logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

\'Mulan\' dự đoán công chiếu vào tháng 8 nhưng có khả năng thành \'bom xịt\' vì lý do đầy \'kịch tính\'

Vào ngày 20 tháng 7, khi Warner Bros. thông báo rằng họ sẽ tạm thời từ bỏ tham vọng cho Tenet của đạo diễn Christopher Nolan ra rạp, Disney dường như muốn chiếm lấy cơ hội này để phá vỡ thế cục "đóng băng" của nền công nghiệp điện ảnh dưới tác động của Covid-19 bằng một bước đi mạo hiểm - công chiếu Mulan vào ngày 21 tháng 8.

Ra mắt phim Hollywood ở Trung Quốc luôn là một cuộc chơi cân não

Không nghi ngờ gì khi nói Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất thế giới, đối với nhiều mặt hàng và dịch vụ chứ không riêng phim ảnh. Tuy nhiên, luôn luôn là một canh bạc mà nhà phát hành phải đối mặt khi công chiếu phim tại đất nước tỷ dân này. Không chỉ vì đại dịch Covid-19 khiến các rạp đóng cửa vô thời hạn, mà chính sách của chính phủ và thái độ của người dân Trung Quốc cũng là yếu tố quyết định.

Đảm bảo sự thành công về mặt doanh thu ở thị trường Trung Quốc là rất cần thiết. Với chi phí sản xuất lên đến 200 triệu USD, trở thành phim live-action tốn kém nhất của Disney, Mulan và Lưu Diệc Phi lại càng không thể thất bại tại "sân nhà".

Trong số các live-action của Disney trước đây, Jungle Book đã ghi điểm tốt nhất ở Trung Quốc, thu về 150 triệu USD, tương đương khoảng 1/6 tổng doanh thu trên toàn thế giới. Về phần hoạt hình, Kung Fu Panda 3 thậm chí còn làm tốt hơn với 154 triệu USD.

Đối với Trung Quốc, việc chọn phim để công chiếu là một quyết định mang tính kinh tế và cả chính trị. Sự phê chuẩn có lợi của cơ quan chức năng thường được ưu tiên dành cho những bộ phim có khả năng mang về doanh thu lớn, nhưng phải thỏa mãn tiêu chí về tuyên truyền các giá trị văn hóa, xã hội, chính trị của Trung Quốc, hoặc ít nhất là vô thưởng vô phạt và không công kích nhà cầm quyền.

Trong trường hợp này, Mulan là một ứng viên tuyệt vời để quảng bá hình ảnh và các giá trị "Trung Hoa anh hùng" thông qua cốt truyện vốn đã quá quen thuộc đối với người Trung Quốc, Lưu Diệc Phi cũng là một diễn viên có quan điểm ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.

Disney hiểu rõ điều đó và họ đã tốn nhiều công sức để chăm chút Mulan sao cho đáp ứng sự mong đợi của chính quyền và người dân Trung Quốc, bao gồm cả việc thuê các chuyên gia tư vấn về văn hóa và kiểm tra thẩm định các chi tiết trong Mulan dù là nhỏ nhất.

Tuy nhiên, giờ đây, Mulan có thể phải đối mặt với một tình huống chính trị phức tạp khác thường. Vào ngày 21 tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, vào ngày 22 tháng 7, một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh có thể đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Vũ Hán để trả đũa.

Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ cấm Mulan, nhưng nó có thể khiến bộ phim trở thành một mục tiêu tiềm năng nếu Trung Quốc muốn đánh một đòn đau nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Trong trường hợp Trung Quốc đã phê duyệt cho phát hành bộ phim, Disney buộc phải ra quyết định công chiếu càng sớm càng tốt hơn là kéo dài thời gian và có khả năng gặp nguy cơ do quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng.

Mulan đối mặt với những rủi ro nào?

Như đã nói ở trên, Disney đang chịu một áp lực lớn khi không có nhiều lựa chọn trong việc ấn định thời gian công chiếu. Ngoài nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, vai diễn mang tính lịch sử của Lưu Diệc Phi còn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố khác.

Thứ nhất, Tenet không biết khi nào sẽ ra mắt, Warner Bros. khá úp úp mở mở trong việc này, tất nhiên Disney sẽ không muốn đụng lịch với phim của Nolan và bị chia bớt doanh thu. Chưa kể nếu dây dưa sang tháng 10 thì Mulan còn bị đe dọa bởi Wonder Woman.

Thứ hai, hầu hết các trường học trên thế giới được dự đoán sẽ mở cửa lại vào tháng 9, vì vậy nếu Disney muốn tối ưu hóa doanh thu, họ phải công chiếu Mulan khi giới học sinh vẫn còn trong thời gian "nghỉ hè". Thương hiệu Mulan khá là có sức nặng với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Thứ ba là một rủi ro mà Disney khó có khả năng kiểm soát được, đó là tinh thần dân tộc đang lên cao và thái độ "bài Mỹ" của người Trung Quốc đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Các chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc để khích lệ chủ nghĩa dân tộc đang cho thấy hiệu quả.

Mới đây, sự vây hãm của Mỹ và đồng minh đối với Huawei đã khiến người dân Trung Quốc ồ ạt chuyển sang mua điện thoại của hãng này, khiến Huawei vượt qua Samsung, nhảy vọt lên thành nhà sản xuất chiếm thị phần bán lẻ điện thoại di động nhiều nhất thế giới.

Như vậy, Mulan phải đối mặt với một nguy cơ là vì "lòng yêu nước" mà người dân Trung Quốc sẽ không ra rạp xem một phim về văn hóa nước mình nhưng lại do Mỹ sản xuất. Lưu Diệc Phi cũng có thể gặp rủi ro tương tự là bị một số thành phần cực đoan "tẩy chay" (Lưu Diệc Phi hiện là công dân Mỹ).

Trước đó, nữ diễn viên 33 tuổi cũng đã bị người Hong Kong lên án vì ủng hộ nhà cầm quyền đàn áp người biểu tình.

Có thể nói, sự thành bại của Mulan, cách Disney xử lý khủng hoảng nếu có, hoặc cách mà nhà sản xuất này ứng phó trước bối cảnh nhiễu nhương kinh tế - chính trị - dịch bệnh vô cùng phức tạp sắp tới đây sẽ trở thành một "case study" hấp dẫn và đáng chiêm nghiệm.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)