logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Nhật ký phóng viên: Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở bệnh viện Vũ Hán

Có thể nói trong cơn đại dịch virus coroma ở Vũ Hán, những y bác sĩ ở tuyến đầu là người chấp nhận rủi ro cao nhất và cũng hiểu rõ tình hình hơn ai hết.

Peng Zhiyong, trưởng khoa y học bệnh cấp tính tại bệnh viện Đại Học Vũ Hán trung tâm phía Nam là một trong những bác sĩ đó. Trong một cuộc phỏng vấn với Caixin thứ 3 vừa rồi, Peng đã kể lại những trải nghiệm cá nhân mình khi lần đầu đối mặt với bệnh dịch vào khoảng đầu tháng 1 và nhanh chóng hiểu được độ nguy hiểm của nó cũng như sự cần thiết để có những biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

Khi bệnh dịch lây lan và ngập tràn phòng ICU, bác sĩ đã nhận ra rằng 3 tuần là khoảng thời gian dường như xác định được ranh giới giữa sự sống và cái chết. Bệnh nhân có hệ miễn dịch mạnh hơn bắt đầu hồi phục trong vài tuần, nhưng ở tuần thứ 2, một vài ca bệnh sẽ trở nặng hơn.

Peng cũng chia sẻ, vào tuần thứ 3, để những bệnh nhân cấp tính này sống sót có lẽ đòi hỏi sự can thiệp phi thường. Trong nhóm này, tỉ lệ tử vong nằm trong khoảng từ 4% đến 5%. Sau một ca làm việc ban ngày kéo dài 12 giờ đồng hồ, bác sĩ dành cả buổi tối của mình để nghiên cứu về bệnh dịch và tóm tắt những quan sát của ông vào một luận án.

Bác sĩ và y tá ở tuyến đầu tại bệnh viện của ông hoàn toàn bị chôn vùi bởi các bệnh nhân. Có khi họ không mặc đồ bảo hộ, làm việc không ăn uống gì và cũng chẳng có thời gian nghỉ để tắm rửa trong hầu hết các ca làm của họ. Ông chia sẻ rằng nguyên nhân đằng sau việc này chính là bởi vì không có đủ quần áo bảo hộ để thay đổi giữa ca.

Suốt hơn 1 tháng ở tiền tuyến trong cuộc chiến với virus corona mới, Peng đã bật khóc nhiều lần khi đành phải quay lưng với bệnh nhân do thiếu nhân viên lẫn giường nằm. Ông nói rằng, điều thật sự đánh gục ông chính là cái chết của một người phụ nữ đang mang thai bị bệnh cấp tính khi quá trình điều trị của cô phải ngừng lại vì thiếu tiền - một ngày trước khi chính phủ quyết định trả toàn bộ chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV.

Ảnh: AFP

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Peng Zhiyong, bác sĩ phụ trách phòng hồi sức tích cực ICU:

Bệnh nhân nhiễm virus corona mới đầu tiên của bác sĩ Peng Zhiyong

Caixin: Anh gặp được bệnh nhân nhiễm virus nCoV đầu tiên khi nào vậy?

Peng Zhiyong: Vào ngày 6, tháng 1, năm 2020. Có một bệnh nhân đến từ Huanggang, người đã bị nhiều bệnh viện khác từ chối, được chuyển thẳng đến phòng cấp cứu của bệnh viện trung ương phía nam. Tôi đã tham gia hội chẩn. Lúc đó, bệnh tình của bệnh nhân đã nghiêm trọng rồi, và anh ta rất khó thở. Tôi biết ngay sau đó anh ta đã bị nhiễm virus nCoV. Chúng tôi đã tranh luận rất lâu xem có nhận bệnh nhân này hay không. Nếu chúng tôi không nhận thì anh ta chẳng còn nơi nào để đi nữa; còn nếu chúng tôi nhận thì có khả năng cao là nó sẽ lây cho những người khác. Chúng tôi đã phải làm một khu vực cách ly nghiêm ngặt. Cuối cùng, chúng tôi quyết định nhận bệnh nhân này.

