logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Salvador Dalí: Nghệ sĩ lập dị có một không hai trong lịch sử nhân loại

Salvador Dalí (1904 – 1989) là họa sĩ đại tài người Tây Ban Nha. Ông bắt đầu sự nghiệp vẻ vang của mình với hội họa trường phái Siêu thực và tiếp tục ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực khác. Không chỉ vậy, ông còn nổi tiếng là một kẻ siêu lập dị với những giai thoại để đời.

1. Họa sĩ nhí nổi tiếng

Landscape of Figueres (1910) là bức tranh nổi tiếng đầu tiên của Salvador Dalí. Năm đó ông mới 6 tuổi. Bức tranh sơn dầu vẽ làng quê Figueres xứ Catalan của họa sĩ, với khổ của một chiếc bưu thiếp 14 x 9 cm. Với Landscape of Figueres, Dalí đã sớm bộc lộ tài năng hội họa thiên bẩm của mình và được bồi dưỡng từ tấm bé. Hiện nay bức tranh được treo tại bảo tàng Salvador Dalí ở thành phố St. Petersburg thuộc bang Florida.

Landscape of Figueres

2. Salvador Dalí tin rằng mình là kiếp sau của người anh trai quá cố

9 tháng trước khi Salvador Dalí chào đời, anh trai của ông đã mất do viêm dạ dày. Năm Dalí lên 5, bố đưa ông đến ngôi mộ của cậu con cả và nói với Dalí rằng ông là kiếp sau của anh trai mình. Kể từ đó, Dalí luôn tin như vậy và tự gọi mình là cậu em ruột cõi âm. Người anh trai yểu mệnh cũng trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm trứ danh sau này của Dalí, trong đó có bức Portrait of My Dead Brother (1963).

Portrait of My Dead Brother

3. Salvador Dalí từng bị đuổi học 2 lần

Thời niên thiếu, Salvador Dalí nổi tiếng là kẻ lập dị, nổi loạn và thích mặc váy như những công tử bột nước Anh thế kỷ 19. Năm 1923, Dalí bị đuổi học vì tham gia vào cuộc biểu tình sinh viên. Sau khi quay lại trường học, ông lại bị đuổi lần nữa trước khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật (Madrid) năm 1926.

Trong cuốn tự truyện The Secret Life of Salvador Dalí xuất bản năm 1942, Dalí giải thích ông bị đuổi học vì không chịu ngồi xuống trong bài kiểm tra miệng. Ông cũng viết thêm “Tôi biết là tôi thông minh hơn ba vị giáo sư kia nên tôi đã từ chối để họ kiểm tra mình”.

Mặc dù bị đuổi học, Salvador Dalí cũng không buồn phiền chút nào. Ông thậm chí còn thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Paris để gặp thần tượng của mình là Pablo Picasso.

Chân dung Salvador Dalí với bộ râu có một không hai

4. “Tôi việc gì phải chơi thuốc.”

Những tác phẩm siêu thực cùng tính cách lập dị của mình khiến nhiều người lầm tưởng Salvador Dalí nghiện ngập để cảm thấy hưng phấn. Nhưng Dalí khẳng định chắc nịch:

Tôi việc gì phải chơi thuốc. Bản thân tôi đã là thuốc rồi mà”.

Để mở rộng khả năng sáng tạo, năm 1930, Dalí đã phát triển phương pháp hoang tưởng – phê phán (paranoiac – critical method). Ví dụ, ông sẽ giữ trạng thái mơ màng bằng cách nhìn chằm chằm vào một vật cho đến khi nó gây ra ảo giác khiến ông nhìn thành một vật khác. Phương pháp này cho phép Dalí tiếp cận tiềm thức của mình và được xem là một đóng góp quan trọng cho phong trào Siêu thực.

5. Salvador Dalí ái mộ Hitler

Mặc dù Salvador Dalí là hạt nhân của trường phái Siêu thực, ông không được lòng giới nghệ sĩ trong thời kỳ đầu sự nghiệp. Bởi vì các đồng nghiệp của ông theo chế độ Cộng sản, còn Dalí lại có cảm tình với Phát xít và rất ái mộ Hitler. Hitler từng xuất hiện trong các bức vẽ của ông, điển hình là bức Metamorphosis of Hitler’s Face into a Moonlit Landscape with Accompaniment.

“Tôi thường mơ về Hitler giống như đàn ông mơ về phụ nữ vậy”. - Dalí thẳng thắn chia sẻ

Đỉnh điểm là vào năm 1934, Salvador Dalí bị buộc rời khỏi cộng đồng trường phái Siêu thực vì những hành động phản cách mạng và tôn vinh Đức Quốc xã. Dù vậy, Dalí vẫn theo đuổi niềm tin của mình, ông thậm chí còn gặp gỡ và ủng hộ kẻ độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco.

