Nấm: Thoát kiếp an phận và kế hoạch \'debut\' cực khủng
Vào năm 1864, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Hành trình vào tâm Trái Đất" của tác giả Jules Verne kể về chuyến thám hiểm trong một khu rừng với những cây nấm cao hơn 30 feet (9 mét), chúng mọc "chen chúc nhau trông như những mái nhà tròn của một thành phố châu Phi". Tiếp sau đó, trong những tác phẩm kinh điển như "Alice ở xứ sở thần tiên" của Lewis Castrol và "Những người đàn ông đầu tiên trên mặt trăng" của H.G.Wells, ta cũng lại bắt gặp hình ảnh những khu rừng nấm cao chót vót, đây như là một dấu chỉ của nền văn học dưới triều đại của nữ hoàng Victoria.
Nhưng mãi đến năm 2007, người ta mới chứng minh được những khu rừng này thực sự tồn tại. Trong hơn một thế kỷ, một khối hóa thạch khổng lồ giống khúc gỗ đã được lưu giữ tại một viện bảo tàng, được giả định như là tàn tích của cây lá kim cổ đại. Giả thuyết này được đưa ra bởi người phụ trách Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington, DC. Sau đó, đã có một cuộc nghiên cứu hóa học diễn ra và nhà địa vật lý C.Kevin Boyce của trường đại học Chicago tiết lộ rằng đó không phải là cây lá kim mà là nấm.
Với thân cây cao tới hơn 20 feet (6 mét), những loại nấm khổng lồ này có tên là Prototaxites, sống cách đây khoảng 400 triệu năm.
Nếu với nhiều người khi nhắc đến nấm sẽ chỉ liên tưởng đến thức ăn bị mốc hay những khu rừng ẩm ướt, thì một triển lãm mới tại Somrset House ở London có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của họ. Triển lãm này gây ấn tưởng bởi những kỳ quan tạo ra từ nấm, làm chúng ta không khỏi ngạc nhiên và mãn nhãn với những sự sáng tạo này.
Một tác phẩm trưng bày gần lối đi với tựa đề "Nấm: nghệ thuật, thiết kế và tương lai" như một sự khẳng định về tầm quan trọng của nấm trong đời sống của chúng ta. Chính nhờ nấm Prototaxites phá vỡ bề mặt sỏi đá thuở khai sơ mà thực vật mới có thể sinh sôi nảy mầm, tạo điều kiện sống cho sự phát triển và tiến hóa sau này, bao gồm cả con người.
Triển lãm mang đến những tác phẩm của hơn 40 nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhạc sĩ, cũng như làm nổi bật những công dụng mới được phát hiện của nấm, ví dụ như những ứng dụng đầy tiềm năng của sợi nấm trong lĩnh vực thiết kế. Ngày nay, các nhà khoa học đang phát triển sợi nấm như một loại vật liệu ít carbon trong xây dựng, một nguyên liệu thuần thực vật để thay thế cho da trong may mặc, và tại Somerset House, nấm còn được biết đến như một trang thiết bị thân thiện với môi trường để xử lý xác chết.
Vẻ đẹp của nấm
Francesca Gavin - người phụ trách bảo tàng thổ lộ rằng mặc dù hiện tại, nấm là một hình ảnh phổ biến trong nghệ thuật, thiết kế và văn hóa, nhưng trước đây lại không được như vậy.
"Thật sự rất thú vị vì chỉ vài trăm năm trở lại đây, con người mới chú ý đến giới nấm" - cô nói. "Trước đây, mọi người nghĩ nấm như là một thứ gì đó đen tối - liên quan đến những con cóc, cái chết hay phù thủy".
"Tôi nghĩ 'Alice ở xứ sở thần tiên' chính là cánh cửa mở ra lối thoát cho điều này, mọi thứ đã được thay đổi, sự phát triển của thế giới thực vật được nhìn nhận khách quan hơn, đặc biệt ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hóa sau thời kỳ Khai sáng".
Nấm không phải là "cơn sốt thực vật" duy nhất ở triều đại Victoria (dương xỉ, rêu và thực vật có hoa cũng rất được ưa chuộng). Nhưng sự mô tả về nấm của Lewis Carrol lại để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với giới nghệ thuật - tạo nên một sự bùng nổ vang dội trong thế kỷ 20.
