logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Sử gia Mỹ dành 4 thập kỉ để đưa từng tên tội phạm Đức Quốc Xã ra trước vành móng ngựa

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, có tới hơn 6 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ Do Thái bị Đức Quốc Xã sát hại một cách dã man trong các trại tập trung tử thần. Dù gây ra những tội ác tày trời nhưng chỉ vài tháng sau khi Thế chiến kết thúc, hàng nghìn quân Đức Quốc Xã đã "cao chạy xa bay" và dửng dưng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Vốn là một người có kiến thức sâu rộng và nhận thức rõ ràng cùng lòng căm phẫn những tên quân nhân Đảng Quốc Xã, nhà sử học người Mỹ tên Efraim Zuroff đã quyết định dành cả cuộc đời để săn lùng những kẻ tội đồ đang sống ngoài vòng lao lý. Tuy nhiên ông cũng chia sẻ, đôi khi quyết định ấy đã trở thành hiểm nguy khi bản thân liên tục bị đe dọa.

Nhà sử học người Mỹ đã dành hơn 40 năm cuộc đời để theo đuổi lý tưởng truy đuổi những tên tội phạm còn sót lại của Đức Quốc Xã.

"Tôi nhận được rất nhiều sự đe dọa trên Internet. Giả dụ nếu tôi sống ở châu Âu thì chắc khó sống lắm nếu không được bảo vệ. Có trường hợp những người di cư Croatia ở Úc đã hăm họa rằng nếu có bất kì điều gì không hay xảy ra với tên phát xít Georg Aschner, hắn sẽ thuê người giết tôi.

Họ cũng dùng tiền để trao đổi sự "yên ổn" của hai người nữa, nói ra điều này nghe thật xấu hổ.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng truy ra tung tích của tên tội phạm mà họ cố gắng bảo vệ. Thế nhưng hắn ta đã trốn sang Áo. Chính quyền nước Áo từ chối trao trả hắn vì không đủ chứng cứ ra tòa dù tên này đã lên rất nhiều mặt báo ở châu Âu năm 2008."

Zuroff sinh năm 1948 tại New York, gốc Latvia. Sau khi tốt nghiệp đại học Yeshiva, ông chuyển đến làm việc tại bảo tàng Yad Vashem (nơi tưởng niệm các nạn nhân của cuộc tàn sát hàng loạt ở Israel).

Năm 1978, ông trở về Mỹ để làm việc tại trung tâm Simon Wiesenthal (một tổ chức về nhân quyền của người Do Thái). Tổ chức này được đặt tên theo một nạn nhân trong cuộc tàn sát hàng loạt người Áo, sau đã theo dõi và tóm gọn hơn 1000 tên phát xít Đức trước khi qua đời năm 2005, trong đó có cả Karl Silberbauer - kẻ bắt giữ Anne Frank.

Giám đốc trung tâm Simon Wiesenthal - Efraim Zuroff với chiến dịch tìm tội phạm chiến tranh với slogan "muộn nhưng chưa quá muộn" được dán ở nhiều địa điểm công cộng tại Đức.

Hai năm sau, Zuroff quay trở lại Israel để thực hiện các cuộc điều tra. Trong thời gian đầu, ông làm việc cho văn phòng điều tra đặc biệt của Bộ tư pháp Hoa Kỳ với nhiệm vụ lần theo dấu vết của những tên tội phạm chiến tranh tẩu thoát sang Mỹ. Trước khi quay về làm việc ở trung tâm Simon Wiesenthal năm 1986, Efraim Zuroff đã từng giữ chức vụ người đứng đầu của nhóm "thợ săn Nazi" ở Jerusalem.

"Mọi người luôn hỏi công việc của tôi là gì, tôi nói mình là sự kết hợp giữa thám tử, nhà sử học và nhà vận động chính trị. Ở nhiều quốc gia, người ta không có mong muốn chính trị mãnh liệt, mà thiếu thứ đó thì sẽ chẳng có sự truy tố nào cả.

Chúng tôi thường làm việc với các chính trị gia và giới truyền thông địa phương để nâng cao ý thức và khuyến khích chính phủ dừng việc do dự và quyết tâm bắt giữ những đối tượng này."

