Những chi tiết kinh hoàng ít người nhắc đến trong các sự kiện lịch sử lớn
1. Những màn đáp trả cuộc không kích Doolittle
Sau vụ tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng, Mỹ đã phát động cuộc không kích Doolittle khét tiếng - một vụ đánh bom nhắm vào lục địa Nhật Bản. Cuộc tấn công không gây ra quá nhiều thiệt hại về vật chất, nhưng vẫn là một chiến thắng về mặt tâm lý quan trọng. Đây là nước đi trả thù của Mỹ cho vụ Trân Châu Cảng, và cũng phần nào khiến người Nhật nghi ngờ về sự an toàn của họ.
Nhiều thường dân Nhật mất mạng do cuộc không kích. Nhiều trường học bị tấn công, trẻ em bị giết, nhà cửa bị phá hủy. Công chúng Nhật Bản đã rất tức giận, và sự tức giận đó được đổ hết lên đầu người Trung Quốc. Người Nhật lập tức lên kế hoạch phá hủy các sân bay và cơ sở hạ tầng ở ven biển Trung Quốc để ngăn chặn khả năng một cuộc đột kích khác. Các thị trấn và làng mạc bị nghi ngờ giúp giải cứu các phi công bị san bằng đất hoàn toàn.
Thị trấn 50.000 người Nancheng đã bị tấn công và san bằng. Bất cứ ai giúp đỡ những phi công của vụ đột kích Doolittle đều bị tra tấn. Một đợt dịch tả làm cho tình hình thêm tệ, quân lính Nhật dọn dẹp sạch sẽ các bệnh viện, không cho phép công cụ cũng như thuốc men được nhập vào, khiến cho những người bệnh nhân ở đây phải uống nước bẩn. Tổng cộng, ước tính đã có khoảng 250.000 thường dân đã chết.
2. Hàng ngàn con chó đã bị giết vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam
Việc rút khỏi Việt Nam là một trong những khoảnh khắc tệ hại nhất của lịch sử quân sự Hoa Kỳ, vết thương còn bị xát thêm muối khi Mỹ phải bỏ lại hàng ngàn con chó nghiệp vụ. Chúng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: Trinh sát, thăm dò các cuộc phục kích, phát hiện bẫy mìn và bảo vệ các căn cứ quân sự. Đã có khoảng 4000 con chó phục vụ trong suốt cuộc chiến, ước tính cứu được 10.000 người.
Tuy nhiên, kết thúc cuộc chiến đã đặt ra câu hỏi khó khăn rằng họ sẽ làm gì với số chó này. Mỹ rút khỏi Việt Nam và họ thậm chí còn không có đủ thời gian để mang theo tất cả các thiết bị của họ. Mặc kệ lời khẩn cầu của những sĩ quan huấn luyện chó, chỉ có khoảng 200 con chó trở về Mỹ. Phần còn lại hoặc bị tiêm thuốc trợ tử, hoặc được trao lại cho những người dân miền Nam. Sĩ quan huấn luyện chó Rick Claggett đã đề nghị trả tiền để đưa con chó của ông trở về Mỹ, nhưng ông chỉ nhận lại câu trả lời là những con chó bây giờ được xem như thiết bị dư thừa, không cần thiết, và nếu ông cứ lải nhải thì ông cũng sẽ ở lại đây cùng con chó.
3. Sự cố Y2K vẫn còn xảy ra vào năm 2020
20 năm trước, thế giới vui mừng chào đón một thiên niên kỷ mới. Mọi người tin rằng sự cố Y2K chỉ là một trò lừa bịp, và mọi thứ đều ổn. Nhưng mọi thứ ổn nhờ những nỗ lực của vô số nhân viên công nghệ thông tin trên toàn thế giới làm việc không mệt mỏi để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, những gì họ đã làm để đảm bảo những chiếc máy tính sẽ không bị hỏng vào năm 2000, sẽ có thể khiến chúng bị hỏng vào năm 2020.
Nhưng tại sao? Đơn giản mà nói, máy tính lưu trữ ngày tháng dưới dạng hai chữ số, chẳng hạn như 1993 = 93. Nỗi sợ hãi trong suốt thời gian xảy ra sự cố Y2K là máy tính sẽ hiểu 00 thành 1900 chứ không phải 2000. Một cách để khắc phục vấn đề này là một thao tác tên “windowing”, chuyển định dạng của năm thành dạng bốn chữ số. Đầu năm 2020, những hệ thống chưa được cập nhật đều hiển thị số năm là 1920 chứ không phải 2020, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Ngay cả tại thời điểm năm 1999, windowing cũng bị xem là một phương pháp kém hiệu quả, một bài báo của HPC Wire năm 1999 nói rằng các giám đốc điều hành của những công ty lớn và quan chức chính phủ đã chấp thuận sử dụng phương pháp này vì họ biết rằng các vấn đề sẽ chỉ xuất hiện trở lại sau khi họ đã về hưu, hoặc thậm chí là qua đời.
