Gia thế khủng cùng cuộc đời huy hoàng của người phụ nữ nhỏ bé phát biểu kết màn cho Parasite và Oscar
Lễ trao giải Oscar 2020 đã kết thúc êm đẹp. Ngoài giải Phim hoạt hình xuất sắc gây tranh cãi thì còn lại kết quả khá được lòng người hâm mộ. Đặc biệt nhất là chiến thắng làm nên lịch sử của Parasite, với 4 giải quan trọng nhất: Kịch bản gốc xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Phim xuất sắc nhất!
Trước đó khi nhận 3 giải đầu tiên, đạo diễn Bong Joon Ho cũng đã phát biểu nhiều, nên khi nhận giải Phim Xuất Sắc, ông nhường sân khấu lại cho 2 người phụ nữ quyền lực là nhà sản xuất Kwak Sin Ae và Miky Lee.
Là người phát biểu cuối cùng, Miky Lee dành thời gian tri ân Bong Joon Ho nhiều hơn "Cảm ơn Bong Joon Ho, vì đã là chính mình. Tôi thích mọi thứ về anh ấy. Cách anh ấy cười, mái tóc bù xù, cách anh nói chuyện, đi đứng và nhất là đạo diễn phim! Điều tôi thích nhất là Bong lúc nào cũng lấy bản thân ra làm trò cười, không tự xem mình là nhân vật quan trọng".
Bài phát biểu thu hút sự chú ý và ai cũng hỏi danh tính người phụ nữ "nói tiếng Anh giỏi đó". Bà chính là Miky Lee (Mie Kyung Lee), nhân vật quyền lực góp phần xây dựng nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, và có tham vọng mang văn hóa Hàn vươn tầm thế giới.
Bà là người đầu tiên xây dựng rạp phim multiplex ở Hàn Quốc, đầu tư vào DreamWorks và từ đó phát triển đế chế giải trí trị giá 4.1 tỷ đô la, góp phần sinh ra thế hệ nhà làm phim như Bong Joon Ho. Giờ đây bà bắt đầu tấn công Hollywood.
Kể từ tháng 5 năm ngoái, Parasite đã gặt hái nhiều thành tích mang tính phá vỡ tiền lệ: phim Hàn đầu tiên giành giải Cành cọ vàng, phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên thắng chung cuộc tại SAG Awards, phim Hàn Quốc đầu tiên được đề cử Oscar. Cho đến ngày hôm nay, chiến thắng mỹ mãn đã góp thêm vào bộ sưu tập giải thưởng của Parasite, khi trở thành phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim Hay Nhất tại Oscar 2020.
Đằng sau Parasite và nền giải trí Hàn đang manh nha xâm chiếm thị trường phương tây chính là Miky Lee. Bà là người thừa kế, sở hữu đế chế giải trí 4.1 tỷ đô, làm nền móng cho phần lớn sản phẩm văn hóa Hàn: từ phim truyền hình hàng triệu lượt xem khắp cả nước cho tới những buổi diễn K-Pop chật kín sân vận động trong nước và quốc tế, thậm chí những bộ phim thống trị phòng vé châu Á, và sắp tới có lẽ là thị trường phương Tây.
Là phó chủ tịch CJ Group, Miky Lee 61 tuổi giám sát phần lớn hoạt động giải trí và truyền thông xứ Hàn. Khó mà tìm được hệ thống sản xuất phim ảnh, truyền hình và âm nhạc mà không có sự tham gia của CJ. Công ty này tham gia một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kế toán, cấp phép, phân phối, thậm chí trình diễn. Ngoài các dự án cụ thể mà CJ chịu trách nhiệm trực tiếp, bà Lee còn nỗ lực tạo ra cơ sở hạ tầng cho toàn bộ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, tạo nền tảng cho các nghệ sĩ quê nhà phát triển, tạo nên làn sóng văn hóa Hàn trên toàn thế giới.
