Chủng virus Corona bí ẩn, được phát hiện hơn 50 năm qua nhưng vẫn là dấu hỏi lớn
Coronavirus, hay siêu vi Corona không lạ đối với ngành y học của nhân loại, chúng được phát hiện ngay từ những năm 1960 và đã được nghiên cứu rất nhiều trong hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên cho đến nay, khi đại dịch Covid-19 do Sars-Cov-2 gây ra đang lây lan trên toàn cầu, giới khoa học gia mới nhìn lại và ngạc nhiên vì nhân loại vẫn chưa hiểu rõ về virus Corona.
Corona được phát hiện như thế nào?
Năm 1965, Dorothy Hamre - một nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ phát hiện ra một chủng virus gây cúm khi nuôi cấy mô từ những sinh viên bị cảm lạnh, bà Dorothy đặt tên cho nó là 229E, và đó là lần đầu tiên một chủng virus Corona gây bệnh ở người được phát hiện. Lúc này, 229E vẫn chỉ được ghi nhận là gây ra bệnh cúm nhẹ mà thôi.
Gần như cùng lúc với Dorothy Hamre, nhóm nghiên cứu tại Anh Quốc do tiến sĩ David Tyrell cũng phát hiện ra một chủng Corona tương tự khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm, họ lại so sánh nó với một loại virus đã phát hiện từ năm 1930 từng lây bệnh cho gà. David Tyrell cấy thử mẫu virus này cho 113 tình nguyện viên, chỉ 1 người bị cảm lạnh sau đó.
Song song với Dorothy Hamre và David Tyrell, nhà nghiên cứu ở đại học y Harvard, Hoa Kỳ là Ken McIntosh cũng độc lập phát hiện ra chủng virus Corona khác là OC43 có lây bệnh cảm cúm cho người. Đến hiện nay, các chủng OC43 lẫn 229E vẫn còn gây ra cảm cúm ở người nhưng đều rất nhẹ. Những nghiên cứu kể trên tạo cơ sở cho thuật ngữ "Coronavirus" ra đời vào năm 1968, dựa trên hình dạng như vương miện của virus.
Lúc này, giới khoa học gia của nhân loại đã trở nên rất tự tin khi nhắc đến Coronavirus, họ tin rằng mình đã hiểu rõ loại virus dường như không gây hại mấy này, thậm chí những biện pháp để điều trị cho bệnh nhân bị cảm cúm rất dễ dàng thực hiện, ai cũng coi thường những cơn cảm lạnh thông thường.
Cho đến khi một sự cố xảy ra và Sars-Cov xuất hiện.
Sars-Cov-1, Mers-Cov và Sars-Cov-2
Giới khoa học gần như đã không thèm quan tâm đến virus Corona nữa, vì đằng nào nó cũng chỉ gây cúm nhẹ và không nguy hiểm, chúng ta đã nghĩ thế cho đến khi bệnh nhân đầu tiên bị Sars-Cov (hoặc Sars-Cov-1) giết chết vào năm 2002 trong dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng Sars giết chết 774 người.
Virus Sars-Cov là một chủng Corona mới, được cho là lây lan cho người bắt nguồn từ loài cầy hương được bán thịt trong những khu chợ của Trung Quốc. Lúc này, ngành y thế giới mới hốt hoảng khi nhận ra rằng chúng ta đã quên mất Corona, giờ thì nó đã biến đổi và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Chưa hết, đến năm 2012, Hội chứng Hô hấp cấp Trung Đông Mers xuất hiện tại Ả Rập Saudi và đến năm 2015, nó đã giết chết 1149 người với tỉ lệ tử vong lên đến 40%. Virus Mers-Cov được mô tả là xuất hiện trong loài dơi hầm mộ Ai Cập và lạc đà, chúng đã lây qua người từ các loài động vật này.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 do Sars-Cov-2 lây nhiễm hơn 3 triệu người và giết chết hơn 230.000 người là một thực tại quá rõ ràng để các khoa học gia kết luận được rằng Corona virus đang biến chủng rất nhanh, chúng tiến hóa và giết người ngày càng nhiều hơn.
Cũng sau đại dịch SARS năm 2003, hai chủng virus Corona gây cảm lạnh ở người khác là NL63 (ở Hà Lan) và HKU1 (ở Hong Kong) đã được phát hiện, nâng tổng số chủng Corona được ghi nhận gây bệnh ở người lên 7 chủng.
Quen đã lâu nhưng... chưa biết rõ
Đây là mô tả chính xác nhất về Coronavirus, chúng ta biết về các chủng này từ lâu, nhưng không bao giờ làm rõ được về chúng.
Ví dụ dễ thấy nhất là vào năm 2016, bệnh viện Hygeia ở thủ đô Athens, Hy Lạp tiếp nhận 1 nữ bệnh nhân 45 tuổi sốt trên 39 độ, với triệu chứng ho và nhức đầu dữ dội. Bệnh nhân này là một giáo viên, không có hút thuốc lá hoặc tiền sử bệnh gì khác.
Bác sĩ nghe được tiếng khò khè trong phổi của bệnh nhân nọ khi áp ống nghe vào lưng, kết quả chụp hình x-quang cho thấy cô ta bị viêm phổi nên bác sĩ đã cho uống kháng sinh. Thế nhưng, tình trạng của bệnh nhân ngày càng tệ hơn, thuốc không có hiệu quả. Thậm chí, bệnh nhân còn không thở nổi, phải được dùng máy hỗ trợ cung cấp thêm khí oxy.
Cuối cùng, sau khi mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm, kết quả cho ra khiến các bác sĩ bất ngờ. Virus gây ra triệu chứng viêm phổi nặng cho nữ giáo viên nọ không phải Sars-Cov cũng không phải Mers-Cov hay bất kỳ loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp nào, mà chính là chủng 229E - chủng Corona đầu tiên được phát hiện trên người.
Từ trước đến nay, 229E được cho là chỉ gây cúm nhẹ, cho đến nay, người ta mới tin rằng nó có thể gây viêm phổi nặng. Điều này chứng tỏ rằng bất kỳ chủng virus Corona nào cũng có thể gây bệnh nguy hiểm, bởi vì chúng thay đổi theo thời gian, đáp ứng và thích nghi với nạn nhân cũng như môi trường sống để trở nên đa dạng và khó đoán hơn.
Trên thực tế là, ở thế kỷ 21, ngành y học của nhân loại với những kỹ thuật phân lập virus hiện đại cũng chỉ tìm ra những virus gây bệnh trong 65% các ca nhiễm cúm. Trong khi, 35% còn lại vẫn là bí ẩn. Trong 35% những ca ngoại lệ này, chúng ta chưa thể xác định được là virus gì gây ra bệnh, liệu chúng có phải là một chủng Corona mới nào đó không? Điều này hy vọng sẽ được làm sáng tỏ trong tương lai.
Đọc thêm: Nghiên cứu mới: Ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ tử vong do Covid-19
- 0
- 0Bình luận