4. Câu chuyện quốc tang của Abraham Lincoln
Cái chết của Tổng thống Abraham Lincoln đã mở đầu cho một kỳ quốc tang lớn. Hàng triệu người Mỹ đau buồn và muốn dự tang lễ của vị tổng thống, nhưng một số lượng người đông đảo như vậy không thể tập trung tại một chỗ quá lâu. Và giải pháp là một loại tang lễ đặc biệt theo hướng du lịch.
Thi thể của Lincoln được mang đi suốt 180 thành phố và 7 tiểu bang. Đoàn người đưa tang đi lại bằng tàu hỏa, họ dừng ở mỗi thành phố và dựng xác Lincoln tại một không gian công cộng để mọi người đến chịu tang và tỏ lòng thành kính. Kinh dị hơn là trong thời gian này, tủ lạnh vẫn chưa được phát minh, nghĩa là xác của Lincoln di chuyển vòng quanh đất nước mà gần như không có bất kỳ phương pháp bảo quản thích hợp nào. Vào thời điểm đoàn tàu đi đến Manhattan, khuôn mặt đanh thép một thời của Lincoln đã bị biến dạng khá ghê rợn. Tờ New York Times thời đó ghi lại rằng:
Điều này về cơ bản là không thể thực hiện được, mặc dù có ướp xác để tiếp tục triển lãm lâu hơn nữa, nhưng cơ thể liên tục bị di chuyển và ô nhiễm do tiếp xúc với không khí và bụi ngày càng tăng, đã làm hỏng phần lớn cơ thể vị cựu tổng thống.
5. Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã lấy mạng rất nhiều người Mỹ bản địa
Cuộc đua vũ trang giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã đẩy nhu cầu tìm uranium lên cao vọt, và từ năm 1944 đến 1989, 3,9 triệu tấn quặng uranium đã được khai thác bởi các công nhân Navajo, hầu hết trong số đó được trả ít hơn mức lương tối thiểu. Tệ hơn là nhiều công nhân thậm chí còn không biết tiếng Anh, nên họ đã không được dặn trước về mức độ nguy hiểm của uranium, họ thậm chí còn không biết thứ mình đang khai thác là gì. Đã có 90 thợ mỏ Navajo tham gia quá trình nghiên cứu để thử và xác định mức độ nguy hiểm của phóng xạ, nhưng họ vẫn không được thông báo về những rủi ro tiềm ẩn.
Sau thời gian này, tỷ lệ ung thư, suy thận và sẩy thai tăng đáng kể. Ước tính khoảng 500-600 công nhân đã chết vì ung thư phổi trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1990 và một nghiên cứu gần đây của CDC đã tìm thấy uranium trong nước tiểu của 27% người dân Navajo ngày nay.
6. Những tù nhân đồng tính của khối Đồng Minh
Trước năm 1933, Berlin có khoảng 80 quán bar đồng tính, nhà hàng và câu lạc bộ đêm. Tuy nhiên, trong vòng một tháng nắm quyền, Hitler đã cấm hoàn toàn các ấn phẩm và tổ chức LGBT, thậm chí còn lục soát Viện Nghiên cứu Khoa học Giới tính để phá hủy nghiên cứu của họ. Hàng ngàn người đồng tính nam đã bị gửi đến nhà tù hoặc trại tập trung. Những người sống sót thì bị bỏ đói, bị tra tấn và đôi khi được sử dụng trong các thí nghiệm y tế. Vào thời điểm quân Đồng Minh giải phóng các trại tập trung, chỉ khoảng 4000 người còn sống.
Tuy nhiên, ngay cả quân Đồng Minh cũng chẳng có thiện cảm gì mấy. Những người đồng tính nam lại bị cầm tù theo Điều 175, một phần của bộ luật hình sự Đức có trước thời Đức Quốc Xã. Theo đó, chính quyền Mỹ xem những người bị bắt theo Điều 175 là những tù nhân chiến tranh, và những người sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust bị buộc phải hoàn thành phần còn lại của bản án. Nhưng tệ nhất là việc những người thực hiện thử nghiệm trên các tù nhân đồng tính không hề phải chịu hậu quả gì. Người nổi tiếng nhất trong số họ là Tiến sĩ sĩ Carl Værnet (ông là người thiến và tiêm hormone vào những tù nhân nhằm “chữa họ khỏi bệnh đồng tính"), theo chính quyền Anh và Đan Mạch, ông đã được phép trốn sang Argentina.
