Tips nhỏ giúp bạn dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn xin việc
Thành thật mà nói, một buổi phỏng vấn xin việc là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, là thước đo cho các chỉ số trí tuệ cảm xúc, sự chỉn chu, đúng giờ, đạo đức làm việc và tất cả những điều nhỏ nhặt khác, quyết định xem liệu bạn có phải một ứng cử viên sáng giá.
Hơn thế nữa, những cuộc phỏng xin việc cũng là trải nghiệm giúp bạn kiểm soát sự lo lắng. Trong 15 - 30 phút đó, bạn sẽ có được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cùng với các câu hỏi từ nhà tuyển dụng. Vâng, não bạn sẽ phải vật lộn để tìm ra những câu trả lời hay nhất nhằm thoả mãn họ.
Và dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn những cách trả lời thích hợp đối với các câu hỏi vô cùng cơ bản, dựa theo lời khuyên của một số chuyên gia tuyển dụng.
"Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân mình."
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực sự rất nhiều ứng viên đã cảm thấy vô cùng lo lắng khi nhận được câu hỏi này. Mặc dù đối với nhà tuyển dụng, đây là một cách để xoa dịu sự căng thẳng, nhưng ứng viên đôi khi lại có cảm giác ngược lại. Trong tình huống bạn đang ngồi với một người lạ, người này yêu cầu bạn thể hiện cảm nghĩ và cách nhìn của bản thân, bạn nên sử dụng cơ hội này để nói về điều gì?
Sự thật là, bạn nói gì cũng được. Hầu hết những người phỏng vấn không nghĩ nhiều về câu hỏi này, họ chỉ sử dụng nó như một cách bắt đầu cuộc trò chuyện. Tất nhiên, một vài nhà tuyển dụng có thể sẽ muốn có thêm thông tin về bạn bằng cách này, nhưng suy cho cùng bạn nói gì không quan trọng lắm đâu. Mấu chốt ở đây là, bạn truyền tải thông tin thế nào, và từ đó họ sẽ biết kỹ năng giao tiếp của bạn ở mức nào. Ví dụ, bạn sẽ lan man hay đi thẳng vào vấn đề, bạn nói chuyện rời rạc hay kết nối thông tin một cách mạch lạc.
Vì vậy lời khuyên dành cho bạn là, đừng toát mồ hôi hột vì câu hỏi này. Nó không đáng đâu!
Nhưng nếu bạn cho rằng đó là một câu hỏi cần sự chuẩn bị, thì hãy cố gắng tập trung chủ yếu vào những thứ liên quan đến công việc như kinh nghiệm trong quá khứ, bằng cấp của bạn và khả năng giải quyết vấn đề.
"5 năm tới, bạn sẽ như thế nào?"
Thực chất, đây là một câu hỏi nên được gạt ra khỏi danh sách. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, một người bình thường sẽ nhảy việc trung bình 4 năm một lần. Nhưng nhà tuyển dụng có vẻ rất khó chấp nhận sự thật ấy, họ có khuynh hướng tỏ ra khó chịu đối với những ứng viên làm việc theo dự án 2-3 năm và chuyển việc sau khi hoàn thành.
Chuck Edward, trưởng bộ phân tìm kiếm nhân tài toàn cầu Microsoft, cho rằng: "Chẳng ai có thể nói trước được 5 năm nữa trái đất chúng ta sẽ ra sao. Tôi sẽ chọn những người thể hiện được sự ham học hỏi, biết cách ứng phó với thay đổi và nắm bắt được những cơ hội trước mắt. Microsoft tìm kiếm những ứng viên ham tìm tòi, cầu tiến, đồng thời cũng đánh giá cao sự sáng tạo và khả năng thích ứng cao."
Chốt lại, để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần phải tập trung vào việc bản thân sẽ học hỏi được kỹ năng, bài học gì và bằng cách nào trong 5 năm tới để chúng có thể trở thành vốn kinh nghiệm quý báu cho sau này.
"Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?"
Đây là một trong những câu hỏi không nên được hỏi. Người hỏi không muốn hỏi, người trả lời không muốn trả lời. Vì vậy, một số nhà tuyển dụng sẽ hỏi nó dưới dạng khác, ví dụ: "Hãy kể về một lần bạn thất bại và những kinh nghiệm được rút ra."
Nếu bạn vấp phải những câu hỏi kiểu này, thì đừng cố chỉ ra một điểm yếu của mình như thế nó là điểm mạnh, ví dụ: "Tại tôi cầu toàn nên...", "Do tôi cứ bị chăm chỉ quá nên ..." Không, không bạn ơi, đừng trả lời như vậy, vì nó cho người ta cảm giác bạn hơi "lươn lẹo".
Thay vào đó, hãy chọn một điểm yếu thực sự và tập trung nói về cách bạn đã, đang và sẽ khắc phục nó như thế nào. Tuy nhiên đừng cho nhà tuyển dùng thấy những điểm yếu kiểu muộn giờ hoặc hay vắng mặt, hãy chọn những khiếm khuyết nhỏ hơn và trả lời chúng theo kiểu tự cải thiện bản thân và phát triển cơ hội mới. Ví dụ như sau: "Tôi thực sự khá tệ trong việc dự tính thời gian hoàn thành dự án, và điều đó khiến tôi phải làm nhiều việc hơn so với kế hoạch. Vì vậy, tôi đang theo học một khoá abc nào đó để cải thiện kỹ năng quản lý quỹ thời gian."
Ông Edward cũng cho rằng Microsoft tìm kiếm những người biết điểm yếu của mình, dựa vào nó để rút kinh nghiệm và tạo ra giải pháp hướng tới thành công. Nhà tuyển dụng của Microsoft gọi đây là "sự nhạy bén trong học hỏi", và đó chính là điều ông đang tìm kiếm.
Hơn thế nữa, bạn có thể "tàu lượn" bằng cách nêu ra những khuyết điểm không liên quan đến tính chất công việc của mình. Ví dụ, bạn là ứng viên cho vị trí nhà phát triển phần mềm, bạn có thể nói rằng bản thân không giỏi việc diễn đạt trước đám đông. Ok, nghe rất là không liên quan nhưng nó có thể giúp bạn trong tình huống này.
"Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?"
Các chuyên gia tuyển dụng đều khuyên rằng: "Hãy cố biến một cuộc phỏng vấn thành buổi hội thoại, chứ không phải điều tra hay thẩm vấn." Đó nên là sự tương tác của đôi bên: người hỏi - người trả lời. Ông Edward nói: "Tôi rất thích những ứng viên đặt ra câu hỏi thúc đẩy tôi suy nghĩ sâu hơn về công ty, tổ chức của mình. Việc đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm và tâm huyết của bạn đối với chúng tôi. Và tôi tin những ứng viên như thế sẽ giúp đồng nghiệp của họ thông minh và sáng tạo hơn."
Kết bài:
Lời khuyên cho các bạn ở đây là, trước mỗi cuộc phỏng vấn, hãy tìm hiểu thật kỹ về công việc, chức danh bạn muốn ứng tuyển, đặt ra những câu hỏi hay, thiết thực cho nhà tuyển dụng, đồng thời tạo ra một sự thoải mái, bình đẳng xuyên suốt cuộc phỏng vấn.
- 0
- 0Bình luận