Nấm - theo Gavin nói, đã trở thành "một phép ẩn dụ về một điều gì đó ở thế giới khác", với tính ảo giác và vẻ huyền bí, được biết đến rộng rãi sau tác phẩm "Đi tìm cây nấm kỳ diệu" trên tạp chí Life. Đây là một bài tiểu luận hình ảnh, được xuất bản vào năm 1957, với tư liệu là những trải nghiệm của tác giả khi đi tìm nấm Psilocybe trong một nghi lễ ở Oaxaca, Mexico.
Cảm hứng sáng tạo từ nấm đã được lan tỏa từ đây. Một buổi triển lãm ở London được diễn ra với những nghiên cứu khoa học của Beatrix Potter - tác giả của quyển "Thỏ Peter", những bức tranh ảnh về giới nấm của Cy Twombey và những bức tranh biếm họa của họa sĩ người Nhật Takashi Murakami. Không những thế, buổi triển lãm còn có cả quyển sách hiếm hoi về những câu chuyện minh họa, công thức chế biến và bài viết của nhà soạn thảo tiên phong John Cage - ông ít được biết đến với vai trò là người đồng sáng lập nên New York Mycological Society (một tổ chức chuyên nghiên cứu về nấm).
Tiềm năng thiết kế
Tại một nơi khác, lại diễn ra một triển lãm khám phá những tiềm năng bí ẩn của nấm để giải quyết các vấn đề hiện tại, từ vấn nạn thời trang ảnh hưởng xấu đến môi trường (thử nghiệm dùng sợi nấm để làm làm giày và dệt vải) đến sự gia tăng nhựa dưới đại dương, có thể sẽ được cải thiện với những loại nấm chuyên nghiệp.
Buổi trưng bày cũng khám phá cách nấm đang được ứng dụng rộng trong những lĩnh vực khác. Nhà sử học kiến trúc và công nghệ vật liệu Maeling Lokko, như một ví dụ, đã sản xuất các khối xây dựng từ chất thải nông nghiệp. Công việc của cô là kết hợp những sợi nấm với các chế phẩm sinh học để tạo ra những vật liệu xây dựng với hiệu suất cao.
Dự án của cô mang tên Hack the Root, nằm trong số những đề xuất gần đây về việc gạch làm từ nấm có thể thay thế bê tông hoặc thậm chí cho phép con người xây dựng trên các hành tinh khác.
Phần cuối của triển lãm có tên Tương lai của Nấm, cũng trưng bày những bóng đèn làm từ rác thải cây rừng đang được bán trên thị trường, và một cái ghế làm từ sợi nấm của nhà thiết kế Tom Dixon.
"Không chỉ có lhàm ượng carbon và năng lượng (chi phí) sản xuất thấp" - Gavin nói. "Mà còn là về việc ta sẽ chôn vùi thứ gì dưới nơi mà ta đang đứng?. Thay vì sở hữu một chiếc ghế nhựa, bạn hoàn toàn có thể sản xuất một chiếc ghế nấm trong thời gian ngắn, với mức chi phí rẻ và thân thiện với môi trường. Thật là một điều phi thường."
Một bộ đồ chôn cất bằng nấm có thể phân hủy tạo ra bởi Jae Rhim Lee, mang đến một câu chuyện mang tính chu kỳ về nấm. Trong thời kỳ lịch sử, nấm đã tồn tại với quan niệm gắn liền với cái chết và sự sụp đổ, và bộ đồ đen thêu từ những bào tử nấm - mang một màu sắc u tối đến buổi triển lãm - cho phép sự phân hủy xảy ra mà không bị những chất hóa học từ cơ thể thấm vào. Lee đã bắt đầu phát triển bộ đồ này cùng với các thùng chôn cất cho thú nuôi, như là một phần của dự án khởi nghiệp mang tên Coeio. Những bộ đồ từ nấm và vi khuẩn sẽ giúp cho quá trình phân hủy thân thiện với môi trường, và khuyến kích thực vật phát triển tại nơi chôn cất cơ thể.
"Đó là một cách chết rất sinh thái, việc bạn được chôn cất và phát triển thành một cây nấm khác hẳn với việc giải phóng các chất độc từ cơ thể vào đất" - Gavin giải thích.
"Nhìn chung, mục đích chính của chương trình là nhấn mạnh nhu cầu sống cộng sinh. Và ý của tôi là theo quan điểm chính trị, chúng ta không chỉ nên sống cùng nhau, mà sống cùng thiên nhiên cũng quan trọng không kém ."
- 0
- 0Bình luận