Lịch sử tối tăm đằng sau những bài kiểm tra IQ: IQ thấp phải đi triệt sản hoặc bị tử hình
Thông minh là một khái niệm trừu tượng và thường không có thang đo nhất định nào cho sự thông minh của con người. Tuy nhiên các nhà tâm lý học vẫn luôn tò mò với trí thông minh của nhân loại và tìm cách để đo đạc khái niệm này. Nhiều phương pháp đã được đưa ra, nhưng nổi bật hơn cả là bài kiểm tra IQ. Xung quanh đó là cả một lịch sử đầy tai tiếng về sự kỳ thị, thuyết ưu sinh cũng như những chính sách tàn bạo.
Vào năm 1905, nhà tâm lý học Alfred Binet và Théodore Simon của Pháp đã thiết kế một bài kiểm tra với mục đích giúp những đứa trẻ đang gặp khó khăn trong học tập. Bài kiểm tra giúp nhận dạng các học sinh cần được giáo viên đặc biệt chú ý và kèm cặp thêm. Phương pháp này đã hình thành tiền đề cho bài kiểm tra IQ.
Đầu thế kỷ 19, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả định rằng những khả năng như lý luận bằng ngôn ngữ, trí nhớ và kỹ năng nhận thức không gian phản ánh trí thông minh của con người, và nhân tố này được đặt tên là G Factor. Simon và Binet thiết kế một loạt các bài kiểm tra để đo đạc từng yếu tố, sau đó dựa trên kết quả để đưa ra một số điểm duy nhất.
Khi tạo ra bài kiểm tra này, Binet và Simon nghĩ rằng điểm số sẽ phần nào đó phản ánh được trí thông minh tổng quát của một người. Nhưng từ đó cho đến nay, vẫn không có định nghĩa thống nhất thế nào là trí thông minh tổng quát. Và từ đó, nhiều cơ quan dùng bài kiểm tra IQ nhằm phục vụ các giả định của họ về trí thông minh.
Một trong những triển khai quy mô lớn đầu tiên diễn ra ở Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Nhất, quân đội sử dụng bài kiểm tra IQ để tuyển chọn và sàng lọc tân binh, từ đó đào tạo thành sĩ quan chính thức. Kết quả bài kiểm tra IQ sẽ được dùng để đánh giá khả năng của một người lính và chức vụ của họ.
Bắt đầu từ thế kỷ 20, hệ thống giáo dục ở Mỹ cũng dùng những bài kiểm tra IQ với mục đích phân loại học sinh, lựa ra những em học kém và xây dựng môi trường cũng như điều kiện học thuận lợi hơn cho chúng.
Cũng trong thời điểm này, thuyết ưu sinh (niềm tin rằng con người có thể trở nên tốt hơn thông qua việc lựa chọn những người với đặc điểm di truyền tốt nhất để sinh con) khá được ưa chuộng.
Dưới ảnh hưởng của thuyết ưu sinh, các nhà khoa học đã dựa vào kết quả kiểm tra IQ của quân đội và đưa ra những tuyên bố như “dân tộc A thông minh hơn dân tộc B” mà không nghĩ tới các yếu tố ảnh hưởng khác, tỉ dụ đa số những bài kiểm tra đều được thực hiện bằng tiếng Anh, trong khi nhiều người nhập cư biết rất ít hoặc hầu như không biết chút tiếng Anh nào.
Sự liên quan mập mờ giữa IQ và thuyết ưu sinh không những ảnh hưởng đến khoa học, mà còn ảnh hưởng đến những chính sách khác. Vào năm 1924, tiểu bang Virginia đưa ra chính sách ép những người IQ thấp phải đi triệt sản, quyết định này thậm chí còn được thông qua và ủng hộ bởi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Đức quốc xã cũng đồng ý tử hình những đứa trẻ có IQ thấp.
Sau vụ Đại diệt chủng Holocaust và phong trào dân quyền, việc sử dụng các bài kiểm tra IQ với mục đích phân biệt đối xử cũng đã giảm đi đáng kể. Đến đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã có thêm nhiều bằng chứng về việc môi trường ảnh hưởng đến IQ. Trong suốt thế kỷ 20, họ nhận thấy IQ tăng dần đều qua các thế hệ, các nhà khoa học cho rằng mức tăng trưởng IQ này không phải là do yếu tố di truyền vì sự tăng trưởng xảy ra quá nhanh. Thay vào đó, họ chỉ ra yếu tố môi trường đã ảnh hưởng đến IQ của thế hệ sau: Giáo dục được cải thiện, hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng tốt hơn.
Đến giữa thế kỷ 20, các nhà tâm lý học dùng bài kiểm tra IQ để đánh giá những thứ khác ngoài trí thông minh tổng quát, chủ yếu là để chẩn đoán trước những căn bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm và các bệnh tâm lý khác. Chẩn đoán được thực hiện một phần dựa trên các thử nghiệm lâm sàng, và một phần dựa vào tập hợp những bài kiểm tra đánh giá IQ của bệnh nhân. Nhưng cách chẩn đoán này cũng không hiệu quả, vì các nghiên cứu hiện đại hơn cho rằng kiểm tra IQ không mang lại thông tin gì hữu ích cho đánh giá và thử nghiệm lâm sàng.
Ngày nay, các bài kiểm tra IQ vẫn còn sử dụng nhiều câu hỏi như tiền thân của chúng, nhưng chúng ta đã có thể phân biệt rõ ràng hơn sai lệch tiềm tàng và thiên kiến trong các bài kiểm tra. IQ không còn được sử dụng để chẩn đoán các bệnh tâm lý, nhưng vẫn được dùng để chẩn đoán những khuyết tật trong học tập và làm việc, mặc dù nhiều chuyên gia không đồng tình với cách làm này.
Trong quá khứ, kết quả kiểm tra IQ đã được sử dụng nhằm biện minh cho các chính sách khủng khiếp và những hệ tư tưởng vô căn cứ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là điểm IQ hoàn toàn vô nghĩa. IQ ban đầu được đặt ra để đánh giá kỹ năng lý luận và giải quyết vấn đề của một cá nhân, không cùng nghĩa với việc đo lường tiềm năng của họ. Đã từng có nhiều bất cập về chính trị, lịch sử, khoa học và các vấn đề văn hóa trong bài kiểm tra IQ, và các nhà khoa học hiện nay đều đang bác bỏ quan niệm rằng mỗi cá nhân có thể được phân loại bằng một số điểm duy nhất.
- 0
- 0Bình luận