"Theo những gì người Do Thái lo lắng thì điều 'cầu nguyện' duy nhất của Hitler là xóa sổ họ khỏi Trái Đất." - Efraim Zuroff

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Hàng ngàn tên phát xít Đức kia đã trốn thoát như thế nào?

Theo chia sẻ của nhà sử học Zuroff, sau khi kết thúc Thế chiến II, quân Đức Quốc Xã đã chia làm ba nhóm để trốn thoát. Nhóm đầu tiên là các nhà khoa học và kỹ sư "tài năng được mời sang Mỹ vì sợ bị rơi vào tay Liên Xô". Nhóm thứ hai nhỏ hơn, đó là một nhóm người được phương Tây huấn luyện để trở thành gián điệp. Nhóm đông đảo nhất chính là nhóm người từ Đông Âu "bỗng dưng" biến mất và sống một cuộc đời mới như chưa từng có có chuyện gì xảy ra.

Trùm phát xít Hitler và Đức Quốc Xã đã gây ra hàng loạt tội ác cho nhân loại.

"Họ thậm chí còn chẳng cần thay đổi bất cứ thông tin gì trên đơn nhập cư bởi không ai chú ý đến điều đó. Có một sự thật là rất ít người biết đến vai trò của người Đông Âu."

Dù dành cả cuộc đời mình để lần theo dấu vết những tên phát xít, Zuroff chia sẻ rằng có những lúc tưởng chừng như đã hoàn thành xong nhiệm vụ, nhưng mọi thứ lại trở nên rỗng tuếch khi những kẻ này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng lao lý.

"Điều này vô cùng đau lòng. Tôi đã tham gia vào hơn 40 vụ, có những trường hợp phải chịu trách nhiệm trước vành móng ngựa, trường hợp khác thì bị truy tố hoặc đưa ra xét xử. Thế nhưng con số những kẻ phải trả giá cho hành động xấu xa của mình là rất ít.

Đã có ba vụ truy tố thành công ở Đức kể từ khi nước này thay đổi chính sách truy tố cách đây một thập kỷ, tuy nhiên không ai trong số họ ngồi tù sau khi bị kết án.

Cả ba người đó đều đã chết, một kẻ thì chết trước khi vào tù 3 ngày, 2 tên còn lại thì chết ngay trong quá trình kháng cáo."

Có một điều mà vị thợ săn Nazi đã rút ra sau ngần ấy năm làm việc, đó chính là công lý không phải lúc nào cũng hiện diện.

"Tôi đã theo dõi Sándor Képíró - một hiến binh ở Serbia phụ trách hàng ngàn người trong thời điểm đó. Về cơ bản thì có lẽ chúng tôi đã hủy hoại cuộc sống của ông ta.

Và đôi khi việc bị phơi bày và công khai tội ác còn đau đớn hơn cả việc ngồi tù. Hầu như gia đình của những tên phát xít không hề biết họ đã làm gì trong quá khứ."

Sándor Képíró trước phiên tòa xét xử.

Năm tháng trôi qua, tuổi tác của những con người tàn bạo trong Đức Quốc Xã kia đã "giúp" họ có thể ra đi một cách thanh thản mà không phải trả giá cho bất cứ việc làm độc ác nào trong quá khứ.

Khi số lượng những tên tội phạm Đức Quốc Xã giảm dần, nhà sử học tài ba Zuroff chuyển sang chống lại "Sự xuyên tạc và làm biến dạng Holocaust (các cuộc thảm sát)" và giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc có kiến thức đầy đủ về quá khứ, lịch sử.

Dù đã chuyển hướng cho mục tiêu cao cả của mình nhưng vị thợ săn Nazi này vẫn luôn canh cánh trong lòng một món nợ to lớn đối với gia đình của những nạn nhân trong cuộc thảm sát hàng loạt.

"Thứ khiến tôi tiếp tục chiến đấu đó chính là nghĩa vụ đối với các nạn nhân cũng như mục tiêu tìm ra công lý."

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)