Thược Dược Đen của Philippines: Thi thể bị phanh thây, hơn 50 năm vẫn chưa tìm được phần đầu
Bởi vì Chop Chop Lady là một cụm từ trong tiếng Philippines dùng để chỉ riêng những người phụ nữ bị giết hại tàn nhẫn, hầu hết họ đều bị chém đầu, tách rời tứ chi, phần ngón tay và ngón chân bị chặt ra hoặc băm nát,…
Vậy cụm từ này được lưu truyền rộng rãi từ khi nào? Tại sao nó lại trở thành cụm từ đại diện cho sự đáng sợ được người dân Philippines truyền miệng nhiều năm trời? Nếu muốn tìm về nguồn gốc của cụm từ này, chắc chắn phải đề cập tới vụ án Lucila Lalu từng làm chấn động cả xã hội Philippines và tới nay vẫn chưa tìm ra được hung thủ. Nó cũng là nguồn gốc của Chop Chop Lady – vụ án phanh thây nổi tiếng nhất Philippines.
Những vụ án phanh thây xảy ra liên tục: Rốt cục thì đây là chân của ai?
Sáng sớm ngày 30/05/1967, một nhân viên vệ sinh trong lúc đang dọn dẹp rác thải trong các thùng rác công cộng ở tuyến đường Malabon, đã phát hiện ra một cái bọc to được gói bằng giấy báo nằm nửa trong nửa ngoài thùng rác.
Khi định tới bỏ thứ đó vào thùng rác cho đàng hoàng, nhân viên chợt nhận thấy có gì giống như thịt lòi ra ngoài, quá tò mò người này quyết lại mở bọc báo ra xem thử, phát hiện thứ được gói bên trong là hai cái đùi – hai cái đùi người bị chặt thành bốn khúc.
Quá hoảng sợ, nhân viên vệ sinh lập tức báo cảnh sát, bởi vì vào một tuần trước người ta vừa tìm thấy hai cái tay hư thối ở ngoài cửa tiệm uốn tóc trên đường Recto Avenue. Từ địa điểm phát hiện đôi tay hôm trước tới địa điểm phát hiện hai chân hôm nay còn chưa tới 2km, nên rất có thể đây là của cùng một nạn nhân.
Tuy nhiên khi cảnh sát mang mẫu vật về kiểm tra so sánh, họ nhận ra đây là một vụ phanh thây khác nữa. Nạn nhân là Lucila Lalu – chủ của nhà hàng Pagoda. Đôi chân của cô bị vứt trong thùng rác cách nhà hàng cô mở chỉ vài bước.
Nhân viên vệ sinh khai báo với cảnh sát rằng lúc phát hiện anh có chạm thử vào đôi chân, thấy chân khá lạnh như thể đang rã đông. Hơn nữa phần móng chân được sơn tỉ mỉ, nên có thể khẳng định đây là đôi chân của một người phụ nữ.
Từ bộ móng chân được chăm sóc tỉ mỉ và sơn phết đẹp đẽ, không khó để nhận ra chủ nhân của đôi chân có kinh tế khá giả và sống khá an nhàn.
Ngoài ra trong lúc thu thập vật chứng ở hiện trường, cảnh sát còn phát hiện tờ báo dùng để gói chân nạn nhân được xuất bản ngày 14/05/1967, vết cắt ở chân cực kì gọn gàng, rất có thể đây là một vụ mưu sát có kế hoạch chứ không phải là hành động bất ngờ.
Một ngày sau đó, cảnh sát phát hiện thêm một phần thi thể bị mất chân, mất đầu, chỉ còn hai tay và phần thân ở góc đường EDSA, gần khúc cầu Guadalupe. Giống hệt phần chân được tìm thấy trong thùng rác, phần thi thể này cũng được bọc bằng báo, nhưng là báo của ngày 23/05/1967.
Cảnh sát bước đầu phỏng đoán đây là phần thân trên thi thể của Lucila Lalu, bộ phận giám định tiến hành lấy vân tay để đối chiếu và xác nhận dấu vân tay của thi thể hoàn toàn trùng khớp với dấu vân tay của Lucila Lalu.