Tôi đã gọi cho viện trưởng bệnh viện và kể lại cho ông ấy nghe toàn bộ câu chuyện, bao gồm cả sự thật là chúng tôi phải dọn dẹp phòng của những bệnh nhân khác ở bệnh viện và phải sửa sang nó theo đúng chuẩn SARS bằng cách bố trí một "khu vực lây nhiễm", "khu vực đệm", "khu vực tẩy sạch" và tách biệt những khu vực sinh hoạt của nhân viên bệnh viện khỏi khu vực sinh hoạt của bệnh nhân.

Vào ngày 6 tháng 1, với bệnh nhân trong phòng cấp cứu, chúng tôi đã tiến hành tu sửa cách ly một phần trong phòng cấp cứu và có những sự đổi mới chính cho ICU (Phòng hồi sức tích cực). Phòng ICU của bệnh viện trung tâm phía nam có tổng cộng 66 giường. Chúng tôi đã chừa một khoảng dành cho bệnh viên nhiễm virus corona chủng mới. Tôi biết tính lây nhiễm của căn bệnh này. Chắc chắn sẽ có nhiều người nhập viện hơn nên chúng tôi đã dành ra 16 giường. Chúng tôi đã tiến hành những đổi mới về cách ly trên khu vực bệnh truyền nhiễm bởi vì những bệnh về đường hô hấp được lây lan qua không khí, vậy nên kể cả không khí cũng cần phải được cách ly để không khí trong phòng không bay ra ngoài. Thời điểm đó, vài người đã nói rằng số giường ở ICU vốn có hạn và 16 giường là con số quá lớn. Và tôi đã đoan chắc rằng nó không thừa tí nào đâu.

Ngay từ những ca bệnh đầu tiên, bác sĩ đã biết virus nCoV có thể lây từ người sang người. Đội ngũ bác sĩ cho rằng tiêu chuẩn xét nghiệm virus nCoV lúc bấy giờ quá cao

Caixin: Hồi tháng 1, anh có dự đoán rằng virus nCoV có khả năng lây lan trực tiếp từ người sang người và cần phải có các biện pháp cách ly. Vậy anh có báo cáo chuyện này cho những người phía trên không?

Peng: Bệnh dịch này thật sự lây lan rất nhanh. Đến ngày 10 tháng 1 thì 16 giường ở ICU đã đủ người. Nhận thấy tình hình khá nghiêm trọng, chúng tôi liền báo với ban lãnh đạo của bệnh viện và họ phải báo cáo lên trên. Chỉ huy của chúng tôi cũng cảm thấy chuyện này khẩn cấp và báo cáo cho Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán. Ngày 12 tháng 1, bộ đã cử một đội gồm 3 chuyên gia đến bệnh viện trung tâm phía nam để điều tra. Các chuyên gia nói rằng triệu chứng lâm sàng thật sự tương đồng với SARS, nhưng họ vẫn nói về tiêu chuẩn chẩn đoán, về công cụ kiểu như vậy. Chúng tôi đã trả lời rằng những tiêu chuẩn đó quá nghiêm ngặt. Có rất ít người được chẩn đoán dựa trên những tiêu chuẩn đấy. Lãnh đạo của bệnh viện chúng tôi nói với họ rất nhiều lần trong suốt thời gian đó. Tôi biết các bệnh viện khác cũng làm y như vậy.

Trước khi đến đây, các chuyên gia đã đến bệnh viện Jinyintan để điều tra và làm một bộ tiêu chuẩn chẩn đoán. Bạn phải tiếp xúc với chợ hải sản miền nam Trung Quốc, bạn cần phải bị sốt và kiểm tra dương tính với virus. Bạn phải có đủ 3 tiêu chí trên để được chẩn đoán là mắc bệnh. Cái thứ 3 đặc biệt nghiêm ngặt. Trên thực tế, có rất ít người có thể kiểm tra virus.

