logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Ông tổ của \'trailer\', chiêu thức cấm spoil và những chiến dịch quảng cáo phim quái chiêu đi vào lịch sử điện ảnh

Chiến dịch quảng cáo phim rõ ràng là một khâu quan trọng để lôi kéo khán giả ra rạp và tăng độ phủ sóng cho bộ phim. Cho dù phim quy tụ đạo diễn tên tuổi, dàn diễn viên hạng A, sở hữu kịch bản hấp dẫn cùng kỹ xảo hoành tráng, nhưng nếu xem nhẹ bước phát hành hoặc có những chiến lược sai lầm, bộ phim ấy vẫn dễ dàng quay vào ô mất lượt.

Hãy cũng điểm qua 5 cách quảng cáo phim độc đáo dưới đây để xem những chiến lược gia quái chiêu đã làm gì để biến bộ phim thành một thỏi nam châm.

The Pleasure Seekers

Trailer là một hình thức “nhá hàng” bắt buộc trước khi đưa bộ phim ra rạp. Vậy bạn có biết trailer đầu tiên xuất hiện từ khi nào không?

Năm 1913, Nils Granlund – người phụ trách quảng cáo cho chuỗi nhà hát Marcus Loew – nghĩ ra một cách quảng cáo mới mẻ cho vở nhạc kịch The Pleasure Seekers (1913). Ông đã thực hiện một đoạn phim ngắn rồi đem trình chiếu trước các vở kịch ở Broadway và Marcus Loew. Ông cũng giới thiệu vở nhạc kịch ở những tấm billboard trên đường phố để lôi kéo sự chú ý của khán giả.

Đoạn quảng cáo cho The Pleasure Seekers được xem là trailer đầu tiên. Sau đó, Nils Granlund được mời thực hiện các trailer cho phim điện ảnh của Hollywood, đặc biệt là phim của vua hề Charlie Chaplin.

Ex Machina

A24 là công ty giải trí độc lập có thế mạnh ở khâu quảng bá và phát hành phim tại Mỹ. Hãng cũng gây ấn tượng nhờ những chiến dịch online sáng tạo trước khi được biết đến rộng rãi với vai trò là nhà sản xuất phim độc lập mát tay.

Khi đảm nhận phụ trách phát hành phim Ex Machina (2015), A24 đã lập ra một chiến dịch trên Tinder. Cụ thể, hãng tạo ra các tài khoản “mồi nhử” tên Ava và sử dụng phần mềm chatbox để trò chuyện với những kẻ cắn câu. Sau đó Ava sẽ dẫn dắt họ đến tài khoản Instagram @meetava.

Thực chất đây chính là tài khoản quảng bá Ex Machina trước ngày ra rạp, bao gồm ảnh quảng cáo, thông tin ngày chiếu cũng như một số clip ngắn trích từ phim. Lúc này, rất nhiều người mới nhận ra Ava chính là tên của nữ nhân vật trong Ex Machina, và hình ảnh profile trên Tinder chẳng phải là diễn viên Alicia Vikander đó sao!

Profile của "Ava" Alicia Vikander trên Tinder

Psycho

Psycho là một trong những bộ phim để đời của huyền thoại Alfred Hitchcock và cũng chính vị đạo diễn này là người nắm quyền marketing bộ phim.  

Psycho được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Robert Bloch. Để tránh tiết lộ nội dung bộ phim, Alfred Hitchcock đã tìm mua các ấn bản còn sót ở nhiều hiệu sách. Ông cũng cấm tiệt các diễn viên không xuất hiện trước truyền thông và tạm thời không tham gia đóng phim để họ tránh buột miệng hé lộ về Psycho.

Các suất chiếu sớm bị dẹp bỏ. Các nhà phê bình sẽ cùng ngồi xem với khán giả. Alfred Hitchcock đồng thời khuyến khích họ không tiết lộ nội dung phim và nếu ai đến phòng chiếu muộn thì người đó sẽ được mời về ngay lập tức.

Một cảnh trong Psycho (1960)

Cách làm của Alfred Hitchcock tuy có vẻ khắt khe nhưng nó chỉ nhằm giữ cảm giác tò mò và hồi hộp từ đầu tới cuối cho khán giả. Ông thậm chí còn đóng vai chính trong trailer dài hơn 6 phút và áp dụng phong cách kể chuyện úp mở quen thuộc của mình.

Trong trailer đó, ông dẫn khán giả đi tham quan nhà trọ của Norman Bates, hé lộ một số chi tiết chính và luôn dừng lại ở đoạn gay cấn nhất với gương mặt nửa rùng mình nửa tiếc nuối. Ngay trong lúc khán giả tưởng trailer cứ thế tằng tằng trôi thì Alfred Hitchcock bất ngờ kết thúc với một cảnh quay mà sau này nó được xếp vào hàng kinh điển.

