Tin nhắn cuối cùng của nạn nhân người Việt được cho là thiệt mạng tại Anh: \'Con chết vì ngạt thở\'
Một gia đình ở Hà Tĩnh, Việt Nam đang lo sợ rằng một trong 39 nạn nhân chết cứng trong container xe tại Anh là con gái họ - Phạm Thị Trà My, thông qua đoạn tin nhắn nhận được lúc 4h28' sáng giờ Việt Nam, tại Anh khi đó là 10h28' tối, tức 4 tiếng trước khi xác nạn nhân được tìm thấy.
Cảnh sát Essex hiện từ chối cung cấp thêm thông tin, cho biết quá trình điều tra và nhận dạng vẫn đang được tiến hành.
Đại sứ quán Việt Nam tại London cũng đã liên lạc với cảnh sát thông báo về trường hợp mất tích của người Việt Nam bị nghi là liên quan đến vụ xe vận chuyển, và vẫn đang chờ hồi đáp.
My có thể là nạn nhân bị lừa di cư chui sang Anh quốc với hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn của đường dây "đầu rắn" Trung Quốc. Mimi Vu, chuyên gia về vấn nạn buôn người, tin nhắn có thể là thật, cô gái viết rõ quê quán để người ta nhận diện được và đưa về quê hương, vì những kẻ buôn người thường cấp passport Trung Quốc giả gây nhầm lẫn.
Theo một số người thân trong gia đình ông Thìn - bố của Trà My, trước khi mất tích, Trà My nhắn tin về cho mẹ qua mạng xã hội với nội dung: "Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được".
Trà My sau đó tiếp tục nhắn tin với anh trai tên Cường, dặn "hãy cố gắng làm ăn giúp bố mẹ nha em". Người nhà khi thấy chuyện chẳng lành, gọi điện lại hỏi song đầu dây bên kia đổ chuông chứ không bốc máy.
Anh trai Trà My đăng trên một cộng đồng tìm người thân mất tích, trong đó viết rằng em gái Anh ra Hà Nội hoàn tất thủ tục đi Trung Quốc. Sau đó My bay đến Pháp và rổi là Anh. Tuy nhiên My bị bắt lại trên đường sang Anh và được đưa lại về Pháp vài ngày trước. Giờ đây gia đình lo sợ con mình là một trong 39 người kẹt trong thùng xe.
Hoa Nghiêm, điều phối viên của Tổ chức Nhân quyền, một mạng lưới dân sự có trụ sở tại Việt Nam cho biết có ít nhất 6 gia đình Việt Nam lo rằng con họ nằm trong chiếc xe tải đó.
3 gia đình trong số đó có con trai mất tích, một em sinh năm 2004 đều trình bày rằng họ nhận được lời nhắn từ con, nói rằng đã đến Anh, gia đình hãy chuẩn bị thanh toán tiền với bọn mối lái, nhưng rồi tất cả đều mất liên lạc.
Hà Tĩnh là điểm nóng của nạn buôn người, nạn nhân thường được đưa sang Trung Quốc làm hộ chiếu giả rồi từ đó đi sang châu Âu. Theo thống kê năm ngoái có khoảng 702 người Việt bị bắt làm nô lệ tại Anh, đứng sau Albani 947 người và Anh 1625 người.
Trong đơn gửi chính quyền thị trấn Nghèn, ông Thìn gửi kèm ảnh con gái Trà My, mô tả cô cao 1,5 m, nặng 46 kg. Ông đề nghị UBND thị trấn Nghèn xác nhận mình là cha của Trà My để làm các thủ tục pháp lý liên quan đến nhận dạng, đưa con gái từ Anh về Việt Nam.
Ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết, chính quyền đã tiếp nhận đơn của ông Thìn, gửi lên Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Can Lộc để trình báo các cấp có thẩm quyền hỗ trợ công dân.
Theo ông Hùng, Trà My là con út trong gia đình có ba con. Cô từng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản ba năm, một tháng trước mới làm hồ sơ sang Trung Quốc.
Trong diễn biến khác, chiều 25/10 đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có đề nghị lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh xác minh một lao động quê Hà Tĩnh nghi mất tích ở Anh. Sở đang liên lạc với nhà chức trách huyện Can Lộc, nơi có nạn nhân được cho là mất tích, để xác minh thông tin.
"Nếu đúng nạn nhân quê Hà Tĩnh, người nhà cần làm đơn gửi ra Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đề nghị Đại sứ quán ở Anh làm thủ tục, đưa thi thể về nước", vị này nói.
Cùng ngày, ông Bùi Chính (trú phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) cũng lên gặp UBND phường Đậu Liêu, nhờ xác nhận là bố đẻ của anh Bùi Thái Thắng (37 tuổi), vừa sang Anh vài ngày để làm việc song hiện không liên lạc được. Ông làm thủ tục gửi lên các cấp nhờ tìm thông tin con trai.
Hiện, phía Trung Quốc cũng chưa xác nhận 39 nạn nhân chết trong xe container tại Anh là công dân nước này.
- 0
- 0Bình luận