logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Tự nhận sống ở Việt Nam 12 năm và có vợ Việt, một người Mỹ tự tin \'dạy khôn\' cả Việt kiều

Vấn nạn phân biệt chủng tộc - một câu chuyện cũ nhưng chưa bao giờ hết nóng ở mọi nơi trên thế giới. Phong trào Black Lives Matter cùng những chỉ trích việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát da trắng đối với người da màu trong tháng 6/2020 vừa qua đã thu hút sự chú ý và phản ứng mạnh mẽ của dư luận toàn cầu.

Tuy nhiên không chỉ người da trắng kì thị người da màu mà nhiều người châu Á (cụ thể là người Việt Nam) cũng luôn có thái độ đề cao người da trắng hơn hẳn những nhóm chủng tộc khác.

Khách du lịch da trắng khi tới Đông Nam Á luôn nhận được sự chào đón hơn hẳn người da màu, Trung Đông hay Ấn Độ. Sự thiên vị vô hình này thực tế xuất hiện ở mọi mặt đời sống, không chỉ riêng trong ngành dịch vụ.

Như câu chuyện của nhà văn gốc Việt nổi tiếng Viet Thanh Nguyen là một minh chứng. Trong bài đăng có nội dung bình phẩm về bộ phim Da 5 Bloods của đạo diễn Spike Lee vào cuối tháng Sáu vừa qua, một người dùng Facebook đã để lại bình luận vô cùng "khó quên" như thế này trên trang của Viet:

Ảnh từ tường nhà của tác giả Viet Thanh Nguyen

Frank J. Ferendo: Là một người sống ở Việt Nam 12 năm qua với một bà vợ Việt Nam, tôi cho là anh không thực sự hiểu người Việt Nam hay người Mỹ đâu. Có lẽ anh nên về Việt Nam du lịch hay tốt hơn là sống ở đó vài năm để hiểu thêm về di sản của mình.

Viet Thanh Nguyen: Ôi Chúa ơi. Tôi đang được "dạy bảo" bởi một gã da trắng có vợ là NGƯỜI VIỆT NAM.

Với nhiều người, bình luận của Frank tuy có phần vô duyên, nhưng vẫn khá vô hại. Song trong mắt của nhà văn - giảng viên Viet Thanh Nguyen, đây lại là biểu hiện của căn bệnh có tên Orientalist - Người Phương Đông, thường dùng để chỉ những người không có nguồn gốc Á Đông nhưng luôn tỏ ra hiểu biết về các nước này.

"Tôi sẽ nói thẳng. Tên Frank đó có lợi thế hơn tôi khi hắn sống 12 năm ở Việt Nam. Tôi thì chỉ ở đó có 4 năm khi còn nhỏ và thêm một năm nữa khi quay lại đây học tiếng và làm các nghiên cứu lúc trưởng thành. Khi tôi nói 'học tiếng' bao gồm cả việc đi các club nữa, nhưng việc học là thế mà.

Chân dung tác giả Viet Thanh Nguyen
Hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn từng đoạt giải Pulitzer là The Sympathizer và The Refugees

Luận điểm tiếp theo của Frank là hắn ta có một cô vợ Việt. Một điều kỳ lạ là, tôi cũng có vợ là người Việt Nam mà! Và chúng tôi kết hôn với nhau được 23 năm rồi đó. Nhưng vì cô ấy là người Mỹ gốc Việt nên coi như không tính đi. NHƯNG!!! Tôi có bố mẹ là người Việt!!! Và tôi sống với họ 17 năm liền!!! Thế có tính cả họ luôn không?

Rồi tay Frank này nói tôi không biết gì về người Việt Nam. Làm sao để chứng minh cái này nhỉ. Cá là Frank ý rằng khi tôi đi du lịch phía Bắc Việt Nam, người Việt sẽ nghĩ tôi là người Hàn và bất ngờ với khả năng tiếng Việt của tôi (vì nghĩ tôi là người Hàn nhé)...

Nhưng dở hơi nhất là ở chỗ Frank bảo tôi không biết gì về người Mỹ nữa. Thôi rồi, đọc đến đây thì tôi biết Frank là người thế nào rồi. Vì tôi sống ở Mỹ 45 năm rồi, có cả bằng Tiến sĩ ngành Tiếng Anh và đang là Giáo sư nên tôi khá là chắc tiếng Anh còn tốt hơn nhiều người Mỹ.

Tôi còn thắng cả giải Văn chương Pulitzer (!), điều mà rất ít người Mỹ có thể làm được. Ừ, nhưng bằng cách nào đó thì 45 năm sinh sống ở Mỹ của tôi sẽ chẳng bằng 12 năm sinh sống ở Việt Nam của hắn, mà tôi chắc là nhờ có người vợ Việt Nam. Bố mẹ tôi cũng hay bảo phụ nữ Việt Nam là số 1 mà.

