Mức chi tiêu không tưởng của người giàu có nhất nhì lịch sử: Tài sản hàng trăm tỉ đô nhưng mỗi tuần chỉ tiêu đúng... 1 bảng
Nizam Đệ Thất (6/4/1886 - 24/2/1967) là quốc vương thứ 7 của tiểu vương quốc Hyderabad, Ấn Độ. Ông lên ngôi vào năm 1911, nổi tiếng khắp thế giới với danh xưng đức vua giàu nhất mọi thời đại.
Giàu có đến mức cục chặn giấy cũng bằng siêu kim cương 185 cara
Ngày nay, Hyderabad là thành phố tài chính và thương mại của Ấn Độ, thuộc bang Telangana, đóng vai trò là thủ phủ của cả 2 bang Telangana và Andhra Pradesh.
Trước khi là một thành phố của Ấn Độ, Hyderabad từng là một tiểu vương quốc giàu có, nằm dưới sự cai trị của Nhà Nizam (1724-1948). Trong đó, nổi bật nhất là Nizam Đệ Thất lên ngôi vào năm 1911.
Như các thế hệ Nizam đời trước thì Nizam Đệ Thất cũng giàu "nứt đố đổ vách". Có điều, tài sản của ông nhiều đến mức nếu tính theo giá trị ngày nay, ông phải giàu gấp đôi tỷ phú Jeff Bezos - CEO của Amazon.
Thời đó, tổng lượng vàng mà ông có rơi vào khoảng 100 triệu bảng Anh, còn lượng ngọc là 400 triệu bảng Anh. Quy đổi sang tiền Anh ngày nay, chúng rơi vào tầm 50 tỷ bảng.
Trong cung điện của Nizam Đệ Thất, vàng ngọc chất thành đống. Những năm sợ binh biến, nhà vua này cho đưa vào sân sau một đoàn xe tải, lệnh cho quân lính mang vàng ngọc chất hết lên các thùng xe. Thấp thỏm và lo lắng mãi mà thế sự vẫn bình yên, Nizam Đệ Thất lại ra lệnh đem vàng ngọc vào trong cung điện, bỏ một loạt xe tải tự gỉ sét, hỏng hóc.
Trên bàn làm việc của Nizam Đệ Thất cũng có khá nhiều vàng ngọc. Ông thờ ơ với chúng đến nỗi, lấy hẳn cục kim cương 185 cara, to bằng quả trứng đà điểu, nhét vào trong một chiếc tất để làm… cục chặn giấy.
Nếu tính cả bất động sản, tổng tài sản của Nizam Đệ Thất - quốc vương Hyderabad rơi vào khoảng 187 tỷ bảng Anh (khoảng 233 tỉ USD) theo giá trị ngày nay.
Gần 12.000 hầu cận túc trực bảo vệ, phục vụ suốt ngày đêm
Trong cung điện của Nizam Đệ Thất, lúc nào cũng có 3000 vệ binh khỏe mạnh tuần tra và canh gác. Mỗi lần nhà vua bước ra khỏi cửa là lập tức có siêu xe Rolls-Royce tiến tới, sẵn sàng đưa rước. Trong xe, ghế bọc lụa vàng 100% tỏa sáng. Và ông có hẳn 50 chiếc xe như thế này.
Người hầu của Nizam Đệ Thất được chia thành nhiều nhóm, phụ trách các công việc khác nhau. Nhóm phục vụ nước uống bao gồm 28 người, chỉ phải làm một công việc là bê ly, rót nước cho nhà vua uống. Nhóm lau đèn đóm thì 38 người, quanh năm suốt tháng chỉ phủi bụi bám vào các chùm đèn. Nizam Đệ Thất rất thích ăn quả óc chó, đến nỗi lập nguyên một đội quân ngày ngày đập vỏ, lấy hạt.
Tổng cộng số quân lính và người hầu trong cung điện của Nizam Đệ Thất là khoảng 12.000 người. Tất cả họ chỉ phải làm đúng một nghĩa vụ: Phục vụ đức vua 24/7.
