Nhìn lại 1 thập kỷ của Dota 2: Hành trình nhiệm màu
Dota 2 có nguồn gốc là một bản đồ mang tên DotA (Defense of the Ancients) do người chơi tự tạo trong tựa game Warcraft III của Blizzard. Vào ngày 23/10 năm đầu tiên của thập niên 2010, Valve chính thức công bố Dota 2 trở thành một trò chơi riêng. Chuyến hành trình nhiệm màu cũng bắt đầu từ đây.
Na`Vi - Từ kẻ "sinh ra để chinh phục" cho tới những chú rồng trong hang mãi không thấy ánh sáng
Nói đến Dota 2 thì không thể không nhắc tới TI (The International) - giải đấu thể thao điện tử có giá trị tiền thưởng cao nhất hành tinh. Để tạo tiếng vang cho tựa game non trẻ mới ra mắt cũng như cạnh tranh với chính DotA, Valve công bố tổ chức giải đấu vô địch thế giới The International lần thứ nhất với tiền thưởng cho đội vô địch lên đến 1 triệu USD.
Con số đã thực sự gây sốc cho cả các game thủ chuyên nghiệp lẫn người hâm mộ trên khắp thế giới khi các giải đấu lớn nhất lúc bấy giờ chỉ ở mức vài chục nghìn USD. Thậm chí, nhiều tuyển thủ còn cho rằng đây là một "cú lừa" và tiếp tục cày những trò chơi khác. Cuối cùng, IceFrog cũng kịp thêm vào một loạt các Tướng (Heroes) cùng nhiều chỉnh sửa đồ họa để 16 đội có thể tranh tài tại Cologne, Đức.
Ở trận chung kết, Na`Vi đã xuất sắc đánh bại EHOME với tỉ số 3-1 để bước lên ngôi vương đầu tiên của các kì TI. Đúng với cái tên Natus Vincere (Tiếng La-tin: Sinh ra để chinh phục), họ có thời kì thống trị kéo dài vài năm sau đó khi vô địch hàng chục giải đấu lớn nhỏ, lọt vào chung kết thêm 2 kì TI nữa. Na`Vi có thể coi là một Manchester United của Dota 2 với lượng fan đông đảo nhất trên thế giới. Bằng chứng là mỗi trận đấu của "Rồng Vàng" đều có số người xem cao kỉ lục.
Tuy nhiên, thất bại cay đắng tại TI3, nhất là sau một game đấu cuối lấn lượt hoàn toàn đối thủ, đã khiến vị cựu vương suy sụp hoàn toàn. Mâu thuẫn nội bộ xảy ra liên tục giữa XBOCT, Puppey và KuroKy dẫn đến thành tích bệ rạc tại TI4. Hệ quả tất yếu là cặp đôi support hàng đầu thế giới ra đi tìm bến đỗ mới. Na`Vi trải qua thời kì thay máu kéo dài với hàng chục game thủ đến rồi đi. Song, thành tích thì vẫn nghèo nàn đến mức các fan chẳng buồn gáy. Giờ đây, vị vua một thời chỉ còn là chú rồng nằm say ngủ trong hang mà thôi.
Những lãng tử giờ chỉ còn "tóc gió thôi bay"
Nhắc đến cặp đôi support của Na`Vi lại là một câu chuyện khác. Kuro "KuroKy" Salehi Takhasomi và Clement "Puppey" Ivanov từng là bạn thân từ DotA dưới màu áo Nivarna.int. Họ một lần nữa trở thành đồng đội tại Na`Vi trong kì TI3. Sau khi rời khỏi "Rồng Vàng", cả hai thành lập Team Secret nhưng thành tích không được như kì vọng.
KuroKy lại ra đi và tìm được bến đỗ mới tại 5jungz rồi sau này là Team Liquid. Sau 10 năm, cả hai đều trở thành những đội trưởng vĩ đại nhất thế giới với nhiều thành tích vô tiền khoáng hậu. Song, mái tóc của họ thì đã "nhuốm màu" thời gian một cách rõ rệt. Hình ảnh "dân chơi" năm xưa đã phải nhường chỗ cho sự trưởng thành, chín chắn.
Một cái tên khác cũng là minh chứng cho việc thời gian chẳng chừa một ai chính là Jonathan "Loda" Berg. Chàng thủ lĩnh một thời của Alliance nổi tiếng với mái tóc vàng cùng vẻ ngoài điển trai, lãng tử nay lại là một "hói ca" gắn liền với chiếc nón và "hoa hậu" Kelly.