Kinh phí của Psycho chỉ hơn 800 nghìn USD và thu về 50 triệu USD. Hơn nửa thập kỷ trôi qua, Psycho vẫn luôn nằm trong top những bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại.

The Blair Witch Project

The Blair Witch Project là bộ phim sở hữu chiến dịch đầu tiên có quy mô hoành tráng trên Internet và vẫn còn được khen ngợi cho đến bây giờ. Hãy cùng xem phù thủy Blair đã bày trò ú tim như thế nào nhé!

Trang web blairwitch.com

The Blair Witch Project kể lại hành trình của ba sinh viên khi họ theo đuổi dấu vết của phù thủy Blair trong một khu rừng. Khán giả không hề nghĩ rằng đây là một bộ phim được xây dựng từ trí tưởng tượng. Họ đinh ninh rằng dự án phù thủy Blair là có thật và ba sinh viên kia hiện đang mất tích hoặc có thể đã thiệt mạng.

Khoảng 6 tháng trước khi The Blair Witch Project ra mắt, đội ngũ marketing đã sáng tạo trang web blairwitch.com và đạt được hơn 21,2 triệu lượt truy cập.

Trang web thu hút người dùng bởi nó quá chân thực với một loạt thông tin về ba sinh viên mất tích như hình chụp, buổi phỏng vấn với gia đình, bạn bè, báo cáo của cảnh sát.

Các thông tin được tung ra lần lượt để tạo cho người xem sự hoài nghi, và thậm chí là niềm tin, về vụ mất tích bí ẩn. Bên cạnh đó, đội ngũ marketing cũng tích cực “thả nhẹ” link trang web thông tin khắp các forum, tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi khiến The Blair Witch Project càng được chú ý hơn.

Thông báo về 3 sinh viên mất tích

Trong bối cảnh mạng xã hội như Facebook hay Twitter chưa có mặt, chiến dịch online của The Blair Witch Project được đánh giá là khôn ngoan, mới lạ và quá thật. Nó chính là bước đệm để bộ phim thắng lớn với doanh thu đạt 248,6 triệu USD – một con số lớn gấp hơn 4000 lần so với ngân sách bỏ ra.

House of Cards

2016 là năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ với cuộc chạy đua ráo riết giữa các ứng cử viên gồm Donald Trump, Hillary Clinton và Frank Underwood.

Frank Underwood? Là nhân vật trong series House of Cards của Netflix ư? Liệu đây có phải là một trò đùa không đấy?

Mọi người đi bỏ phiếu cho Frank Underwood

Đây không phải là một trò đùa. Đây là chiến dịch quảng cáo FU 2016 cho mùa thứ 4 của series House of Cards. House of Cards sở hữu một nhân vật thú vị, đó là tổng thống Frank Underwood do Kevin Spacey thủ vai. Và còn thời điểm nào thích hợp hơn để tăng độ phủ sóng cho nhân vật này ngoại trừ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cơ chứ.

Vậy là những cái đầu sáng tạo bậc nhất đã xây dựng một chiến dịch hoành tráng khi để Frank Underwood cạnh tranh cùng với Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Phát súng đầu tiên là clip giới thiệu Frank Underwood được trình chiếu ngay trong buổi phát sóng về Đảng Dân Chủ trên đài CNN. Từ tạo hình của Kevin Spacey cho đến cách dựng clip, những lời hứa hẹn đều chân thực đến nỗi nhiều người không phát hiện ra đây vốn chỉ là clip quảng cáo cho một nhân vật giả tưởng.

Tiếp theo đó, Netflix và hãng quảng cáo BBH New York đã lập một trang microsite FU2016 để cập nhật tình hình chạy đua của Frank Underwood, kêu gọi người dân hãy bỏ phiếu cho vị tổng thống ảo này, cũng như tạo ra những cuộc thảo luận về các vấn đề xã hội. Hình ảnh, clip và các bài viết về Frank Underwood xuất hiện liên tục trên các nền tảng xã hội gồm Facebook, Twitter, Instagram và YouTube. Không chỉ chạy quảng cáo rầm rộ trên Internet, Netflix và BBH còn in cả áo phông, poster, sticker và dựng một số điểm bỏ phiếu bầu cho Frank Underwood.

Chiến dịch này quả thực là một món quà bất ngờ và táo bạo cho những khán giả say mê House of Cards. Tại liên hoan phim quảng cáo, FU 2016 đã nhận được giải Grand Prix cho hạng mục Chiến dịch Truyền thông Tích hợp và được đánh giá là một trong số những chiến dịch phim táo bạo nhất thập niên 2010.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)