logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Lý Tử Thất: \'Công thần\' xuất khẩu văn hoá Trung Quốc hay \'tội đồ\' phơi bày sự lạc hậu của đất nước?

Kể từ khi làm blogger đến nay, không biết bao nhiêu lần tên tuổi Lý Tử Thất xuất hiện khắp mặt báo lẫn diễn đàn trong và ngoài nước. Dĩ nhiên, với độ nổi tiếng cùng sức ảnh hưởng quy mô lớn, chuyện trở thành tâm điểm dư luận chắn chắn chưa thể dừng lại, luôn có hàng trăm, hàng ngàn chủ đề mà công chúng bàn luận về cô.

Chủ đề nổi bật trong cộng đồng mạng Weibo hai ngày 5 - 6/12 mới đây chính là "Lý Tử Thất có phải là người xuất khẩu văn hoá hay không?". Chủ đề này đã biến thành từ khoá thịnh hành, được tìm kiếm, tương tác mạnh đến mức thăng hạng bảng top 50 hot search Weibo.

Nguồn cơn tạo nên hot search này đến từ bài viết của một tài khoản Weibo có hơn 1 triệu lượt theo dõi. Nội dung so sánh lượng theo dõi trên Youtube với các kênh truyền thông hàng đầu, phân tích cái nhìn của người nước ngoài và đánh giá của người Trung Quốc về Lý Tử Thất.

Mở đầu: Điều Lý Tử Thất có là sức ảnh hưởng ở mạng xã hội nước ngoài

Lý Tử Thất là nữ blogger chuyên chia sẻ các video dựa trên văn hóa ẩm thực truyền thống của Trung Quốc, xoay quanh nhu cầu cơ bản ăn, mặc, ở, đi lại của nông dân Trung Quốc.

Không giống với các blogger ẩm thực khác, thời gian tạo nên các video của cô thường kéo ra rất dài nhưng lại vô cùng sát với bản chất. Ví như người bình thường ghi hình các món ăn chế biến cùng nước tương, sẽ bắt đầu từ việc "tôi có nước tương rồi đây này", nhưng với Lý Tử Thất, cô sẽ bắt đầu quay từ những hạt đậu nành.

Lý Tử Thất có rất nhiều người hâm mộ nhưng Weibo của cô chỉ có hơn 20 triệu lượt theo dõi - con số khiêm tốn so với độ phổ biến đang có. Nhiều blogger thậm chí vượt mặt Lý Tử Thất về lượt theo dõi, video clip của họ cũng được chào đón hơn hẳn. Vì sao lại có sự chênh lệch này? Chỉ có thể nói, tầm cỡ của Lý Tử Thất không ở Trung Quốc. Điều cô thực sự có là sức ảnh hưởng trên Internet nước ngoài.

Kênh Youtube sở hữu những bình luận ngọt ngào nhất thế giới

Tính đến ngày 5/12/2019, Lý Tử Thất đã có 7,35 triệu người theo dõi trên Youtube và con số này vẫn đang tăng nhanh. Trong khi CNN, một trong những phương tiện truyền thông có ảnh hưởng hàng đầu Hoa Kỳ và trên thế giới, có 7,92 triệu người theo dõi trên Youtube, nhỉnh hơn cô nàng vài trăm ngàn người.

Đáng nói, Lý Tử Thất đạt 7,35 triệu người theo dõi với 104 video, trong khi CNN đã đăng tải 140.000 video. Độ thu hút của hai kênh cũng chênh lệch khi các video của nữ blogger Trung Quốc thường có hơn 5 triệu lượt xem còn CNN khoảng hơn 1 triệu.

So sánh với nhiều kênh Youtube khác như BBC có 5,5 triệu lượt theo dõi, Fox News có 3,8 triệu lượt theo dõi, Lý Tử Thất hoàn toàn bỏ xa. Còn với blogger Pewdipie có sức ảnh hưởng số 1 Youtube, Lý Tử Thất không sánh bằng lượt theo dõi nhưng lượt xem mỗi video đều không kém bao nhiêu.

Nhiều người nghĩ rằng lượt theo dõi cũng như lượt xem video của Lý Tử Thất hầu hết đều tạo ra từ người hâm mộ Trung Quốc nhưng trên thực tế lại đến từ người dùng khắp nơi trên thế giới.

