Nhật cảnh báo chất độc từ chất thải phóng xạ đã bị phát tán ra môi trường sau bão Hagibis
Báo Asahi Shimbun Nhật Bản đưa tin cho biết số chất thải phóng xạ này là những gì còn lại sau quá trình khử độc trong thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, chúng bao gồm những vật liệu, cây cỏ...bị nhiễm phóng xạ được thu gom lại trong một cái túi có dung tích khoảng 1 mét khối.
Sau khi Nhật Bản bị siêu bão Hagibis tấn công, do triều cường, mưa to kéo dài tạo nên lũ lụt đã nhấn chìm những túi chất thải nói trên trong nước suốt nhiều ngày, nước chứa chất độc phóng xạ rỉ ra đã chảy theo những con sông ra Thái Bình Dương. Có 6 túi đã bị trôi đi theo dòng nước sau đó may mắn được thu thập lại, 1 trong số đó đã trôi xa hơn 100 mét.
Chất thải phóng xạ là chất độc nguy hiểm có thể gây ra biến đổi yếu tố di truyền, dẫn đến các chứng dị dạng quái thai hoặc bệnh ung thư ở con người và các loài sinh vật khác. Chất thải phóng xạ không dễ dàng phân hủy trong môi trường và có thể gây ô nhiễm trên diện rộng, nhất là khi chúng theo dòng nước và làm ô nhiễm Thái Bình Dương.
Hiện tại, Nhật Bản chưa có phương án khắc phục, cũng như chưa đề xuất được cách nào để tiêu hủy an toàn 2667 túi rác thải phóng xạ này. Chính quyền thành phố Tamara ở tỉnh Fukushima thì xác định còn nhiều túi bị mất tích do dòng nước cuốn trôi hiện vẫn chưa tìm được, những tác hại đến môi trường đang được đánh giá. Tin này sau đó được xác nhận lại bởi Arirang News.
Gần đây Nhật Bản rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan vì những vấn đề phát sinh liên quan đến rò rỉ phóng xạ. Gần đây nhất là khi phát ngôn của Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada rằng: "Cách duy nhất để ngăn chặn sự tích tụ nước thải nhiễm phóng xạ Tritium (đồng vị phóng xạ của Hydro) tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi là xả số nước bẩn này ra biển."
Theo thống kê, hiện nay nhà máy Fukushima vẫn đang tiếp tục làm ô nhiễm môi trường, cứ mỗi ngày, nhà máy điện hạt nhân này lại khiến tạo ra thêm 170 tấn nước thải bị nhiễm phóng xạ Tritium, số nước thải này ngày càng tăng lên. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada thừa nhận rằng không còn cách nào khác.
Vào đầu tháng 9 năm nay, Nhật Bản cũng vướng phải nhiều chỉ trích khi một số nghiệp đoàn ở nước này đã tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam cho các hoạt động làm sạch chất thải phóng xạ. 3 thực tập sinh người Việt Nam ở Nhật Bản đã đâm đơn kiện công ty xây dựng vì bị "lừa" tham gia khử phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Bộ Tư pháp, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông cáo rằng công việc tẩy uế phóng xạ không phù hợp với mục đích ban đầu của các chương trình thực tập sinh. Tuy nhiên vụ việc vẫn đang được điều tra và Bộ Tư pháp Nhật Bản chưa có thông báo chính thức về người chịu trách nhiệm của vụ việc này.
- 0
- 0Bình luận