Báo Thái lên tiếng về chế độ Sotus của Đại học Thái Lan: \'Bạo lực học đường trá hình\' ngày càng lộ liễu và tàn nhẫn
Thay vì trở thành những hoạt động tập thể gắn kết tinh thần giữa đàn anh, đàn chị khóa trên với những tân sinh viên năm nhất, chế độ Sotus trong các trường Đại học tại Thái Lan đang ngày càng trở nên tha hóa.
Nay Sotus còn được coi là thước đo phản ánh thứ bậc trong xã hội Thái, nơi những sinh viên lớn tuổi hơn được phép đối xử tồi tệ, thậm chí công khai bắt nạt đàn em khóa dưới.
Sotus là từ viết tắt của Seniority (thâm niên), Order (mệnh lệnh), Tradition (truyền thống), Unity (sự đoàn kết) và Spirit (tinh thần). Mặc dù việc tham gia chế độ Sotus khi mới bước chân vào trường Đại học đều "mang tính tự nguyện", vậy nhưng nếu không tham gia, các tân sinh viên sẽ phải đối mặt với tình trạng bị cô lập, bị xa lánh cũng như bỏ mặc khi tham gia các hoạt động học tập và thể thao khác trong trường.
Chế độ Sotus thực chất không phải bắt nguồn từ Thái Lan mà lại có xuất xứ từ các trường sĩ quan quân đội Mỹ từ thế kỷ 19, nơi chế độ này được sử dụng để thúc đẩy tình bạn cũng như giúp các sinh viên lớp trên dìu dắt và kiểm soát các đàn em khóa dưới tốt hơn.
Việc áp dụng chế độ Sotus vào hệ thống giáo dục được thực hiện kể từ sau Thế chiến thứ II, khi lứa sinh viên đi du học của Thái Lan trở về và bắt đầu sử dụng những biện pháp dạy học hà khắc của nước ngoài vào các trường Đại học.
Trường Đại học đầu tiên thực hiện chế độ Sotus và vẫn tiếp tục duy trì cho tới ngày nay chính là Đại học Kasetsart, tiếp theo là Học viện nông nghiệp Mae Jo và trường Đại học Chulalongkorn, Đại học Chiangmai và dần dần lan rộng ra toàn nước Thái.
Những đàn anh, đàn chị được phép la mắng và trừng phạt những sinh viên năm nhất theo cách mà họ muốn. Thậm chí, tùy theo quy định của từng nơi, tân sinh viên sẽ bị cấm sử dụng một số khu vực nhất định trong khuôn viên trường học, hoặc phải mặc trang phục theo quy định của các sinh viên khóa trên đưa ra. Chính vì vậy, rất nhiều hoạt động được khởi xướng trong nghi thức từng bị lên án bởi độ vô lý, mất vệ sinh, sỉ nhục và lạm dụng tình dục đàn em năm nhất.
Titiphon Yamsri, một cựu sinh viên thuộc chuyên ngành báo chí của Đại học Thammasat đã chia sẻ những trải nghiệm không mấy thú vị của mình trong trường Đại học khi anh khước từ việc tham gia chế độ Sotus: "Tôi và bạn học đang ăn trưa, vậy nhưng những đàn anh giáo dục lại muốn chúng tôi phải vào phòng cổ vũ. Tôi nghĩ rằng điều đó thật vô nghĩa, vì vậy chúng tôi đã phản kháng lại và gần như là đã đánh nhau với họ. Thật không công bằng khi những đàn anh đó có thể bắt chúng tôi phải làm những điều họ muốn vào bất cứ thời điểm nào mà họ thích. Tuy nhiên, sau khi quyết định rời khỏi chế độ này, chúng tôi đã bị những sinh viên năm nhất khác cô lập."
Titiphon Yamsri cũng nói thêm những đàn này đã hợp lý hóa hành động bắt nạt bằng cách giải thích họ đang chuẩn bị trước tâm lý cho tân sinh viên trước khi bước chân ra ngoài xã hội, nơi những người trẻ sẽ phải lắng nghe mọi điều răn dạy của những nhân viên kỳ cựu trong công ty. Một số đàn anh còn đe dọa Titiphon nếu anh không tham gia Sotus, anh sẽ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ sinh viên khóa trên.
Không chỉ riêng Titiphon Yamsri phải hứng chịu sự tồi tệ này, trên Facebook, một cựu sinh viên của trường Đại học Maejo cũng đã bức xúc lên tiếng: "Vào ngày thứ 7 của nghi thức, những sinh viên năm 2 phải nắm tay nhau và tạo thành hàng rào khép kín, trong khi sinh viên năm nhất sẽ đứng xếp thành hàng và cầm chặt lấy đai quần người phía trước. Chúng tôi phải cúi đầu xuống và đi dò dẫm tới ao Kasetsanan khi trời vẫn còn tối đen. Những đàn anh giáo dục luôn yêu cầu chúng tôi phải hét lên khẩu hiệu của trường trong lúc vẫn đang ngâm mình trong dòng nước lạnh tới đầu gối. Họ còn dúi đầu của chúng tôi xuống dưới nước. Toàn bộ quá trình này diễn ra từ suốt nửa đêm tới 7h sáng hôm sau. Đối với tôi, đây quả là địa ngục trần gian. Tai tôi đã bị ù và cảm thấy hoảng loạn trước tiếng la hét của mọi người."
Thực tế cho thấy, các hoạt động mang hơi hướng bạo lực và bắt nạt trong hệ thống giáo dục của các trường Đại học Thái Lan đã ảnh hưởng đến tâm lý của các sinh viên còn non trẻ theo nhiều cách, bao gồm stress, trầm cảm và thậm chí là cả tự tử.
Vào năm 2014, một sinh viên 20 tuổi đã chết khi tham gia một hoạt động tại bãi biển ở Prachuap Kiri Khan, và một sinh viên 19 tuổi khác cũng từng ở trong tình trạng nguy kịch sau khi suýt chết đuối ở Chon Buri vào năm 2016. Tất cả những trường hợp này đều là nạn nhân của nghi thức Sotus.
Theo nhiều sinh viên, phụ huynh và cả nhà trường nên có những biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế các hoạt động bắt nạt để tạo nên một không gian học tập an toàn cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, chính những sinh viên năm nhất cũng nên đứng lên để bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình, và các sinh viên khóa trên cần phải kiểm soát cũng như chịu trách nhiệm cho hành động của họ.
- 0
- 0Bình luận