Những vụ tự tử nổi tiếng nhất từng được ghi lại (Phần 2)
5. Kurt Cobain
Hồi đầu những năm 1990, Kurt Cobain đang đứng trên đỉnh thế giới âm nhạc với tư cách là giọng ca chính cho ban nhạc đình đám Nirvana. Nhưng những con quỷ nội tâm và cơn nghiện heroin đã kết thúc cuộc đời của ngôi sao đang sáng.
Là một đứa trẻ nhạy cảm và mang đầy chất nghệ thuật, Cobain lớn lên và cùng với những người bạn mình và đã cùng họ cho ra album Nevermind, cái tên đưa ban nhạc đến với đỉnh cao. Đĩa đơn chính của album, Smells Like Teen Spirit đã mở đầu cho một cuộc cách mạng âm nhạc và chất âm grunge, alternative rock của ban nhạc trở thành một hiện tượng toàn cầu. Kurt Cobain cũng là cái tên được khắp nơi biết đến, nhưng từ đây anh phải bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại những ảnh hưởng của việc nổi tiếng. Từ đó, heroin xuất hiện để giúp anh bớt đi cảm giác lo âu này.
Đến đầu năm 1994, Cobain đã hoàn toàn không thể kiểm soát được tâm trí mình nữa. Sự sụp đổ bi thảm của anh lên đến đỉnh điểm vào sáng ngày 8/4/1994.
Cobain mất tích từ ngày 2/4 cho đến sáng ngày 8. Một thợ điện được gửi đến nhà của Cobain ở Seattle đã phát hiện ra xác chết vô hồn của chàng ca sĩ trong nhà kính phía trên gara. Cobain qua đời vì một phát súng và đã chết được hơn 2 ngày. Khẩu súng lục mà anh dùng để tự tử vẫn còn đang nằm trên ngực. Nhiều người tin rằng Cobain tự nhốt mình trong căn nhà kính, viết thư tuyệt mệnh rồi sau đó bắn phát súng kết liễu cuộc đời. Khám nghiệm tử thi cho thấy có một lượng lớn heroin và Valium trong hệ tiêu hóa của Cobain.
Với việc tự sát, Kurt Cobain là cái tên tiếp theo trong câu lạc bộ khét tiếng 27 Club, một danh sách gồm những ngôi sao lớn không may qua đời khi chỉ mới 27 tuổi.
6. Ernest Hemingway
Khi tin tức về vụ tự sát của Ernest Hemingway lan đi vòng quanh thế giới vào năm 1961, nhiều người đã không khỏi thắc mắc tại sao một người đàn ông tài giỏi, quyền lực, giàu có như vậy lại không còn cách nào khác ngoài đặt dấu chấm hết cho mạng sống của mình. Nhưng Hemingway đã phải gánh chịu nhiều thập kỷ tổn thương kể cả thân xác lẫn tinh thần. Và đơn giản là chúng đã bào mòn cơ thể ông quá nhiều, đến nỗi ông không còn muốn tiếp tục sống nữa.
Sự nghiệp viết lách của ông bắt đầu với tờ báo của trường. Sau khi tốt nghiệp, ông được làm phóng viên cho tờ báo địa phương The Kansas City Star. Nhưng cũng trong thời gian mà Hemingway trau dồi kỹ năng viết của mình, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và ông phải đi chiến đấu nhưng đã may mắn quay trở về Hoa Kỳ được. Một thời gian sau, Hemingway đến châu Âu với tư cách là phóng viên nước ngoài cho tờ City Star, cũng tại đây mà ông sáng tạo nên thuật ngữ The Lost Generation (Thế hệ bị mất, thế hệ lạc lối).
Cũng trong thời gian này, Hemingway bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình. Trong suốt cuộc đời của ông, Hemingway đã để lại vô số những tác phẩm kinh điển như Mặt trời vẫn mọc, Ông già và Biển cả, Giã từ Vũ khí,…Bên cạnh đó, ông cũng tiếp tục công việc phóng viên của mình, tường thuật cuộc nội chiến Tây Ban Nha, cuộc đổ bộ Normandy và nhiều sự kiện khác. Tuy nhiên, lối sống này đã gây ra khá nhiều thiệt hại cho ông về đủ mọi mặt.
Ông bắt đầu gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do những chấn thương trước đó từ khi còn đi làm nhiệm vụ và trầm cảm. Với sức khỏe đang dần xấu đi từng ngày, Hemingway quyết định nghỉ hưu và chuyển về Idaho sống.