Giấc mơ lên thành phố đổi đời của cô gái nông thôn
Vụ án phanh thây này nhanh chóng trở thành đầu đề chuyện bàn tán của cả Philippines.
Ai ai cũng muốn biết Lucila Lalu là ai, cô đã gây thù chuốc oán với kẻ điên khùng, bệnh hoạn thế nào mà đối phương lại dùng cách tàn nhẫn thế kia để giết hại cô? Liệu nguyên nhân sâu xa của chuyện này có liên quan tới nhà hàng của cô không?
Lucila Lalu tên đầy đủ là Lucila Tolentino Lalu đến từ vùng nông thôn hẻo lánh của Philippines, với khuôn mặt xinh đẹp và vóc người cân đối, cô gái trẻ chưa từng thiếu người theo đuổi.
Vốn cuộc đời cô cũng sẽ giống như mẹ mình, gả cho một người đàn ông giàu có, gia cảnh sạch sẽ trong thôn, rồi sinh con dưỡng cái, sống hết cuộc đời. Nhưng như bao người trẻ khác, Lucila một lòng hướng tới chốn thành thị phồn hoa rực rỡ, vì thế vào cuối năm 1950, cô quyết định rời khỏi quê hương Pampanga đi đến Manila tìm cơ hội phát triển.
Dựa vào nhan sắc và trí thông minh của mình, Lucila nhanh chóng tìm được công việc phục vụ trong một quán bar nhỏ, ở đây cô gặp được một cảnh sát tuần tra đã kết hôn tên Aniano Vera. Hai người nhanh chóng sa vào lưới tình, sau khi Aniano ly hôn với vợ trước, họ lập tức kết hôn và hạ sinh một đứa con trai.
Với đầu óc vốn thông minh và ánh mắt sắc bén, Lucila dùng số tiền tích góp được, mua nhà hàng Pagoda Soda Fountain và trở thành bà chủ. Việc buôn bán ở nhà hàng phát triển rất thuận lợi, lợi nhuận từ nhà hàng còn giúp cô mở thêm một thẩm mỹ viện ở Sta Cruz.
Sở hữu một nhà hàng buôn may bán đắt cộng thêm một thẩm mỹ viện ăn nên làm ra, gia đình thì êm ấm mỹ mãn, câu chuyện đời của Lucila nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự thành công.
Ngày 28/05/1967, sau khi ra khỏi nhà Lucila đã không còn quay về nữa.
Tất cả người thân, bạn bè đều nghĩ rằng cô ra ngoài lén lút với nhân tình – không sai, tuy đã là vợ một cảnh sát và có một đứa con 6 tuổi, nhưng Lucila vẫn lén lút ngoại tình, thậm chí cô còn có tới vài nhân tình. Đây là chuyện bán công khai mà hầu như bạn bè và người thân của cô đều biết. Cũng vì thế ngày 30/05, khi nhận được tin báo cô đã chết, mọi người đều vô cùng bất ngờ.
Ngay từ đầu, cảnh sát cho rằng hung thủ có thể là một nhân viên làm việc trong nhà hàng tên Florante Relos – một trong những nhân tình của Lucila.
Bởi vì theo lời khai của nhân viên thu ngân, khi được hỏi về tung tích của Lucila trong những ngày mất tích, Florante Relos đã nói là cô ở bên thẩm mỹ viện, thêm vào đó một vài người qua đường khai báo đã nhìn thấy Lucila bị Florante và bạn mình lôi kéo vào trong một cái xe đậu trước cửa thẩm mỹ viện.
Nhưng Florante khẳng định mình không hề dính líu gì tới vụ án, vì anh ta không có lý do gì để giết Lucila, Lucila không chỉ cung cấp tiền bạc mà còn là người tình trong mơ của anh ta.
Lucila thậm chí đã thuê một căn nhà ở Cubao cho Florante dọn vào ở, đồng thời lấy đó làm địa điểm hẹn hò bí mật cho cả hai. Đang trong cuộc sống sung sướng thoải mái như vậy, Florante hoàn toàn không có lý do để giết chết nguồn cung cấp tiền của mình.
