7 món ăn địa phương bỗng trở thành đặc sản được ưa chuộng ở Sài Gòn
1. Bún bò Huế
Đi trên khắp đường phố Sài Gòn, từ đường lớn đến ngõ hẻm, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những hàng quán bún bò Huế. Mùi thơm phưng phức của mắm ruốc và sả quyện cùng nước dùng đậm đà, thịt bắp bò mềm dai, thêm chút sa tế cay cay làm nên một tô bún bò đậm vị miền Trung.
Ngoài ra, tô bún bò còn có thể được thêm gân bò, giò heo, chả cua,... tùy theo đặc trưng riêng của người nấu. Món ăn sẽ thêm ngon khi được ăn kèm với rau sống như giá, bắp chuối thái nhỏ, rau muống chẻ nhỏ, rau xà lách,…
2. Bún đậu mắm tôm Hà Nội
Bún đậu mắm tôm là một món ăn dân dã có nguồn gốc từ Hà Nội, đây cũng được xem là món ăn đặc trưng của người dân nơi đây. Mặc dù là món ăn du nhập từ miền Bắc, có mùi vị rất khác lạ so với cách chế biến thông thường của người miền Nam nhưng bún đậu ở Sài Gòn luôn được đông đảo người dân yêu thích từ khi xuất hiện cho đến tận bậy giờ.
Bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn có bún tươi, đậu hũ rán vàng, chả cốm, nem chua, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, rau húng, xà lách, cà pháo... Ngoài ra một số tiệm cũng bổ sung thêm lòng non, dồi sụn, thịt giò heo,... cho món ăn càng thêm hấp dẫn.
3. Mì Quảng
Mì Quảng được xem là cái "hồn" của ẩm thực Quảng Nam. Đã từng được giới thiệu trang trọng trên một trang báo Nhật vào năm 2018 như một niềm tự hào của Việt Nam, của xứ Quảng.
Nước dùng cho Mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng, thông thường sẽ chế biến từ tôm, thịt heo, thịt gà,... Sợi mì có màu vàng hoặc trắng, ăn kèm rau cải, đậu phộng, bánh tráng dai dai giòn giòn làm nên đặc trưng của món ngon xứ Quảng.
4. Bánh canh chả cá Nha Trang
Bánh canh chả cá Nha Trang là sự kết hợp của chả cá biển dai mềm, có vị ngọt tự nhiên với nước dùng thanh trong nhưng cũng không kém phần đậm đà. Vị của bánh canh vừa vặn nên rất dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Bánh canh chả cá thường ăn kèm bắp cải xắt mịn và giá, nhiều nơi còn cho thêm cá dầm, sứa,.. cho tô bánh canh thêm phần đặc sắc.
5. Bánh xèo
Cái tên “bánh xèo” bắt nguồn từ âm thanh của nó phát ra khi chiên bánh, lúc đổ bột vào chảo sẽ vang lên tiếng “xèo xèo” quen thuộc và từ đó ra đời tên gọi “bánh xèo”. Có hai loại bánh xèo, bánh xèo miền Trung nhỏ, còn có tên gọi khác là bánh khoái. Bánh khoái được làm mềm và mỏng, kèm với thịt, giá, ăn với nước lèo đặc trưng. Loại thứ hai có nguồn gốc ở miền Tây, bánh to và dày hơn, ăn kèm với bánh tráng, nước mắm, đồ chua. Ở TP.HCM, bánh xèo miền Tây được ưa chuộng hơn.
6. Bánh canh cá lóc Quảng Trị
Các quán bánh canh cá lóc Quảng Trị xuất hiện rất nhiều ở các khu có đông người dân lao động, đặc biệt là người miền Trung. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo nguyên chất bên sẽ hơi bở, khác với các loại sợi khác sẽ có độ dai. Phần cá được chế biến những con cá lóc đồng còn sống, um lên với gia vị. Bánh canh cá lóc thường được ăn kèm với rau đắng, chả, và tất nhiên không thể thiếu tiêu ớt xay. Thực khách không quen ăn cay sẽ phải "hít hà" khi thưởng thức món ăn này.
7. Bánh bột lọc Huế
Cuối danh sách lại là một món ăn có nguồn gốc từ xứ Huế, từng được đứng trong danh sách 30 món bánh ngon nhất trên thế giới (theo trang CNNGO). Bánh lọc có hai loại, bánh gói và bánh trần. Bánh đặc sắc ở phần bột mềm dai, trong suốt, phần nhân đậm đà với tôm thịt, nấm mèo, đậu xanh,...
Nhiều địa phương cũng có cho mình những món bánh làm từ bột năng tương tự, tuy nhiên bánh bột lọc ở Huế có hương vị đặc biệt và được nhiều người biết đến nhất.
Các món ăn đến từ địa phương một số còn giữ nguyên vị, một số được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của đa số người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, dù có ở địa phương hay ở thành phố lớn, các món ăn dân dã luôn được ưa chuộng và góp phần vào sự phong phú của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
- 0
- 0Bình luận