Năm Canh Tý bàn chuyện con chuột (Kỳ 2): Chuột gây hại nhưng nhân loại cũng nợ chúng rất nhiều
Chuột được đánh giá là một trong những loài vật gây hại nguy hiểm nhất có thể gây tai ương cho con người, tuy nhiên trên một phương diện nào đó chúng ta lại phải biết ơn chúng, vì chuột đóng vài trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của văn minh nhân loại. Nếu không có sự tồn tại của chuột, có lẽ loài người đã phát triển theo một hướng khác.
Chuột là loài gây hại mà nhân loại kinh sợ
Chuột có thể đóng vai trò là vectơ động vật (vật trung gian) cho một số mầm bệnh nhất định lây lan bệnh đó cho con người, chẳng hạn như bệnh dịch hạch, sốt Lassa, bệnh leptospirosis và nhiễm Hantavirus (gây viêm phổi, sốt xuất huyết, suy thận). Các mầm bệnh này sống trong chuột nhưng lại không gây hại cho chúng, khiến nhân loại rất khó đoán định và có nhiều nguy cơ khi tiếp xúc với chuột hoặc chất thải của chúng.
Chuột từ lâu đã được coi là loài gây hại chết người, không nghi ngờ gì nữa đa số mọi người đều e ngại loài chuột, gần như nỗi sợ này đã trở thành bản năng của con người. Ở Ấn Độ, có một giai thoại là cứ mỗi 50 năm thì loài chuột tre (tên khoa học Rhizomyini) sẽ tràn xuống vùng dân cư và nuốt chửng mọi thứ chúng thấy. Đó chỉ là câu chuyện dân gian nhưng thể hiện nỗi sợ của người Ấn Độ đối với chuột.
Chuột từ lâu đã được coi là nhân vật phản diện chính trong sự lây lan của bệnh dịch hạch, tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy một mình loài chuột không thể khiến bệnh dịch lây lan nhanh chóng khắp châu Âu vào thời Trung cổ. Mặc dù vậy Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC liệt kê gần một tá bệnh liên quan trực tiếp đến chuột, chúng vẫn là một loài nguy hiểm cần được kiểm soát, nếu không sẽ gây họa lớn cho cộng đồng.
Chuột cống ở New York nổi tiếng là to và hung hăng, số lượng loài chuột ở đây được cho là nhiều hơn cả dân số của New York. Ở Mỹ, nghề kiểm soát vật hại (pest control) chuyên diệt và kiểm soát số lượng chuột (cùng mối và các loài có hại khác) được xem là một nghề chuyên nghiệp và quan trọng, cần có bằng cấp, chứng chỉ đàng hoàng. Nếu không có những đơn vị chuyên diệt chuột, các thành phố lớn như New York sẽ sụp đổ! Từ khóa "pest control service near me" (dịch vụ kiểm soát vật hại gần nơi tôi ở) luôn là từ khóa hot tại Mỹ.
Chuột là loài có khả năng xâm lấn mạnh, nơi nào có người thì nơi đó có chuột, chúng theo chân con người đến mọi nơi trên thế giới bằng cách trốn trong các kiện hàng, tàu bè, phương tiện giao thông. Mỗi khi bùng phát ở một nơi nào đó, chuột sẽ dẫn đến sự suy thoái cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Chúng cắn phá đồ đạc, nhà cửa, phá hoại nền móng các công trình, lương thực dự trữ của loài người, rõ là một loài ăn tàn phá hại.
Hiện nay trên thế giới chỉ có hai nơi là không có chuột, một là Nam Cực (vì quá lạnh). Thứ hai là bang Alberta của Canada là khu vực có người sinh sống lớn nhất trên Trái đất nhưng không có chuột do các chính sách kiểm soát chuột rất tích cực của chính phủ. Nơi đây có số lượng lớn chuột bản địa, còn được gọi là chuột gỗ đuôi to, nhưng chúng là những kẻ "ăn chay" sống trong rừng, có sức tàn phá thấp hơn nhiều so với chuột cống hoặc chuột nhà.
Vì sao chúng ta biết ơn loài chuột?
Mặc dù gây hại như vậy, nhưng nhân loại cũng như nhiều loài vật khác, thậm chí cả hệ sinh thái phụ thuộc vào chuột. Trước hết, chúng ta cần chuột để nghiên cứu y học, tâm lý học và hóa sinh học. 95% vật thí nghiệm mà con người sử dụng hiện nay là chuột và các loài gặm nhấm họ hàng của chúng, ví dụ như chuột lang.
Lý do chính tại sao chuột rất quan trọng đối với nghiên cứu y học là do các đặc điểm sinh học của những loài gặm nhấm này gần giống với con người. Theo các nhà khoa học, chuột và con người có rất nhiều điểm chung, bao gồm di truyền học, đặc điểm sinh học và đặc điểm hành vi, cách hoạt động của nội tạng chuột cũng khá giống người. Ngoài ra, các nhà khoa học có thể nhân giống chuột đã bị biến đổi gen. Đây là những con chuột mang thông tin di truyền khá gần với người, giúp chúng ta nghiên cứu các bệnh ở người trên cơ thể chuột.
Hơn nữa, chuột có kích thước nhỏ, số lượng nhiều, dễ dàng nuôi nhốt, vòng đời ngắn, các yếu tố này thuận tiện cho việc nghiên cứu. Tất cả các loại thuốc mà con người sử dụng, kể cả vắc-xin, thuốc chống ung thư, các loại thức ăn mới, thực phẩm chức năng, các hóa chất mới dùng trong ngành hóa mỹ phẩm đều khó có thể hoặc không thể được nghiên cứu thành công nếu thiếu chuột. Rất nhiều thế hệ chuột đã hy sinh (đôi khi với một cách dã man và đau đớn kéo dài) để mang đến lợi ích cho chúng ta, vì vậy chúng ta cũng trân trọng vai trò của chúng.
Chuột thí nghiệm (lab rat), thường được gọi là chuột bạch - thuộc loài chuột nhắt Mus musculus là giống chuột được sử dụng nhiều nhất trong y học. "Chuột bạch" trở thành một thuật ngữ không chỉ dùng trong khoa học mà còn trong các ngành khác để chỉ những cá nhân, tổ chức có vai trò làm vật thí nghiệm, làm phép thử, làm đối tượng để hy sinh cho một mục đích nào đó lớn hơn.
Nếu ai đó đặt câu hỏi rằng "Liệu nhân loại có thể sống mà không có sự tồn tại của loài chuột?" bạn có thể tự tin trả lời là "Không!"
- 0
- 0Bình luận