Lý giải thành công của \'Joker\': 5 lý do giúp gã hề của Joaquin Phoenix trở thành hiện tượng phòng vé
Đến thời điểm này, gần như chắc chắn là Joker của đạo diễn Todd Phillips có thể cán mốc 1 tỷ USD doanh thu toàn cầu. Gã hề điên loạn dưới diễn xuất của Joaquin Phoenix thực sự đã tạo nên hiện tượng phòng vé. Thậm chí lợi nhuận mang về và tỷ lệ doanh thu/kinh phí của Joker vượt qua "siêu phẩm 10 năm" Avengers: Endgame.
Hiện nay Joker đang là phim có tỷ lệ doanh thu/kinh phí đáng nể nhất Hollywood, chạm mốc 16,2 (tức doanh thu cao gấp 16,2 lần kinh phí sản xuất), tỷ lệ này có thể tăng lên 17 hoặc hơn trong trong tuần tới. Kế đến là Star Wars: The Force Awakens và Aquaman, trong khi Endgame xếp ở vị trí thứ 5 sau Spiderman: Far From Home.
Như vậy, có thể nói Joker là một tựa phim thành công về mọi mặt, doanh thu khủng, lợi nhuận cao, đạt giải thưởng danh giá (Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice) đồng thời còn tạo nên ảnh hưởng sâu rộng về văn hóa xã hội, chắc chắn mọi người sẽ còn nói về nhân vật Arthur Fleck trong nhiều năm sau nữa. Vậy những yếu tố nào đã dẫn đến thành công vang dội của "hoàng tử tội phạm Gotham"?
1. Chủ đề gây tranh cãi có sức thu hút riêng
Joker gây chú ý khi phim công chiếu tại Liên hoan phim Venice và được giới phê bình đánh giá cao về phương diện chuyên môn. Thế nhưng, nó chỉ thực sự nóng khi xuất hiện tại Liên hoan phim Toronto và bị người xem chỉ trích không tiếc lời. Lúc này, dư luận đặt câu hỏi vì sao mà một tựa phim chuyển thể từ nhân vật truyện tranh lại có thể gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong giới phê bình đến như vậy.
Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng Todd Phillips và ê-kíp làm phim vô trách nhiệm và bất cẩn khi làm ra một tựa phim gây tranh cãi ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng, thậm chí nhiều người lo ngại Joker sẽ kích động hành vi bạo lực trên diện rộng. Chính những tranh cãi liên miên, sự mập mờ và hỗn loạn thông tin phần nào khiến quần chúng tò mò muốn biết bộ phim này thực hư ra sao.
Có thể nói, chưa thấy một tựa phim nào tạo nên hiệu ứng có một không hai như Joker, hãy tưởng tượng tất cả những rạp phim ở New York đều được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt, khán giả bị xét người và kiểm tra tư trang trước khi vào rạp. Chỉ như vậy thôi cũng khiến đám đông hiếu kỳ và đặt câu hỏi về nội dung phim. Không ít người đến rạp trải nghiệm phim chỉ để sau đó chụp hình selfie và đăng lên mạng xã hội cho "đúng trend".
Nhiều nhà phân tích cho rằng Joker có thể dẫn đến một vụ xả súng tại rạp phim như những gì đã xảy ra ở Aurora, Colorado vào năm 2012, lúc phim The Dark Knight Rises được công chiếu. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo, tất cả tai tiếng ấy giống như một liều thuốc kích thích thôi thúc khán giả đến rạp.
2. Nhân vật truyện tranh mang tính biểu tượng được thủ vai bởi diễn viên chuyên method-acting
Một tựa phim dựa trên nhân vật chuyển thể truyện tranh, cho dù có khác thường và gây tranh cãi như thế nào đi nữa thì nó vẫn được ủng hộ bởi một cộng đồng fan nhất định - những người yêu truyện tranh siêu anh hùng, các fan của DC Comics, fan của Batman và fan của chính Joker - nhân vật phản diện mang tính biểu tượng trong văn hóa Mỹ.
Sau thành công và cái chết bất ngờ của Heath Ledger cũng như thất bại thảm hại của Jared Leto với nhân vật Joker, các fan DC Comics thực sự "đói khát", mong chờ được thưởng thức một gã hề thực sự ấn tượng có thể vực dậy niềm đam mê trong lòng họ. Trước bối cảnh cảnh này, việc Joaquin Phoenix dám nhận lời thể hiện "vai diễn bị nguyền rủa", thậm chí hy sinh sức khỏe bản thân để cống hiến cho nhân vật với lối diễn xuất nhập tâm method-acting, chỉ như thế là đã đủ để tất cả fan DC móc hầu bao.
