Giải mã giấc mơ dưới lăng kính khoa học
Có thể nói, giấc mơ đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Khi nền văn minh Lưỡng Hà ra đời vào năm 3100 TCN, hầu hết các quyết định cai trị trong giai đoạn này đều dựa trên ý nghĩa của những giấc mơ. Tới thời đại La Mã, một số giấc mơ thậm chí đã được đệ trình lên Thượng viện La Mã để phân tích và giải thích ý nghĩa. Chúng được cho là tin nhắn từ các vị thần. Các “thông dịch viên giấc mơ” thậm chí cũng được đồng hành cùng các nhà lãnh đạo quân sự trong những trận đấu và chiến dịch quan trọng!
Không chỉ vậy, nhiều nghệ sĩ và cả các nhà khoa học cũng đã được truyền cảm hứng và ý tưởng từ chính những giấc mơ của họ.
Và thậm chí cho đến ngày nay, con người vẫn hay tìm kiếm câu trả lời cho những giấc mơ của mình bởi nhờ sự tiến bộ của khoa học, nhiều sự thật thú vị về giấc mơ đã được sáng tỏ dựa trên các nghiên cứu về tâm lý học.
Sau đây là những lời giải đáp thú vị về giấc mơ mà Lost Bird tin rằng không ít người trong chúng ta đã đôi lần thắc mắc.
Chúng ta thường quên mất 90% giấc mơ của mình
Trong vòng 5 phút sau khi thức dậy, một nửa giấc mơ sẽ bị lãng quên. Và chỉ khoảng 10 phút sau, chúng ta đã quên mất tới 90% nội dung của chúng.
Người khiếm thị cũng có thể mơ
Những người bị khiếm thị vẫn có thể nhìn thấy một vài hình ảnh trong giấc mơ nhờ những ký ức còn sót lại trước khi họ gặp biến cố. Còn những người khiếm thị bẩm sinh sẽ không thể nhìn thấy bất kỳ hình ảnh nào nhưng những giấc mơ của họ cũng sống động như của chúng ta vậy. Có điều chúng chỉ liên quan đến các giác quan khác như thính giác, khứu giác, xúc giác và cảm xúc mà thôi.
Ai cũng ngủ mơ
Bất kỳ ai cũng có thể ngủ mơ (trừ những trường hợp bị rối loạn tâm lý cực độ). Nếu bạn cho rằng mình không mơ thì sự thật là bạn chỉ đã quên mất giấc mơ của mình thôi.
Khi mơ, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những khuôn mặt mà chúng ta đã bắt gặp
Tâm trí không thể tự phác họa ra một khuôn mặt mới được. Trong giấc mơ, ta chỉ có thể thấy mặt của những người mà ta đã gặp trong đời thực, mặc dù có thể ta không biết hoặc không nhớ người đó. Mỗi người đã nhìn thấy hàng trăm ngàn khuôn mặt khác nhau trong suốt cuộc đời, vì vậy tâm trí có sẵn một nguồn cung cấp nhân vật vô tận cho bộ não để sử dụng trong những giấc mơ của chúng ta.
Không phải giấc mơ của ai cũng có màu
12% những người không bị khiếm thị nằm mơ chỉ với hai màu đen và trắng. Số còn lại có những giấc mơ đầy màu sắc. Các nghiên cứu từ năm 1915 đến những năm 1950 đều chỉ ra rằng phần lớn các giấc mơ có màu đen và trắng, nhưng những kết quả này bắt đầu thay đổi vào những năm 1960.
Ngày nay chỉ có 4,4% giấc mơ của những người dưới 25 tuổi có màu đen và trắng. Nghiên cứu gần đây đã đưa ra giả thuyết rằng sự thay đổi trong các kết quả này có thể có liên hệ với việc con người chuyển từ xem TV đen trắng sang các phương tiện truyền thông có màu.
Những giấc mơ mang ý nghĩa biểu tượng
Nếu bạn mơ về một vật cụ thể nào đó thì có khả năng giấc mơ không chỉ đơn giản về điều đó. Những giấc mơ được thể hiện bằng một ngôn ngữ tượng trưng sâu sắc. Bất cứ biểu tượng nào xuất hiện trong giấc mơ của bạn đều mang một ý nghĩa nào đó.
Cảm xúc chủ đạo trong những giấc mơ
Cảm xúc phổ biến nhất mà người ta thường phải trải qua trong giấc mơ là lo lắng. Những cảm xúc tiêu cực thường phổ biến khi chúng ta ngủ mơ hơn là những cảm xúc tích cực.
