Martin Munkácsi: Mỗi một bức hình cũng đủ khiến làng nhiếp ảnh nghiêng mình nể phục
Trong suốt thập niên 1920 và 1930, những bức ảnh tuyệt đẹp từ Martin Munkácsi (đọc là moon-kashi) ảnh hưởng đến nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới như Richard Avedon, Henri Cartie-Bresson, Edward Steichen.
Martin Munkácsi sinh năm 1896 tại Hungary. Ông từng tham gia quân đội Áo – Hung trong chiến tranh thế giới thứ nhất trước khi gia nhập làng báo tại Budapest năm 1921. Trong thời gian viết bài cộng tác chuyên mục thể thao cho tờ Az Est, vì cần sử dụng ảnh tư liệu, Munkácsi bắt đầu tự cầm máy chụp lại các trận bóng đá cũng như những sự kiện thể thao. Chỉ trong vòng một năm, từ một kẻ nghiệp dư chụp ảnh thể thao, Martin Munkácsi được đề bạt lên phóng viên ảnh.
Năm 1928, Martin Munkácsi chuyển đến Berlin và bắt đầu cộng tác với nhiều tờ báo tại Đức. Năm 1933, Munkácsi có cơ hội tham dự Ngày kỷ niệm của thành phố Postdam và chụp lại khoảnh khắc của Adolf Hitler với Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền Goebbels . Đây được xem là những bức hình cuối cùng Munkácsi chụp tại Đức trong bối cảnh truyền thông nước này từng bước bị chính phủ kiểm soát vào cuối những năm 1920, đầu thập niên 1930.
Mang trong mình dòng máu Do Thái, Martin Munkácsi chuyên chụp ảnh cho các ấn phẩm do người Do Thái phát hành. Công việc này khiến cuộc sống của ông luôn phải đương đầu với những nguy hiểm rình rập. Cũng trong năm 1933, Munkácsi được giới thiệu chụp hình cho Harper’s Bazaar ở New York. Những bức ảnh bất quy tắc của Munkácsi đã mở ra một cánh cửa mới cho ông, đồng thời làm thay đổi thế giới thời trang.
Thời buổi ấy, ảnh thời trang chỉ được chụp trong các studio và trên sàn diễn, còn những cô người mẫu không khác gì ma-nơ-canh vô hồn. Với một người chuyên chụp ảnh hoạt động và ngẫu hứng như Martin Munkácsi, ông không thể chấp nhận nổi những bức hình “thiếu muối” như vậy. Thế là khi nàng mẫu Lucile Brokaw đang chạy dọc bãi biển Long Beach, Munkácsi đã chộp lấy khoảnh khắc quý giá đó và gửi cho Harper’s Bazaar.
Bức ảnh này đã tạo ra một cuộc cách mạng cho giới thời trang. Martin Munkácsi đã nắm bắt trọn vẹn tinh thần tươi trẻ của cô gái Mỹ - một điều mà chưa có nhiếp ảnh gia nào làm được (hoặc không dám làm) trước đó. Sự đột phá của tấm ảnh đã giúp Munkácsi lập tức nhận được lời đề nghị làm việc tại Harper’s Bazaar và chuyển đến New York, thoát khỏi cuộc sống ngàn cân treo sợi tóc ở Đức.
Từ khi chuyển đến New York, Martin Munkácsi như cá gặp nước. Ông liên tục thực hiện những bức hình táo bạo cho Harper’s Bazaar, đồng thời cộng tác với tờ Life và Ladies’ Home Journal để chụp hình cho các sao Hollywood. Những ai được Munkácsi chụp hình chia sẻ họ rất thoải mái chạy nhảy, múa may, tạo dáng trước ống kính và liên tục được Munkácsi truyền cảm hứng, năng lượng để là chính mình trong mỗi bức ảnh. Đó là nét độc đáo chỉ có ở nhiếp ảnh gia Martin Munkácsi.
Martin Munkácsi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nhiếp ảnh gia sau này. Sau khi ông qua đời vào năm 1963, nhiếp ảnh gia Richard Avedon phát biểu:
“Ngày nay, cái mà chúng ta gọi là ảnh thời trang chính là di sản của Martin Munkácsi. Đó là bài học nhiếp ảnh đầu tiên của tôi, và nhiều thứ tôi học được sau này, cũng đều đến từ Munkácsi mặc dù tôi chưa gặp ông ấy bao giờ. Trước Munkácsi, nhiếp ảnh là nghệ thuật dối trá và tẻ nhạt. Sau Munkácsi, đó là niềm vui, sự chân thực và lòng yêu mến của phụ nữ”.
Một số bức ảnh của nhiếp ảnh gia Martin Munkácsi.
Khoảnh khắc trong sự kiện thể thao.
Người phụ nữ nhảy qua vũng nước mưa, năm 1934.
Người mẫu khỏa thân, chụp cho tạp chí Harper’s Bazaar, năm 1935.
Vũ công Fred Astaire nhảy múa, năm 1936.
Nữ diễn viên Dolores del Río, năm 1936.
Người mẫu khỏa thân đội mũ rơm, năm 1940.
Xem thêm bài: Tình yêu là gì? Và đây là câu trả lời của các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới
- 0
- 0Bình luận