Nhưng theo lời nhân viên thu ngân trong nhà hàng thì Lucila đang muốn chia tay với Florante.
Dựa theo lời khai của nhân viên thu ngân và vài người chứng kiến khác, Florante dường như chính là hung thủ của vụ mưu sát này: Một tình nhân vì bị chia tay nên lòng đầy hận thù, quyết tâm lập một kế hoạch giết người kín kẽ rồi phanh thây Lucila để trả thù; nhưng chỉ sau vài ngày tạm giam, cảnh sát đã buộc phải thả Florante vì không đủ chứng cứ.
Trong khoảng thời gian xảy ra vụ án, theo kết quả giám định của pháp y, Florante đang ăn chơi với bạn mình. Tuy lời khai của nhân viên thu ngân và những người chứng kiến khác có độ tin cậy khá cao, nhưng cảnh sát không tìm được bất kì chứng cứ xác thực nào để kết tội Florente.
Dù được cảnh sát trả tự do nhưng Florante từ chối rời khỏi cục cảnh sát vì sợ mình bị khủng bố.
Người chồng mất vợ sau cùng vẫn là kẻ bị hiềm nghi
Sau khi kẻ bị tình nghi đầu tiên có đủ chứng cứ chứng mình vô tội, cảnh sát chuyển hướng về phía kẻ tình nghi thứ hai, chồng của Lucila – cảnh sát tuần tra Aniano Vera.
Cuộc hôn nhân nhìn như mỹ mãn của cả hai kì thật chỉ che mắt được người ngoài không biết chuyện, bạn bè người thân chung quanh đều biết cuộc hôn nhân này đầy rẫy mâu thuẫn. Những trận khắc khẩu ngày càng thường xuyên đã khiến việc ly hôn của cả hai chỉ còn cách một tờ giấy.
Ngay cả đứa con trai 6 tuổi của hai vợ chồng cũng bị đưa về cho bà nội ở thành phố Caloocan, phía bắc Manila nuôi giùm.
Aniano đương nhiên không thể chịu được việc Lucila có tình nhân bên ngoài. Tức giận, ghen tuông tích tụ đã lâu nay được dịp bùng nổ, trước một tháng khi Lucila mất tích, Aniano từng đến nhà hàng và thẩm mỹ viện của Lucila cự cãi và nổ ba phát súng.
Đêm Lucila mất tích, Aniano nói mình có đi ăn tối với Lucila vào khoảng 6 giờ rưỡi, sau khi dùng xong thì lập tức trở về, để Lucila nghỉ ngơi ở thẩm mỹ viện.
Tuy nhiên vài người chứng kiến, bao gồm cả người thân của Lucila đều đứng ra làm chứng giúp Aniano, nói lúc anh ta rời khỏi, họ thấy Lucila đã trở về thẩm mỹ viện đi ngủ. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với chứng cứ ngoại phạm của Florante. Florante từng khai vào khoảng bảy giờ cùng ngày, anh ta đã hẹn Lucila gặp mặt ở một quán bar trên đường Rizal.
Nếu Aniano không nói dối, vậy Lucila làm sao có thể dùng bữa tối, đi ngủ và đến một quán bar khác chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ? Cả hai người tình nghi đều có địa điểm gặp nạn nhân lần cuối giống nhau, nhưng mốc thời gian thì hoàn toàn không khớp. Là một trong hai nhớ sai thời gian, hay một trong hai đã nói dối? Câu trả lời này không ai biết được, vì những lời khai nửa thật nửa giả của hai kẻ tình nghi đã che lấp hoàn toàn sự thật…
Cuối cùng cảnh sát thả Aniano ra, nguyên nhân phóng thích giống hệt như của Florante – không đủ bằng chứng buộc tội. Vì tuy được xác nhận là người gặp Lucila cuối cùng, nhưng cảnh sát không tìm được động cơ hay chứng cứ chính xác nào để buộc tội Aniano .