Metamorphosis of Hitler’s Face into a Moonlit Landscape with Accompaniment

6. Hôn nhân với người vợ hơn tuổi

Elena Ivanovna Diakonova, hay còn gọi là Gala, là người vợ duy nhất của Dalí. Dalí và Gala đã vụng trộm với nhau một thời gian từ lúc Gala còn là vợ của nhà thơ Paul Éluard. Sau khi Gala ly hôn, hai người đã tổ chức đám cưới vào năm 1934 bất chấp sự phản đối của gia đình nhà Dalí.

Đối với Dalí, Gala là nàng thơ trong các bức họa và có sức ảnh hưởng đến sự nghiệp của chồng. Ông từng viết:

“Tôi sẽ ‘đánh bóng’ Gala để nàng tỏa sáng, để nàng là người hạnh phúc nhất, tôi sẽ chăm sóc nàng còn hơn cả bản thân mình, bởi vì nếu không có nàng, tôi sẽ chẳng có gì hết”.

Bức tranh "Salvador Dalí và Gala" của họa sĩ Nikola Golubovski

7. Salvador Dalí từng lừa gạt Yoko Ono

Salvador Dalí lúc nào cũng thích chơi khăm mọi người. Amanda Lear – bạn thân và nàng thơ của Dalí – hồi tưởng lại cái lần Dalí giở trò bịp bợm với Yoko Ono. Yoko Ono muốn mua một sợi râu từ bộ râu của Dalí với giá 10.000 USD nhưng Dalí đã bán cho vợ của John Lennon một ngọn cỏ. Amanda Lear giải thích:

“Dalí nghĩ rằng Yoko Ono là một phù thủy và có thể sẽ dùng sợi râu đó để làm bùa mê thần chú. Dalí không muốn gửi Yoko bất cứ đồ cá nhân nào của mình, kể cả đó là một sợi tóc. Nên là Dalí đã rủ tôi ra vườn để tìm một ngọn cỏ khô, đặt nó vào một cái hộp quà đẹp và gửi cho Yoko Ono. Tên ngốc này đã ‘ăn dầy’ 10.000 USD chỉ bằng mánh khóe này và hắn rất sung sướng vì chuyện đó”.

8. Salvador Dalí từng cộng tác với Disney

Năm 1964, Salvador Dalí và John Hench của Walt Disney bắt tay nhau thực hiện bộ phim hoạt hình Destino. Dalí đã vẽ 22 bức tranh sơn dầu cùng hàng nghìn tranh vẽ tay để John Hench làm storyboard. 8 tháng sau, dự án buộc phải dừng lại vì lý do tài chính mặc dù phim chỉ còn đúng 15 giây là hoàn thiện.

Năm 1999, cháu trai của Walt Disney và Roy E. Disney đã quyết định khởi động lại Destino. Phim hoạt hình ngắn 6 phút đã được hoàn thành và ra mắt năm 2003, kể về nữ nghệ sĩ múa ba lê trên hành trình siêu thực băng qua sa mạc.

9. Dalí tự xây bảo tàng riêng cho mình

Những năm 1960, thị trưởng xứ Figueres, Catalan đã hỏi Dalí liệu ông có thể quyên góp một số tác phẩm cho bảo tàng của thị trấn. Chẳng hề do dự, Dalí quyết định ông sẽ xây lại nhà hát thị trấn đã bị phá hủy nặng nề trong cuộc chiến tranh dân sự Tây Ban Nha thành bảo tàng mang tên mình.

Bảo tàng chính thức mở cửa vào năm 1974. Những năm cuối đời, Dalí đã mở rộng bảo tàng thành nơi ở của mình. Sau khi Dalí qua đời vào năm 1989, ông được chôn cất sâu bên dưới bảo tàng. Hiện nay, mỗi năm bảo tàng Dalí đón hơn 1 triệu du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ thiên tài.

Salvador Dalí bên các bức tranh của mình

10. Những bữa tiệc quái dị

Hai vợ chồng Salvador Dalí rất thích tiệc tùng và họ thường tổ chức những bữa tiệc quái dị. Ví dụ, khách mời được yêu cầu phải hóa trang phù hợp với chủ đề, động vật hoang dã sẽ đi lang thang khắp phòng tiệc. Năm 1973, Dalí xuất bản cuốn sách Les Diners de Gala với hàng loạt công thức nấu ăn dị hợm như sườn cốt lết nhồi ốc sên, cà phê quả thông.

