Chú bồ câu bị Ấn Độ bắt giữ vì dính nghi án làm... gián điệp cho Pakistan
Loài chim thật ra tinh ranh hơn bạn nghĩ và kỹ năng "lén lút" của chúng là vô cùng điêu luyện. Bạn có thể tìm hiểu những tai hoạ mà chim mòng biển gây ra cho con người hoặc những lần vẹt giả tiếng người gây phiền phức cho chủ... để thay đổi cái nhìn về chúng.
Và trường hợp dưới đây cũng là bằng chứng rất thuyết phục cho nhận định trên, khi một chàng bồ câu bị tóm vì tình nghi làm gián điệp cho nước bạn.
Con chim bồ câu đã bị bắt giữ ở Ấn Độ vì nước này nghi ngờ nó là gián điệp của Pakistan. Nó bay vào một ngôi nhà gần biên giới Ấn Độ - Pakistan với một dòng mật mã quanh chân.
Theo tờ Times of India, cư dân tại ngôi làng Manyari thuộc khu vực Hiranagar đã bắt được con chim khả nghi và báo cáo cho các quan chức an ninh khu vực.
Chú chim bị tình nghi có đôi mắt tròn xoe, được Geeta Devi phát hiện khi nó bay vào nhà cô ngày 24/5. Nó đeo một chiếc nhẫn nhỏ quanh chân, trên chiếc nhẫn có số và con chim bị ai đó cố ý nhuộm hồng.
Cảnh sát Kathua, Shailendra Mishra cho biết:
Chúng tôi không biết nó đến từ đâu. Người dân địa phương đã bắt được con chim gần hàng rào biên giới. Chúng tôi cũng tìm thấy một chiếc nhẫn nhỏ ở chân nó và trên đó có dãy số khả nghi. Cảnh sát đang tiến hành điều tra kỹ hơn.
Tuy nhiên, một người dân Pakistan có tên Habibullah đã bác bỏ những cáo buộc rằng mình chính là người truyền mật thư bằng chim bồ câu. Ông ta khẳng định dãy số viết trên chiếc nhẫn chỉ là số điện thoại di động của ông ta.
Habibullah được biết đến là người có "niềm đam mê với chim bồ câu" và ông ta sở hữu vài chục con trong nhà.
Trong lời khai, Habibullah cho biết mình thường xuyên đeo một chiếc nhẫn có khắc số điện thoại trước khi thả chúng đi. Habibullah thậm chí còn thúc giục Thủ tướng Ấn Độ nhanh chóng trả lại con chim về Pakistan để tôn trọng quyền và lãnh thổ quốc gia giữa 2 nước.
Chủ sở hữu con chim cho rằng đây là chú bồ câu "hồn nhiên" và là biểu tượng của hoà bình, tình yêu và sự khoan dung. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang điều tra về số hiệu trên chiếc nhẫn và lý do con chim bồ câu xuất hiện gần biên giới.
- 0
- 0Bình luận