Hành trình tạo ra những căn nhà đầy tính biểu tượng trong siêu phẩm \'Parasite\' của Bong Joon Ho
Kiệt tác thắng giải Cành cọ vàng và 6 đề cử Oscar Parasite đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng bởi cái nhìn sâu sắc về sự xung đột giữa các tầng lớp giàu nghèo trong xã hội. Một trong những nhân tố góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của bộ phim đó chính là bối cảnh.
Parasite kể lại hành trình một gia đình sống ở đáy xã hội dùng những mánh khoé lừa đảo để xâm nhập vào nhà họ Park giàu có và sống như những con ký sinh trùng. 60% cảnh phim diễn ra tại căn biệt thự rộng lớn, sang trọng của gia đình họ Park kia. Nhưng có một sự thật không phải ai cũng biết đó là căn nhà này hoàn toàn được dựng lên theo kịch bản phim.
Trong phim, căn biệt thự có kiến trúc độc đáo này được giới thiệu là tác phẩm của kiến trúc sư vĩ đại Namgoong Hyeonja (nhân vật hư cấu). Nhưng trên thực tế, đây là đứa con tinh thần của nhà thiết kế sản xuất Lee Ha Jun. Ông cho biết:
Bởi vì ngôi biệt thự nhà họ Park trong kịch bản được xây dựng bởi một kiến trúc sư nên thực sự rất khó để tìm cách tái hiện lại toàn bộ. Tôi thì vốn không phải là một kiến trúc sư và tôi nghĩ rằng có sự khác biệt rất lớn giữa cách một kiến trúc sư và một nhà thiết kế sản xuất tưởng tượng ra không gian. Chúng tôi luôn ưu tiên dàn cảnh và góc máy quay trong khi các kiến trúc sư thì xây dựng nên những không gian phục vụ cho mục đích sinh sống, không gian thuận theo con người. Vì vậy cách tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn khác nhau.
Không chỉ yêu cầu tạo ra một bối cảnh thật hoàn hảo và nịnh mắt, đạo diễn Bong Joon Ho còn muốn bối cảnh đó phối hợp thật chính xác với máy quay, bố cục và nhân vật. Đây là thách thức rất lớn mà vị đạo diễn tài năng này đặt ra cho các nhà thiết kế sản xuất của mình. Bong Joon Ho đã miêu tả căn nhà “tự chế” của ekip Parasite như “một vũ trụ của riêng trong phim” và ông rất mãn nguyện khi các giám khảo của Liên hoan phim Cannes đều nhầm tưởng rằng căn biệt thự trong phim là nhà thật. Trên thực tế, biệt thực nhà họ Park là một không gian mở được dựng lên trên một khu đất trống.
Cảm giác xâm nhập như ký sinh trùng
Bong Joon Ho: Tôi nghĩ sự độc đáo nhất của Parasite chính là ý tưởng về sự xâm nhập, thứ xuất phát từ kinh nghiệm đi làm gia sư trong quá khứ của tôi. Khi đi dạy kèm tại gia, tôi thực sự cảm thấy bản thân như đang xâm nhập vào gia đình họ. Đây cũng chính là nơi tạo ra nguồn cảm hứng làm phim cho tôi nhưng câu chuyện mà tôi kể lại là về những người xung quanh, những người không phải là tội phạm nhưng đã xâm nhập vào các ngôi nhà đặc biệt.
Không ai khẳng định rằng một vật chủ chỉ nên có một ký sinh trùng. Câu chuyện của tôi là hành trình những ký sinh trùng mới khám phá ra những ký sinh trùng cũ ngụ trong vật chủ từ lâu.
Tôi thật sự rất chú trọng vào thiết kế của ngôi nhà. Nó giống như tạo ra “một vũ trụ của riêng trong phim”. Mỗi nhân vật hay nhóm nhân vật đều có một khoảng trống để thâm nhập và trú ngụ nhưng cũng sẽ có những không gian bí mật mà họ sẽ chẳng thể nào hay biết. Sự tương tác giữa 3 nhóm nhân vật và giữa các không gian đã tạo nên những yếu tố thú vị cho phim.
Lee Ha Jun: Theo tôi được biết, đạo diễn Bong có nhờ tới sự giúp đỡ của một kiến trúc sư lúc viết kịch bản nhưng điều đó không thực sự ảnh hưởng nhiều tới quá trình tái hiện lại căn biệt thự nhà họ Park. Tôi luôn ưu tiên những dàn cảnh được nhấn mạnh trong kịch bản. Tôi và đạo diễn Bong cũng đã có rất nhiều cuộc thảo luận sau khi xem qua ý tưởng ngôi nhà mà anh ấy đã phác thảo trong quá trình viết kịch bản.
Đạo diễn Bong đã có sẵn những dàn cảnh cụ thể như lối đi xuyên qua phòng khách và vườn, lối đi xuống từ tầng 2 đến bàn ăn, lối đi từ phòng khách xuống tầng hầm và từ tầng hầm chính tới tầng hầm bí mật,…
Bong Joon Ho: Kịch bản phim đòi hỏi phải có tất cả các bối cảnh phức tạp trên. Nếu một nhân vật đang đứng ở vị trí cố định, tất cả nhân vật khác đều phải theo dõi và nếu một ai bước vào thì người khác sẽ phải lùi ra sau góc. Cũng từ đây, mối liên hệ không gian cơ bản giữa các nhân vật được thiết lập.
