Vì sao cách mô tả bệnh nhân tâm thần của \'Joker 2019\' có thể dẫn đến hiểu lầm tai hại?
Ngay sau khi được công chiếu, Joker 2019 của đạo diễn Todd Phillips trở thành chủ đề cho những cuộc tranh luận sôi nổi, thậm chí tranh cãi và chia rẽ sâu sắc về cách thể hiện một bệnh nhân tâm thần thông qua hình ảnh của gã hoàng tử tội phạm thành phố Gotham do Joaquin Phoenix thủ vai.
Với vai trò là chuyên gia về bệnh tâm thần, bác sĩ Annabel Driscoll ở Đại học Cantebury, New Zealand và bác sĩ Mina Husain ở Đại học London chia sẻ với báo Guardian rằng phim Joker 2019 có thể tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc về bệnh nhân tâm thần trong đời thực.
Bệnh tâm thần không đồng nghĩa với bạo lực
Xã hội luôn có những định kiến nhất định với người mắc bệnh tâm thần, thế nhưng thực tế là những triệu chứng bệnh này khi được tái hiện trong văn hóa phẩm thường có sự sai lệch, từ đó cũng khiến cho một bộ phận khán giả có nhận thức không đúng đắn về người bệnh trong đời thực, đôi khi gây ra hiểu lầm đáng tiếc.
Đối với Joker của Joaquin Phoenix, một trong những hiểu lầm tai hại nhất có thể xảy ra là nhân vật này đã khiến khán giả liên hệ giữa bệnh tâm thần và bạo lực tột cùng khi chứng kiến những hành vi của Arthur Fleck. Diễn biến tâm lý phức tạp của Arthur đi kèm với sự bạo lực ngày càng tăng tiến về cuối phim, rõ rệt nhất là kể từ khi anh ta ngưng dùng thuốc an thần (vì nhân viên tư vấn tâm lý miễn phí thuộc bộ phận công tác xã hội đã bị cho nghỉ việc bởi suy thoái kinh tế).
Các chuyên gia lo ngại rằng chi tiết nói trên có thể dẫn đến thông tin sai lệch mà còn khuếch đại sự kỳ thị và sợ hãi đối với bệnh nhân tâm thần. Thực ra, nghiên cứu cho thấy người có tâm lý bất ổn, hoặc bị mắc bệnh tâm thần dễ dàng bị tổn thương bởi những tác nhân xung quanh hơn là gây hại cho người khác.
Có một chi tiết liên quan đến kết luận trên là câu nói: "Điều tồi tệ nhất của bệnh tâm thần là mọi người hy vọng bạn cư xử như thể bạn không bị." - chứng tỏ rằng Arthur Fleck đã phải chịu tổn thương rất nhiều. Trong một thời gian dài, anh ta đã co mình để chịu đựng những tác nhân tiêu cực từ bên ngoài, thế nhưng nó đã không dẫn đến những hành vi bạo lực, Arthur vẫn sống với hoài bão, dù đó là một cuộc sống thoi thóp, yếu ớt.
Đối với những tình tiết nửa cuối phim, khi sự tàn nhẫn và hành vi bạo lực ngày càng xuất hiện với tần suất cao hơn, dữ dội hơn ở Arthur Fleck, thì đó là cách mà các nhà làm phim muốn thể hiện để đạt được mục đích nghệ thuật của mình, cũng như truyền tải thông điệp chủ đạo của phim về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Nó không có nghĩa là một bệnh nhân tâm thần nào khác cũng sẽ cư xử như vậy.
Phim ảnh luôn có sự khác biệt với đời thực
Điều mà các chuyên gia muốn gửi gắm trong bài viết này là khán giả cần nhận thức rõ ràng ranh giới giữa phim ảnh và đời thực. Bản thân gã hài kịch sĩ Arthur Fleck của Joaquin Phoenix vốn được lấy ý tưởng từ một nhân vật truyện tranh mang tính biểu tượng là Joker.
Cần xác định rằng nguyên bản Joker trong truyện tranh là sản phẩm hư cấu, hắn ta là một tên tội phạm, một kẻ giết người, một kẻ điên, tổng hòa của những yếu tố này không thể dùng để suy ngược lại rằng những bệnh nhân tâm thần sẽ giết người vì họ bị điên.
Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật như Joker của Todd Phillips luôn có nhiều tầng nghĩa, trong bộ phim này, nhân vật Joker là một công cụ hữu hiệu để truyền tải những tầng nghĩa đó. Bộ phim mang tính nhân văn khi khai thác các khía cạnh trong đời sống của người Mỹ ở một giai đoạn lịch sử, đồng thời bao hàm những giá trị hoài niệm của một thế hệ đã sinh ra, lớn lên và sống sót giữa cảnh nhiễu nhương.
Khi thưởng thức một tựa phim như Joker, hãy cố gắng nhìn vào bản chất chứ không nên chỉ nhìn vào biểu hiện, thay vì khiến gã hề của Joaquin Phoenix trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh, hãy xem như đây là cơ hội để thưởng thức, chiêm nghiệm văn hóa Mỹ từ những gì tinh túy nhất mà Todd Phillips đã chọn lọc để đưa lên màn ảnh rộng.
Todd Phillips sinh ngày 20 tháng 12 năm 1970 ở Brooklyn, New York, ông là thế hệ đầu 7x ở Mỹ, cũng là thế hệ được xem là kém may mắn khi sinh ra và lớn lên giữa 2 cuộc đại khủng hoảng 1970s - 1980s. Bối cảnh này đã ảnh hưởng sâu sắc tới tuổi thơ của vị đạo diễn này và ông đã quyết định dùng Joker để tái hiện lại nó, như một cách "tri ân" với chính thế hệ của mình.
- 0
- 0Bình luận