7. Phép màu sông Hudson đã dẫn đến việc hàng ngàn con ngỗng bị thảm sát
Vào ngày 15/1/2009, phi công Chesley Sullenberger đã thành công hạ cánh chiếc máy bay chở khách của mình lên mặt sông Hudson sau một cuộc tấn công bất ngờ từ những con chim, sự kiện này sau đó được đặt tên là Phép màu sông Hudson. Nhưng điều không được nhiều người biết đến là vụ việc này đã dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn con chim hoang dã. Trong một nỗ lực giảm dân số ngỗng và tránh các cuộc không kích trong tương lai, ước tính đã có 1235 con ngỗng Canada bị xịt khí gas và 1739 quả trứng ngỗng bị tiêu hủy ngay sau vụ việc.
Con số kể từ đó chỉ tăng lên, với ước tính 70.000 con chim thuộc mọi loài đã bị diệt vào năm 2017.
8. Cuộc thảm sát thú cưng ở Anh
Khi chiến dịch Blitz bắt đầu, một tờ rơi đã khuyên răn những người nuôi thú cưng, đề nghị họ nên gửi thú cưng yêu quý về vùng nông thôn hoặc nếu không được thì nên giết chúng. Lời kêu gọi giải thích rằng không có nhiều thức ăn, và sẽ nhân đạo hơn nếu chủ của những chú thú cưng giết chúng còn hơn là để chúng chết đói. Nhiều chủ sở hữu thú cưng cũng lo lắng rằng thú cưng của họ sẽ bị giết trong vụ đánh bom, hoặc thậm chí nuôi thú cưng sẽ tốn kém.
Các ước tính cho rằng đã có khoảng 500.000 đến 750.000 con thú bị giết chỉ trong vòng một tuần ở London. Một số người đã chọn cách tự tay giết thú cưng của mình, nhưng phần lớn lại đổ xô về những cơ sở thú y để mong họ làm việc này. Dòng người đông đến mức khi các bác sĩ thú y xong việc, xác động vật phải chất đống trên đường phố vì không còn chỗ trong nghĩa trang. Hơn 500.000 động vật được chôn cất chỉ trong một nghĩa trang.
9. Bão Katrina làm ngập buồng giam của 600 tù nhân
Khi cơn bão Katrina tiến gần đến New Orleans, lệnh sơ tán đã được phát trên phạm vi toàn thành phố. Nhưng điều lệnh này không giúp ích mấy cho những tù nhân ở nhà tù Templeman III. Họ bị bỏ rơi trong các buồng giam mà không có thức ăn hay nước sạch trong bốn ngày liền. Các máy phát điện ngừng hoạt động khiến các buồng giam chìm trong bóng tối, hệ thống nước thải dự phòng cũng không hoạt động được khiến các tù nhân bị ngập trong mực nước thải cao ngang ngực. Nhiều tù nhân trong số này phải ở tù chỉ vì chiếc vé đậu xe chưa trả tiền, nhưng họ vẫn bị bỏ mặc lại cho chết.
Nhiều tháng sau, khi cơn bão qua đi, hàng trăm tù nhân đã bị mất tích, không ai biết số phận họ ra sao. Có những người đã chết trôi, cũng có những người may mắn trốn thoát được, nhưng không ai dám chắc chắn điều gì cả.
10. Người Hawaii phải sống dưới chế độ thiết quân luật sau sự kiện Trân Châu Cảng
Vài giờ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, thống đốc của Hawaii, Joseph Poindexter, đã đặt toàn bộ Hawaii vào chế độ thiết quân luật. Không như lục địa Hoa Kỳ, ở đây có quá nhiều người Mỹ gốc Nhật nên họ không thể tống giam tất cả, thay vào đó, mọi cư dân Hawaii đều phải sống dưới sự cai trị của quân đội.
Một lệnh giới nghiêm đã được đưa ra, người dân buộc phải đào hầm tránh bom tạm thời và đặt dây thép gai trên khắp các đảo. Thức ăn bị chia khẩu phần, rượu bị cấm và các khách sạn bị quân đội chiếm đóng. Bất kỳ cư dân nào trên 6 tuổi đều phải đi lấy dấu vân tay, tất cả thư và tin tức đều bị kiểm duyệt. Bất cứ ai vi phạm bất kỳ quy tắc mới nào cũng sẽ phải đối mặt với tòa án quân sự mà không thể kháng cáo. Hawaii đã sống trong chế độ độc tài thế này suốt bốn năm.
- 0
- 0Bình luận