnh trên mạng xã hội, những lời bình luận ác ý về cô cứ thế chất chồng. Tâm lý không ổn định, Sulli càng thể hiện bất cần và tiếng ác cứ thế nhiều thêm.
Dù cô có lượng fan đông đảo luôn ủng hộ, nhưng có lẽ cũng không đủ xoa dịu lời cay đắng vốn có sức công phá mạnh mẽ hơn. Một lần nữa, cộng đồng người hâm mộ lại nhắc nhở nhau về cách đối xử với thần tượng "Hãy yêu quý khi họ vẫn còn sống". Thế nhưng trước Sulli vào năm 2017, sau cái chết của thành viên Shinee là Jonghuyn vì tự sát, họ cũng nhắc nhau như vậy. Bạo lực mạng vẫn diễn ra, một ai đó giấu mặt trên mạng xã hội vẫn vô tư gõ lời ác ý mà không quan tâm sau màn hình ấy idol vẫn đọc được từng lời.
Chứng rối loạn hoảng sợ của Sulli có thể là nguyên nhân tăng khả năng tự sát. Những người mắc Panic Disorder thường phải đối mặt với cơn hoảng loạn đột ngột, lặp đi lặp lại. Trong cơn hoảng loạn, người bệnh dễ bị đau tim, khó thở, đau bụng. Người bệnh nhận thức rõ và sợ hãi lần bị tái diễn lần hoảng sợ tiếp theo và cố tránh chúng. Nếu bạn có biểu hiện như vậy, hãy đi gặp bác sĩ tâm lý.
Ngoài ra còn rất nhiều người nổi tiếng khác chia sẻ về bệnh tâm lý của học như Mariah Carey, Lady Gaga, Adriana Grande, Emma Stone... Từ những người quen mặt công chúng qua thị phi cho tới các sao với đường sự nghiệp sạch sẽ, dù là người nổi tiếng, không phải ai cũng có "da mặt dày". Dù là với người lạ trên mạng hay những người thân thuộc xung quanh, hãy cân nhắc sức nặng những lời chỉ trích, "đùa vui" mà bạn ném vào tinh thần họ nhé.
- 0
- 0Bình luận