11. Trả tiền theo phong cách Salvador Dalí

Một lần ăn uống linh đình với bạn bè, Dalí – nổi tiếng là kẻ sống tằn tiện – đã đứng ra chủ chi bữa tiệc. Khi thanh toán, ông rút ra một tấm séc và đưa cho chủ nhà hàng. Điều đáng nói ở đây là mặt sau của tấm séc có những hình vẽ nguệch ngoạc của Dalí. Dalí biết tấm séc này chẳng còn giá trị và không thể quy đổi ra tiền mặt, nhưng ông cũng biết chủ nhà hàng sẽ giữ lại tấm séc, đóng khung và treo ở một nơi trang trọng trong nhà hàng cùng dòng chữ “Bản gốc của Dalí”.

Thật may mắn cho Dalí vì ở thời đại mà ông sống, ông là một họa sĩ rất nổi tiếng và nhiều người coi trọng các tác phẩm siêu thực của ông. Nếu trong trường hợp ngược lại, Dalí sẽ phải ký một tấm séc khác.

Hai vợ chồng Salvador Dalí và Gala

12. Kiệt tác tim đập The Royal Heart

The Royal Heart là một kiệt tác đáng kinh ngạc của Salvador Dalí, được làm từ vàng 18k, 46 viên rubi, 42 viên kim cương, 2 viên ngọc lục bảo cùng nhiều viên đá quý khác. Đó vẫn chưa phải là điểm độc đáo nhất. Một loại máy móc được nhét vào bên trong khiến The Royal Heart “đập thình thịch” như chính trái tim của con người.

The Royal Heart là trái tim của bộ sưu tập Dalí-Joies và hiện nay được trưng bày tại bảo tàng Dalí ở Figueres, Tây Ban Nha. Bộ sưu tập bắt đầu thực hiện vào năm 1941 theo yêu cầu của triệu phú người Mỹ Cummins Catherwood với 22 viên đá thiết kế, nhưng Dalí đã nâng con số này lên. Sau này, bộ sưu tập được chuyền qua tay rất nhiều người, bao gồm một nhà triệu phú người Ả Rập và các nhà sưu tập Nhật Bản. Năm 1999, Tổ chức Salvador Dalí đã mua lại 41 viên trang sức thiết kế, các bản vẽ và bức tranh của bộ sưu tập với giá gần 7 triệu USD.

13. Những dấu ấn khác của Salvador Dalí

Năm 1969, Salvador Dalí nhận lời thiết kế logo của thương hiệu Chupa Chups. Logo vẫn được sử dụng cho đến nay. Bên cạnh đó, Dalí cũng từng thiết kế cho nhãn hàng Gap và thậm chí còn xuất hiện trong quảng cáo chocolate Lanvin năm 1968.

Bản thân Dalí cũng rất yêu thích thời trang và có những người bạn là nhà tạo mốt. Dalí từng thiết kế mũ hình chiếc giày, thắt lưng với khóa hình đôi môi, chai xịt nước hoa và vô số thiết kế hàng dệt. Một số tác phẩm nghệ thuật của Dalí trở thành nguồn cảm hứng trong làng thời trang. Trong đó có chiếc váy của Công nương xứ Windsor Wallis Simpson được lấy cảm hứng từ tác phẩm Lobster Telephone (hay Aphrodisiac Telephone) vào những năm 1930. Bên cạnh đó, Dalí và bạn thân Christian Dior từng thực hiện chung một dự án mang tên “Trang phục năm 2045”.

Tài năng của Dalí còn được bộc lộ khi ông thực hiện những bức vẽ siêu thực trên bìa tạp chí Vogue. Tổng cộng, Dalí đã thiết kế 4 bìa Vogue. Riêng ấn phẩm tháng 12/1971, ông còn kiêm nhiệm thêm vai trò biên tập viên.

Năm 1969, Dalí nhận lời thiết kế minh họa phiên bản giới hạn cho tác phẩm Alice in Wonderland của nhà văn Lewis Carroll. Với Dalí, thế giới tràn ngập trí tưởng tượng trong Alice in Wonderland chính là chất liệu đậm tính siêu thực. Mặc dù ấn bản chỉ được bán ra với số lượng 2.700, Dalí vẫn dồn hết tâm huyết cho 13 thiết kế, tương ứng với bìa truyện và 12 chương truyện.

Bộ tranh minh họa Alice in Wonderland

Xem thêm bài: 'Nhập môn' hội họa kinh điển bằng loạt chỉ dẫn phân biệt tranh hài hước

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)