Hành trình "đi thật xa để trở về" của giải đấu triệu đô
Với 1,6 triệu USD ở hai kì TI đầu tiên, Valve cho ra mắt The Compendium (hay sau này đổi tên thành The International Battle Pass) để cộng đồng có thể "hiến máu". Với việc góp 25% số tiền thu được từ "sách giáo khoa" này vào tổng giá trị giải thưởng, TI luôn là giải đấu thể thao điện tử lớn nhất hành tinh và tăng đều qua từng năm với TI9 có giá trị lên đến hơn 34 triệu USD.
Ngoài TI1 tại Đức, các giải đấu sau luôn diễn ra tại Bắc Mỹ (cụ thể là TI2-TI7 ở Seattle và TI8 ở Vancouver, Canada). TI9 tạo nên bước ngoặt khi lần đầu tiên được tổ chức tại nhà thi đấu Mercedes-Benz Arena, Thượng Hải. Sau một hành trình hơn nửa vòng trái đất, TI10, như để kỉ niệm 10 năm hành trình, sẽ trở lại lục địa già cỗi quen thuộc khi diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển.
Những kẻ thất bại vĩ đại, chỉ mãi về nhì hoặc "leo đồi"
Với giải thưởng hàng triệu USD cũng như tên tuổi sẽ trở thành một phần của lịch sử khi được khắc lên tấm khiên danh giá, các game thủ đều mơ ước được một lần vô địch TI cả vì tiền tài lẫn danh vọng. Song, có những kẻ dù cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch.
Năm 2017, Valve cho ra mắt hệ thống DPC (Dota Pro Circuit) để tính điểm theo từng mùa, đồng thời kết nối tất cả các giải đấu lớn (Major) và nhỏ (Minor) khác nhau. Theo đó, các đội không được xem nhẹ bất kì giải nào trong năm khi chúng đều được tích điểm để chọn ra những cái tên được vé mời trực tiếp đến TI. Lúc này, VP (Virtus Pro) như chú gấu Nga dũng mãnh táng lật mặt mọi đối thủ. Họ luôn kết thúc kì DPC với điểm số nằm trong top dẫn đầu. Nhưng vào TI, VP bỗng hóa thành con gấu trúc cute vô hại. Hậu quả là sau 3 kì TI vô dụng, đội hình của họ tan rã và có lẽ chẳng bao giờ có thể trở lại thời kì hoàng kim.
Một cái tên khác để lại muôn vàn tiếc nuối cho khán giả là Xu "fy" Linsen (Từ Lâm Sâm) - người đã 2 lần vào chung kết nhưng chẳng thề mang cúp về nhà. Ở TI4, VG (Vici Gaming) của anh bước vào một trận đấu nội bộ Trung Quốc với Newbee. Song, cặp đôi support hàng đầu xứ tỉ dân fy - Fenrir không thể chống đỡ lại chiến thuật deathball đáng sợ của "đạo diễn" xiao8. "Thái tử" họ Từ đành lỗi hẹn với chức vô địch.
Đến kì TI8, fy một lần nữa tiến vào chung kết cùng PSG.LGD. Theo "lời nguyền", các kì TI chẵn luôn là một đội tuyển đến từ Trung Quốc giành cúp. PSG.LGD đang có phong độ hủy diệt. Họ hoàn toàn nằm chiếu trên so với một OG rời rạc, chỉ xây dựng đội hình vài tháng trước thềm giải đấu và vào chung kết nhờ "may mắn".
Với thiên thời, địa lợi và cả nhân hòa, ai cũng cho rằng PSG.LGD sẽ dễ dàng vùi dập đối thủ 3-0. Song, họ lại trở thành nhân vật phụ cho câu chuyện tình bạn tựa như phép màu của N0tail cùng đồng đội. Sau 5 game đấu căng thẳng, fy không nói nên lời chứng kiến chức vô địch vụt khỏi tay để rồi chỉ 1 năm sau, anh không thể phục thù khi chỉ chẳng thể vào nổi chung kết.
Nhắc đến "thái tử" thì lại phải kể tới "hoàng đế" Xu "BurNIng" Zhilei (Từ Chí Lôi). Anh được xem là ông hoàng của Dota 2 Trung Quốc với tốc độ farm (kiếm tiền trong game) như hack. Ấy vậy mà BurNIng lại bị chính những "thần dân" của mình lật đổ. Vào kì TI4, Team DK được đánh giá là ứng cử viên vô địch với đội hình toàn "sao" gồm iceiceice, Mushi, BurNIng, LaNm và MMY. Song, chỉ vì có 2 "ngoại binh" mà Team DK bị các đội khác tẩy chay, không cho tập cùng. Cuối cùng, họ bất ngờ trước chiến thuật deathball năm đó và bị chính "con trai" Từ Lâm Sâm loại khỏi giải.