Đây cũng là nơi mà vị tác giả đại tài đầu hàng cuộc sống.
Vào sáng ngày 2/7/1961, Hemingway nhẹ nhàng ra khỏi giường, khéo léo để không đánh thức Mary, cô vợ của mình. Sau đó, ông bước vào phòng đọc, lấy khẩu súng ngắn 2 nòng và bước xuống cầu thang. Tại tiền sảnh của căn nhà, Hemingway kê khẩu súng lên trán và bóp cò. Ban đầu, Mary nói rằng cái chết của ông chỉ là tai nạn và khẩu súng đã vô tình bật nòng khi ông đang lau chùi. Nhưng sau vài tháng điều tra, bà phải thừa nhận rằng việc bóp cò là chủ đích của Hemingway.
Mặc dù cái kết của ông vô cùng bi thảm, nhưng cuộc đời và những tác phẩm phi thường của Ernest Hemingway vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà văn và nhà báo.
7. Vincent van Gogh
Thường được xem là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Hà Lan từ trước đến nay, nhưng Vincent van Gogh trong suốt cuộc đời của mình cũng không hề xa lạ gì với cảnh đói nghèo, vô danh, chưa kể đến trạng thái tâm lý bất ổn của ông. Người ta thường nói là chỉ sau khi bạn chết, thế giới mới bắt đầu lắng nghe. Và đây có lẽ cũng là câu dành cho Vincent van Gogh, vì những tác phẩm của ông trở nên cực kỳ nổi tiếng sau cái chết của ông.
Niềm đam mê nghệ thuật trong Van Gogh và cuộc dấu tranh với những bệnh tâm lý bắt đầu từ rất sớm. Suốt cuộc đời của mình, ông đã hoàn thành 2100 tác phẩm bao gồm tranh, bản vẽ, và bản phác thảo. Van Gogh cũng phải thường xuyên lui tới các bệnh viện và nhà thương khi đã lớn lên. Một trong những lần đến bệnh viện đáng nhớ nhất của ông là sau khi ông cắt tai mình ra và tặng nó cho một cô gái điếm.
Bức tranh trứ danh Starry Night – Đêm đầy sao được hoàn thành khi Van Gogh đang ở trong một nhà thương điên ở Saint-Rémy, Pháp vào năm 1889.
Đến cuối đời, Van Gogh vẫn chỉ sống nhờ cà phê, bánh mì, và absinthe (một loại thức uống có nồng độ cồn cao), khiến cho tình trạng sức khỏe của ông ngày càng xấu đi. Cuộc đấu tranh chống bệnh tâm lý của Vincent van Gogh cũng như cuộc sống của ông chấm dứt vào ngày 27/7/1890, khi ông ra ngoài để vẽ nhưng lại mang theo một khẩu súng lục đã được nạp đạn. Ông tự bắn vào ngực mình, nhưng viên đạn đó không giết chết người họa sĩ ngay lập tức.
Ông quay trở về nơi ông đang ở lúc đó, nhiều người thấy vết thương và đã đưa ông đến một bệnh viện, rồi em trai ông, Theo, cũng có mặt ở đó.
Sau 2 ngày trong bệnh viện, Van Gogh bị nhiễm trùng từ vết thương và chính thức qua đời trong vòng tay của em trai mình vào ngày 29/7, ở tuổi 37.
Đã có nhiều đồn đoán và hoài nghi về cái chết của vị họa sĩ tài ba, một số giả thuyết thậm chí còn cho rằng đã có ai đó bắn phát đạn cuối cùng kết liễu ông, nhưng vì Van Gogh không phải là một người nổi tiếng khi còn sống nên những giả thuyết này hầu như đều không có bằng chứng và cuộc điều tra cũng không được mở rộng.
8. Ray Combs
Sự nghiệp của Ray Combs đang trên đà thăng tiến, thì một sự kiện nho nhỏ đã đẩy ông xuống sâu vào trong vực thẳm tuyệt vọng mà dù có cố đến bao nhiêu thì ông cũng không thể thoát ra.
Sau khi rời thị trấn nhỏ và đến với Los Angeles, Combs dần tìm được chỗ đứng của mình khi làm người dẫn chương trình cho Family Feud. Trong suốt 6 năm, ông đã chào đón muôn vàn thí sinh, giải trí người xem ở khắp nơi với trí thông minh cũng như sự vô tư trong cách ăn nói của ông, một đặc trưng của những diễn viên hài.