Ngày 18 tháng 1, những chuyên gia cấp cao nhất từ Ủy ban Y Tế Quốc Gia đã đến bệnh viện trung tâm miền Nam ở Vũ Hán để thanh tra. Tôi đã nói với họ một lần nữa rằng tiêu chuẩn (xét có mắc bệnh dịch hay không) là quá cao. Cách này rất dễ bỏ sót người nhiễm bệnh. Tôi đã bảo họ rằng đây là bệnh truyền nhiễm; nếu các anh làm tiêu chuẩn quá cao và để bệnh nhân rời đi, các anh sẽ đặt xã hội vào tình thế nguy hiểm. Sau khi nhóm các chuyên gia quốc gia thứ 2 đến, tiêu chuẩn đã được thay đổi. Số bệnh nhân được chẩn đoán nhanh chóng gia tăng.

Caixin: Điều gì khiến anh tìn rằng virus nCoV có thể lây từ người sang người?

Peng: Dựa trên kinh nghiệm và kiến thức về lâm sàng của tôi, tôi tin rằng nó sẽ là bệnh dịch truyền nhiễm cấp tính và chúng tôi phải bảo hộ ở cấp độ cao nhất. Virus này sẽ không thay đổi nếu chỉ dựa vào ý chí con người. Tôi cảm thấy chúng ta cần phải tôn trọng nó và hành động theo khoa học. Trước những yêu cầu của tôi, phong ICU của bệnh viện trung tâm miền nam đã có những biện pháp cách ly nghiêm ngặt, và kết quả là bộ phận của chúng tôi chỉ có 2 ca bị nhiễm. Ngày 28 tháng 1, chỉ có 40 người bị lây nhiễm trong số toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện. Tỉ lệ này ít hơn so với những bệnh viện khác nếu xét theo phần trăm tổng số nhân viên y tế.

Chúng tôi rất đau lòng khi nhìn thấy virus corona phát triển đến một trạng thái đáng tuyệt vọng như vậy. Nhưng ưu tiên bây giờ là điều trị cho bệnh nhân, làm tất cả những gì có thể để cứu người.

Tỉ lệ tử vong cho những bệnh nhân cấp tính là 4% - 5%; chỉ cần 3 tuần để quyết định sự sống hay cái chết.

Điều nguy hiểm của bệnh dịch gây ra bởi virus nCoV: Virus tấn công hệ miễn dịch, làm giảm tế bào Lympho, tổn thương phổi và khiến các cơ quan khác trong cơ thể suy yếu

Caixin: Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của anh, diễn tiến bệnh dịch do virus nCoV như thế nào?

Peng: Mới đây, tôi đã dành cả ngày để quan sát các bệnh nhân trong phòng ICU, rồi sau đó làm vài nghiên cứu vào chiều tối. Tôi đã viết ra một luận cương. Tôi vẽ biểu đồ dữ liệu từ 138 ca bệnh mà bệnh viện trung tâm miền nam có từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 1 và cố gắn tóm tắt lại một vài bản mẫu của chủng virus corona mới này.

Nhiều virus sẽ tự chết sau một khoảng thời gian cụ thể. Chúng tôi gọi nó là những bệnh dịch tự hạn chế. Tôi đã quan sát thấy rằng giai đoạn bùng nổ, thời gian diễn tiến của virus corona mới tầm trong khoảng 3 tuần, kể từ khi xuất hiện các triệu chứng cho đến mức khó thở. Về cơ bản, bệnh đi từ các triệu chứng nhẹ đến nặng chỉ trong vòng 1 tuần. Có các triệu chứng nhẹ sau: cảm thấy cơ thể yếu đi, thở dốc, vài người sẽ sốt, một số thì không. Theo nghiên cứu của tôi trên 138 ca bệnh, triệu chứng hay gặp nhất trong giai đoạn đầu là sốt (98.6% ca bệnh), cơ thể yếu đi (69.6%), ho (59.4%), đau cơ bắp (34.8%), khó thở (31.2%), trong khi các triệu chứng ít gặp hơn là đau đầu, choáng váng, đau bao tử, tiêu chảy, buồn nôn, và ói mửa.

