Từ cuộc khẩu chiến Khắc Việt - Khắc Tiệp: Cuộc sống online đâu dễ dàng!
Mới đây, các "giang cư mận" lại được dịp xôn xao khi ca sĩ, nhạc sĩ Khắc Việt chỉ đích danh ông bầu Khắc Tiệp trên một status của mình, cảnh cáo và tuyên bố sẵn sàng đến gặp trực tiếp đối phương tại nhà riêng để giải quyết mâu thuẫn giữa cả hai. Tuy nhiên, sau đó vài ngày nam nghệ sĩ đã xóa status này và không quên "nhắn nhủ" rằng mình vẫn mong gặp mặt Khắc Tiệp để giải quyết "câu chuyện giữa hai người đàn ông".
Có lẽ khán giả đã quá quen thuộc với những thị phi như thế này trong giới showbiz, thế nhưng những trận khẩu chiến, "chặt chém" nhau trên mạng xã hội không chỉ xảy ra giữa những người nổi tiếng mà người bình thường cũng hoàn toàn có thể bị "tai bay vạ gió" nếu không chú ý ngôn từ trên mạng xã hội. Vậy bạn cần chú ý những gì để có thể tự bảo vệ mình ở "thế giới ảo"?
Mạng xã hội vốn là con dao hai lưỡi, một lời nói ra có thể bị xuyên tạc thành vô vàn ý nghĩa khác nhau...
Việc cá nhân thì chỉ nên giải quyết cá nhân
Mối quan hệ giữa người với người khó tránh khỏi những lúc xảy ra tranh chấp. Điều bạn cần làm trong khoảng thời gian "cơm không lành canh chẳng ngọt" này là hít thở sâu và bình tĩnh tìm cách xử lý vấn đề chứ không phải đăng ngay một chiếc status để tố khổ hay bóc phốt lẫn nhau. Hành động này không chỉ khiến mâu thuẫn càng thêm trầm trọng mà còn làm cho bạn đối diện với nguy cơ trở thành đề tài đàm tiếu của bộ phận "chim lợn" trong một khoảng thời gian kha khá đấy!
Nguồn ảnh: Internet
Chú ý cách sử dụng từ ngữ khi phát ngôn trên mạng xã hội
Ông bà ta có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", đôi khi mặt đối mặt nói chuyện với nhau còn xảy ra hiểu lầm, huống chi chỉ là vài dòng chữ trên mạng xã hội. Một đoạn status hoặc một câu comment hoàn toàn có thể biến bạn thành mục tiêu công kích của cả cộng đồng. Thế nên "Học ăn, học nói" không chỉ là bài học trong giao tiếp hàng ngày mà kể cả khi online bạn cũng cần phải áp dụng đấy.
Nguồn ảnh: kênh14
Không nên vội hùa theo những bài phốt trên mạng khi chưa nắm rõ câu chuyện
Chúng ta hẳn đã quá quen thuộc với sức mạnh của cư dân mạng mỗi khi có ai đó bóc phốt, kể lể trên các group cộng đồng. Lợi dụng sự nhiệt tình của đám đông, một số kẻ không ngần ngại tung ra những tin giả để gây sự chú ý hòng chiếm lợi cho bản thân. Những thông tin sai lệch này không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà còn dấy lên sự hoang mang cho cả cộng đồng. Thế nên trước khi hóng drama, bạn phải tìm hiểu xem nguồn cơn đấy là thật hay giả nhé!
Nguồn ảnh: Internet.
Không nên tốn nhiều thời gian tranh cãi với người lạ
Mạng xã hội thực sự không thiếu những bài viết mang tính tranh luận, chín người thì mười ý, ai cũng muốn giành phần đúng về mình. Thế nhưng bạn đâu biết được bên kia màn hình là người như thế nào? Việc tranh cãi với những người xa lạ trên mạng xã hội chẳng đem lại cho bạn bằng cấp hay chứng chỉ gì, mà ngược lại còn có thể khiến bạn mất thời gian, bị làm phiền hoặc gặp rắc rối nếu chẳng may gặp phải "anh hùng bàn phím" nữa đấy.
Không nên đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân mang tính tiêu cực
"Tường nhà" chính là bộ mặt thứ hai của người dùng mạng xã hội, mà đôi khi người ta sẽ dựa vào đó để đánh giá con người thật của chính bạn nữa. Hãy tưởng tượng bạn là một người trưởng thành mà trên trang cá nhân tràn ngập những status than vãn về công việc, trách móc người yêu, những dòng trạng thái bới móc, xỏ xiên mọi người xung quanh, chắc chắn người lạ lướt qua rồi sẽ không muốn quay lại lần nữa, và chính bạn bè và người thân của bạn cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy chúng.
Nguồn ảnh: Internet.
Mạng xã hội đúng là công cụ tuyệt vời để bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên làm sao để sử dụng công cụ này đúng mục đích lại là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải học rất nhiều.
- 0
- 0Bình luận