Lee Ha Jun: Thiết kế ra một không gian đáp ứng được toàn bộ dàn cảnh là điều rất quan trọng. Dĩ nhiên là dàn cảnh sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào góc quay nhưng chúng tôi cũng đã xác định vị trí góc quay sẽ như thế nào khi thiết kế không gian để giúp phản chiếu được toàn cảnh. Tôi đã tạo nên một bối cảnh rộng và có chiều sâu thay vì tập trung vào chiều cao để phù hợp với tỷ lệ khung hình 2.35:1.
Cao và Thấp
Bong Joon Ho: Những người yêu điện ảnh có thể liên tưởng tới “High and Low” (Cuộc Chiến Băng Đảng) của Akira Kurosawa. Trong trường hợp đó, cấu trúc đơn giản và mạnh mẽ hơn. Tên tiếng Nhật của bộ phim này được dịch ra là “Thiên Đường và Địa Ngục”. Sống trên đỉnh cao là một gã giàu có và dưới đáy là những kẻ tội phạm. Về cơ phải thì dàn cảnh này tương tự với Parasite nhưng nhiều lớp nghĩa hơn.
Bởi vì câu chuyện kể về người giàu và người nghèo, cách tiếp cận mà chúng ta rõ ràng phải thực hiện đó là về mặt thiết kế âm thanh và ánh sáng. Bạn càng nghèo thì càng nhìn thấy ít ánh sáng, nó giống như cuộc sống đời thực: Nhà nghèo thì làm sao có nhiều cửa sổ. Ví dụ trong Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá), những đoàn tàu kéo dài không hề có sự xuất hiện của cửa sổ. Tương tự với những căn nhà bán hầm, nhân vật sống ở đó rất hiếm khi được đón nhận ánh sáng. Thời lượng sẽ chỉ vào khoảng 15 đến 30 phút và luôn là cảnh mở đầu phim. Ekip hoàn toàn sử dụng ánh sáng tự nhiên cho những cảnh phim như vậy trong Parasite. Tất cả bối cảnh từ nhà giàu cho tới nhà nghèo đều được dựng ngoài trời để tận dụng ánh sáng.
Lee Ha Jun: Biệt thự nhà họ Park được dựng ngoài trời dựa theo hướng chiếu của mặt trời. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị trí dựng bối cảnh. Chúng tôi phải nắm rõ vị trí của mặt trời trong thời gian mong muốn và từ đó quyết định vị trí cũng như kích thước của các khung cửa sổ. Đối với ánh sáng thực tế, đạo diễn hình ảnh Hong Kyung Pyo cũng có những yêu cầu cụ thể liên quan tới màu sắc. Trước khi bắt tay vào xây dựng bối cảnh, ngài Hong đã tới thực địa rất nhiều lần để kiểm tra chuyển động của mặt trời trong những thời điểm khác nhau rồi mới quyết định chọn những nơi nào làm địa điểm quay cùng nhau.
Khu vườn trước nhà như một TV khổng lồ
Lee Ha Jun: Chúng tôi không quay tách cảnh trong nhà và ngoài nhà vì cả ekip muốn tạo ra một không gian hoàn hảo. Cả sân trước, nơi mà bạn sẽ thấy ngay khi bước chân vào nhà lẫn sân sau đều được đặc biệt dựng lên cho Parasite. Phần sân trước cũng chính là lý do quan trọng thúc đẩy chúng tôi dựng lên ngôi biệt thự nhà Park. Đạo diễn Bong đã định hình sẵn các dàn cảnh của diễn viên từ trước.
Bong Joon Ho: Trong cảnh cuối phim, người bố đi ra khu vườn nơi đón rất nhiều ánh sáng tự nhiên. Sẽ rất khó để xây dựng được cảm xúc hay những thứ tương tự bằng ánh sáng nhân tạo. Vì vậy ekip phim rất quan tâm tới việc xây dựng bối cảnh. Chúng tôi đã cố gắng quay cảnh kết vào buổi sáng, thời điểm nhiều ánh sáng nhất ngày.
Lee Ha Jun: Dàn cảnh này cũng chính là lý do mà tầng 1 của căn biệt thự không hề có TV. Đạo diễn Bong đã đề cập trong phim về chuyện kiến trúc sư đại tài Namgoong Hyeonja đã khéo léo thiết kế tầng 1 để làm nổi bật khu vườn. Từ chi tiết này, ekip dựng bối cảnh đã tạo nên một khung cửa sổ cực lớn với tỷ lệ 2,35:1, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp trên màn ảnh.
Chúng tôi không sử dụng nhiều màu sắc cho căn biệt thự. Nội thất chủ yếu là gỗ tối màu và các vật liệu xám để làm nổi bật không gian bên ngoài. Kết hợp với đèn vàng, căn nhà có một bầu không khí tinh tế và ấm áp. Trong quá trình dựng, chúng tôi cũng đã tính toán sao cho có thể tự điều chỉnh màu sắc, nhiệt độ của những nguồn sáng nhân tạo.