Joker được biết như kẻ thù lâu năm và khó chịu nhất của Batman, gã hề được sáng tạo bởi họa sĩ Jerry Robinson, Bill Finger, và Bob Kane vào năm 1940. Gần 80 năm qua, Joker đã là nhân vật yêu thích của rất nhiều thế hệ người yêu truyện tranh, họ trở thành một tập khách hàng vô cùng tiềm năng. Thậm chí sau The Dark Knight của Nolan thì sức ảnh hưởng từ Joker có phần lấn lướt hơn cả siêu anh hùng Batman.
Trong thời buổi mà phim siêu anh hùng "mì ăn liền" chiếm cứ màn ảnh rộng thì lại có quá ít phim lấy nguyên mẫu nhân vật phản diện làm trung tâm, mà Joker lại là một phim như thế, rõ ràng đây là một luồng gió mới thổi tan sự nhàm chán của các nhượng quyền thương mại phim chuyển thể truyện tranh. Chưa kể, Todd Phillips còn úp mở trước giờ G rằng :"Joker 2019 không giống với bất kỳ thứ gì mà fan DC từng biết về nhân vật này.", chắc chắn không có người hâm mộ nào cưỡng lại được một lời mời gọi khéo léo như thế.
3. Phim 'Rated R' đánh vào tập khách hàng đặc biệt, có giá trị xem lại cao
Joker 2019 không chỉ là một phim "phân loại R" (giới hạn độ tuổi chỉ dành cho người trên 16 tuổi) mà còn được xem là thuộc khái niệm "hard R" (phim chứa quá nhiều bạo lực, tình dục, ngôn ngữ dung tục và đề xuất là những người dưới 18 tuổi không được xem). Tất nhiên, phân loại này sẽ khiến Joker mất đi một lượng lớn người xem nhỏ tuổi.
Thế nhưng, việc bị dán mác "hard R" lại giúp Joker đánh vào một tập khách hàng khác, tuy khó khai thác, nhưng lại cực kỳ tiềm năng khi bộ phim đủ sức thuyết phục được họ, đó là những người lớn mê điện ảnh, những khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ở mức độ cao và có gu rất "mặn".
Sau khi Joker nổi đình nổi đám, đã có không ít người hâm mộ chịu chơi đến mức xem nhiều lần thậm chí "bao rạp" để thưởng thức cùng hội anh em. Họ xem phim, bàn luận, tranh cãi và thổn thức rồi tiếp tục lặp lại quy trình đó một lần nữa nếu gặp được bạn bè cùng chí hướng.
Bởi vì nhắm vào một tập khách hàng chuyên biệt có kiến thức và biết thưởng thức nghệ thuật, Joker là một phim có chất lượng chuyên môn đáng nể, được đầu tư với nội hàm sâu sắc nhiều tầng nghĩa, nhiều cách hiểu tùy theo quan điểm, trình độ và nhận thức của người dùng, nhờ vậy mà giá trị xem lại là rất cao.
Nam diễn viên Joaquin Phoenix từng nhận định rằng người xem có thể sống trong từng cảnh phim cùng với nhân vật Arthur Fleck và có trải nghiệm của riêng họ. Quả thực đúng như vậy, nguyên nhân, kết cục của một số tình tiết phim có thể sẽ thay đổi tùy theo cảm nhận của người xem thông qua thủ pháp "story-telling" đặc sắc, ảo diệu của Todd Phillips.
Bạn có thể xem đây là một bộ phim chính kịch thuần về diễn biến tâm lý nhân vật, hoặc một phim phản ánh hiện trạng xã hội Hoa Kỳ thập niên 1970s - 1980s, hay đơn giản chỉ để soi những chi tiết cài cắm liên quan đến Batman và vũ trụ truyện tranh DC và cuối cùng là tổng hòa những góc nhìn nói trên, Joker của Todd Phillips đều đáp ứng tốt những nhu cầu đó. Đây chính là sức hút mãnh liệt kéo người xem ra rạp thêm 1 lần nữa để có trải nghiệm mới.
4. Thành công vì dám làm điều không tưởng và trung thành với phong cách của riêng mình
Như Todd Phillips đã nói: "Bạn không thể đánh bại Marvel, đó là một gã khổng lồ. Hãy làm những gì Marvel không làm được."
Rõ ràng Warner Bros. và Todd Phillips đều rút kinh nghiệm sâu sắc thất bại trong quá khứ của DCEU. Khi lãnh đạo hãng Warner Bros mời Joss Whedon về chỉnh sửa nguyên bản Justice League của Zack Snyder theo một phong cách khác, nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười hơn theo kiểu "Marvel hóa", họ đã tạo ra một sản phẩm quái thai bị chính fan DC quay lưng và phỉ nhổ.