Kẻ tình nghi thứ ba kỳ lạ
Hai kẻ tình nghi liên tiếp đều vì chứng cứ không đủ mà được phóng thích, cảnh sát Manila phải chịu áp lực vô cùng lớn, bởi vì quần chúng và truyền thông đang theo dõi sát sao vụ án này. Họ bắt đầu phê bình và trách cứ cảnh sát, dù sao đây là một vụ án phanh thây đáng sợ, nếu không nhanh chóng tìm được hung thủ người dân rất khó an tâm.
Thêm vào đó truyền thông không ngừng đưa tin về tiến độ phá án và chê trách sự vô dụng của cảnh sát. Vì không muốn sự phẫn nộ của báo chí và dân chúng tăng cao thêm nữa, cảnh sát đã nhanh chóng bắt được kẻ tình nghi thứ ba.
Đó là một quản lý cao cấp của công ty in ấn, nghe đồn đây cũng là người tình bí mật của Lucila, nhưng tên của người này chưa bao giờ xuất hiện trong bất kì tư liệu nào. Cảnh sát bắt anh ta chỉ vì tìm được giấy các-tông trong đống báo chí gói các phần thân thể bị tách rời của Lucila.
Nói là tìm được chứng cứ mới, còn không bằng nói rằng cảnh sát đang cố bấu víu vào mọi thứ họ cho rằng có thể là manh mối, chỉ cần xuất hiện dấu vết liên quan, họ lập tức bắt người thẩm vấn. Tuy nhiên đến cuối cùng vị quản lý kia cũng được phóng thích vì không đủ chứng cứ như hai người trước.
Thời gian vụ án kéo dài càng lâu, cục cảnh sát ở Manila lại càng chịu nhiều áp lực từ dư luận, trong lúc hết đường xoay sở, họ quyết định thay đổi hướng điều tra. Sau khi đọc lại hết toàn bộ báo cáo khám nghiệm tử thi và phân tích tình trạng bị tách rời của thi thể, họ cho rằng hung thủ là một người thường xuyên sử dụng dao, rất có thể là người làm nghề bán thịt hoặc bác sĩ ngoại khoa.
Vả lại hung thủ chắc hẳn phải sở hữu một chiếc xe ô tô, mới có thể chở thi thể đi vứt ở các nơi khác nhau.
Hung thủ tự xuất hiện
Sau hai tuần, cảnh sát tìm được hướng điều tra mới: hung thủ chủ động ra đầu thú! Người tự nhận là hung thủ và chủ động tự thú này là khách thuê sống ở tầng trên thẩm mỹ viện của Lucila và là một sinh viên đang theo học ngành nha khoa - Jose Santiano.
Jose Santiano đã khai với cảnh sát rằng mình là hung thủ, nguyên nhân là do Lucila sau khi dụ dỗ thất bại đã quay sang uy hiếp sẽ làm cậu ta thân bại danh liệt. Trong lúc tranh chấp, Jose đã vô tình giết Lucila.
Quá hoảng sợ khi phát hiện Lucila đã chết, Jose quyết định chặt xác Lucila thành từng phần nhỏ đem đi vứt ở những nơi khác nhau nhằm phi tang chứng cứ; thậm chí cậu ta còn khai mình đã vứt đầu Lucila ở một nơi nào đó thuộc khu Diliman thành phố Quezon.
Sau khi Jose đầu thú, cảnh sát lập tức triển khai điều tra nhà trọ của hắn, họ tìm thấy dao phay, dao cạo và búa dính máu cùng với đôi vớ dài của nữ.
Tuy hung thủ cuối cùng đã ra đầu thú và cảnh sát cũng tìm được chứng cứ xác thực, nhưng toàn bộ quá trình dường như vẫn có gì đó kì lạ. Tại sao hung thủ lại ra đầu thú sau khi cảnh sát liên tục bắt và thả ba người tình nghi? Tại sao ngay từ đầu cảnh sát Manila lại không điều tra và lục soát toàn bộ thẩm mỹ viện – nơi được xác định là địa điểm cuối cùng nạn nhân từng xuất hiện? Lời khai của cả hai người tình nghi đầu tiên đều không chính xác, tại sao cảnh sát không điều tra tiếp mà đi tìm người tình nghi mới?