Chẳng hạn như 7 tháng trước Lý Tử Thất dùng tiếng Trung thuần tuý chia sẻ dòng trạng thái về trứng vịt muối. Hai tháng sau mới có người dịch sang tiếng Anh nhưng có vẻ điều đó không còn quan trọng. Bởi dưới thanh bình luận lại trước đó, người hâm mộ các nước Iran, Hoa Kỳ, Nga, Philippines, Brazil đã thể hiện tình yêu của mình dành cho Lý Tử Thất.

Cô cũng không gắn phụ đề tiếng Anh cho video, trong clip lại nói tiếng Tứ Xuyên, không ai hiểu. Nhưng không hiểu vẫn cứ xem, trong lúc chờ phiên dịch vẫn cứ xem. Một số người xem thậm chí tự dịch thay cho chính chủ.

Cô ấy là blogger Youtube yêu thích của tôi. Cô ấy là một đầu bếp, nghệ sĩ và người làm vườn. Tôi hy vọng họ có thể thêm phụ đề tiếng Anh. Tôi muốn biết cô ấy đang nói về điều gì.

Thật khó tin rằng kênh Youtube yêu thích của tôi hóa ra lại là kênh mà tôi hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ.

Kênh Youtube của Lý Tử Thất có lẽ kênh sở hữu nhiều người dùng nói chuyện ngọt ngào nhất thế giới. Bất luận là ngôn ngữ gì họ đều dành cho chính chủ lời tán thưởng, ước nguyện, chúc phúc, không nghi ngờ chất vấn, không bình luận ác ý, không tranh cãi đôi co.

Thậm chí còn có người tuyên bố:

Lúc xem clip của cô ấy, tôi sẽ không bỏ qua bất kì quảng cáo nào, tôi muốn cô ấy kiếm được tiền từ nó.

Có cảm giác giống như xem tổ hợp National Geographic, Disney (Mulan) và Master Chef cùng lúc.

Nhưng đâu chỉ có người bình thường mới thích Lý Tử Thất mà ngay cả Kim Jae Joong - thần tượng đình đám ở Hàn Quốc lẫn Nhật Bản - cũng đặc biệt thích xem video của nữ blogger xứ Trung.

Dẫu vậy khác với lời khen ngợi nhất trí trên Youtube, tại mạng xã hội Weibo, có rất nhiều hoài nghi, phán xét, tranh cãi liên quan đến Lý Tử Thất.

Lý Tử Thất đã đẹp đẽ hoá lối sống nông thôn Trung Quốc

Nhiều người dùng Weibo cho rằng Lý Tử Thất đã phơi bày mặt lạc hậu của Trung Quốc ra nước ngoài. Bởi người Trung Quốc rõ ràng không sống như vậy, kết luận nữ blogger là tội đồ.

Nhưng Trung Quốc vốn dĩ có hơn 900 triệu dân số là hộ khẩu nông thôn, còn có ít nhất 200 triệu người là nông dân thực sự, không ít người vẫn trồng rau nuôi lợn. Tại sao phơi bày bộ mặt nông thôn lại là lạc hậu?

Một trong những thành tựu và kỹ năng tuyệt được dân tộc Hán công nhận là trồng rau, đặc biệt trồng ở bất kì nơi là đều có thể thu hoạch rau. Người Trung Quốc thậm chí chạy đến châu Phi để trồng rau.

Nhìn ra khắp thế giới, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia rẻ nhất và phong phú nhất về rau quả. Ở những quốc gia phát triển, rau thậm chí đắt hơn thịt.

Tại sao làm nông không được tính là xuất khẩu văn hoá? Đây rõ ràng là hạng mục ưu thế của Trung Quốc. Tại sao lại gắn liền với "nghèo nàn", "lạc hậu" và "không thể đại diện cho Trung Quốc"?

Tất cả lợi ích đang được hưởng thụ trong thành phố có bao nhiêu là phát minh ở Trung Quốc? Mỗi miếng cơm và mỗi loại rau tươi người thành phố ăn chẳng phải do nông dân trồng nên? Tại sao phơi bày cuộc sống nông thôn không được tính là xuất khẩu văn hoá. Tiệc rượu phòng hoa nơi thành phố cao cấp hơn bài ca chăn cừu chốn ruộng vườn ở chỗ nào?