Rồi Frank bảo tôi là nên dành vài năm ở Việt Nam để hiểu thêm về di sản của mình, mà tôi sẽ dịch cho các bạn là: CÚT VỀ CÁI CHỐN MÀ MÀY ĐẾN TỪ ĐI.

Cơ bản, Frank là một thằng ĐẠI PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC và dùng vỏ bọc là con người hắn, vợ hắn và bất cứ ai nghĩ là hắn đúng chỉ vì hắn lấy vợ Việt và sống ở Việt Nam. Tôi gặp khá là nhiều Frank ở Việt Nam rồi đấy, và để tôi nói cho các bạn nghe này: tất cả những người như hắn đều có vợ, bạn gái hay cả 'tay vịn' người Việt.

Để tôi kết lại bằng một thứ học thuật hơn này. Frank không chỉ phân biệt chủng tộc đâu, Frank còn là cái mà Edward Said (giáo sư văn học tại Đại học Columbia, một trí thức công cộng, và là người sáng lập của lĩnh vực học thuật nghiên cứu hậu thuộc địa - ND) nói về một NHÀ PHƯƠNG ĐÔNG HỌC. Một kẻ thế này chắc chắn đã sống nhiều năm ở một quốc gia 'phương Đông' và tự cho mình là người yêu phương Đông và thành thạo ngôn ngữ tại nơi mình đang sống.

- Đông phương kỳ lạ

- Đông là Đông, Tây là Tây và không có bất cứ điểm chung nào giữa chúng

- Nhiệm vụ/Gánh nặng của người da trắng là 'khai hóa' cho phương Đông

Chủ đề chính trong chủ nghĩa Đông phương do Edward Said đề xướng

'Nhà Đông phương học' yêu quốc gia phương Đông của mình và nếu gặp một người Mỹ có nguồn gốc phương Đông, hắn sẽ hỉ mũi và nói 'Chú em mất gốc rồi' (Frank bảo đấy là 'di sản của tôi'). Nhưng Said đã chỉ ra rằng, một 'nhà Đông phương học', dù không biết rất nhiều điều về quốc gia mình đang ở, vẫn dùng thứ kiến thức của hắn để khiến cho cái sự thượng đẳng của hắn sống mãi.

Hắn thậm chí còn tạo ra những định kiến sai lệch về người phương Đông nhằm bảo tồn vị thế thượng đẳng của hắn. Một trong số đó phải kể đến suy nghĩ, quen được một phụ nữ phương Đông là nắm được cả quốc gia phương Đông đó trong tay.

Tóm lại, f*ck Frank. Nhưng đáng buồn ở chỗ, nhiều người Việt Nam cũng đang bào chữa cho hắn và nghi ngờ rằng, liệu người Mỹ gốc Việt có phải người Việt hay không...

Nếu các bạn đã từng chứng kiến những người Việt Nam 'xúc động' khi thấy một tên da trắng có thể bập bẹ vài ba từ tiếng Việt nhưng lại nghi ngờ về 'chất Việt Nam' của một người Mỹ gốc Việt khi anh ấy nói sai một từ gì đó trong tiếng Việt, bạn sẽ hiểu điều tôi đang nói.

Quan niệm của phương Tây về những châu lục khác

Với tôi, tôi không quan tâm người Mỹ hay người Việt nghĩ sao về con người của tôi. Tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng nước Mỹ mới làm nên tôi như nhiều người khác. Đừng đổ lỗi cho chúng tôi về lịch sử đã khiến chúng tôi như vậy. Đừng dán nhãn cho chúng tôi chỉ bằng một định danh.

Chúng tôi có thể tự gọi mình bằng nhiều cái tên và có thể sử dụng chúng mỗi khi nào chúng tôi cần - người Việt, người Mỹ, Mỹ gốc Việt, người di cư, người tị nạn, người sống lưu vong hay những người hồi hương. Và quan trọng nhất với tôi, tôi là một người con, người chồng, người đọc và người viết."

Nhiều bình luận phía dưới bài đăng của tác giả Viet Thanh Nguyen cũng ủng hộ sự đồng tình với thái độ của tác giả, đồng thời chỉ trích sự nông cạn cũng như bộ mặt giả tạo của những Frank. Trong thời điểm mà những vấn đề liên quan đến chủng tộc hay sắc tộc được quan tâm nhiều như lúc này, một thái độ kiên quyết, thẳng thắn với những biểu hiện phân biệt chủng tộc đều là rất đáng để tuyên dương và học hỏi.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)