logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Khai quật báu vật từ thời vua Tutankhamun: Món siêu quý tộc, món trông… kỳ quặc

Sinh ra vào khoảng năm 1341 TCN, vua Tutankhamun trị vì Ai Cập cổ đại trong khoảng mười năm cho đến khi ông qua đời ở tuổi 19. Cho dù thời gian tại vị ngắn ngủi của ông không có gì nổi bật, tuy nhiên việc khám phá ra lăng mộ còn nguyên vẹn của vị vua trẻ tuổi này vào năm 1922 đã đánh dấu vị thế của ông trong những trang lịch sử.

Sau nhiều năm khai quật, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter tình cờ phát hiện lăng mộ Tutankhamun, tại Thung lũng các vị Vua, và tiết lộ với thế giới về hầm mộ chứa đầy những thứ mà ông mô tả là “những điều tuyệt vời”.

Vào tháng 11 năm 2019, khoảng 150 trong số những đồ vật quý giá được khai quật từ lăng mộ vua Tutankhamnun đã được trưng bày tại Phòng triển lãm Saatchi ở London. Tarek El Awady, người phụ trách triển lãm mang tên Báu vật của vị vua thầnh thánh Tutankhamun đã trả lời phỏng vấn trang BBC History Revealed rằng những món đồ này có thể tiết lộ nhiều điều về Pharaoh Tutankhamun. Nhiều món trong số đó lần đầu tiên được đưa ra khỏi Ai Cập để giới thiệu với thế giới.

1. Trang sức hình bọ hung

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Món đồ trang sức hình một con bọ hung này được làm từ ngọc lưu ly, một loại đá bán quý nổi tiếng với màu xanh lam rực rỡ của nó, khiến nó trở thành một nguyên liệu làm trang sức rất được ưa chuộng ở Ai Cập cổ đại. Bọ hung được coi là thiêng liêng, vì Khepri, với đầu là một con bọ hung, là vị thần của mặt trời mọc và sự tái sinh.

“Sau khi những báu vật được đặt vào trong lăng mộ, người ta sẽ khắc một lời nguyền lên trên để bảo vệ nó”, Tarek El Awady cho biết. “Những lời nguyền đó có thể là nguyền rủa xương của những người dám chạm vào lăng mộ sẽ bị đinh nghiền nát, hay máu họ sẽ bị nhiễm độc từ rắn.”

Bất chấp những lời đồn đại đó, thực hư chuyện có lời nguyền trên lăng mộ Tutankhamun hay không vẫn chưa được kiểm chứng. Nếu có thì chúng cũng không quá đáng lo ngại vì lăng mộ đã từng bị xâm phạm không phải một lần.

2. Dép bằng vàng ròng

© arabiczeal.com

Được làm từ vàng nguyên khối để sử dụng cho đám tang, đôi dép này được xỏ vào chân của Pharaoh đã chết trước khi thi thể được bọc lại bằng vải lanh. Chúng cũng giống như dép da và dép bằng cây, cỏ mà Tutankhamun từng mang lúc sinh thời. Người phụ trách việc mang dép cho thi thể nhà vua là một người có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Cùng với việc mang dép, người ta cũng sẽ rửa chân cho nhà vua.

3. Cơ thể bất tử

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Người Ai Cập cổ đại tin rằng chúng ta cần cơ thể khi sang thế giới bên kia, vì vậy họ đã tìm mọi cách để bảo quản cơ thể sau khi chết. “Để ngăn ngừa những tổn hại đến thi thể người chết, một điều quan trọng để các Pharaoh trở nên thiêng liêng, thần thánh sau khi chết đi đó là những vật bảo vệ (như trong ảnh), bọc ở ngoài các ngón tay và ngón chân để giữ nguyên hình hài của chúng.” El Awady nói. “Vàng được đặc biệt coi trọng bởi vì, giống như các vị thần Ai Cập cổ đại, nó không bị biến chất hay thay đổi. Nó tồn tại mãi mãi.”

4. Biểu tượng của quyền năng Pharaoh

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Cái móc và cây néo là những biểu tượng cơ bản của quyền lực hoàng gia ở Ai Cập cổ đại: cái móc đại diện cho vương quyền và cây néo đại diện cho sự màu mỡ của đất đai. Một ví dụ điển hình cho những món đồ này được tìm thấy dưới những lớp vỏ bọc xác ướp Tutankhamun: Hai cánh tay đan chéo được làm bằng vàng và thủy tinh màu trong khi móc và néo có lõi bằng bạc.

5. Sự bảo hộ thiêng liêng

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Món đồ trang sức tinh xảo này được gọi là giáp che ngực, tương tự như một chiếc mặt dây chuyền khổng lồ và được đeo trên ngực của vua. Hình tượng chim ưng vàng ở đây đại diện cho vị thần Horus, người đang nắm giữ biểu tượng của sự vĩnh cửu (shen) ở móng vuốt của mình. Horus được cho là người tạo ra và bảo vệ các Pharaoh.

6. Trò chơi và các hình thức giải trí

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Cũng như thực phẩm, quần áo và vũ khí, một số trò chơi – bao gồm cả hộp Senet này – cũng được tìm thấy trong hầm mộ của Tutankhamun, để vua giải trí khi sang thế giới bên kia. Senet là một trò chơi phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội Ai Cập cổ đại. Theo truyền thống, trò chơi này gồm hai người chơi, nhưng những bức vẽ trên tường của lăng mộ Nefertari, vợ của Pharaoh Rameses II - cho thấy bà đang chơi với một kẻ thù vô hình để chuyển sang thế giới bên kia.

