Vận động viên nhí Nhật Bản bị bạo hành trong thời gian tập luyện
Vào ngày 20/7/2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa công bố một báo cáo về những vận động viên nhí Nhật Bản bị bạo hành nghiêm trọng. Đáng sợ hơn, những huấn luyện viên thường xem việc lạm dụng và ngược đãi này là đương nhiên trong quá trình luyện tập. Bản báo cáo được thực hiện dựa theo 56 cuộc phỏng vấn với 757 phản hồi về vấn đề bạo hành trong ít nhất là 16 môn thể thao từ trước đến nay.
Theo bản báo cáo, từ tháng Ba đến tháng Sáu năm nay, hơn một nửa số người tham gia đã chia sẻ về những trải nghiệm bị ngược đãi trong quá trình luyện tập, bao gồm 175 vận động viên có độ tuổi dưới 24 đã và đang trải qua quá trình bị lạm dụng này. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, thay vì thể thao mang đến niềm vui và sức khỏe cho trẻ em thì giờ đây, nó biến thành một nỗi sợ, nỗi đau của rất nhiều vận động viên trẻ tuổi.
Một vận động viên bóng chày 23 tuổi ẩn danh đã chia sẻ việc bị huấn luyện viên đánh đập trước mặt các bạn học tại trường trung học. Một vận động viên bóng rổ giấu tên cũng thừa nhận mình bị thầy giáo và đồng đội đánh đập nhiều lần đến mức bầm tím và chảy máu. Theo đó, những hành động như đánh đập bằng gậy, dìm đầu xuống nước,... là những "kỹ thuật huấn luyện" được sử dụng thường xuyên đối với vận động viên nhí tại Nhật Bản.
Điều đáng nói hơn, ở cuối bản báo cáo, tổ chức này còn khẳng định việc lạm dụng không chỉ diễn ra ở Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, sau cái chết của nữ vận động viên 22 tuổi Choi Suk Hyeon, những thành viên câu lạc bộ phải lên tiếng về việc lạm dụng thể chất của huấn luyện viên tại đây. Tại Mỹ cũng có hơn 120 trường hợp tố cáo bác sĩ của môn thể dục dụng cụ Larry Nassar lạm dụng tình dục với hàng trăm phụ nữ và trẻ em. Sau cùng, Nassar bị kết án đến 175 năm tù giam vì tội trạng của mình.
Có thể thấy, bản báo cáo đáng kinh ngạc này đã phô bày cho thế giới thấy một góc khuất tăm tối trong thể thao Nhật Bản nói riêng và toàn thế giới nói chung. Điều cần thiết ngay lúc này là một cuộc cải tổ nghiêm túc cách thức huấn luyện thể thao của các nước nhằm ngăn chặn mọi hành vi bóc lột, ngược đãi, lạm dụng sức khỏe, danh dự của trẻ.
- 0
- 0Bình luận