10 khoảnh khắc trong Joker (2019) khiến bạn nhớ mãi
Joker vẫn khuấy đảo màn ảnh rộng và là đề tài tranh cãi trên mạng xã hội. Dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, ai cũng phải công nhận rằng Joker đưa góc nhìn táo bạo, lan tỏa mạnh mẽ dành cho nhân vật phản diện kinh điển từ truyện tranh.
Joker là hành trình tăm tối của Arthur Fleck, người đàn ông tâm thần bị xã hội ruồng bỏ. Cách anh nhìn thế giới chẳng biết đâu là hư đâu là thực, thể hiện qua những đoạn thoại, những khoảnh khắc cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về con người này. Xin điểm lại một vài điểm đáng chú ý.
10. Là do tôi thế giới này ngày càng điên loạn
Gotham trong những câu chuyện liên quan đến Batman luôn được khắc họa là thành phố khốn cùng, dẫn đến tình trạng tội phạm đầy rẫy. Gotham trong Joker (2019) còn ảm đạm hơn, bối cảnh nước Mỹ những năm 80s thời kỳ suy thoái cũng là điều kiện đẩy Arthur tới cùng cực. Đơn cử như trợ cấp y tế bị cắt ở đầu phim cho thấy tình hình tệ hại thế nào và những người như anh là nạn nhân chịu tác động đầu tiên.
Nên Arthur băn khoăn: "Là mình điên hay thế giới kia điên hơn mình? Và nó làm mình điên theo?" Hoặc tất cả cùng điên hết rồi.
9. Cô không bao giờ lắng nghe phải không?
Xuyên suốt phim là tình cảnh bị lãng quên của Arthur. Anh là người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn mong được quan tâm, thế nhưng xã hội ngoại kia không mấy ai giúp đỡ mà còn bắt nạt và xa lánh anh. Trong buổi trị liệu, Arthur bày tỏ nỗi thất vọng ấy với bác sĩ tâm lý, trong môi trường mà đáng lẽ anh phải được quan tâm thì họ cũng mặc kệ anh. Anh luôn muốn được lắng nghe và chú ý. Càng về sau Arthur càng tiến xa để nhận được sự chú ý đó.
8. Kẻ nấp sau lớp mặt nạ
Câu nói trên của Thomas Wayne, bộ phim đưa ra một phiên bản khác của Thomas Wayne. Thay vì là một doanh nhân tận tụy sử dụng nguồn lực của mình để giúp đỡ người dân, ông lại là người mang cái tôi của người có địa vị và từ chối xem xét lợi ích của tầng lớp khốn cùng. Người xem cho rằng nhân vật này mang âm hưởng của cả Dolnald Trump và Hilary Clinton.
Trong phim sau khi Arthur giết 3 kẻ bắt nạt, báo đài đưa tin về kẻ giết người mang mặt hề. Lúc này Thomas cho rằng kẻ hèn hạ dám làm điều đó vì họ nấp sau mặt nạ, đồng thời ám chỉ dân tầng lớp thấp Gotham là "lũ hề". Đây không phải di sản tốt để lại cho con trai Bruce Wayne sau này.
7. Người ta bắt đầu nhận ra tôi
Sau vụ giết người dưới tàu điện ngầm, một cái gì đó đã trỗi dậy trong Arthur, tháo kén mà bung nở. Hành động "giết người giàu cặn bã" vô tình truyền cảm hứng cho những con người tuyệt vọng ở Gotham và trở thành biểu tượng cách mạng xuất hiện khắp phố. Như đã nói ở trên, cả cuộc đời Arthur mong được quan tâm, đón nhận, thế nên việc hành động của anh châm ngòi bạo loạn khiến anh cảm nhận được sự tồn tại của mình mang ý nghĩa.
6. Câu đùa của Joker
Đây là một câu chơi chữ đồng âm trong tiếng Anh nên xin phép chỉ có thể chuyển ngữ đơn nghĩa với nỗ lực sát cả 2 nghĩa nhất có thể. Nguyên văn tiếng Anh là "I just hope my death makes more cents/sense than my life". Arthur hy vọng cái chết của mình có ý nghĩa hơn cuộc đời anh sống.
Arthur muốn trở thành diễn viên hài độc thoại, thế nhưng cách anh hiểu về hài hước lại khác người thường, thể hiện một tâm trí bị vặn xoắn. Thất bại trong việc thực hiện ước mơ cũng góp phần khiến anh sa lầy vào con đường tăm tối.