7. Vị vua thích đi săn

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Một vật phẩm trông khác biệt và có thể không liên quan trong một ngôi mộ Ai Cập cổ đại là boomerang. “Chúng tôi đã tìm thấy nhiều boomerang khác nhau trong ngôi mộ, loại bật trở lại và loại không bật trở lại.” El Awady cho biết.

“Chúng được sử dụng ít nhất từ thời Cổ Vương quốc Ai Cập, từ hàng trăm năm trước thời Tutankhamun. Một mô tả nổi tiếng nhất về việc sử dụng chúng là người ta ném một chiếc boomerang từ trên thuyền ở vùng đầm lầy của Đồng bằng châu thổ, để săn chim.”

8. Đồ ăn

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Chiếc hộp gỗ này được cho là đã chứa một con vịt được ướp xác trong khi những hộp khác chứa thịt miếng, ví dụ như của bò hay dê. Khoảng 48 trong số “thịt ướp xác” này đã được tìm thấy trong lăng mộ Tutankhamun. El Awady cho biết, những miếng thịt được bọc trong vải lanh và được đặt bên trong những hộp chứa này để làm thức ăn cho Pharaoh trong suốt hành trình sang thế giới bên kia. Các hộp gỗ thậm chí đã được chế tạo theo hình dạng của những miếng thịt chứa bên trong.

9. Thứ âm nhạc ma thuật

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Loại nhạc cụ cầm tay cao khoảng hơn 50cm này được gọi là sistrum và có thể đã được sử dụng trong các nghi thức chôn cất vua Tutankhamun. “Chúng tôi sẽ trưng bày một trong hai cái sistrum được tìm thấy ở tiền sảnh, con đường dẫn vào phòng chính của lăng mộ Tutankhamun; đặt phía trên một trong những chiếc giường mai táng của Tutankhamun.” El Awady nói. “Sistrum thường được chơi bởi phụ nữ, có lẽ Ankhesenamun, vợ của Tutankhamun, đã giữ vật này trong đám tang của chồng bà.”

Sistrum không chỉ là một loại nhạc cụ, mà nó còn quý giá hơn thế bởi nó được cho là nhạc cụ được yêu thích nhất của Hathor. Hathor là nữ thần bảo vệ pharaoh và có một ngôi đền thờ vị thần này ở Dendera, nơi các ca sĩ chơi sistrum - âm thanh réo rắt mà họ tạo ra được cho là mang lại sự sống cho cơ thể.”

10. Một trái tim nặng

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Lấy các cơ quan nội tạng ra khỏi cơ thể là một giai đoạn quan trọng của quá trình ướp xác. Chúng được đựng trong một cái gọi là bình canopic (bình kín), thường có các nắp đậy được chạm khắc tỉ mỉ, được làm bằng can-xít, một khoáng vật là thành phần phổ biến trong đá trầm tích, như đá vôi hay đá hoa. Nội tạng được cất vào bốn chiếc bình kín tạo hình theo bốn người con của thần Horus là: Thần Imsety đầu người bảo vệ buồng gan, Thần Qebehsenuef đầu chim ưng bảo vệ bộ ruột, Thần Hapy khỉ đầu chó bảo vệ hai lá phổi, và Thần Duamutef đầu chó rừng bảo vệ dạ dày. Bốn chiếc bình được đựng trong một chiếc rương đặc biệt gọi là rương canopic.

Bốn chiếc bình canopic được đựng trong rương canopic của vua Tutankhamun (© Wikipedia)

Trái tim là phần quan trọng nhất nên không bao giờ được lấy ra khỏi cơ thể. Người ta cho rằng khi sang thế giới bên kia, họ sẽ đem trái tim đi cân với Chiếc Lông vũ của Ma’at – nữ thần của trật tự, công lý và chính nghĩa. Thần Osiris được cho là xác định xem người chết có làm những việc tốt khi còn sống hay không và do đó liệu có xứng đáng được sống mãi mãi ở thế giới bên kia hay không. Nếu trái tim nặng hơn chiếc lông, tức người đó đã phạm nhiều tội lỗi trên trần gian, và tim của họ sẽ bị nuốt chửng bởi nữ thần Ammit.

11. Bùa hộ mệnh mạnh mẽ

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

Chiếc khiên gỗ này là một trong tám chiếc được tìm thấy trong một gian phòng phụ tại lăng mộ Tutankhamun, thể hiện Tutanhamun dưới hình dạng một nhân sư, đang chà đạp lên kẻ thù của mình. Một con chim ưng ngồi trên đỉnh nhân sư, hiện thân của vị thần chiến tranh Montu. Vật phẩm làm bằng gỗ này cho thấy chiếc khiên có vẻ như được chế tác để dùng trong các nghi thức thay vì các trận chiến thật. Một cách tượng trưng, chiếc khiên mô tả Pharaoh là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, xua đuổi kẻ thù để bảo vệ Ai Cập khỏi bất an và hỗn loạn.

12. Găng tay của nhà vua

Những chiếc găng tay vải lanh này là một trong số ít vật phẩm trong triển lãm mà các chuyên gia tin rằng đã thực sự được Tutankhamun sử dụng khi ông còn sống.

© Laboratoriorosso, Viterbo/Italy

“Hầu hết các đồ vật được tìm thấy trong lăng mộ là công cụ tiến hành nghi lễ, hoặc được thiết kế để Pharaoh sử dụng khi sang thế giới bên kia.” El Awady cho biết. “Những chiếc găng tay này, được làm từ vải lanh, có thể đã được Tutankhamun đeo trong mùa đông, khi ông đang sống ở Memphis (khi đó là thủ đô của Ai Cập cổ đại), hoặc khi ông cưỡi cỗ xe hoàng gia của mình.”

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)