Đến năm 2017, IG (Invictus Gaming) của "hoàng đế" lại bị một tuyển Trung Quốc khác là LGD Gaming đánh bại. Từ Chí Lôi sau đó cũng giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp để theo đuổi streaming. Anh còn tự thành lập và trở thành huấn luyện viên của Team Aster. Giờ đây, BurNIng có cả tiền tài, vợ đẹp, con khôn, danh vọng trong sự nghiệp nhưng sẽ mãi thiếu đi một chức vô địch khiến cả đời tiếc nuối.
Một kẻ thất bại vĩ đại đáng nhắc đến nữa chính là Artour "Arteezy" Babaev. Anh có thể coi là đối thủ xứng tầm với BurNIng với khả năng farm bứt tốc ngay cả khi cả đội bị đối phương chèn ép. Chàng "Babyrage" cũng chịu khó chuyển từ EG (Evil Geniuses) sang Team Secret rồi lại trở về EG để tìm kiếm danh hiệu. Nhưng tiếc thay, anh đi tới đâu thì đội nát tới đó. Việc EG chỉ về 3, Arteezy chỉ biết farm rồi vô dụng khi bị kéo lên "đồi" quen thuộc tới mức đã trở thành meme cho cộng đồng mãi đến bây giờ.
Giống với fy, Aliwi "w33" Omar cũng chỉ là kẻ làm nền trong những câu chuyện của nhân vật chính. Năm 2016, Digital Chaos của anh thua 3-1 trước một Wings quá bá đạo. Sau thời gian dài trồi sụt phong độ, w33 được gọi vào Team Liquid để thế chỗ Matumbaman. Song, sự thay máu này cũng không giúp "đội chất lỏng" trở thành phản diện trong chuyến hành trình trở thành team Dota 2 vĩ đại nhất lịch sử của OG. Giờ đây, chàng trai trong màu áo Nigma buộc phải cố gắng hơn để có thể chạm tay vào cúp vô địch.
Những người chỉ lần đầu dự giải đã thành nhà vô địch
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, có những kẻ cả đời khổ luyện, mưu cầu độc tôn nhưng chẳng thể đánh lại tên khờ tình cờ rơi xuống núi lụm được bí kiếp. Dota 2 cũng vậy! Nếu như hai "cha con" họ Từ mãi chẳng chạm được khiên vô địch thì có những người chỉ lần đầu dự giải đã ẵm giải thưởng danh giá.
Wings Gaming chính là chàng Lệnh Hồ Xung bước ra từ tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ quen thuộc. Một tổ chức mới toanh với 5 cá nhân chẳng tên tuổi bất ngờ xuất hiện và làm mưa làm gió chỉ vài tháng trước thềm TI6. Những tưởng sẽ bị các ông lớn vùi dập, 5 chàng trai trẻ hạ gục từng gã khổng lồ với chiến thuật duy nhất là chẳng có chiến thuật gì. Họ dùng vô chiêu thắng hữu chiêu khi sử dụng linh hoạt toàn bộ các Tướng của Dota 2, đánh thẳng vào điểm yếu của đối phương với đấu pháp sáng tạo nhưng kỷ luật. Wings Gaming đến rồi đi như một cơn gió khi tan rã sau TI6 và cũng là nhà vô địch "cuối cùng" của Trung Quốc cho đến hiện tại.
Trong khi đó, Maroun "GH" Merhej lại là Trương Vô Kỵ của thế giới Dota 2. Anh là mảnh ghép cuối cùng của Team Liquid được KuroKy phát hiện chỉ vài tháng trước thềm TI7. Chàng pub-star đạt 9k MMR cao nhất châu Âu ban đầu chỉ đánh thay BuLba một giải đấu mà thôi. Song, GH lại ăn ý với các đồng đội một cách bất ngờ và cùng Team Liquid "giã" Newbee 3 trắng tại trận chung kết ngay lần đầu tham gia giải đấu lớn nhất hành tinh. Sau này, dù không còn vô đối như xưa, anh vẫn luôn nằm trong top nhưng pos 4 (vị trí support) hay nhất thế giới.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chẳng là gì so với chàng "Thạch Phá Thiên" Topias Miikka "Topson" Taavitsainen. Ban đầu, anh chẳng khác gì một kẻ ăn xin được "Tạ Yên Khách" N0tail đưa vào OG khi chỉ kiếm được vài nghìn USD bằng Dota 2. Chẳng ai dám tin đội hình chắp vá, rời rạc và tan nát trước sự ra đi của Fly và s4 đã giành chức vô địch một cách thần kì khi đánh bại PSG.LGD tại TI8. Một năm sau, Topson chứng tỏ bản thân chí có thực lực chứ không hề "ăn may" cùng OG phá vỡ hàng loạt "lời nguyền" TI và vô địch lần thứ 2 liên tiếp. Anh chính thức trở thành một "cẩu tạp chung" thiên hạ vô đối chẳng ai địch lại xuyên suốt giải đấu.