Thế nhưng một vài bệnh nhân đến tuần thứ 2 thì đột nhiên trở nặng. Trong giai đoạn này, họ nên đi đến bệnh viện. Người lớn tuổi với những căn bệnh tiềm ẩn có thể tạo ra biến chứng; một số có thể cần thở bằng máy. Khi những bộ phận khác trong cơ thể bắt đầu bị suy, đó là lúc mà bệnh trở nên nặng hơn, còn những bệnh nhân khác với hệ miễn dịch mạnh có các triệu chứng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng ở giai đoạn này và dần hồi phục. Vì vậy mà tuần thứ 2 là thời gian quyết định bệnh nhân có rơi vào tình trạng nguy kịch hay không.

Tuần thứ 3 sẽ là thời gian định đoạt xem bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch có tử vong hay không. Một số bệnh nhân đang nguy kịch được điều trị để có thể tăng tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu và thấy sự cải thiện trong hệ thống miễn dịch của họ, nên đã sống sót, có thể nói là vậy. Nhưng những ai mà tế bào lympho cứ tiếp tục suy giảm, hay những ai mà hệ thống miễn dịch bị hủy hoại, cuối cùng sẽ bị suy đa tạng rồi chết.

Hầu hết, những bện nhân khỏi bệnh trong vòng 2 tuần, còn với những ai mà bệnh tình trở nặng, nếu họ có thể sống sót sau 3 tuần thì họ sẽ ổn. Bằng không, họ sẽ có thể chết trong vòng 3 tuần.

Caixin: Vậy anh có thể nói chi tiết hơn về nghiên cứu lâm sàng của mình không? Phần trăm các ca bệnh có thể chuyển từ triệu chứng nhẹ sang nguy kịch, phần trăm những ca nguy kịch có thể bị đe dọa tính mạng và tỉ lệ sống tử vong là bao nhiêu được không?

Peng: Theo những quan sát về mặt lâm sàng của tôi, tuy bệnh này có khả năng lây lan cao nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp. Những người bị đe dọa đến tính mạng thường là người cao tuổi và vốn đã mắc phải những bệnh mãn tính.

Ngày 28 tháng 1, trong tổng số 138 ca, có 36 ca ở ICU, 28 ca đã hồi phục, và 5 ca tử vong. Điều này chứng tỏ rằng, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân trong cơn nguy kịch là 3.6%. Vào ngày 3 tháng 2, một bệnh nhân nữa đã qua đời, đưa tỉ lệ tử vong lên đến 4.3%. Với bệnh nhân ở phòng ICU thì thì khả năng có nhiều người chết hơn. Tỉ lệ tử vong cũng có khả năng tăng lên nhưng không đáng kể.

Những người nhập viện thường là đang bị nặng hoặc trong tình trạng bị đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân với triệu chứng nhẹ có thể tự cách ly tại nhà. Chúng tôi không thu thập dữ liệu phần trăm những ca tiến triển từ triệu chứng nhẹ sang triệu chứng nặng. Nếu một bệnh nhân đi từ các triệu chứng nghiêm trọng đến đe dọa tính mạng, bệnh nhân đó sẽ được gửi vào ICU. Trong số 138 người, có 36 người đã được chuyển đến ICU, chiếm 26%. Phần trăm tử vong giữa những ca bị đe dọa tính mạng là khoảng 15%. Thời gian đi từ triệu chứng nhẹ đến nguy kịch là 10 ngày. 28 bệnh nhân đã khỏi và ra viện. Hiện tại, tỉ lệ bình phục là 20.3% trong khi các bệnh nhân khác vẫn còn ở viện.

Có 12 ca liên quan đến chợ hải sản phía nam Trung Quốc; 57 ca bị lây nhiễm trong khi đang nhập viện, bao gồm 17 bệnh nhân đã nhập viện trước đó ở khoa khác; và 40 nhân viên y tế. Điều này cho thấy bệnh viện là khu vực có rủi ro truyền nhiễm cao nhất và cần phải có những biện pháp bảo hộ phù hợp.