5. Tôi từng nghĩ cuộc đời mình là bi kịch...
Bi kịch của Arthur chính là anh thật sự muốn mang lại niềm vui và tiếng cười cho thế giới này, chỉ là thế giới không cần chúng từ anh. Anh duy trì tâm niệm ấy cho dù bị vùi dập thế nào. Nhưng khi sức nặng vượt mức chịu đựng, nhất là khi Arthur phát hiện mình là đứa mồ côi bị bạo hành từ bé, trong anh mở ra cái nhìn mới: "Trước nay những tưởng đời tôi là bi kịch, nhưng giờ tôi nhận ra nó là một vở hài kịch". Vở hài kịch này sẽ còn được Joker kể dài dài, bạn sẽ nhận ra điều đó ở cuối phim.
4. Điều tệ nhất khi bị bệnh tâm thần
Đa phần khán giả trước khi xem đều mường tượng một Joker đen tối và bạo lực đẫm máu. Nhưng thật ra Joker 2019 nói nhiều hơn về việc mắc bệnh tâm thần và cách xã hội phản ứng với nó.
Arthur bị bệnh tâm thần nặng nhưng ít ai quan tâm tới tình trạng đó, điều này liên đới đến cảm giác bị bỏ rơi đã nhắc tới. Trong một dòng ghi chép Arthur đã viết "Điều tệ nhất khi bị bệnh tâm thần đó là mọi người mong bạn hành xử như không bệnh". Trong quyển sổ ở phần viết những lời nói đùa của anh, ta có thể thấy vài từ khóa liên quan đến "mất ngủ", "nghèo".
3. Đầu tôi chỉ toàn suy nghĩa tiêu cực
Bộ phim nêu bật ý tưởng rằng một kẻ phản diện như Joker có thể sẽ không được sinh ra nếu có ai chịu lắng nghe hắn. Arthur biết mình bệnh và muốn được giúp đỡ nhưng xã hội không thèm quan tâm, vô tình đẩy anh xuống vực sâu.
Khi đi gặp nhân viên công tác xã hội, anh chỉ trích bà vì chỉ hỏi lặp đi lặp lại một câu và không thèm quan tâm câu trả lời. Câu chốt hạ đau lòng nhưng đáng sợ được truyền tải hoàn hảo qua diễn xuất của Joaquin Phoenix.
2. E là bà không hiểu được đâu
Hành trình tăm tối của Arthur kết thúc trong nhà giam bệnh viện tâm thần Arkham. Đoạn kết lờ mờ cho biết tất cả những gì diễn ra được kể lại bởi Joker, đặt nghi vấn lớn về tính hiện thực của mọi sự, bởi từ lâu giang hồ đồn "không nghe Joker kể chuyện". Chưa kể khi Joker cười lớn, bác sĩ hỏi anh có muốn chia sẻ chuyện cười anh vừa nghĩ ra không, Joker chỉ đáp "E là bà không hiểu được đâu". Khả năng cao đó lại là một câu chuyện đời khác, một "vở hài kịch" khác khiến hắn cười ngặt nghẽo như vậy.
1. Ông sẽ nhận thứ ông đáng phải nhận
Khi Arthur được mời tới chương trình của Murray Franklin, ta linh cảm có điều chẳng lành. Arthur dùng chương trình để ra mắt nhân dạng Joker của mình và tuyên bố với xã hội điều mình đã làm.
Sau khi thú nhận giết 3 người ở tàu điện ngầm, đã có tranh cãi leo thang và Arthur được dịp bày tỏ ý kiến của mình. Cao trào là khi Arthur buộc tội Murray phát đoạn clip của anh, đem anh ra làm trò cười, nhưng Murray không quan tâm mà chỉ buộc tội anh. Arthur kể chuyện cười cuối cùng của mình, ở đây lại một câu chơi chữ: "Ông sẽ nhận/biết được gì khi đi ngang một người bệnh tâm thần cô đơn bị xã hội ruồng bỏ và đối xử như rác?", nhái theo chuyện cười "băng qua đường". Một kiểu đùa kinh điển kiểu Arthur, chẳng ai cười nổi, theo đúng nghĩa đen vì sau đó súng đã nổ: "Ông sẽ nhận thứ ông đáng phải nhận". Câu nói này lần nữa xoáy vào căn bệnh tâm thần, nỗi cô độc không ai đoái hoài của Arthur nói riêng hay những người trong hoàn cảnh tương tự nói chung ở thời điểm khó khăn đó. Xã hội đối xử với người bệnh như Joker thế nào, sẽ nhận lại hậu quả đáng sợ không lường trước được.
- 0
- 0Bình luận