Có những người "từng quen" nay trở nên xa lạ
Như đã đề cập, chiến thắng của OG tại TI8 thần kì không chỉ vì tình bạn mà còn là sự phản bội. So với Puppey và KuroKy, cặp đôi N0tail - Fly còn khắng khít hơn khi cùng nhau chiến HON (Heroes of Newerth) rồi cùng nhau chuyển qua Dota 2 dưới màu áo Fnatic. Sau đó, họ cùng Puppey và KuroKy lập ra Team Secret. Nhưng Fly dường như lạc nhịp ở vị trí offlane nên bị kick không lâu sau đó.
Không muốn bạn buồn, N0tail cũng nhanh chóng rời đi rồi cùng Fly lập ra (monkey) Business rồi đổi tên thành OG. Cùng tài năng trẻ Miracle-, họ chiến thắng nhiều Major nhưng cũng không thể chạm tới TI. Sau khi "huyền diệu" rời đi, OG rơi vào chuỗi bết bát kéo dài. Song, Fly lại chẳng trung thành như người bạn thân của mình mà dứt áo bỏ sang EG chỉ vài tuần trước TI8 cùng s4.
Cả team OG chấn động và buộc phải rút khỏi Supermajor để xây dựng lại đội hình. Họ gọi lại cậu nhóc Anathan "ana" Phạm và cái tên chẳng ai biết đến là Topson. Huấn luyện viên Sébastien "Ceb" Debs từ vị trí huấn luyện viên trở thành offline để đủ đội hình tham dự TI năm đó. Cuối cùng, "con ngựa ô" OG trở thành nhà vô địch còn cậu bạn thân Fly chỉ biết nhìn mà tiếc nuối.
Có người cả thập kỉ vẫn không từ bỏ
Thật thiếu sót khi không nhắc đến người anh quốc dân Danil "Dendi" Ishutin. Trong đội hình Na`Vi năm ấy, Dendi là người ở lại tổ chức suốt nhiều năm sau dù thành tích, phong độ bết bát ra sao. Anh là số ít game thủ không thi đấu vì tiền tài, danh vọng mà bằng đam mê và công ơn của tổ chức Natus Vincere. Có kẻ chỉ trích, gọi Dendi là "chày cối" khi chỉ bám vị trí Mid không rời nhưng "người anh" vẫn lạc quan với nụ cười luôn nở trên môi.
10 năm sau chức vô địch huyền thoại ấy, Dendi vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều game thủ chuyên nghiệp và cả những người chơi "for fun" khi luôn cống hiến hết mình cho đam mê không ngừng nghỉ. So với Puppey hay KuroKy - những người luôn đạt thành tích cao - nỗ lực ngay cả khi chẳng còn ở thời kì hoàng kim của Dendi thật mạnh mẽ biết bao.
Những người chơi trải qua cả thập kỉ với tựa game
Và cuối cùng, hành trình của Dota 2 trong 10 năm qua đã không nhiệm màu đến thế nếu thiếu những người chơi cùng khóc, cùng cười, cùng thức qua những trận sát phạt đầy toxic. Có những người đã trưởng thành và không thể tiếp tục chơi vì cơm, áo, gạo, tiền. Có những kẻ lỡ chơi vì bạn xong lại nghiện hơn cả bạn. Có những người đã lập gia đình nhưng vẫn lén vợ con chiến cùng anh em dù chỉ một trận. Có những chàng sinh viên nợ môn vì Dota 2.
Có những người chấp nhận muộn làm vì có giải đấu khuya. Có những cặp đôi đến với nhau vì cùng chơi game. Cũng có những cặp chia tay vì một trong hai hay cả hai chỉ mải chiến game. Có những nhóm bạn từ "vào sinh ra tử" nay chẳng còn liên lạc. Có những kỷ niệm, những tiếc nuối, những niềm vui, những nỗi buồn. Tất cả đã tạo ra một thập kỉ đầy màu sắc và cảm xúc với bộ môn thể thao điện tử "lắm tài nhiều tật" này.
- 0
- 0Bình luận