Đang lúc cảnh sát cho rằng mình đã có thể kết án, không còn phải chịu áp lực và trách mắng từ truyền thông, thì họ nhận được thông báo Jose phủ nhận toàn bộ lời khai nhận tội trước đó.
Phản cung, bức cung và đoá Thược Dược Đen của Philippines
Dù lúc ấy đã được toà định tội, nhưng Jose vẫn khăng khăng mình vô tội, cậu ta nói mình chỉ là người chứng kiến toàn bộ vụ án. Tuy vụ án thật sự xảy ra trong nhà của cậu ta nhưng kẻ giết Lucila lại là ba người đàn ông khác.
Hai trong số đó đã giết Lucila, kẻ còn lại chỉ súng uy hiếp để cậu ta không dám làm gì dại dột. Sáng ngày hôm sau, Jose nhận được một tờ giấy cảnh báo, nhắc nhở cậu ta phải im miệng không thì nạn nhân tiếp theo sẽ là Jose.
Jose tự đứng ra nhận tội hoàn toàn là do bị cảnh sát ép buộc cộng thêm việc sợ hãi ba người kia tìm tới bịt miệng.
Ngay sau khi Jose phủ nhận toàn bộ lời khai, một bác sĩ đã ra toà làm chứng, nói Jose quả thật bị cảnh sát ép buộc nhận tội. Dựa theo hồ sơ vụ án và lời khai của các nhân chứng, quan trọng nhất là nhận thấy Jose không đủ kỹ năng để phân tách thi thể nạn nhân, cuối cùng toà án phủ định phán quyết trước đó, tuyên bố Jose vô tội.
Sau bốn lần bắt và phóng thích nghi phạm, vụ án này bị xếp vào danh sách án chưa giải quyết. Tuy rằng sau đó cũng có vài người đứng ra nhận là hung thủ của vụ án, bao gồm con trai của bác sĩ George Hill Hodel - nghi can của vụ án Thược Dược Đen nổi tiếng – cũng nhận cha mình mới là hung thủ thật sự của vụ án.
Anh ta cho rằng sau khi trốn tới Philippines, George Hodel vẫn tiếp tục hành vi tội phạm của mình, bởi vì thủ pháp phanh thây trong vụ án Lucila giống hệt nạn nhân Elizabeth Short, bối cảnh sống và sinh hoạt cá nhân của hai người cũng khá giống nhau. Chính vì thế vụ án phanh thây của Lucila bắt đầu được gọi là vụ án Thược Dược Đen của Philippines.
Nhưng sau này cảnh sát đã đứng ra bác bỏ hết những lời đồn trên.
Nguyên nhân vụ án Lucila trở thành vụ án chưa giải quyết, có thể là vì những lý do sau đây:
Đầu tiên là do truyền thông lăng xê: dân chúng hùa theo tìm kiếm sự mới lạ, tham dự và can thiệp vào vụ án quá nhiều, liên tục cung cấp các manh mối không chính xác thậm chí là ra đầu thú, làm nhiễu loạn quá trình điều tra án của cảnh sát.
Tiếp theo là do mạng lưới quan hệ của Lucila quá phức tạp, bản thân nạn nhân có quá nhiều tình nhân, dẫn đến kẻ tình nghi có thể là bất cứ ai, điều này đã làm cảnh sát khó lòng tập trung vào một đối tượng nhất định để điều tra.
Cuối cùng, vào thời gian diễn ra vụ án, giới chức cảnh sát Manila đang trong tình trạng suy thoái; tham ô, bao che, hối lộ là thường xuyên xảy ra, điều này giúp hung thủ tìm được cách lách luật và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Thời gian trôi qua, dù là vật chứng hay những nhân chứng có liên quan tới vụ án, người thân của Lucila đều đã lần lượt qua đời. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng đến nay người ta vẫn chưa tìm được đầu của Lucila.
Vụ án phanh thây chưa giải quyết này, cuối cùng chỉ để lại cụm từ Chop Chop Lady - dùng để chỉ những vụ án mà nạn nhân là các cô gái bị sát hại và phanh thây một cách tàn nhẫn, lưu truyền trong xã hội Philippines.
- 0
- 0Bình luận