Hơn ai hết, lãnh đạo Warner Bros. đã biết rằng họ không thể thành công nếu cứ bước trên con đường mòn mà Marvel và Disney đã đi, họ buộc phải trung thành với khán giả và tạo ra một giá trị riêng biệt. Không may mắn trong việc xây dựng vũ trụ phim siêu anh hùng, Warner Bros. quyết định đi theo hướng làm phim solo, ít sự liên kết hơn, nhưng rộng đất hơn cho đạo diễn như Todd Phillips sáng tạo.
Được trao cơ hội, Todd Phillips không làm mọi người thất vọng, ông đã làm được điều mà Marvel và Disney không bao giờ làm được. Nếu Warner Bros. vẫn cố chấp, muốn đốt giai đoạn trong cuộc chiến với Marvel như dưới thời chủ tịch Kevin Tsujihara thì phép màu đã không xảy ra cho gã hề của Joaquin Phoenix.
5. Phim được sản xuất bởi một ê-kíp lành nghề và có những tên tuổi lớn hậu thuẫn
Để đạt được thành công, phải quy tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" và Joker là một trong những trường hợp như vậy. Ngoài nỗ lực của Todd Phillips và Joaquin Phoenix, chúng ta không thể phủ nhận sự giúp đỡ từ vị đạo diễn gạo gội - bậc thầy phim tâm lý tội phạm Martin Scorsese. Ban đầu, chính Martin Scorsese là người được nhà đầu tư chọn mặt gửi vàng cho vị trí đạo diễn phim Joker, tuy nhiên vị đạo diễn già tự thấy mình không hợp, hơn nữa ông còn bận đạo diễn siêu phẩm The Irishman sắp ra mắt trên nền tảng Netflix.
Mặc dù giao lại dự án đầy tiềm năng cho Todd Phillips, Martin Scorsese vẫn theo sát với vai trò cố vấn. Todd Phillips chia sẻ rằng ông từng nhiều lần trò chuyện với Martin Scorsese qua điện thoại, sau đó mang kịch bản đến gặp trực tiếp.
Martin Scorsese cũng đồng ý để Todd Phillips sử dụng các nguyên liệu từ phim cũ của ông như Taxi Driver, King of Comedy…bao gồm phong cách phối màu, âm thanh, ánh sáng và nhiều chi tiết cài cắm được truyền cảm hứng từ những vai diễn vốn đã đi vào huyền thoại của Robert De Niro.
Cuối cùng, Martin Scorsese còn đồng ý mời giúp ê-kíp sản xuất lành nghề của Emma Tillinger Koskoff - nhà sản xuất phim nổi tiếng mà Todd Phillips hâm mộ và tôn vinh là "nữ hoàng New York". Emma Tillinger Koskoff không chỉ sở hữu đội ngũ làm phim chuyên nghiệp bậc nhất New York, cô còn có kinh nghiệm làm phim điện ảnh lâu năm, từng hợp tác với Martin Scorsese trong Wolf of Wallstreet và được đồng đề cử Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 86.
Hơn nữa, Emma Tillinger Koskoff có quan hệ mật thiết với Cơ quan quản lý giao thông vận tải đô thị New York (Metropolitan Transportation Authority, MTA) - một tập đoàn lợi ích công cộng thuộc sở hữu của chính quyền thành phố, chịu trách nhiệm vận chuyển công cộng ở bang New York của Hoa Kỳ, phục vụ 12 quận trung tâm thành phố, cùng với hai quận ở phía tây nam Connecticut. Chia sẻ với IGN, Todd Phillips đánh giá cao quan hệ với MTA của Koskoff, tạo nên sự hậu thuẫn rất giá trị trong quá trình làm phim.
Với sự cho phép và hỗ trợ đắc lực từ MTA, những cảnh quay đặc sắc của Joker ở ngoài trời, trên đường lớn, trong ga tàu điện ngầm…được diễn ra suôn sẻ và tiêu tốn ít chi phí hơn bao giờ hết. Có thể nói, một đội ngũ sản xuất lành nghề cùng với sự hỗ trợ tối đa từ các cá nhân và ban ngành đã giúp tối ưu hóa chi phí cho Joker, giúp quá trình sản xuất ban đầu chỉ gói gọn trong khoản tiền 55 triệu USD, một lợi thế mà không phải tựa phim nào cũng có được.
Có thể thấy thành công của Joker là tổng hoà của nhiều yếu tố, là nỗ lực của cá nhân lẫn tập thể, là sự đóng góp của nhiều thế hệ nhân tài trong làng điện ảnh Mỹ, cùng với sự trung thành, lòng yêu phim của khán giả - những con người đam mê và tôn trọng điện ảnh chân chính.
- 0
- 0Bình luận