Nhưng vào năm 1993, tỷ lệ khán giả của chương trình giảm mạnh và ban tổ chức đã quyết định sẽ thay thế Combs bằng người dẫn chương trình ban đầu với hy vọng sẽ có thể lôi kéo lại người xem. Sau khi quay tập cuối cùng của ông vào năm 1994, Combs từ từ rời khỏi trường quay, thay đồ, và bước đi mà không nói lời tạm biệt.
Lương bổng của Combs khá tốt khi ông còn làm dẫn chương trình, nhưng một thời gian ngắn sau khi thất nghiệp, cả gia đình ông từ từ lâm vào cảnh nghèo đói. Nhưng vận xui chưa dừng lại ở đó, Combs mắc một tai nạn xe nghiêm trọng làm cho ông bị tê liệt và luôn trong tình trạng đau đớn.
Những sự căng thẳng này đã làm cho cuộc hôn nhân 18 năm của ông tan vỡ. Sau đó, Combs kiếm được cho mình một số hợp đồng biểu diễn ngắn hạn có tiềm năng nhưng tất cả rồi cũng thất bại và Combs dường như không thể tìm cách hâm nóng lại cho sự nghiệp của mình nữa.
Vào tháng Sáu năm 1996, cảnh sát được gửi đến nhà Combs vì nhiều người nghe tiếng ồn phát ra từ nhà ông. Bên trong, Combs đập phá đồ đạc, liên tục đập đầu vào tường. Vợ cũ ông nói rằng ông vừa được ra viện sau khi cố tự sát không thành nên Combs đã được gửi lại vào bệnh viện cũ.
Ngay sáng hôm sau, thi thể của Combs được phát hiện đang treo lơ lửng trên một chiếc thòng lọng được làm bằng khăn trải giường.
9. Hunter S. Thompson
Hunter S. Thompson là một nhà báo có một-không-hai, sự nghiệp của ông luôn được dẫn dắt bởi ma túy, adrenaline, những cuộc phiêu lưu không hồi kết.
Sự nghiệp nhà báo của Thompson bắt đầu từ những năm 1950, với tư cách là một phóng viên cho chuyên mục thể thao. Không lâu sau đó, ông dấn thân vào băng đua xe Hell's Angels. Những trải nghiệm đó được Thompson ghi lại trong một cuốn sách. Tác phẩm của ông là một thành công lớn và thu hút được lượng lớn người hâm mộ.
Một trong những cống hiến lớn nhất của Thompson với đối với ngành báo chí chính là phát minh ra thể loại Gonzo - Phong cách báo chí đưa nhà báo vào chính câu chuyện thông qua những trải nghiệm cá nhân và thường được viết với ngôi thứ nhất.
Nhưng đi cùng những chuyến phiêu lưu mạo hiểm để mang lại những trang báo chân thật nhất là sự lạm dụng thuốc cũng như các chất kích thích. Sau nhiều thập kỷ dùng qua đủ loại thuốc cũng như rượu, cơ thể của Thompson cuối cùng cũng đã hao mòn.
Vào đầu những năm 2000, những năm tuyệt nhất đời ông đã bị bỏ lại và ông phải mệt mỏi đối đầu với tuổi già và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Vào ngày 20/2/2005, trong lúc con trai và con dâu đang đến thăm, Thompson đã quyết định chấm dứt tất cả.
Ông gọi cho vợ mình đang ở căn nhà bên Owl Creek và hỏi rằng liệu bà có muốn về nhà để giúp ông soạn nội dung cho tờ ESPN không. Khi bà chuẩn bị tắt máy, bà nói rằng có tiếng nghe như tiếng máy đánh chữ ở đầu dây bên kia. Âm thanh thực chất là Thompson đang lên nòng súng.
Đám tang của Hunter S. Thompson cũng là một trong những sự kiện độc đáo nhất. Tro cốt của ông được bắn ra từ một khẩu thần công theo giai điệu bất hủ của Bob Dylan, Mr. Tambourine Man.
Kết cục bi thảm của một cuộc đời có quá nhiều hứa hẹn là một lời nhắc nhở đau đớn rằng nụ cười nở trên môi mỗi người không có nghĩa là họ luôn hạnh phúc, vui vẻ. Nếu như bạn biết ai đó đang có những biểu hiện chán ăn, luôn rơi vào trạng thái buồn, ủ rũ, hãy cố gắng giúp họ hoặc liên lạc để tìm nhiều sự trợ giúp nhất có thể.
- 0
- 0Bình luận