"Phó chủ tịch Lee là fan bự của phim ảnh, âm nhạc" - đạo diễn Bong Joon Ho cho biết. Bản thân đạo diễn tài năng này có 4 phim được tài trợ bởi Cj là Memories of Murder, Mother, Snowpiercer và Parasite làm mưa làm gió hiện nay. "Bà là người mê phim chính hiệu, xem rất nhiều và quyết đưa niềm đam mê đó vào nghiệp kinh doanh".
Ngày xưa, Lee nhiệt huyết với điện ảnh tới mức gần như là một nhà truyền giáo "Tôi mang mấy đĩa phim tới Warners, Universal, Fox, tất cả những nơi tôi có cơ hội tiếp xúc. Tôi đấu thầu cho phim Hàn, phim Hàn, và phim Hàn thôi dù ai cũng nghĩ phim Hàn không đủ hay để đầu tư". Bà kể về bước ngoặt quan trọng, vào năm 2004 phim Oldboy của Park Chan-wook tới được liên hoan phim Cannes. Chính điều này đã khiến bà thêm vững tin vào tương lai điện ảnh Hàn Quốc.
Parasite có được như ngày hôm nay là từ những viên gạch đầu tiên MiKy Lee đặt xuống, giúp cho phim Hàn không xa lạ gì với các giải thưởng quốc tế. Bong từng được tham gia Cannes vào năm 2006 và xây dựng mối quan hệ với nhà phân phối Tom Quinn, sau đó là Magnolia Pictures. Năm 2019 hãng phân phối phim NEON của Quinn đã đưa Parasite tới thị trường Mỹ.
Ông nội của Lee Miky chính là Lee Byoung Chul, người sáng lập tập đàon Samsung danh giá. Ông cũng lập nên CJ vào năm 1953 với tư cách là công ty sản xuất đường, bột. Trong 40 năm, CJ phát triển kinh doanh thực phẩm và đồ uống, mở rộng sang công nghệ sinh học và dược phẩm nhưng không liên quan gì đến truyền thông.
Đến đời của Miky, bà hướng theo học khoa học xã hội và nhân văn, học ngôn ngữ tại các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Bà thông thạo tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Nhật, sau đó học lên thạc sĩ tại Harvard, nơi đây bà phát huy sở trường giảng dạy và quan tâm đến việc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc đến các sinh viên người Mỹ gốc Hàn của mình, những người sống rất "Tây" và mất gốc Hàn từ lâu.
Sau khi ông nội Lee qua đời, CJ được truyền lại cho anh trai Miky là Lee Jay-hyun. Bản thân bà cũng tốt nghiệp Harvard và làm việc tại văn phòng Samsung ở New Jersey. Năm 1994 khi đang làm việc tại phòng kinh doanh của mình, bà nhận được cuộc gọi từ một luật sư "Steven Spielberg, David Geffen và Jeffrey Katzenberg sẽ xây dựng studio. Samsung có hứng thú với vấn đề này không?"
Miky mang lời mời gọi dự án DreamWorks đó cho chú mình Lee Kun-hee. Thời điểm đó các đại gia ngành điện tử cũng đang đầu tư vào hãng phim phương tây, như Sony mua lại Columbia Pictures. Thế nhưng thỏa thuận lúc ấy với DreamWorks không thành hiện thực. Việc này về sau bị Spielberg nhắc đến trên tạp chí Times "Tôi nhận ra bất kỳ ai muốn làm đối tác với nhau, việc đầu tiên là phải nói cùng một ngôn ngữ".
Nhưng ông đã lầm, Miky nói được tiếng Anh mà. Năm 1995 DreamWorks lại một lần nữa tìm đến CJ, Miky lần này thuyết phục anh mình, cuối cùng đạt được thỏa thuận: CJ sẽ đầu tư 300 triệu đô la cho DreamWorks, lấy 10.8% cổ phần và quyền phân phối phim châu Á (ngoại trừ phim Nhật). Jeffrey Katzenberg về sau nhắc lại phi vụ này "DreamWorks sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu thiếu vắng hai người: Paul Allen (người đầu tư 500 triệu đô) và Miky Lee".
