Thử nghiệm ngôn ngữ tàn nhẫn trên hòn đảo nhỏ ở Scotland
Hòn đảo Inchkeith bé xíu, cách Edinburgh khoảng 5km về phía Bắc, nằm giữa cửa sông Firth of Forth đã có một lịch sử hỗn loạn từ rất lâu. Vào thế kỷ thứ 12, hòn đảo lần đầu tiên được sử dụng làm nơi dừng chân cho tàu thuyền và phà đi từ Edinburgh đến Fife. Hai thế kỷ sau, vị trí địa lý của Inchkeith khiến nó trở nên cực kỳ hữu dụng về mặt chiến lược trong chiến tranh giành độc lập của Scotland, và cũng vì vị trí địa lý mà hòn đảo đã bị tấn công nhiều lần bởi quân đội Anh trong cuộc chiến Anh-Scotland kéo dài. Hồi thế kỷ thứ 15, hòn đảo là nơi dùng để cách ly những người bị mắc “căn bệnh truyền nhiễm còn bí ẩn” (giang mai), và thêm một lần nữa là nơi cách ly những người mắc bệnh trong đợt bùng phát bệnh dịch hạch 1 thế kỷ sau đó. Nhưng sự kiện bất thường nhất trong lịch sử đảo có thể kể đến là vào năm 1493, khi đức vua James đệ Tứ chọn sử dụng hòn đảo này làm nơi tổ chức một thí nghiệm ngôn ngữ kỳ quái và tàn nhẫn.
Trong số tất cả những đức vua đã từng trị vì Scotland, James IV là một người đàn ông thời Phục Hưng đích thực: Có học thức, tính tò mò cao, đam mê lịch sử, nghệ thuật, thơ ca và văn học, quan tâm đến sự tiến bộ y khoa và giác ngộ khoa học. Trong triều đại của mình, ông đã trở thành người bảo trợ cho một số nhà văn, nhà thơ, thi sĩ người Scotland nổi tiếng, nghiên cứu nha khoa và phẫu thuật, cấp phép cho các nhà in đầu tiên ở Scotland, và tài trợ cho một số nhà giả kim, nhà bào chế của tòa án để thực hiện thí nghiệm của họ dưới sự giám sát của ông. Một trong những nhà giả kim nổi tiếng nhất làm việc dưới trướng James, John Damian, thậm chí được cho là đã sử dụng tiền của nhà vua để tạo nên một bộ cánh lông gà to cỡ người, dùng để phóng mình từ lâu đài Stirling và bay đến thẳng Pháp. Khỏi cần nói nhiều, ông đã thất bại thảm hại, bị gãy chân sau khi rớt thẳng từ lâu đài xuống đất.
Tuy nhiên, trong số tất cả những sở thích mang tính trí tuệ của mình, James có tình yêu lớn và mãnh liệt nhất đối với ngôn ngữ. Ông được cho là vị vua cuối cùng sử dụng tiếng Scot Gael, một ngôn ngữ gốc Celt của người Scotland. Ngoài ra, James IV còn thông thạo tiếng Pháp, Latinh, Đức, Ý, tiếng Flemish cùng tiếng Tây Ban Nha. Khả năng ngôn ngữ cùng với khiếu tò mò bẩm sinh đã dẫn đức vua James đệ Tứ với một câu hỏi khá thú vị:
Ngôn ngữ tự nhiên của con người là gì?
Mọi thứ từ đây trở đi đều biến dị không thể tả được. Vào năm 1493, nhà vua ra lệnh cho hai em bé sơ sinh được gửi đến sống trên hòn đảo Inchkeith, cô lập, chỉ được các vú em nuôi nấng. Nhưng một người trong số đó bị câm điếc. Mục đích của thí nghiệm này là để xem những đứa trẻ sẽ tự phát triển ngôn ngữ nào cho chúng. Ông thật sự tin rằng nếu không được tiếp xúc với những ngôn ngữ đã có sẵn, thì dù chúng có tự phát triển được ngôn ngữ nào đi chăng nữa thì chắc chắn đó phải là ngôn ngữ bẩm sinh mà Chúa đã áp đặt cho Adam và Eva.
Language deprivation experiment (Thử nghiệm tước đoạt ngôn ngữ) đã có một lịch sử lâu dài, với lần đầu tiên thực hiện được ghi lại trong các tác phẩm của nhà sử học Hy Lạp Herodotus. Ông đã viết rằng, vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, Pharaoh Psamtik đệ Nhất đã gửi 2 đứa trẻ đến sống với một người chăn cừu tại một trong những nơi bị cô lập nhất vương quốc, với điều kiện là người chăn cừu không được phép nói chuyện với 2 đứa trẻ. Theo lời Herodotus, những đứa trẻ liên tục bập bẹ từ bekòs, một từ Phrygian cổ nghĩa là bánh mì. Điều này làm cho Psamtik tin rằng tiếng Phrygia mới là tiếng nói đầu tiên của con người.
Các thí nghiệm tương tự đã được thực hiện bởi Hoàng đế La Mã Frederick đệ Nhị, nhưng công sức của ông đã là vô ích, vì những đứa trẻ đã không thể sống mà thiếu cái chạm tinh tế của bàn tay, những cử chỉ quan tâm vui vẻ, hay sự vui mừng từ nét mặt. Đại đế Akbar cũng thực hiện những thử nghiệm này và thấy rằng những đứa trẻ lớn lên trong sự ghẻ lạnh sau này đều bị câm.
Về phần thử nghiệm của James đệ Tứ, trong cuốn Historie and Chronicles of Scotland, nhà sử học Robert Lindsay ghi lại rằng:
Nhà vua bắt người phụ nữ điếc và đưa bà ta đến Inchkeith, cùng với đó là 2 đứa trẻ, sau đó chu cấp cho bà đủ những thứ cần thiết để nuôi dưỡng chúng, mong muốn biết được ngôn ngữ sẽ phát ra từ miệng chúng khi thời điểm chín muồi. Một số người nói rằng chúng đã nói được tiếng Do Thái, nhưng về phần tôi thì tôi không rõ, vì tôi chỉ thu thập từ các báo cáo khác.
Liệu những đứa trẻ có học được tiếng Do Thái hay không thì không ai có thể biết được, vì chúng đã qua đời khá sớm do điều kiện tâm lý quá phức tạp và kinh khủng, nhưng những tác giả khác thì lại cho rằng “tiếng Do Thái” ở đây chỉ là tiếng la hét của bọn trẻ đang dần trở nên đờ đẫn vì không được tiếp xúc với ngôn ngữ.
- 0
- 0Bình luận