Sự gia tăng mật độ
Lee Ha Jun: Căn nhà lụp xụp bán hầm của gia đình họ Kim lại có nhiều màu sắc hơn. Nhưng một lần nữa, chúng tôi cố gắng để giảm thiểu tối đa các tông màu nổi bật. Thay vào đó là kết cấu nhà thô và chật chội hơn rất nhiều so với biệt thự kia. Tôi muốn sử dụng sự gia tăng mật độ để phản ánh sự khác biệt giai cấp giữa giới thượng lưu và hạ lưu.
Phim là câu chuyện về sự ký sinh nhưng cả tôi lẫn đạo diễn Bong đều muốn mô tả sự tương phản giữa hai gia đình. Sự tương phản này đạt tới đỉnh điểm khi gia đình họ Kim đi từ trên cao xuống dưới căn nhà thấp bé, chật hẹp.
Bong Joon Ho: Với cảnh cả nhà Ki Taek đi bộ về dưới mưa, tôi muốn bộ phim chuyển sang thể loại phim hành trình – hành trình từ trên cao xuống lòng đất, từ khu nhà giàu xuống khu nhà nghèo. Tôi rất mong phân cảnh đặc biệt này sẽ là sợi dây liên kết hai khu vực tương phản trong một khoảng thời gian ngắn.
Lee Ha Jun: Thực ra có rất nhiều ngôi nhà tường cao, vườn rộng ở các khu nhà giàu Seoul. Nhưng cầu thang mới chính là chìa khoá của bộ phim. Đạo diễn Bong đã yêu cầu chính xác về chi tiết này. Mọi thứ phải được di chuyển từ trên cao xuống dưới thấp. Ngoài ra phải có nhiều mưa, nhiều nước mới hoàn thiện trọn vẹn được sắc thái tổng thể và không gian phim.
Ekip làm phim gặp rất nhiều khó khăn với vị trí của các cầu thang. Cả căn biệt thự lẫn căn bán hầm đều có quá nhiều cầu thang với đủ kích thước, thể loại. Chưa bao giờ tôi phải dựng nhiều cầu thang như vậy trong khi làm phim.
Làm ngập tầng hầm
Lee Ha Jun: Chúng tôi không chỉ đưa hình ảnh căn nhà bán hầm vào để thể hiện những góc khuất đặc trưng của Hàn Quốc mà còn có dụng ý đặc biệt sau đó. Nhà bán hầm chính là thứ trung gian giữa đỉnh cao và vực thẳm. Nhân vật sợ hãi có thể bị chìm sâu nhưng vẫn luôn có hy vọng nửa vời giống như kết cấu bán hầm.
Có nhiều địa điểm như thế này ở Hàn nhưng chúng tôi vẫn phải dàn dựng lại toàn bộ vì ekip sẽ phải làm ngập cả khu phố, phục vụ cho kịch bản. Đương nhiên, chúng tôi muốn nó phải thật tự nhiên, luôn xem bối cảnh là một người diễn viên khác của phim.
Ý tưởng cho khu nhà bán hầm được lấy từ những khu đang được tái phát triển. Chúng tôi đã tạo ra các khuôn silicone gạch ngói từ chính những khu dân cư này rồi từ đó, đúc ra loại riêng cho chính mình. Các tổ nghệ thuật, dàn dựng, đạo cụ đã phải di chuyển rất nhiều để hoàn thiện bối cảnh. Chúng tôi đã phải đi khắp nơi để tìm được cửa ra vào, khung cửa sổ, tấm chắn, ống khói,… phù hợp. Riêng việc tìm vật liệu cũng đã tốn của cả ekip mất tháng trời. Sau khi có tất cả, chúng tôi mới bắt đầu xếp chúng vào các bối cảnh.
Cũng có những sự cố nhất định như việc phải điều kích cỡ của cửa vì không vừa. Việc điều chỉnh này đôi lúc lại tạo ra những không gian rất khác. Những nếu chúng ta nghĩ lại thì thực tế, các khu dân cư kiểu này đã mất cả chục năm trời để sửa chửa chắp vá nên việc ngôi nhà thay đổi so với trước đây là điều dễ hiểu.
Phòng tắm bán hầm
Lee Ha Jun: Tôi nhớ trong kịch bản đã gọi căn phòng này là “đền phân”. Ở Hàn Quốc thực sự có xuất hiện của những ngôi nhà bán hầm và phòng tắm bán hầm kiểu này. Tuy nhiên, để phù hợp cho góc quay, chúng tôi đã điều chỉnh sao cho bồn cầu sát với trần nhà nhất có thể.
Thời đại học, tôi cũng từng sống ở một căn phòng bán hầm kiểu vật với bạn. Tôi từng phàn nàn rất nhiều về việc nhà vệ sinh bất tiện và bị ẩm mốc. Chính những ký ức đó đã giúp tôi tái hiện lại không gian thật chính xác.
- 0
- 0Bình luận