\'Điệp Viên Ẩn Danh\' - phim hài cho cả nhà ra rạp dịp Tết Dương lịch
Dịp cuối năm phim nước ngoài ở rạp bắt đầu khá “nguội”, tuy vẫn nhiều cái tên hot nhưng không còn sôi nổi như mùa hè. Thế nhưng nếu bạn đang cùng đám bạn “book kèo” cho kỳ nghỉ Tết Dương Lịch năm nay thì hãy nghĩ đến Spies in Disguise – Điệp viên ẩn danh nhé!
Spies in Disguise là phim hoạt hình được sản xuất bởi 20th Century Fox. Tuy không được quảng bá rộng rãi nhưng lại có những cái tên khiến ta chú ý như Will Smith, bé nhện Tom Holland, vệ binh dải ngân hà Karen Gillan, Ben Mendelsohn (Exodus: Gods and Kings, Darkest Hour, Captain Marvel)...
Will Smith vào vai Lance Sterling, chàng điệp viên cao ngạo làm việc cho tổ chức điệp viên liên kết với chính phủ. Lance bị đổ tội oan và trong quá trình chạy trốn, anh bị biến thành chim bồ câu.
Còn Tom Holland vào vai Walter Beckett, thiếu niên thiên tài tốt nghiệp MIT khi chỉ mới 15 tuổi và đang làm việc tại trụ sở điệp viên với vai trò kỹ sư, sáng chế ra những vũ khí, thiết bị hỗ trợ các điệp viên. Tuy nhiên Walter lại có tư tưởng khác mọi người một chút. Cậu không muốn làm ai bị thương hay gây ra những vụ cháy nổ tiêu cực. Walter chế ra những vũ khí nhằm khống chế, đánh lạc hướng đối phương như kim tuyến bắn ra hình con mèo, khiến mọi người hạnh phúc mà quên đánh nhau, “cái ôm bơm hơi” để nhốt đối phương trong bong bóng khí... Chính vì những cải cách không được chấp nhận này, Walter từ nhỏ đã bị cho là đồ lập dị và hay bị Lance trách mắng.
Đến đây bạn có thể thấy thông điệp mà phim muốn truyền đạt. Liệu ta có thể dập một đám lửa bằng cách đổ thêm lửa? Nếu vậy chúng ta chỉ có một cơn bão lửa thiêu cháy tất cả, kể cả những thường dân vô tội. Walter Buckett đại diện cho sự thánh thiện của con người, mặc dù những gì anh theo đuổi có thể hơi viển vông. Liệu ta có thể chống lại cái ác bằng sự dễ thương như mèo và kỳ lân?
Còn Lance Sterling lại đại diện cho lối hành động cứng nhắc, truyền thống: cháy nổ càng lớn, diệt càng nhiều kẻ thù càng tốt. Tuy nhiên anh cũng có nỗi khổ riêng vì nếu không rắn mặt như vậy, người tốt vẫn sẽ bị hại bởi kẻ xấu. Chính vì cách hành pháp độc hại đó, Lance vô tình tạo ra kẻ phản diện, đồng thời cũng là nạn nhân – Killian tay máy (Ben Mendelsohn).
Ở đây ta lại thấy bóng dáng của loạt phim 007 lừng danh, cụ thể là phần Skyfall. Phản diện Raoul Silva và Killian có đặc điểm và động cơ khá tương đồng. Intro của Spies In Disguise cũng có nhiều hình ảnh tri ân loạt phim 007, bạn hãy chú ý khi xem phim nhé!
Theo thời gian, khán giả đại chúng đã bắt đầu khó tính và đặt nhiều câu hỏi hơn về cảnh hành động cháy nổ trong các phim bom tấn “Đó là khu dân cư đông đúc, cho nổ đại một tòa nhà như vậy là sẽ có thường dân thiệt mạng?”, “Siêu anh hùng đánh nhau giữa thành phố lớn, bao nhiêu con người sẽ bị ảnh hưởng?”. Để cứu triệu người dân, thì nhiều người dân khác cũng bị dính bom rơi đạn lạc, đền bù nào xứng đáng cho họ? Đâu là cách giải quyết ổn thỏa nhất? Bộ phim hoạt hình hài hước nhưng câu hỏi đưa ra không dễ trả lời chút nào.
Một điểm thông minh của phim nữa đó là chọn bồ câu làm hình tượng chủ đạo. Bồ câu từ lâu đã được sử dụng trong quân đội làm nhiệm vụ liên lạc, chúng có những đặc tính mà mọi điệp viên đều phải mơ ước như mắt nhìn 360 độ, tai thính và dễ trà trộn (mọi thành phố đều có rất nhiều bồ câu). Bồ câu cũng rất bựa và thường xuyên được chế meme trên Internet.
Nếu xem phim, bạn sẽ phải phá lên cười bởi những trò “bựa” của những chú bồ câu thứ thiệt như Lovely, Jeff béo tròn, hay chú bồ câu ghẻ gặp gì cũng nuốt. Có khi sau này ra đường lại phải cẩn thận bởi biết đâu lẩn trong bầy bồ câu ngốc nghếch béo ú ấy là một điệp viên?
Spies in Disguise hay hơn mong đợi, mạch phim trơn tru dễ hiểu, câu thoại và những tình huống hài duyên dáng. Hai đạo diễn Troy Quane và Nick Bruno là những gương mặt mới và đây là dự án lớn đầu tiên của họ, thế nhưng những gì họ làm được quá tuyệt vời và là bàn đạp tốt sau này. Ý tưởng về bồ câu điệp viên khởi nguồn từ biên kịch Lucas Martell, anh từng làm phim ngắn Pigeon: Impossible và lọt vào mắt xanh hãng phim để mua lại ý tưởng.
Phim dành cho thiếu nhi?
Spies in Disguise được dán nhãn PG (Parental Guidance), tức cần sự hướng dẫn của cha mẹ cho con khi xem. Phim có vài cảnh đao kiếm, “bạo lực” với bồ câu (theo cách trào phúng). Phụ huynh cho cho con xem phim này cần có lời răn dạy để trẻ cẩn thận với vật nhọn và đối xử đúng mực với động vật.
- 0
- 0Bình luận