logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Cái chết bi thảm của \'nàng thơ\' bán xì gà New York và khả năng suy luận của đại văn hào Edgar Allan Poe

Cuốn tiểu thuyết bí ẩn xuất bản năm 1842 của Edgar Allen Poe có tựa đề The Mystery of Marie Rogêt kể về câu chuyện của Marie Rogêt, một người phụ nữ trẻ đẹp sống ở Paris được tìm thấy trong tình trạng bị đánh đập thô bạo bên sông Seine. Câu chuyện này thu hút đông đảo độc giả thời đó, có lẽ bởi ngoại trừ tên nhân vật ra, các tình tiết còn lại đều dựa trên sự kiện có thật. Khi viết tác phẩm này, Poe đã thêm thắt một cách rất rõ ràng những chi tiết từ vụ án của Mary Cecilia Rogers, một cô gái trẻ tuổi ở New York với biệt danh nàng thơ bán xì gà.

Sinh năm 1820, Mary là đứa con duy nhất của một gia đình cho thuê nhà trọ. Sau khi cha Mary qua đời năm cô 17 tuổi, cô gái trẻ đã nhận công việc tại cửa hàng thuốc lá của một doanh nhân tên John Anderson. Nhờ gương mặt ưa nhìn, Mary dễ dàng thu hút những vị khách tới mua hàng và điều đó đã mang về cho cô một mức lương cao ngất ngưởng, đủ để trang trải cuộc sống, thậm chí còn dư dả.

Sắc đẹp của Mary nổi tiếng đến mức nhiều vị khách từ rất xa đến cửa hàng chỉ để chiêm ngưỡng nàng thơ bán xì gà. Trong cuốn sách The Beautiful Cigar Girl: Mary Rogers, Edgar Allen Poe, and the Invention of Murder, tác giả sách Daniel Stashower ghi lại rằng tất cả mọi người - từ những nhà báo nghiệp dư cho đến các nhà văn nổi tiếng như Washington Irving và James Fenimore Cooper đều tìm đến cửa tiệm thuốc lá. Một nhà văn đã xúc động trước vẻ đẹp của Mary đến mức đưa cô vào tác phẩm của mình.

Tại thời điểm đó, Mary nổi tiếng một cách kì lạ. Mary có lẽ là người đầu tiên ở New York nổi tiếng đến mức này mà không cần phải làm gì nhiều.

Không lâu sau đó, vào năm 1841, bi kịch ập đến. Ngày 25/7, Mary nói với mẹ chồng và hôn phu Daniel Payne rằng cô sẽ về thăm gia đình ở New Jersey và quay trở lại một ngày sau đó. Khi Mary không quay về vào tối ngày tiếp theo, mẹ cô bắt đầu lo lắng. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Mary biến mất. Ba năm trước đấy, tờ New York Sun đưa tin Mary Rogers mất tích nhưng vài ngày sau cô lại xuất hiện. Nhiều người nghĩ đây chỉ là một chiêu trò của tờ báo để thu hút thêm độc giả.

Nhưng lần này thì khác. Ngày 28/7, thi thể của Mary được tìm thấy ở sông Hudson gần Hoboken, New Jersey. Một nhóm người đã thấy có vật thể lạ đang nổi trên sông nên họ chèo thuyền ra để kiểm tra và phát hiện đó là xác chết bị đánh đập nhừ tử của nàng thơ bán xì gà. Váy và mũ của cô gái trẻ cũng bị xé toạc.

Tranh minh họa trong cuốn sách The Mystery of Marie Rogêt của Edgar Allen Poe.

Nhiều suy đoán bắt đầu nổi lên, có người cho rằng đây là một vụ phá thai không thành và xác của cô đã bị vứt bỏ ở sông Hudson để phi tang chứng cứ. Nên nhớ rằng trong thời gian này ở New York, phá thai là một việc rất bị xét nét và dị nghị. Những người khác đổ lỗi cho vị hôn phu Daniel Payne, cho rằng đã có một cuộc cãi vã nảy lửa giữa đôi tình nhân trẻ và kết thúc bằng việc Payne xuống tay giết Mary trong cơn nóng giận. Cũng có những suy đoán khác nghi ngờ Mary dính líu đến băng đảng và đã bị thủ tiêu vì những thông tin mà cô nắm giữ.

Với quá nhiều giả thuyết xoay quanh vụ việc, Edgar Allen Poe đã bước vào "cuộc chơi". Sử dụng kỹ năng suy luận của mình, Poe đã cho ra đời tác phẩm The Mystery of Marie Rogêt, cuốn tiểu thuyết với nhân vật huyền thoại của ông, C. Auguste Dupin.

C. Auguste Dupin.

Chỉ với một vài thay đổi nhỏ trong các chi tiết chính và biến Marie thành một nhà chế tác nước hoa, Poe đã tái hiện án mạng ly kỳ của Mary. Với tác phẩm này, Poe hy vọng rằng vụ án sẽ được giải quyết, làm sáng tỏ bí ẩn và tiết lộ sự thật về số phận của nàng thơ bán xì gà. Nhiều người xem đây là cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại án mạng – trinh thám đầu tiên, một tác phẩm hư cấu dựa trên án mạng có thật.

Thật không may, đã không có kết luận cuối cùng nào cho vụ án mạng của Mary Rogers, cả trong tiểu thuyết lẫn ngoài đời. Chưa đầy ba tháng sau khi Mary qua đời, vị hôn phu đã đến nơi thi thể của cô được tìm thấy và tự sát. Anh để lại một tờ ghi chú với nội dung:

Gửi thế giới, tôi đã về lại nơi đây. Cầu Chúa tha thứ cho cuộc sống hèn mọn này.

Một năm sau đó, một người phụ nữ ở Hoboken đã bước ra tuyên bố rằng cái chết của Mary là do phá thai bất thành. Tuy nhiên, lời khai này chưa bao giờ được xác nhận.

Cũng như nhân vật C. Auguste Dupin của Poe, các nhà điều tra của thành phố New York đã không bắt được hung thủ giết nàng thơ bán xì gà Mary Rogers. Và mặc dù số phận của Mary Cecilia Rogers đã chấm dứt cùng sự xinh đẹp của nàng, nhưng câu chuyện về cuộc đời đầy cuốn hút cũng như cái kết bi thảm vẫn sẽ được lưu truyền mãi.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)