Caixin: Rủi ro cao nhất mà người bệnh nặng phải đối mặt là gì?

Peng: Cuộc tấn công lớn nhất của virus là lên hệ miễn dịch của bệnh nhân. Nó làm tế bào lympho suy giảm, gây tổn thương phổi khiến bệnh nhân khó thở. Nhiều người đang có triệu chứng nặng chết vì nghẹt thở. Số còn lại chết vì các cơ quan nội tạng khác bị suy yếu sau các biến chứng được gây ra bởi sự sụp đổ của hệ thống miễn dịch.

Caixin: Một bệnh nhân 39 tuổi ở Hong Kong đã bị ngừng tim và tử vong. Một vài bệnh nhân không có triệu chứng nghiêm trọng trước sự tấn công dữ dội của virus hoặc trong giai đoạn đầu, nhưng họ lại đột tử. Một số chuyên gia tranh cãi rằng virus đã gây ra cơn bão cytokine, tàn phá hệ thống miễn dịch của những người trẻ mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, cơ thể bị viêm quá mức do cytokin dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn. Anh đã từng thấy hiện tượng như vậy trong dịch nCoV chưa?

Peng: Theo quan sát của tôi, một phần ba số bệnh nhân bị viêm toàn cơ thể. Không nhất thiết phải giới hạn ở người trẻ. Cơ chế của một cơn bão cytokine là viêm nhiễm toàn thân, dẫn đến việc các cơ quan nội tạng bị suy và nhanh đến giai đoạn cuối. Với một số trường hợp diễn tiến nhanh, trong vòng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân bị viêm toàn thân sẽ bị đe dọa đến tính mạng.

Chưa có vaccine hay thuốc đặc trị virus corona mới, bác sĩ chỉ đang chữa trị triệu chứng giúp bệnh nhân duy trì được các chức năng của các cơ quan trong cơ thể

Caixin: Anh đã điều trị cho những ca bệnh nặng và đang nguy kịch như thế nào?

Peng: Đối với các ca bệnh nặng hoặc đang trong cơn nguy kịch, cách tiếp cận chính của chúng tôi là cung cấp oxy, oxy lưu lượng cao. Trước tiên, chúng tôi cho thở máy không xâm lấn, sau đó sẽ đặt nội khí quản nếu tình trạng xấu đi. Đối với những ca đang nguy kịch, chúng tôi sử dụng ECMO (Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể, hoặc bơm máu qua máy phổi nhân tạo). Trong 4 trường hợp, chúng tôi đã dùng phương pháp ECMO để cứu bệnh nhân khỏi ngưỡng cửa tử thần.

Hiện tại không có thuốc đặc trị virus corona mới. Mục đích cơ bản của ICU là giúp bệnh nhân duy trì được chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Mỗi một bệnh nhân có những triệu chứng khác nhau. Nếu khó thở, chúng tôi cung cấp oxy; nếu suy thận, chúng tôi lọc máu; nếu hôn mê chúng tôi triển khai ECMO. Chúng tôi hỗ trợ bất cứ ky nào bệnh nhân cần để duy trì mạng sống. Một khi lượng tế bào lympho tăng lên và hệ thống miễn dịch được cải thiện, virus sẽ được dọn sạch. Tuy nhiên, nếu tượng tế bào lympho tiếp tục giảm thì sẽ rất nguy hiểm vì virus sẽ không ngừng sinh sản. Nếu để cho hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị hủy hoại, sẽ rất khó để cứu họ sống.

Caixin: Có tin tức cho rằng một vài loại thuốc thực sự hiệu quả. Người ta cũng hy vọng vào thuốc kháng virus remdesivir do Mỹ sản xuất, mà đã chữa lành ca bệnh đầu tiên ở nước này. Anh nghĩ thế nào?