Bạn có thể có từ 4 đến 7 giấc mơ trong một đêm
Trung bình bạn có thể ngủ mơ trong khoảng từ một hoặc hai giờ đồng hồ mỗi đêm và mơ từ 4 đến 7 giấc đấy.
Động vật cũng biết mơ
Các nghiên cứu đã được thực hiện trên nhiều loài động vật khác nhau và tất cả đều cho thấy những sóng não giống như trong giấc mơ của con người. Thỉnh thoảng bạn hãy quan sát một con chó đang ngủ. Bàn chân của chúng sẽ nhúc nhích và chúng sẽ tạo ra những tiếng động khe khẽ như thể chúng đang chạy hay đang đuổi theo một thứ gì đó trong giấc mơ vậy.
Cơ thể bị tê liệt khi chúng ta ngủ mơ
Giấc ngủ REM (Rapid eye movement) là một giai đoạn bình thường của giấc ngủ với đặc trưng là sự chuyển động nhanh của mắt và đây cũng là giai đoạn mà các giấc mơ sẽ xuất hiện. Giấc ngủ REM ở người trưởng thành thường chiếm 20-25% thời lượng giấc ngủ, tức khoảng 90-120 phút của một đêm ngủ.
Trong suốt giấc ngủ REM, cơ thể bị tê liệt bởi một cơ chế trong não nhằm ngăn chặn các chuyển động xảy ra trong giấc mơ khiến cơ thể cử động thật. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn có thể được kích hoạt trước, trong hoặc sau giấc ngủ bình thường khi não thức dậy.
Giấc mơ được tổng hợp từ các tác nhân bên ngoài
Tâm trí của chúng ta diễn giải những tác động từ bên ngoài mà các giác quan nhận được khi chúng ta ngủ và biến chúng thành một phần trong giấc mơ. Điều này có nghĩa là đôi lúc khi ngủ mơ, chúng ta có thể nghe thấy một âm thanh từ thực tế và kết hợp nó vào giấc mơ. Ví dụ, bạn có thể đang mơ thấy mình đang dự một buổi hòa nhạc vì anh trai bạn đang chơi guitar trong khi bạn ngủ.
Giấc mơ của nam giới và nữ giới khác nhau
Nam giới có xu hướng mơ về những người đàn ông nhiều hơn. Khoảng 70% các nhân vật xuất hiện trong giấc mơ của nam giới là những người đàn ông khác. Trong khi đó, giấc mơ của nữ giới có số lượng nhân vật nam nữ gần như tương đương. Bên cạnh đó, nam giới thường có những cảm xúc tích cực trong giấc mơ hơn so với nữ giới.
Giấc mơ tiên tri
Kết quả của một số khảo sát có quy mô lớn cho thấy rằng 18% - 38% số người tham gia khảo sát đã có ít nhất một giấc mơ tiên tri và 70% đã trải nghiệm déjà vu khi ngủ. Tỷ lệ những người tin vào những giấc mơ tiên tri thậm chí còn cao hơn - dao động từ 63% đến 98%.
Giấc mơ tiên tri tức là sự nhận thức liên quan đến những thông tin trong tương lai. Những thông tin này không thể suy luận từ những điều có sẵn ở hiện tại mà thường có được dựa trên cảm tính từ những tiếp xúc gián tiếp trong thực tế.
Nếu bạn đang ngáy, thì bạn không thể mơ được
Sự thật này đã xuất hiện nhan nhản trên Internet nhưng vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh.
Con người có thể trải nghiệm c ự c k h o á i ngay cả khi ngủ mơ
Con người không chỉ cảm nhận được khoái lạc khi đang mơ mà còn có thể trải nghiệm c ự c k h o á i một cách chân thực mà không kèm “tác dụng phụ”.
Những cảm giác mà chúng ta cảm nhận được khi đang trong giấc mơ tỉnh (xúc giác, khoái cảm, v.v...) cũng có thể thú vị và mạnh mẽ như (hoặc đôi khi thậm chí còn mạnh mẽ hơn) những cảm giác mà chúng ta trải nghiệm trong thế giới thực vậy.
Phía trên là những sự thật thú vị và có phần kỳ lạ về những giấc mơ. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chúng thì cuốn sách này có lẽ là một gợi ý tốt để bắt đầu: The Dream Book: Symbols for Self Understanding
- 0
- 0Bình luận