Ốp điện thoại thiết kế như da người sắp ra mắt, sẽ phản ứng khi bị cù hoặc véo
Theo các nhà nghiên cứu, điện thoại thông minh được bọc trong các lớp da nhân tạo có thể mang đến cảm giác tự nhiên hơn khi sử dụng.
Các nhà khoa học đã phát triển một loại ốp bằng da nhân tạo cho điện thoại thông minh. Nguyên mẫu được thiết kế y hệt với da người, sẽ phản ứng ngay lập tức với các hình thức tiếp xúc của con người như cù lét, vuốt ve và véo.
Tên của sản phẩm là Skin-on, có thể gắn được vào điện thoại di động, các thiết bị đeo và bàn di chuột dành cho laptop. Nhóm nghiên cứu cho biết sản phẩm này sẽ mở ra cơ hội cho tương lai, nơi những đồ phụ tùng nhỏ mang đặc điểm của con người.
Tiến sĩ Anne Roudaut, phó giáo sư tại Đại học Bristol, chia sẻ với hãng tin PA:
"Da nhân tạo có thể trông khác thường bởi vì mọi người đã quen với những chiếc vỏ bọc vô tri và cứng nhắc, chúng tôi cảm thấy có những lợi thế mạnh mẽ về việc sử dụng loại công nghệ này.
Sự thân thuộc của da nhân tạo sẽ đem đến cho người dùng những trải nghiệm đầy tự nhiên hơn."
Da nhân tạo được tạo ra bằng cách sử dụng hai lớp silicon, được gọi là "hạ bì" và "lớp dưới da", cùng một lớp điện cực ở giữa được tạo thành từ các dây siêu mỏng đóng vai trò cảm biến.
Hai loại silicone khác nhau được nhúng vào bột màu và đúc để tạo ra kết cấu giống như da người. Các nhà nghiên cứu cho biết da nhân tạo cho phép các thiết bị "cảm nhận được sự nắm bắt của người dùng" và có khả năng "phát hiện các tương tác như cù lét, vuốt ve, thậm chí véo."
Marc Teyssier, tác giả của phát minh này cho biết:
"Nếu bạn nắm chặt tay một cách mạnh mẽ sẽ truyền tải sự tức giận, khi chạm vào da hiển thị biểu tượng cảm xúc đang cười và gõ vào sẽ tạo ra một biểu tượng cảm xúc bất ngờ'.
Ông chia sẻ với PA: "Loại da này có kết cấu bề mặt tinh tế, cảm giác được thực hiện ở lớp hạ bì và lớp dưới da (lớp mỡ) và độ đàn hồi là thứ cho phép chúng ta thực hiện các cử chỉ biểu cảm như véo."
Nhóm nghiên cứu tin rằng sản phẩm của họ khi được trình bày tại Hội nghị chuyên đề về phần mềm và công nghệ giao diện người dùng ACM lần thứ 32 ở Mỹ, có thể cho phép mọi người có trải nghiệm cảm xúc phong phú hơn khi sử dụng điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh.
Ông Teyssier nói thêm:
"Khi nói chuyện trực tiếp với ai đó, chúng tôi sử dụng xúc giác để truyền đạt cảm xúc và làm phong phú về nội dung.
Và khi việc giao tiếp trung gian được thực hiện qua các thiết bị thông minh, điều này gần như khiến mọi người mất đi cảm xúc. Với dự án này, chúng tôi đã cố gắng kết hợp cả 2 thứ một cách tốt nhất. Các nguyên mẫu chúng tôi phát triển đang phát triển sẽ hướng tới một tương lai với nhiều sản phẩm mang hình dáng con người."
Tiến sĩ Roudaut nói thêm: "Chúng tôi đã thấy nhiều phát minh đang cố gắng thay thế con người bằng máy móc, ở đây chúng tôi nhìn theo một chiều hướng khác và cố gắng làm cho các thiết bị được sử dụng hàng ngày giống như con người."
- 0
- 0Bình luận