Về đời tư, Nizam Đệ Thất có 4 hoàng hậu, 42 phi tần. Họ sinh cho ông tất thảy 34 người con. Nhà vua nổi tiếng yêu chiều vợ, "cật lực thâu đêm" nên ban ngày luôn trong trạng thái lờ đờ và mệt mỏi.
Hà tiện từng đồng, thà chịu lạnh còn hơn phải chi thêm tiền mua chăn mới
Mỗi năm, Nizam Đệ Thất cho tổ chức 4 đại tiệc chiêu đãi, mời toàn bộ vương tôn quý tộc Hyderabad tham gia. Khách dự tiệc bắt buộc phải bày tỏ tấm lòng bằng… tài vật. Nhà vua đích thân đi xung quanh bàn tiệc, nhận "thành ý" của mọi người.
Thỉnh thoảng, Nizam Đệ Thất lại ra lệnh mang hết vàng ngọc ra ngoài lau rửa và đánh bóng. Phải mất tận 3 ngày người hầu mới làm xong. Khi ông thuê chuyên gia giám định vàng bạc, đá quý từ Hà Lan, người này đã đòi phải được trả công hẳn 25.000 bảng. Bởi vì số lượng vàng ngọc nhiều đến nỗi phải mất cả năm mới kiểm tra được hết lượt.
Với tài lực siêu khủng này, Nizam Đệ Thất hẳn nhiên có thể sống xa hoa tột bậc đến cuối đời. Thế nhưng từ khi bước sang tuổi tứ tuần, ông bỗng tằn tiện đến kinh ngạc.
Mỗi tuần, Nizam Đệ Thất chỉ cho phép bản thân được tiêu hết đúng 1 bảng Anh. Ông ăn uống siêu đạm bạc, chỉ dám hút thuốc lá loại rẻ nhất. Đồ ngự thiện chỉ là một chiếc đĩa bằng thiếc. Có lần, Nizam Đệ Thất sai người hầu đi chợ mua chăn mới, dặn trước không được phép trả quá 25 rupee. Vì thương buôn đòi 35 rupee/cái chăn, người hầu đành tay không trở về.
Ngoài ăn tằn tiện, Nizam Đệ Thất còn mặc rách rưới. Mặc dù có hẳn một phòng thay đồ khá rộng, chất đầy trang phục sang trọng các kiểu, nhưng quanh năm suốt tháng ông mặc đi mặc lại một bộ đồ. Chỉ khi tấm áo manh quần trên người đã rách bươm, nhà vua mới miễn cưỡng thay sang bộ khác.
Lo trả nợ các vụ ăn chơi của con cháu suốt đời
Khác với Nizam Đệ Thất chịu khắc chịu khổ, 34 người con của ông "ăn chơi tới bến". Cứ mỗi lần đến sinh nhật vua cha, họ lại săn lùng món ngon, vật lạ tứ phương dâng tặng, rồi lại tìm cách... xin tiền.
Cực chẳng đã, Nizam Đệ Thất phải mở một tài khoản ngân hàng mới tại Ngân hàng Westminster (chi nhánh của Ngân hàng NatWest, London ở Ấn Độ), gửi vào hẳn 1 triệu bảng Anh để cho các công chúa, hoàng tử rút trả nợ dần.
Nhưng Nizam Đệ Thất chưa gửi tiền được bao lâu thì đến năm 1947, thực dân Anh bị buộc phải rút khỏi Ấn Độ. Suốt phần đời còn lại, ông đứng ngồi không yên, lo sợ chính quyền mới sẽ tước đi số tiền này.
Ngày 24/2/1967, vua Nizam Đệ Thất băng hà, Hyderabad tổ chức quốc tang. Chính phủ Ấn Độ đã không đụng gì đến 1 triệu bảng đó, nhưng các con cháu của ông thì tranh cướp nhau "sứt đầu mẻ trán". Mãi đến tận năm 2017, cuộc kiện tụng thừa kế mới đi đến hồi kết. Người thắng kiện là huynh đệ hoàng tôn Muffakhan (cả 2 khi ấy đều đã ngoài 80 tuổi).
- 0
- 0Bình luận