Peng: Tính đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc nào đặc trị virus nCoV. Vài bệnh nhân có thể hồi phục sau khi sử dụng thuốc song song điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên những trường hợp riêng lẻ như vậy không chỉ ra được tác dụng phổ quát của thuốc. Tác dụng của thuốc liên quan đến mức độ nghiêm trọng ở mỗi một ca bệnh và tình trạng sức khỏe của từng người. Người ta muốn được chữa trị nhanh chóng, vậy nên điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng chúng ta cần phải thật cẩn trọng.

Caixin: Anh có lời khuyên nào cho các bệnh nhân bị nhiễm nCoV không?

Peng: Cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với đại dịch virus là kiểm soát nguồn virus, ngăn chặn sự lây lan của chúng và ngăn ngừa việc truyền nhiễm từ người sang người. Lời khuyên của tôi dành cho các bệnh nhân là hãy đi đến khu vực dành riêng cho bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và được điều trị sớm. Một khi nó chuyển biến thành bệnh nặng thì cần phải nhập viện. Sẽ tốt hơn cho bạn nếu được chữa trị ngay từ giai đoạn đầu. Một khi đã bước sang giai đoạn nguy kịch thì sẽ khó điều trị và đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực y tế hơn. Với các trường hợp bị đe dọa đến tính mạng, hãy cố gắng cứu họ bằng các biện pháp ICU để giảm tỉ lệ tử vong.

Caixin: Anh đã điều trị bao nhiêu bệnh nhân trong cơn nguy kịch rồi? Và bao nhiêu người được chữa khỏi?

Peng: Ngày 4 tháng 2, 6 bệnh nhân ở phòng ICU bệnh viện trung tâm miền nam đã chết. Khoảng 80% trong số họ đã đỡ hơn, một phần tư đang gần được xuất viện và số còn lại thì vẫn đang dần hồi phục ở các khu vực cách ly.

Bệnh nhân khiến tôi ấn tượng nhất đến từ Huanggang. Anh ta là người được cứu sống đầu tiên với sự hỗ trợ của ECMO. Anh ta đã đến chợ hải sản miền nam Trung Quốc và đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Sau đó, được chuyển thẳng đến phòng ICU và chúng tôi đã cứu anh ta với ECMO. Đến ngày 28 tháng 1 thì anh ta được xuất viện.

Thiếu đồ bảo hộ trầm trọng, y bác sĩ vẫn làm việc không ngừng với tâm niệm cứu càng nhiều người càng tốt

Caixin: Khối lượng công việc mỗi ngày của anh và nhịp độ làm việc như thế nào?

Peng: Khối lượng công việc ở ICU lúc nào cũng quá tải. Có 3 khu vực bệnh nhân cùng 66 giường ở bệnh viện trung tâm miền nam, với tối đa 150 bệnh nhân. Kể từ ngày 7 tháng 1, khi chúng tôi nhận được bệnh nhân đầu tiên, thì không một ai rời khỏi khu vực này. Chúng tôi thay phiên làm việc ở ICU. Ngay cả nhân viên y tế đang mang thai cũng không rời nửa bước. Sau khi đại dịch trở nên tệ hơn, không một nhân viên y tế nào về nhà. Chúng tôi nghỉ ngơi ở một khách sạn gần bệnh viện hoặc nghỉ tại bệnh viện luôn.

Ở khu cách ly, chúng tôi mặt đồ bảo hộ cấp 3. Một ca làm việc của bác sĩ là 12 tiếng, còn của y tá là 8 tiếng. Vì đồ bảo hộ đang thiếu trầm trọng nên chỉ có một bộ đồ bảo hộ cho một nhân viên y tế mỗi ngày. Chúng tôi không ăn uống trong ca làm việc của mình vì đồ bảo hộ không còn tác dụng một khi chúng tôi đi vào nhà vệ sinh. Đồ bảo hộ dày, hầm và khá cứng. Ban đầu chúng tôi thấy khá bất tiện nhưng giờ chúng tôi đã quen rồi.

