Những đôi giày bên bờ sông Danube
Budapest không chỉ nổi tiếng bởi những tòa nhà có kiến trúc độc đáo, những lâu đài nằm trên cao và những bể nước nóng kì lạ mà ở đây nó còn nổi tiếng với những câu chuyện buồn về tháng năm cuối cùng của cuộc thế chiến. Đó chính là câu chuyện đằng sau 60 đôi giày sắt hoen gỉ, cũ kĩ vì nắng mưa hướng ra phía dòng sông Danube xinh đẹp. Không chỉ giàu tính lịch sử, những đôi giày ấy cũng là một điểm du lịch phải ghé khi bạn đến thăm Budapest - thủ đô hiện tại của Hungary
Vào những năm cuối của cuộc thế chiến thứ II, đảng Arrow Cross - một đảng thuộc phe Hitler - với chủ nghĩa bài tộc Do Thái đã tìm và giết hại khoảng 10,000 người Do Thái và đưa khoảng 80,000 người đến các trại tập trung. Cũng vào thời gian này, quân phát xít đã tàn phá rất nhiều tòa nhà và lâu đài cổ, gây ra những thiệt hại lớn cho thành phố và người dân ở vùng này.
Trước khi bị sát hại, những người Do Thái sẽ bị dồn đến bờ sông Danube để chờ hành quyết. Những nạn nhân tội nghiệp sẽ được yêu cầu cởi giày để lại bờ, sau đó sẽ bị bắn chết rồi quăng xác xuống dòng nước chảy dưới kia. Và vì giày dép là những món đồ giá trị trong chiến tranh nên quân phát xít sẽ gom chúng lại, giữ để dùng hoặc giao dịch lại cho các chợ đen.
Để tưởng nhớ những nạn nhân bị sát hại khi xưa, công trình 'Những đôi giày bên bờ Danube" đã được xây dựng vào ngày 16/04/2005 bởi đạo diễn Can Togay và nhà điêu khắc Gyula Pauer. 60 đôi giày với các kiểu dáng với phong cách khác nhau cho ta thấy không ai có thể sống sót qua khỏi vụ thảm sát này. Du khách ghé qua đây sẽ thấy được những bông hoa hồng (đôi khi là nến) được đặt trong giày suốt dọc bờ sông cùng tấm bảng giải thích về ý nghĩa của công trình này.
- 0
- 0Bình luận