Thỏa thuận với DreamWorks đánh dấu giai đoạn CJ bẻ lái sang mảng giải trí. Lee bắt đầu hình thành tầm nhìn cho văn hóa Hàn Quốc. "Chúng ta chưa có rạp multiplex, chúng ta chỉ có mấy tiệm băng đĩa nhỏ nhỏ mà còn chẳng được là chuỗi cửa hàng". Lee và anh trai quyết tâm đầu tư vào mảng phim ảnh trong nước, không chỉ để gây ấn tượng với bạn làm ăn ở Hollywood mà còn mong mỏi thúc đẩy thị trường phim nội địa. "Kế hoạch của chúng tôi là đưa văn hóa Hàn vào phim của DreamWorks".
Năm 1998, CJ mở rạp phim multiplex đầu tiên mà giờ đây là chuỗi rạp phim CGV lớn nhất nước, xâm chiếm thị trường châu Á như Việt Nam, tăng tỷ suất người Hàn đi xem phim rạp.
"Ngay từ đầu, Mily Lee và anh trai đã có tầm nhìn táo bạo", CEO Imax Rich Gelfond, người ký hợp đồng 5 rạp phim vào thời điểm 2005 với CJ cho hay. Chiến thuật thúc đẩy nội dung địa phương bằng cách xây dựng rạp phim của bà đã có hiệu quả. Lợi nhuận từ rạp phim cho họ nguồn quỹ đầu tư các nhà làm phim trong nước. Sự đầu tư của họ có cơ duyên gặp được những đạo diễn tài năng như Bong, Park và Kim Jee-woon (A Tale of Two Sisters), giúp tăng tỷ lệ người trong nước xem phim nội địa từ 10% tới 50%.
Miky Lee cũng có tham vọng đưa nhạc Hàn vươn tầm quốc tế cũng như phim ảnh. Dù bây giờ nghệ sĩ Hàn đi lưu diễn vòng quanh thế giới, hơn thập kỷ trước người hâm mộ quốc tế xem trình diễn K-Pop thông qua KCON, sự kiện âm nhạc thường niên được tổ chức nhiều nơi trên thế giới, đó chính là đứa con tinh thần của Miky Lee. Kênh truyền hình Mnet của Cj cũng là nền tảng lớn với chương trình phát sóng hàng tuần và thường niên Mnet Asian Music Awards, sự kiện âm nhạc lớn có thể gọi là Grammy của châu Á.
Lee đã nuôi dưỡng thành công nền công nghiệp giải trí Hàn trở thành lực lượng truyền bá văn hóa mạnh mẽ, một dạng quyền lực mềm tác động đến châu Á và xa hơn. CJ là tập đoàn duy nhất phân phối trực tiếp phim ra thị trường quốc tế. Họ đã phát hành hơn 140 bộ phim ở Mỹ, 50 bộ ở nơi khác. Đến nay, 57 bộ phim do CJ đầu tư đã được làm lại ở 14 quốc gia khác.
CJ thành lập các công ty con tại 6 quốc gia khác nhau (bao gồm CJ ENM America ở Hoa Kỳ) nhằm phát triển thị trường và mở rộng dấu ấn văn hóa - điều này thì không khác gì Hollywood. Mục tiêu của công ty là sản xuất và tài trợ hai đến ba bộ phim tiếng Anh mỗi năm; hiện có 17 dự án đang phát triển, hợp tác với Universal và Kevin Hart để làm lại bộ phim hài đình đám của CJ Extreme Job (Nhiệm vụ bất phàm).
Nói về Parasite, Mily Lee phát biểu "Parasite không phải bộ phim mang tính toàn cầu vì diễn viên hay ngôn ngữ. Nó nằm ở việc nói lên vấn đề mà chúng ta ai cũng hiểu được". Mily Lee cho biết chủ đề "quyền cơ bản của con người" là một trong những đại diện cho nội dung "đa văn hóa" bà muốn tập trung. "Tôi rất vui được làm nhịp cầu cho mọi người. Chỉ cần bạn chịu bước qua tôi, tức là chúng ta đã thành công".
- 0
- 0Bình luận