Caixin: Anh đã từng trải qua khoảnh khắc cực kỳ nguy hiểm nào chưa? Chẳng hạn như khi đặt nội khí quản, anh làm gì để bản thân không bị lây nhiễm?

Peng: Nó là virus corona chủng mới. Chúng tôi không rõ lắm về bản chất và con đường lây lan của nó. Sẽ là dối trá nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không sợ. Tất cả các nhân viên y tế đều sợ hãi ở một mức độ nào đó. Nhưng bởi vì bệnh nhân cần chúng tôi. Khi một bệnh nhân ngưng thở và hỗ trợ oxy không xâm lấn cũng không còn tác dụng gì, chúng tôi buộc phải đặt nội khí quản. Phương pháp này khá nguy hiểm vì bệnh nhân có thể nôn ra. Nhân viên y tế có nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng tôi yêu cầu y bác sĩ phải tuân thủ mức độ bảo hộ cao nhất. Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt là việc thiếu đồ bảo hộ. Đồ bảo hộ cho nhân viên phòng ICU đang còn rất ít dù bệnh viện đã ưu tiên cho chúng tôi rồi.

Câu chuyện buồn về một bệnh nhân mang thai, đến bác sĩ cũng rơi nước mắt

Caixin: Có điều gì đặc biệt khiến anh dao động không? Anh đã từng khóc chưa?

Peng: Tôi thường khóc vì có quá nhiều bệnh nhân không được nhận vào bệnh viện. Họ đã khóc than trước bệnh viện. Vài người thậm chí còn quỳ xướng xin tôi nhận họ vào viện nữa. Nhưng tôi chẳng thể làm gì được vì không còn giường. Tôi đã rơi nước mắt khi phải từ chối họ. Giờ thì tôi khóc hết nước mắt rồi. Tôi không nghĩ gì khác ngoài việc cố gắng hết mình để cứu được nhiều người hơn.

Điều khiến tôi nuối tiếc nhất là một người phụ nữ mang thai đến từ Huanggang. Khi đó cô ấy đang trong tình trạng rất nguy kịch. Gia đình đã phải chi trả gần 200,000 nhân dân tệ (Tương đương hơn 666 triệu VNĐ) chỉ sau 1 tuần ở vòng ICU. Cô ấy đến từ một vùng quê và tiền nhập viện là tiền mượn từ bạn bè lẫn họ hàng gần xa. Tình trạng của cô đã cải thiện sau khi chúng tôi sử dụng ECMO, và cô ấy có khả năng sẽ thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chồng cô ấy quyết định từ bỏ. Anh ấy khóc rất nhiều vì quyết định này. Tôi cũng đã khóc vì tôi cảm nhận được không còn hy vọng nào để cứu cô ấy. Cô đã qua đời sau khi tất cả chúng tôi từ bỏ. Và chính xác là vào ngày hôm sau, chính phủ thông báo chính sách mới rằng sẽ chữa trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân bị nhiễm virus nCoV. Tôi cảm thấy rất tiếc cho người phụ nữ đang mang thai đó.

Phó giám đốc bộ phận của chúng tôi đã nói với tôi một điều và ông cũng rơi nước mắt. Bệnh viện thứ 7 của Vũ Hán đang hợp tác với bệnh viện chúng tôi, bệnh viện trung tâm miền nam Vũ Hán. Phó giám đốc đã đến đó để hỗ trợ họ tại phòng ICU. Ông phát hiện ra rằng có 2 phần 3 số nhân viên y tế ở phòng ICU đã bị lây nhiễm. Các bác sĩ thì gần như không mặc đồ bảo hộ vì họ biết họ đã nhiễm virus rồi, khi đồ bảo hộ đang thiếu trầm trọng. Và dù như thế họ vẫn làm việc không ngừng ở đó. Đó là lý do tại sao nhân viên y tế tại phòng ICU gần như đều ngã bệnh. Nó quá khắc nghiệt với cả y tá lẫn bác sĩ.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky5 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)