Có ý kiến cho rằng cuộc sống của dân nông thôn Trung Quốc không tốt đẹp như vậy, Lý Tử Thất đã đẹp đẽ hoá lên cuộc sống nông thôn. Và đây chính xác là chìa khóa cho sự nổi tiếng của cô.

Cuộc sống của Naruto và ninja Nhật Bản thực sự rất khác nhau nhưng điều này không thể ngăn mọi người xem xong Naruto liền thích thú văn hoá Nhật Bản.

Lý Tử Thất cũng tương tự. Mặc dù cô không thể hiện cụ thể sự khó khăn và vụn vặt trong cuộc sống nông nghiệp, nhưng cốt lõi của video là tinh thần bền vững kiên cố và sáng tạo vĩ đại mà người Trung Quốc dựa vào tài nguyên tự nhiên hiện có để tự cấp tự túc cho chính mình.

Nhiều người nước ngoài bày tỏ cảm xúc rằng:

Khu vườn của cô ấy quả thực là Địa đàng.

Trung Quốc rất đẹp.

Có ai giống tôi muốn sống như cô ấy không.

Cô ấy đang giới thiệu lại với thế giới về nền văn hóa, nghệ thuật và trí tuệ Trung Quốc, những thứ đã bị lãng quên.

Cô ấy đang dạy chúng tôi những gì chúng tôi không biết về Trung Quốc.

Tại sao đây không phải là xuất khẩu văn hóa?

Tính đến chiều ngày 6/12, bài viết trên Weibo có hơn 1 triệu lượt theo dõi này thu về hơn 670.000 lượt thích, gần 35.000 chia sẻ và gần 27.000 bình luận.

Dưới ống kính của cô ấy, đó không phải là một Trung Quốc thật sự

Dẫu vậy vẫn có bài viết phản bác cái gọi là "Lý Tử Thất xuất khẩu văn hoá Trung Quốc". Bài viết này thu về hơn 62.000 lượt thích, gần 9.000 bình luận và chia sẻ.

Lý Tử Thất đẹp không? Đẹp. Video của cô ấy thành công không? Thành công. Trung Quốc cần xuất khẩu văn hoá như thế này hay không? Bạn cảm thấy cần thì cần.

Nhưng dưới ống kính của cô ấy, đó không phải là một Trung Quốc thật sự.

Trước tiên, chuyện tôi không đồng tình với cái gọi là "xuất khẩu văn hoá" không có nghĩa là tôi phủ nhận giá trị khác trong sản phẩm của cô ấy. "Không đồng tình" cũng không có nghĩa là tôi phải phong sát cô ấy. Tác phẩm hợp lý hợp pháp nhẹ nhàng hướng thiện, người thích cô ấy cứ đi thích cô ấy. Nhưng có một số người cứ phải tâng bốc sản phẩm không có ý nghĩa phổ biến trong hiện thực, được đóng gói hết sức này thành hiện tượng Trung Quốc, đại diện Trung Quốc xuất khẩu văn hoá, thì không thể ép người khác đồng tình được.

Lý do vì sao Lý Tử Thất được người nước ngoài tán tụng, là vì cô ấy đã thể hiện được hình tượng hoàn mỹ phù hợp với ấn tượng 'ruộng vườn' cứng nhắc mà người nước ngoài dành cho Trung Quốc. Giống như chúng ta nhắc đến nước Anh thì chính là nhắc đến "quý ông", nhắc đến Amazon thì là "dã man", nhắc đến Bhutan thì là "hạnh phúc"... nhưng người Anh, Brazil và Bhutan đều biết, đó là nói xạo.

Cô ấy rất đẹp, tác phẩm rất hay, nhưng tác phẩm thế này không phải là Trung Quốc.

Kết

Trong khi người nước ngoài trên Youtube dành nhiều mỹ từ tán dương Lý Tử Thất thì người Trung Quốc có cái nhìn khắt khe hơn. Nhưng rõ ràng những tranh cãi trên Weibo không phải công kích cá nhân mà cho thấy người Trung Quốc quan tâm đến văn hoá truyền thống đến cỡ nào. Họ đặt nặng vấn đề điều gì mới đủ chuẩn xác để đại diện cho văn hoá Trung Quốc.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)